Người đồng tính trên báo

Thứ Sáu, 27/02/2009, 15:19
"Nhiều người xung quanh bảo em điên. Em có điên không chị?". Câu hỏi gấp gáp nhưng thẳng thắn của một độc giả nữ gọi đến số điện thoại của Tòa soạn Báo CAND khiến tôi ngạc nhiên...

Phải thừa nhận, trong đầu tôi lúc đó thoáng có ý nghĩ: "Em cảm thấy mình rất khác người. Em chỉ thích con gái và yêu con gái thôi. Có phải như vậy là điên thật không chị?". Đến đây thì tôi đã hiểu, nữ độc giả này muốn được tác giả bài viết về người đồng tính vừa đăng trên số báo ra ngày 18/2 giúp mình có câu trả lời, cô có phải người điên không?

Do ngẫu nhiên và cũng một phần muốn khám phá, mấy năm nay tôi khá quan tâm đến vấn đề người đồng tính. Và rất may mắn, tôi đã trở thành bạn của một số người thuộc "thế giới thứ ba". Qua họ, tôi tiếp cận với cộng đồng người đồng tính khá dễ dàng.

Dẫu mới gặp lần đầu đi chăng nữa, phần lớn những người này sẽ tin tưởng chia sẻ những suy nghĩ, chuyện riêng tư của mình. Họ cũng chẳng ngại ngùng bộc lộ tính cách rất chi đàn bà (người đồng tính nam) hoặc rất đàn ông (người đồng tính nữ) với tôi. Tôi phát hiện ra những điểm nổi bật về tính cách có khi từ những chi tiết rất nhỏ.

Hẳn bạn đọc là nữ thích ăn quà vặt ở Hà Nội sẽ biết, trên phố Hàng Than có hàng sữa chua, caramen, bánh su cực ngon. Lần đó, tôi đi ăn cùng người bạn đồng tính nam. Khách hàng phần lớn là nữ ngồi kín vỉa hè và hào hứng với món quà vặt ưa thích. Trong tiếng ồn ào của đám chị em, bạn tôi than thở "đồ ăn ở đây ngon thật nhưng nhiều gái quá. Cách Cách (tên một người bạn cũng thuộc "thế giới thứ ba") đã thề không thèm đến đây vì không chịu được cái đám 9 vía (chỉ phụ nữ)".

Hay lần khác, một cô bé tuổi teen là người đồng tính nữ khi đang ngồi cùng tôi trên Bờ Hồ đã dóng mắt ra phía trước và nhìn thấy một đôi trai gái tay trong tay. Cô gái thẳng thắn bộc lộ: "Nhìn những cảnh này, nhiều lúc em chỉ muốn chạy lại lôi cô gái từ tay người đàn ông kia về phía mình. Em muốn mình phải ở vị trí của anh ta". Gặp hai tình huống ngẫu nhiên và được nghe những người bạn đồng tính bộc lộ suy nghĩ, tôi đã có thêm sự hiểu biết về họ cũng như đặc thù của từng giới.

Tôi thấy mình may mắn đã tạo được kênh "tín chấp" đáng tin cậy khi tiếp xúc với cộng đồng người đồng tính. Nghề báo có nhiều cách tiếp cận, tìm hiểu thông tin, tìm hiểu đối tượng. Và cái cách tạo thiện cảm, lòng tin từ những người mình gặp đầu tiên để rồi qua họ chiếm được cảm tình của những người trong nhóm là một "ngón nghề".

Tại sao tôi lại diễn giải cái sự làm thân với người đồng tính của mình? Với người làm báo, "moi tin" là một trong những yếu tố quan trọng khi muốn tiếp cận và viết về bất cứ vấn đề nào, chứ đâu riêng về người đồng tính. Nhưng tôi xin thưa rằng, sau một thời gian được một số người bạn trong "thế giới thứ ba" coi như "chị em gái", tôi mới biết rằng họ là người rất kỹ tính. Chỉ cần nhìn là họ biết "cái mặt này chơi được hay không chơi được" chứ chưa cần phải xem anh/chị muốn gì, làm gì đâu. Nếu ưng cái mặt và hiểu cái bụng anh/chị rồi, họ sẽ rút ruột, rút gan tin tưởng. Ngược lại, một khi đã mất tín rồi, thì dù có muốn xây dựng lại "thương hiệu" cũng hoài của, hoài công. Đã mất công toi thì chớ, họ sẽ "xỉ vả" anh/chị ở bất cứ đâu, với bất cứ ai. Và cái bài ca ấy sẽ được lặp lại ngay khi có ai đó nhắc đến cái tên anh/chị.

