Mất nghiệp với tiên nâu

Chủ Nhật, 29/04/2007, 16:45

Không ai còn nhận ra chị, một diễn viên cải lương từng nổi tiếng với những vai công chúa hoặc những vai nữ hiền thục, dịu dàng, từng lấy đi của khán giả không biết bao nhiêu nước mắt. Số phận của những nàng Cúc Hoa, Thoại Khanh… không biết có vướng vít, duyên nợ gì mà sao cuộc đời chị cũng nhiều cay đắng và nước mắt như họ.

Nhan sắc một thời giờ tàn tạ, héo hắt với hình hài chừng 30 cân, duy chỉ có đôi mắt là vẫn đen lay láy. Thời gian phía trước của chị đang được tính bằng tháng, bằng ngày và trong suốt cuộc nói chuyện luôn phải ngừng lại do những cơn ho hành hạ, có một điều tôi chợt nhận ra, đó là, chị rất sợ nhắc đến tương lai, khi mà chị chẳng có gì để vun đắp cho những tháng ngày sắp tới, bởi trước mắt chị giờ đây là bệnh tật, là những căn bệnh nhiễm trùng cơ hội mà bất cứ một người có HIV/AIDS nào cũng đều mắc phải.

Ngày 8/3 năm nay cũng giống như ngày 8/3 của mọi năm về trước, người đàn bà có cái tên khá đẹp Dương Ánh Nguyệt chưa một lần nhận được bất kỳ một bông hoa nào từ những người đàn ông thân thiết của đời mình. Mà hình như chị cũng không lấy đó làm buồn, bởi với một người đàn bà nghiện ngập như chị thì Ngày Quốc tế phụ nữ nào có ý nghĩa gì.

Khi mà những người phụ nữ khác đang tràn ngập trong những lời chúc mừng, hạnh phúc với những bó hoa tươi thắm của chồng, của bạn trai tặng thì chị vẫn còn đang mải lo kiếm tiền để làm sao có đủ cữ thuốc. Nơi chị làm việc là những đầu đường, gốc cây, nơi nào tối nhất, cốt để người ta không nhìn thấy rõ gương mặt, không nhìn thấy tình trạng bệnh tật của chị. Và, người ta bố thí cho chị một cữ thuốc sau khi giúp họ giải tỏa nỗi bức bách đàn ông.

Ngày 8/3 năm ngoái của chị là như thế. Còn năm nay, chị đón ngày tôn vinh phụ nữ trong Trung tâm Giáo dục lao động số 2, Ba Vì, Hà Tây. Cũng không có một bó hoa nào từ những người đàn ông, nhưng xung quanh chị, những người phụ nữ phải vào đây cai nghiện và chữa bệnh bắt buộc cũng giống thế hết. Họ đành hái hoa tự trồng trong Trung tâm tặng nhau, tự an ủi trong nỗi ngậm ngùi.

Nguyệt vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha là kép chính của Đoàn cải lương Kim Phụng, từng một thời được cánh phụ nữ say như điếu đổ. Thừa hưởng gien nghệ thuật từ người cha truyền lại, cô con gái út Dương Ánh Nguyệt là chị hồi ấy sớm được cha dẫn theo trong những chuyến lưu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc. Và mối lương duyên với nghệ thuật cải lương trong chị hình thành cũng từ những ngày thụt thò sau cánh gà xem cha diễn.

13 tuổi, Nguyệt đã thuộc lòng những đoạn ca cải lương trong vở “Lan và Điệp”. Đến năm 18 tuổi, tức là năm 1986, chị thi tuyển vào Đoàn cải lương Tuổi trẻ Mùa thu, đoàn cải lương do các nghệ sĩ Đoàn Kim Phụng và một số nghệ sĩ tâm huyết khác thành lập, cùng thời với các nghệ sĩ Tuấn Sửu, Bích Được, Châu Thuận, nghệ sĩ đánh đàn Kim Sinh… Những người này đến giờ vẫn được giới mộ điệu cải lương biết đến, còn chị, người đời chỉ biết đến chị là một ả nghiện ngập và phải bán dâm để có thuốc hút.

13 tuổi đã gắn bó với cải lương, nhưng cũng 13 tuổi chị đã biết đến thế nào là cơn say thuốc phiện. Gia đình Nguyệt ở khu vực ngoài bãi Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, một trong những địa bàn phức tạp nhất về tệ nạn xã hội. Hồi ấy, dân “bẹp tai” chỉ có mỗi trò hút bàn đèn thuốc phiện chứ chưa có heroin như bây giờ. Và, nếu nói rằng Nguyệt được thừa hưởng tình yêu cải lương từ người cha thì người mẹ cũng truyền lại cho chị kinh nghiệm hút thuốc phiện từ khi Nguyệt còn là một cô bé con, chưa đủ trí khôn để hiểu thế nào là nghiện ngập.

