Người đàn bà đi tù

Thứ Tư, 03/03/2010, 09:23
Tai họa ập đến với gia đình chị khi cô em chồng từ Lào về thăm nhà cầm theo hàng nghìn hộp thuốc Lexomil - Bromazepam. Khi chị  chở cô này đi tiêu thụ ở các hiệu thuốc thì bị Công an Hà Nội bắt quả tang, thu tại chỗ 50 hộp. Đáng nói là, thuốc Lexomil - Bromazepam có tên trong danh mục thuốc hướng thần do Bộ Y tế quản lý, trong thuốc có chứa chất Bromazepam - một loại chất ma túy độc dược.

Khi đem nó về, cô em chồng nói, đó là thuốc dùng để chữa đau đầu, thần kinh, thế nên vợ chồng chị rất nhiệt tình giúp đỡ vợ chồng cô này tiêu thụ hàng. Chồng chị khi ấy đang giữ chức Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị liên lụy vì đã vài lần chở vợ đi giao thuốc. Cho đến bây giờ, khi đã chấp hành án ở Trại giam Phú Sơn 4 cộng với thời gian bị tạm giam là gần 7 năm, nhưng không một đêm nào, chị được ngủ một giấc trọn vẹn. Tai họa đến với gia đình chị thật bất ngờ, như từ trên trời rơi xuống, thế nhưng, cơn thịnh nộ của ông trời chưa dừng lại ở đó...

Đàn bà tuổi hổ

Nước da trắng hồng, gương mặt đẹp, Văn Thị Yến  - người đàn bà tuổi Nhâm Dần đã sắp sửa chạm ngưỡng 50 nhưng vẫn giữ được một vóc dáng cân đối, khỏe mạnh. Ngắm chị, người ta tìm thấy sự bình yên, sự nhàn nhã và cả hạnh phúc đã từng ngự trị trong con người này.

Vốn là diễn viên Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, chuyên đóng vai Thị Mầu, hát dân ca ngọt lịm, chị đã từng đi khắp biên giới, hải đảo xa xôi hát phục vụ chiến sĩ. Khi đang mang thai đứa con đầu lòng, chị vẫn giành giải nhất cuộc thi đơn ca do Sở Công nghiệp Thủ đô tổ chức.

Đã có lúc mường tượng ra sóng gió của đời mình, nhưng chỉ là những hình ảnh rất mờ nhạt, chứ Yến chưa bao giờ nghĩ, cuộc đời mình lại có lúc phải trải qua những tháng ngày đau đớn trong trại giam - khi mà cha chồng chị, vốn là một lão thành cách mạng, quá sốc trước tai họa ập đến đồng thời với 4 người con của mình (một con trai, một con gái, một con dâu, một con rể) đã qua đời không lâu sau khi 4 người con bị bắt giam.

Không được tiễn cha chồng về nơi chín suối, đối với Văn Thị Yến đã là một tội lỗi khó có thể tha thứ, mới năm ngoái đây, người chồng của chị, nguyên Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung - anh Đào Văn Thanh, cũng qua đời vì bạo bệnh, khi ấy chị cũng không thể về để chịu tang chồng. Ngày cuối cùng anh vào thăm chị là ngày 7/6/2009, anh hỏi chị: "Ở trong này em có tivi để xem không?". Thấy chồng gầy hơn so với những lần thăm trước, Yến không trả lời mà xót xa hỏi: "Sao anh gầy thế?" thì chồng chị không nói gì. Rất lâu sau anh mới thốt lên những lời lẽ mà đến giờ nó vẫn ám ảnh chị: "Từ mai, mỗi ngày em cố gắng điện về cho anh một lần nhé, anh bị ung thư rồi, không lên thăm em được nữa đâu, anh không sống để nuôi con cho em được nữa rồi…".

Hai vợ chồng nhìn nhau khóc, cái tin sét đánh anh vừa thông báo với chị đã khiến chị như người mất hồn, thương chồng hơn bao giờ hết. Sau đó, anh gửi lên tặng chị và cũng là tặng cả buồng 6 - nơi chị ở trong phân trại K2 một chiếc tivi.

