Mười năm… một đời

Thứ Sáu, 19/10/2012, 16:10
Vài ngày trước, trong phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao tại TP HCM đã bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án đối với gã là 10 năm tù giam, tội danh “Giết người”. Nạn nhân của gã, là cô gái vừa 18 tuổi, may mắn thoát chết nhưng nỗi đau thân phận sẽ kéo dài suốt cả đời người. Căn  nguyên của tội ác trong vụ việc này, vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn là cơn ghen tình ái. Gã sinh năm 1990.

1. Gã tên là Nguyễn Thái Bình, hay còn gọi là Tý. Quê gã ở huyện Bù Đốp, một huyện nghèo thuộc tỉnh Bình Phước.

Học đến lớp 10 thì gã thôi học, xin vào tiệm sửa xe máy gần nhà học việc. Ít lâu sau thì gã ra mở tiệm riêng.

Thanh niên như gã ở quê, có được cái nghề trong tay, có được cái tiệm sửa xe gắn máy dẫu nhỏ cũng có thể tạm gọi là trọn vẹn.

Cách nhà gã độ mười cây số, là nhà của Thảo (tên nhân vật đã được thay đổi - K.H). Thảo đang tuổi lớn, xinh nhất vùng. Hòa vào dòng thanh niên thập thò trước nhà Thảo mỗi tối có gã. Gã mê Thảo như say như ngây.

“Em làm bạn gái anh, nhé”, gã đề nghị.

“Em có bạn trai rồi”, Thảo trả lời.

Không ai đủ sức dập tắt cơn say ái tình trong đầu những gã thanh niên chớm lớn. Thảo từ chối là việc của Thảo, còn tán tỉnh là việc của gã.

Một lần thất vọng, hai lần thất vọng, ba lần thất vọng… Thất vọng nhiều quá sinh ra hận.

Gã nghĩ, là tại Thảo xinh thế, nên bạn trai Thảo mới yêu thương Thảo nhiều như thế, chứ nếu Thảo xấu đi, thì mọi chuyện đã khác.

Ý nghĩ ngu xuẩn và ích kỷ ấy cứ đeo bám gã mãi cho đến khi, gã quyết định thực hiện.

Sáng một ngày cuối năm 2011, gã mang theo chai thủy tinh loại thường để chứa nước ngọt có gas trong đó đựng đầy dung dịch xăng đến nhà Thảo. Thời điểm này, Thảo đang ở nhà chơi với bạn trai.

Thấy có bạn trai Thảo, gã trù trừ mãi trước nhà. Lúc sau, gã cất tiếng: “Thảo, hoặc là em yêu anh, hoặc là anh sẽ tạt xăng đốt em”. “Anh muốn đốt thì đốt ngay bây giờ luôn đi”, Thảo thách thức.

“Anh đâu có ngu, bạn trai em có mặt ở đây. Anh đốt thì nó sẽ dập lửa”, gã nói như điên như dại trước khi bỏ đi.

Độ một giờ sau, gã quay ngược lại nhà Thảo. “Thảo đi chợ chưa về”, bố Thảo đáp vậy khi gã hỏi Thảo có nhà không.

Gã cất xe gắn máy, ngồi trước ngõ đợi Thảo về. Cái ngõ mà đã bao nhiêu đêm, gã chôn chân tại đây chờ Thảo ban phát thương yêu. Nhưng lần này, gã chờ để làm việc khác, một việc hèn hạ.

Lát sau Thảo về đến ngõ. Gã chặn đầu xe, hỏi lại câu hỏi cũ: “Hoặc là yêu anh, hoặc anh đốt em”. Thảo không trả lời. Gã lạnh lùng tạt xăng vào mặt Thảo rồi châm lửa.

Tuổi 18 của Thảo, bị thiêu sống trong cơn tuyệt vọng yêu đương của gã đàn ông hơn Thảo 3 tuổi. Gã cứ đứng nhìn Thảo gào thét, cho đến lúc có người đến dập lửa đưa Thảo đi cấp cứu.

Trưa cùng ngày, gã đến Cơ quan Công an huyện Bù Đốp đầu thú và bị bắt tạm giam.

Thảo được gia đình đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM chạy chữa. Nhiều tuần sau, Thảo xuất hiện với cơ thể chằng chịt sẹo, những vết sẹo lồi, có cái đỏ hỏn, có cái tím tái.