“Hậu vận” của đứa con gái út hôm nay khiến bà mẹ đến giờ vẫn còn day dứt. Sống trong môi trường hàng xóm xung quanh rất nhiều người nghiện, người mẹ cũng có thâm niên mấy chục năm hút bàn đèn, có một người anh, một người chị cũng nghiện, tiếp xúc hàng ngày với dân “bẹp tai”, lại còn làm nhiệm vụ châm đèn cho khách, trong nhà lúc nào cũng nồng nàn khói thuốc, khiến cô bé Nguyệt cũng thấy là lạ khi được hưởng cái cảm giác lâng lâng sau một lần được hút sái của khách. Cái thứ thuốc như có ma lực hấp dẫn đã ám ảnh cuộc đời của một cô bé chưa thành đàn bà từ hồi ấy.

Khi đã trở thành diễn viên của Đoàn cải lương Tuổi trẻ Mùa thu, khái niệm nghiện ngập với Nguyệt lúc ấy cũng khá mơ hồ. Chị chỉ biết rằng, sau mỗi lần lưu diễn trở về nhà, chị lại thấy thèm khủng khiếp cái hương vị thơm ngái, thèm đến không thiết làm gì, chân tay bủn rủn nếu không được "ăn" một vài bi. Và những lần phải đi diễn xa, Nguyệt đã lén mang theo những cục thuốc đen xì vê tròn như thuốc tễ ngày xưa, khi nào mệt quá, chân tay rệu rã thì cấu ra một tí uống với một cốc nước vừa đun sôi.

Mà không hiểu tại sao, miệng người nghiện không có cảm giác, nước càng nóng càng thích, càng thấy liêng biêng, nói theo dân chơi bây giờ là "phê lòi mắt". Những năm làm diễn viên, chị đã được vào vai Lan trong vở “Lan và Điệp”, Thoại Khanh  trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn” và tham gia khá nhiều vở cải lương được khán giả yêu thích như "Lỡ bước sang ngang", "Tống Trân - Cúc Hoa"…

Nhưng khi đã hiểu thế nào là sự đau khổ của cuộc đời những cô Lan, nàng Cúc Hoa hay Thoại Khanh thì cũng là lúc Nguyệt hiểu rằng chị đã ngập sâu vào ma tuý. Ngày nào không làm vài bi thì không còn hơi sức đâu mà hát hò nữa. Những năm 90, không ai sống được bằng nghề diễn, Nguyệt cũng không nằm ngoài quy luật ấy, nhiều diễn viên phải bỏ đoàn mà đi làm việc khác, người bán hàng ngoài chợ, người đầu tắt mặt tối với gánh quà sáng.--PageBreak--

Đoàn cải lương mà chị từng một thời gắn bó cũng hẻo dần diễn viên, rồi sau đó thì tan rã. Nhưng Nguyệt đã bỏ đoàn từ trước đó 2 năm, vì lương diễn viên không đủ giúp chị thỏa mãn cơn thèm thuốc. Đã thế, Nguyệt lại dính vào một anh chồng cũng nghiện ngập như mình, khi mang bầu đứa con thứ nhất đến gần ngày sinh thì họ chia tay nhau, vì mỗi người đều có đam mê của riêng mình, và vì tình yêu đối với thuốc phiện của họ lớn hơn tình yêu dành cho nhau nên việc chia tay là lẽ đương nhiên.

Không việc làm, không nghề nghiệp, Nguyệt phải làm gái nhà hàng để có tiền nuôi con và có tiền mua thuốc hút. Cho đến những năm 1998-1999 thì Nguyệt buộc phải ra đứng đường kiếm khách vì lúc này, chị đã chuyển sang hít heroin và thân hình cũng đã tàn tạ, các nhà hàng đã ném chị ra đường khi Nguyệt chỉ còn là một hình hài xác xơ.

Lần đầu tiên vào năm 1999, khi bị đi cai nghiện và chữa bệnh bắt buộc ở Trung tâm Giáo dục lao động số 2 Ba Vì, Hà Tây, Nguyệt đã thấy đất trời sụp đổ khi biết kết quả xét nghiệm dương tính với HIV của mình. Được các cán bộ ở Trung tâm động viên, giúp đỡ chữa bệnh, thế nhưng khi hết thời hạn trở về cộng đồng, số phận vẫn chưa buông tha cho chị, sự kỳ thị của ngay chính những người thân trong gia đình, của những người hàng xóm, của bất cứ người nào trong khu phố biết rằng chị đang mắc căn bệnh "siđa". Người dân quen gọi một cách nôm na những bệnh nhân AIDS như thế. Nguyệt “siđa" đi đến đâu cũng bị dè bỉu, đó là những tháng ngày đau đớn nhất trong cuộc đời một người đàn bà như chị.