Trước hôm mất, anh điện lên cho chị lần cuối cùng, Yến nghẹn ngào trách móc: "Bây giờ em còn đang trong trại, anh bỏ em đi thì ai nuôi con?", thấy anh im lặng không nói gì một lúc khá lâu, tưởng anh đã cúp máy, chị khóc lặng đi. Sau này Yến mới biết, ở đầu dây bên kia, anh cũng xúc động quá nên không nói được nữa. Chị nhận được tin chồng mất từ Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4 vào ngay ngày hôm sau.

Một tuần liền Yến khóc vì thương chồng, thương hai đứa con và cũng tủi cho phận mình. Chị bảo, ngày xưa các cụ nhà chị thường xót xa con gái tuổi hổ, nhìn mặt Yến ai cũng nói chị sướng, ấy thế mà kiếp làm người này, cuối cùng thì Yến cũng phải gánh cho cái số mệnh "con gái tuổi hổ", không lao đao đường này thì cũng vất vả đường kia.

"Thôi thì cứ đành đổ cho số phận. Kiếp trước mình ăn ở không ra gì nên kiếp này mình phải trả nợ…". Đôi mắt đen láy với hàng mi dày của chị lại đỏ hoe. Điều làm chị đau xót nhất bây giờ là trong thời gian chồng ốm đau bệnh tật, Yến không thể có mặt bên cạnh để chăm sóc. Tội lỗi ấy, Yến bảo đến lúc nhắm mắt chị cũng không bao giờ tha thứ cho mình. Cô em chồng hiện đang cải tạo ở Trại Thanh Xuân, thỉnh thoảng viết thư cho chị dâu đều "một nghìn lần mong chị tha thứ" cho tội lỗi mà cô đã gây ra cho vợ chồng chị cũng như đã đem đến liên tiếp những buồn đau cho gia đình.--PageBreak--

Xin đừng đắc tội thêm lần nữa

Về  Hà Nội, tôi tìm số điện thoại của địa chỉ nhà Yến trên con phố Nguyễn Huy Tưởng qua tổng đài 116. Giọng một bé gái trong trẻo vang lên ở  đầu dây bên kia. Cô bé lễ phép chào, giới thiệu tên là Hòa, đang học năm thứ nhất trường sư phạm. Và khi thấy tôi đề nghị được gặp bà nội, cô bé gọi bà nội ra nghe điện với giọng trìu mến, thủ thỉ như thể bà đang đứng rất gần cô: "Bà nội ơi, có cô nhà báo muốn nói chuyện với bà".

Bà nội của cô bé Hòa cũng là mẹ chồng chị Văn Thị Yến tên là Vương Thị Mười, năm nay đã 78 tuổi. Giờ đây, ngôi nhà 37 Nguyễn Huy Tưởng của gia đình Yến có một quán nước do bà Mười mở ra để có thêm thu nhập nuôi hai đứa cháu. Nỗi đau ập đến liên tiếp trong ngôi nhà này. Gia đình bà Mười vốn là gia đình cách mạng, ông bà sinh được 4 người con, 2 trai 2 gái thì hai cô con gái đều ở bên Lào, trong đó Đào Ánh Tuyết làm nghề buôn bán ở chợ. Chính cô con gái rượu này đã gieo rắc tai họa cho cả nhà bằng những chuyến hàng lậu của mình.

Khoảng tháng 6/2003, Tuyết mua 5.100 hộp Lexomil - Bromazepam tại Lào, tổng trị giá 280 triệu đồng và cho người vận chuyển 2.700 hộp về Việt Nam tiêu thụ. Số hàng còn lại, Tuyết giao cho chồng là Unmano (người Lào) cho vào thùng xe ôtô chở sang Việt Nam. Ngày 17/6/2003, vợ chồng Tuyết nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) nhưng không khai báo hải quan nên mang trót lọt lô hàng. Tuyết nói với anh trai và chị dâu rằng đó là thuốc dùng để chữa bệnh đau đầu, thần kinh nhập lậu từ Lào vào Việt Nam, nhờ vợ chồng anh trai tìm mối tiêu thụ.