2. Khi Thảo nằm điều trị tại đây, tôi có sang bệnh viện. Tiếp tôi là mẹ Thảo, người phụ nữ ấy khóc sưng húp mắt. Dáng người nhiều lo toan, bạc phận.

19 tuổi, chị sinh Thảo trong cảnh túng thiếu đến cùng cực. Cái lều quây bằng bạt ny-long được dựng trên phần đất láng giềng cho mượn ở đỡ.

Chị lẫn chồng chị, ngoài sức khỏe ra không còn của nả gì khác. Sinh được hơn tuần, chị đã phải cắm mặt vào đám rẫy khoai mì của người ta để làm thuê. Chị là phụ nữ, được trả công 13 nghìn đồng một ngày. Chồng chị được chủ trả khá hơn chị một ít, 20 nghìn đồng/ngày.

Tám năm, đúng tám năm dài đằng đẵng. Tám năm dè xẻn, tám năm tém trước gọt sau, chị để dành đủ tiền để mua miếng đất bé xíu gần nơi chị được cho mượn đất để ở.

Anh chị dựng cái nhà tạm, phần đất còn dư trồng vài cây điều. Hai năm trước ngày cô con gái duy nhất của chị bị tạt xăng đốt, chị gom đủ tiền mua được một héc ta đất trồng khoai mì.

Đất ở Bình Phước, những năm cây cao su chưa tung hoành dọc ngang như bây giờ, đất rẻ mạt. Bởi có ai đang yên đang lành ở nơi khác mà về Bình Phước làm gì. Người dạt về Bình Phước, tạm xếp được hai dạng. Thứ nhất, đại gia lập đồn điền, trang trại cao su. Thứ hai, tìm một cơ hội để làm lại cuộc đời, hy vọng thoát khỏi nghèo khó.

Chị kể thương lắm. Niềm hy vọng lớn nhất của chị dồn hết cho Thảo, Thảo xinh xắn, không nói ra nhưng chị rất tự hào. Chị chỉ mong, Thảo có cái nghề ổn định rồi lập gia đình.

Giàu sang thôi không tính tới, chỉ cần thấy Thảo hạnh phúc, chị đã mãn nguyện.

Năm Thảo học lớp 9, biết nhà khó khăn, mẹ lại vừa sinh thêm cậu em trai, nên Thảo nghỉ học. Nghỉ học, Thảo xin chị cho Thảo lên Sài Gòn làm công nhân, kiếm tiền gửi về phụ mẹ lo cho em.

Sài Gòn, như tôi từng viết, trong tâm thức của những cô bé, cậu nhóc nhà quê, kể cả những người lớn tuổi… đều là cứu rỗi cho những khó khăn. Họ lao lên Sài Gòn, mà không biết mình sẽ làm gì tại nơi này. Họ đơn giản thôi, họ nghĩ cứ lên Sài Gòn đi, khắc có việc. Sài Gòn hào nhoáng vậy, Sài Gòn nhộn nhịp vậy, không nhẽ không có chỗ cho mình dung thân, không có nơi cho mình mưu sinh. Biết đâu, căn nguyên của bi kịch cũng bắt đầu từ tâm thức ấy.

Thảo lên Sài Gòn làm công nhân, công ty vào mùa cao điểm sản xuất, tăng ca liên tục. Thảo kiệt sức, ngất trên băng chuyền. Sau lần ấy, Thảo về quê vào xưởng tách hạt điều làm với mẹ.

Gái quê sớm bén lứa đôi. Cậu trai mới lớn xóm giềng để ý đến Thảo, Thảo cũng có tình cảm với cậu trai đó.

Qua lại được hơn năm, chị cho Thảo lên Sài Gòn học nghề uốn tóc. Chị tính, khi nào Thảo học ra nghề về lại quê, Thảo và cậu trai ấy còn yêu nhau, chị sẽ cho thành chồng thành vợ.

Thảo lại lên Sài Gòn, cậu trai ở quê học nghề sửa xe máy. Thảo học xong nghề về lại quê, cũng là khi người yêu mình ra mở tiệm.

Giả như, không có sự xuất hiện bất đắc dĩ của Nguyễn Thái Bình, đời Thảo đã có thể ấm êm.