Trước đây, khi chị mới chỉ mang tiếng là một con nghiện, nếu có tiền người ta vẫn bán hàng cho chị, còn khi đã thành Nguyệt “siđa", người ta ném ngay cốc nước chè vào thùng rác sau khi chị đứng dậy trả tiền. Còn trong gia đình thì sự kỳ thị, ghẻ lạnh còn rõ rệt hơn, Nguyệt được sắm bát riêng, đũa riêng, đến việc đi toilet cũng riêng nốt. Họ không cho phép chị đi chung toilet với mọi người trong gia đình.

Hai đứa con, một trai một gái, (tuy là chị em nhưng lại cùng mẹ khác cha, đứa thứ hai là con của anh chồng sau này, cũng là dân nghiện) - nhớ chúng nó lắm nhưng nếu có lỡ dang tay định ôm vào lòng thì ngay lập tức người nhà chị sẽ cởi luôn áo đứa trẻ vứt đi. Không ai muốn chia sẻ, không ai muốn nói chuyện với một "con siđa" là chị.

Đã có thời gian, Nguyệt tình nguyện tham gia CLB tuyên truyền phòng chống AIDS của quận Hoàn Kiếm và cũng đã nhiều lần được dự diễn đàn phòng chống HIV/AIDS, chị kêu gọi xã hội không nên xa lánh người có HIV nhưng chính chị lại cảm nhận điều đó rõ nhất, ngay chính trong gia đình mình.

Một hai năm nay, xã hội mới có cái nhìn khác, theo chiều hướng không kỳ thị với người có HIV, chứ 7-8 năm về trước, người có HIV là điều gì đó vô cùng khủng khiếp, và Nguyệt đã sống những tháng ngày đen tối nhất đời mình, khi người đời không công nhận chị là một - con - người. Chán nản, Nguyệt lại bỏ nhà theo con đường cũ. Cái vòng luẩn quẩn ấy dường như không có một khe hở nào cho Nguyệt thoát ra. Tái nghiện. Bị bắt đi cai nghiện và chữa bệnh bắt buộc. Thành ra, Nguyệt là gương mặt quá cũ của Trung tâm này.

Sau những cơn say thuốc bất tận, say đến muốn quên đời, giấc mơ đêm đêm được nằm gối tay chồng ngủ, yên lành trong chăn ấm nệm êm - không chỉ một lần đến trong suy nghĩ của người đàn bà luôn chìm đắm trong ảo giác ma tuý này. Và những lúc tỉnh táo nhất, hình ảnh hai đứa con lại hiện về, như vết dao cứa vào tim người mẹ. Chị sinh ra chúng mà phải nhờ vả hết người này đến người khác nuôi dưỡng.

Trong tâm hồn non nớt ngây thơ của hai giọt máu mà người đàn bà nghiện ngập ấy đã sinh ra, không biết có một chút nào là sự thương cảm dành cho người mẹ, hay chỉ là nỗi hận khôn nguôi. Bởi, chị đâu có gì cho chúng, ngoài một quá khứ tội lỗi. Nỗi đau ấy, không phải đến giờ này chị mới nhận ra, nhưng với một "hành trang" 25 năm nghiện ngập, liệu con người ta có thể sống tốt hơn sự sắp đặt mà tạo hoá đã dành cho họ?

Dù không có thói quen phán xét những cô gái đứng đường bán dâm dưới góc độ đạo đức, nhưng mấy ai được cảm thấy niềm vui ngày 8-3 của mình trọn vẹn khi bắt gặp những người bạn của chị, đêm đêm vẫn thấp thoáng sau những gốc cây đón khách?

Hai đứa con, 25 năm nghiện ngập, căn bệnh AIDS - đó là tất cả những gì người đàn bà 38 tuổi là chị đang có. Còn tương lai ư? Cũng vẫn là bệnh tật, vẫn lang thang không nghề nghiệp sau khi rời Trung tâm. Nguyệt  chỉ có một mơ ước rằng, khi các con chị lớn khôn, nhất là đứa con nhỏ, xin đừng ai cho nó biết quá khứ tội lỗi của mẹ nó - một quá khứ không chỉ Nguyệt muốn quên mà ngay cả những người viết bài này cũng mong không bao giờ phải gặp lại một cảnh ngộ nào tương tự như thế này nữa.

Không người phụ nữ nào thích nghiện ngập, không người phụ nữ nào thích ra đường đứng bắt khách, nhất là khi họ đã từng mơ ước có một mái ấm gia đình với tiếng cười con trẻ - chúng tôi tin điều ấy khi bắt gặp ánh nhìn long lanh của chị trong câu chuyện về những đứa con. Và chúng tôi cũng hiểu, một người mẹ sẽ đau đớn đến thế nào nếu một ngày phải rời xa chúng. Thế mà cái ngày ấy, đã có lúc chị mơ hồ cảm nhận thấy. Rất gần…

Đinh Hiền - Minh Trí
.
.