Thế nên giữ chữ tín với một người để được lòng tin của nhiều người trong cộng đồng người đồng tính là vô cùng quan trọng. Bằng không, lại phải xây dựng lại những mối quan hệ mới. Một công việc rất mất thời gian và chưa chắc đã thu lại kết quả như mong đợi. Chẳng phải người xa lạ nào cũng dễ dàng bày tỏ bản ngã với mình, nhất là lại về vấn đề giới tính rất riêng tư và còn khá nhiều điều thị phi. Cái nguyên tắc chân thành trong mọi vấn đề đã giúp tôi chiếm được sự tin cậy.

Ngày 17/2, Học viện Báo chí tuyên truyền và Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSee) tổ chức cuộc hội thảo "Thể hiện người đồng tính trên báo in và báo mạng" và tôi được đơn vị tổ chức mời đích danh tới tham dự. Trong hội thảo, ngoài nhóm nghiên cứu còn có những người làm công tác đào tạo báo chí, nhà nghiên cứu xã hội, văn hoá.

Đặc biệt, ban tổ chức đã mời các nhà báo gần đây có nhiều bài viết về vấn đề này tới dự. Ban tổ chức đã công bố nghiên cứu trên kết quả nghiên cứu từ 502 bài viết về người đồng tính trên các báo in: Công an nhân dân, Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiền phong và trên các báo mạng... Xuất phát từ thực tiễn, khi mà gần đây chủ đề đồng tính được các báo khai thác dưới nhiều góc độ, nhóm nghiên cứu đã lấy những bài viết ở các báo trên để bước đầu đưa ra những nhận định về hình hài người đồng tính trên phương tiện truyền thông. Một việc làm lẽ ra phải được thực hiện từ lâu, nhưng dù muộn, đây cũng là lần đầu tiên một cơ sở có chức năng đào tạo nghề báo và một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về các vấn đề xã hội đã đi tiên phong.

71% là tỷ lệ đồng tính đóng vai trò chủ đề phụ trong các bài viết được nhóm nghiên cứu đưa ra thật đáng giật mình. Đồng tính "ăn theo" trong các bài viết mà chủ đề chính là các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thời trang, giới thiệu sản phẩm mới (chủ yếu là các sản phẩm giải trí). Chỉ có 29%, đồng tính là chủ đề chính trong các bài viết. Những con số trên dễ dàng thuyết phục khi nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định, các cách giải thích về nguyên nhân đồng tính được các tác giả nhìn nhận không giống nhau. Cách nhìn này được chia làm hai xu hướng: Do bẩm sinh và không phải do bẩm sinh. Do những cách lý giải không đồng nhất đã khiến độc giả bị tung hỏa mù. Họ không biết hiểu thế nào cho đúng.--PageBreak--

Trở lại câu chuyện với nữ độc giả tôi vừa nêu ở đầu bài viết và câu hỏi "cô ấy có bị điên thật không?" để bạn đọc biết rằng, kể cả những người trong cuộc, đôi khi họ cũng không giải thích được hiện tượng của bản thân. Sau khi nghe cô bày tỏ, rằng mình chỉ thích gần gũi với bạn gái và cực ghét đàn ông, tôi đã đặt vài câu hỏi dạng trắc nghiệm để biết chắc, nhận định của mình có đúng không. Những câu trả lời vô tư của cô giúp tôi biết, mình không sai. Và rồi, tôi đã trả lời cô gái rằng, cô không điên. Cô là một người bình thường. Cái cô thấy mình khác người và người xung quanh cũng nhìn thấy vậy bởi cô có xu hướng tình dục đồng giới (lẽ thường phải là dị giới).

Theo tài liệu "Giải đáp các câu hỏi của bạn để hiểu rõ hơn về xu hướng tình dục và đồng tính luyến ái" (Answers to questions: For a better understanding of sexual orientation on homosexuality" của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ năm 2008 do iSee cung cấp, xu hướng tình dục là sự hấp dẫn có tính bền vững của một người về phía những người khác giới, cùng giới hoặc cả hai giới. Người ta gom thành ba dạng: Dị tính luyến ái (chịu sự hấp dẫn của người khác giới tính); đồng tính luyến ái (chịu sự hấp dẫn của người cùng giới tính); lưỡng giới luyến ái (chịu sự hấp dẫn của cả nam và nữ). Chắc hẳn, những giải thích trên đây thêm một lần nữa để nữ độc giả này tin, mình không phải người điên. Và tôi cũng mong rằng, những người sống xung quanh cô lâu nay hay bình phẩm về thần kinh của cô cũng tin rằng, đây là một người bình thường.