Mẹ Thảo lại nói, thật lòng thì Bình hiền lắm. Chị thấy Bình mến Thảo trong tuyệt vọng, chị cũng thương. Nhưng chị biết là làm sao, khi mà Thảo đã có người đàn ông của đời mình.

Chị khuyên Bình hoài. Bình nghe đó, dạ đó, rồi quên…

3. Giả mà Bình không tạt xăng đốt Thảo, thì vài tháng nữa, Thảo sẽ lập gia đình cùng người Thảo yêu thương.

Chị sẽ bán đi rẫy mì, sắm cho Thảo vài chỉ vàng làm của hồi môn cho Thảo. Thảo có con, chị sẽ sang trông cháu ngoại cho con gái mình làm đầu cho khách, cho con rể sửa xe gắn máy cho khách.

Chị kể rồi chị khóc, tôi nghe rồi thở dài.

Mọi dự tính đầy ấm áp của chị vụt tan như mây rải trời chiều, thoáng đó đã mất hút, tịnh không lưu chút dấu vết nào.

Rẫy khoai mì tính làm hồi môn cho ngày Thảo lấy chồng, biến thành 20 triệu đồng tiền mặt để thuốc thang cho Thảo.

Trò chuyện với tôi một lát, chị dắt tôi vào phòng thăm Thảo. Thảo nằm trên giường bệnh, hết sốt rồi đến lạnh, cứ rên hừ hừ trong miệng. Xót con, chị không biết làm gì ngoài chuyện đứng xa xa quạt cho con và khóc. Chồng chị lên thăm con gái, nhìn Thảo khóc nấc. Khóc từ khi đặt chân vào phòng bệnh, cho đến lúc chia tay hai mẹ con về lại quê để lo lắng cho hai cậu nhóc sau vẫn còn khóc. Không nói gì, chỉ khóc thôi… Người đàn ông gần trung niên, hơn nửa đời người lấy nghề làm thuê lo cho con gái, giờ chứng kiến cảnh này, ai lại không đau lòng.

Nước mắt, đôi khi đủ uy lực hơn lời nói nhưng đáng tiếc là đa phần chỉ để phản ánh những nỗi buồn .

Những ngày xót xa ấy, bạn trai Thảo ở lì trong bệnh viện chăm Thảo. Tối tôi đến, nghe chị bảo rằng cậu đang ở dưới khuôn viên của bệnh viện nằm nghỉ, sẵn tiện đợi chị có nhờ mua những thứ lặt vặt gì thì mua luôn. Ở bệnh viện, con rể và mẹ vợ tương lai chỉ chủ yếu thở dài, cũng không biết nên nói với nhau câu gì. Mọi thứ buồn bã, chậm chạp trôi đi.

Rồi tôi không biết, duyên nợ giữa cậu thanh niên ấy và Thảo có thành không. Tôi cũng không biết Thảo có được mặc áo cô dâu không… Bởi, di chứng vết bỏng để lại bao giờ cũng rất nặng nề.

Mà có thành bây giờ, cũng biết đâu mai sau… Qua cơn cảm xúc nhất thời, người ta hay suy nghĩ lại. Thì thôi, cứ tin vào phép mầu. Thì thôi, nhủ nhau tin vào lòng người, tin vào cái tình cảm có lúc còn lớn hơn cả tình yêu. Chứ ngoài niềm tin ra, thì biết làm gì khác đây?

Khi Nguyễn Thái Bình ra Tòa, tôi bất ngờ vì vẻ điển trai và nam tính của Bình. Yêu đương một ai đó, làm gì có nguyên do. Bởi vậy, biết là nếu Bình không được Thảo đáp lại, Bình vẫn còn rất nhiều cơ hội đối với những cô gái khác… Nhưng, một khi đã yêu, ngoài tỏ trong mờ.

Mức án 10 năm, Bình có thừa thời gian để hồi ức lại những hành vi mà mình đã gây ra. Bình có thừa những đêm nghĩ về Thảo, về khoảnh khắc khi Thảo đổ vật xuống đất, gào thét do đau đớn.

Còn Thảo, trọn một đời người, biết có được đêm nào tròn giấc không. Tuổi 18 của Thảo, khép lại bằng những di chứng của cơn cuồng yêu. Tuổi 18 của Thảo, khép lại nhiều thứ.

Cần bao nhiêu ngôn từ để chuyển tải đủ một đau thương?

Kinh Hữu
.
.