Và để giúp cô em chồng, Văn Thị Yến đã cùng chồng mang mẫu thuốc tới nhiều cửa hàng tân dược mời chào. Họ không biết rằng, thuốc Lexomil tên khoa học là Bromazepam, có tên trong danh mục thuốc hướng thần do Bộ Y tế quản lý. Trong thuốc có chứa chất Bromazepam - chất ma túy độc dược dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo yêu cầu điều trị. Vậy là cả 4 người bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Cùng một lúc, 4 người con bị bắt giam, trong đó anh con trai Đào Văn Thanh (mà bà Mười vẫn gọi là "bác Thanh" khi nói chuyện với tôi) - khi ấy đang giữ chức Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung vốn là niềm tự hào của ông bà, bỗng chốc sự nghiệp tan vỡ, dư luận lúc đó xôn xao không ngớt bởi cái tin động trời "ông Chủ tịch phường đi buôn ma túy". Do quá đau buồn, chồng bà đã qua đời sau khi các con trai, con gái, con dâu, con rể bị bắt không lâu. Tiếp đến là Đào Văn Thanh, cũng vì quá sốc trước tai họa của gia đình nên sinh trọng bệnh. Anh mất đúng cái tuổi 53 - tuổi mà các cụ vẫn quan niệm con người ta phải đối mặt với những đại hạn trong cuộc đời.

Bố mất, mẹ đang ở tù, hai cô con gái của Văn Thị Yến hiện ở với bà nội. Còn hai đứa em con nhà cô Tuyết cũng phải gửi sang bên Lào nhờ anh em chăm sóc vì một mình bà Mười không kham nổi.

Bà Mười kể rằng, trước đây, ông bà có nhà bên Hạ Đình, nhưng từ khi xảy ra cơ sự, bà phải bán nhà đó đi để trang trải và dọn về trông nom hai đứa cháu gái. Hai cậu con trai của Tuyết vẫn đang tuổi học sinh, trước đây muốn vào trại thăm bố mẹ thường có người lớn đi kèm từ Lào về, nhưng giờ thì hai đứa cũng đành phải tự túc, tự lo lắng cho nhau mỗi khi nhớ bố mẹ quá muốn về thăm.

Bà Mười bảo, thương chúng nó lắm nhưng với cái tuổi 78 gần đất xa trời rồi, bà không thể làm gì để giúp chúng được, tuổi tác càng nhiều thì bệnh tật cũng sinh ra càng lắm. Mới đây, bà phải nhập viện vì sỏi mật, còm cõi nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ bán hàng nước, vậy mà hết veo chỉ sau một đợt nằm bệnh viện. Các con vào tù hết, đứa không vào tù thì ở xa, thế nên bà phải nhờ anh em bên nhà chị Yến giúp đưa vào viện và chăm sóc trong đó. Cô con gái lớn của Yến hiện đã tốt nghiệp đại học, đi làm ở một công ty du lịch, nhưng hằng tháng cũng chỉ giúp đỡ được bà nội khoản tiền điện, dù thế thì cũng là niềm an ủi vô giá đối với bà Mười và người mẹ đang ở trong trại.

Điều mà bà Mười day dứt nhất và lo lắng nhất bây giờ là với cái án dài đằng đẵng (con dâu 14 năm, con gái 18 năm, con rể 15 năm), lúc nhắm mắt xuôi tay, con cái chẳng có đứa nào bên cạnh bà. Lúc cha mất đã vắng trước hụt sau, giờ mà chẳng may mẹ qua đời thì con cái cũng chẳng kịp về đưa tiễn. Ở cái tuổi gần 80 rồi, bà vẫn đau đáu gửi niềm hy vọng vào lá đơn khẩn cầu tới các cơ quan pháp luật cũng như các trại giam xem xét về trường hợp của các con bà. Bởi từ ngày 24/12/2007, Liên ngành Bộ Công an, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp đã ký Thông tư liên tịch số 17/2007 hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật xử lý một số tội phạm về ma tuý. Phải chi, Thông tư liên tịch này ra đời sớm hơn thì có thể, các con của bà đã có một kết cục khác.

"Các cháu ngoan lắm" - tôi nhớ lại câu nói đó khi Văn Thị Yến kể về hai cô con gái của mình với niềm tự hào khôn nguôi. Và tôi hiểu, đó cũng chính là nguồn động viên lớn nhất đối với chị lúc này. Chị đã chấp hành án được gần 7 năm rồi, cũng là 7 cái Tết hai cô con gái của Yến đón giao thừa vắng mẹ. Thầm mong ngày về của chị đến thật nhanh, để chị còn được làm trọn đạo dâu con với gia đình chồng.

Yến đã đắc tội với cha chồng, với chồng bởi lúc nhắm mắt, xuôi tay, chị không thể bên cạnh họ. Thì bây giờ, xin đừng đắc tội thêm một lần nữa

Hiền - Hồng
.
.