Cô gái còn bày tỏ, nếu nhìn bề ngoài, không ai biết bí mật thầm kín của cô. Dẫu không thích để tóc dài, đánh phấn, bôi son, nhưng do yêu cầu của công việc và định kiến xã hội, cô luôn có đủ phụ kiện để là một cô gái thuần túy. Chỉ những người ở gần, tiếp xúc thường xuyên với cô mới nhận ra một chút bất thường ở cô. Còn sức hấp dẫn với người khác giới ư? Cô thừa nhận mình là người rất quyến rũ. Luôn có những chàng trai đeo bám cô, nói những lời lẽ ra phải làm cô cảm động (nếu cô là một cô gái đích thực). Và đã có lúc, cô tạo vỏ bọc cho mình bằng cách tiếp nhận một anh chàng là vệ sỹ. Đó là cách để bố mẹ yên lòng, thiên hạ bớt lời bình phẩm.

Tôi khá bất ngờ khi cô chợt hỏi, trong các từ, ômôi, les, pêđê, hifi, gay, bóng…, cô thuộc đối tượng ám chỉ của từ nào. Tôi bật cười vì câu hỏi ngây ngô nhưng rất thật của cô. Rồi tôi lại suýt bật cười khi cô hỏi, có phải do hồi bé không hiểu biết nên cô thổi bao cao su để làm bóng bay nên mới bị ômôi. Một cô gái đã 10 năm chịu sự giày vò vì mình không giống những bạn nữ khác đã lý giải nguyên nhân "mắc bệnh" của mình như vậy đấy. Điều này phản ánh một thực tế, sự hiểu biết của số đông cư dân và cả những người trong cuộc về vấn đề này còn rất hạn chế. Chính bởi sự dè chừng và kỳ thị đã khiến thông tin bị bưng bít.

Cũng bởi lý do này mà nhiều người đồng tính không dám bộc lộ mình. Họ không dám chia sẻ (và cũng rất nhiều người chưa tìm được địa chỉ tin cậy để chia sẻ) và bộc lộ mình. Phần lớn, họ tìm cách trốn chạy khỏi gia đình để được sống tự do, tránh đi những lời thị phi. Nữ độc giả trên là một ví dụ. Cô phải rời gia đình để về Hà Nội. Và dù ở rất gần cơ quan tôi nhưng cô cương quyết không gặp mặt để được tư vấn. Cô còn rất e dè.

Vấn đề đặt ra, vậy báo chí nên nhìn nhận vấn đề đồng tính thế nào cho đúng? Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, trước hết nhà báo phải hiểu đúng vấn đề rồi mới làm tốt vai trò truyền thông của mình. Phải dựa trên cơ sở khoa học.

Thực tế, rất nhiều quốc gia đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh mục những bệnh tâm thần và ở một số tiểu bang ở Hoa Kỳ hay các quốc gia như Nam Phi, Bỉ, Canada, Nam Phi… đã công nhận hôn nhân đồng giới. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định đâu là nguyên nhân khiến người ta di tính luyến ái, đồng tính luyến ái hay lưỡng tính luyến ái. Có những nghiên cứu xem xét đến yếu tố di truyền, hoócmon, xã hội, văn hóa… Và cũng có ý kiến cho rằng, cả sinh học và xã hội đều đóng vai trò phức tạp trong vấn đề này và đa số người ta không có khả năng tự lựa chọn xu hướng tình dục của mình.

Trong khuôn khổ dự án "Xây dựng hình ảnh tích cực của những người đồng tính, người lưỡng tính và chuyển giới ở Việt Nam", do iSee và Ford Foundation thực hiện có nội dung thành lập một nhóm các nhà báo quan tâm đến vấn đề người đồng tính. Nâng cao kiến thức, thái độ và mối quan tâm của các nhà báo đối với vấn đề này và thể hiện điều này trên các phương tiện truyền thông.

Hy vọng, những kiến thức và thông tin cập nhật về người đồng tính trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng sẽ giúp các nhà báo quan tâm về lĩnh vực này truyền đạt đến độc giả những cách hiểu, cách nghĩ về những người thuộc thế giới thứ ba một cách chân thực.

Người ta kỳ vọng dưới sự tác động của truyền thông, trong thời gian ngắn nhất, vấn đề người đồng tính sẽ được xã hội nhìn nhận một cách cởi mở như với người có HIV bây giờ (đã có thời kỳ, người ta coi người có HIV là ăn chơi, trụy lạc, đối tượng tệ nạn xã hội)

Cao Hồng
.
.