Mảnh đất hương hỏa

Thứ Sáu, 20/05/2011, 15:42
Hôm ấy, sân tòa vắng ngắt, nắng rớt vung vãi khắp nơi. Ngồi với tôi ngay bậc thềm giữa khuôn viên tòa là người đàn ông có mái đầu bạc trắng, quê ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Ông cứ hỏi tôi mãi là biết đến khi xuôi tay, ông có đòi lại được mảnh đất hương hỏa của ông bà để lại theo đúng di nguyện của tiền nhân hay không?. Tôi không trả lời, chỉ lặng im nghe gió xuyên lá, muốn nói nhiều câu an ủi, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Đành thôi…

1. Trụ sở của Tòa án Nhân dân TP HCM luôn mang không khí vừa cũ kỹ vừa buồn bã, vòm nhà cao vời vợi, khán phòng rộng thênh thang, màu sơn úa vàng… Thi thoảng, mỗi khi rỗi việc, tôi vẫn lang thang sang bên Tòa nghe người ta xử án. Mà hầu như, câu chuyện nào liên quan đến người đứng phía dưới này đối mặt với thẩm phán trên kia cũng éo le, cũng trắc trở. Có mấy người rời Tòa mà vui cả được đâu.

Ông tên là Phan Văn Khoảnh, sinh năm 1926, nhẩm tính nhanh thì cũng đã ở ngoài cái ngưỡng thất thập cổ lai hy, con cái đều thành đạt. Lẽ thường, ông đã có quyền ngồi ở nhà, uống trà nói chuyện thời sự cùng hàng xóm, sáng tập thể dục, trưa ngồi quán đánh cờ tướng, chiều chậm rãi đi thăm thú người này, người kia.

Vậy mà, ông lại ngồi cùng tôi ở Tòa án TP HCM, ông phải có mặt ở phiên phúc thẩm, một vụ kiện liên quan đến mảnh đất thừa tự, mà theo lời của bác ông là để làm hương hỏa cho dòng tộc. Con cái cản ông cũng nhiều, ông gạt hết. Mỗi lần Tòa có giấy gọi, họ lại bỏ dở công việc, dị mọ theo ông đến Tòa. Người con lớn của ông tóc cũng đã hoa râm…

Ông Phan Văn Khoảnh: "Tôi sợ mình thất hứa với tổ tiên".

Cái thời xa lơ xa lắc, người chú ruột của ông tên Đồng, trời không thương nên chẳng có con nối dõi. Mẹ của ông Đồng là bà Nguyễn Thị Đại, trước khi lâm chung có để lại di chúc cho ông Đồng thừa tự 2 hecta đất nông nghiệp gần nhà, với giao kèo mảnh đất ấy không được bán, chỉ cho phép trồng hoa màu để sinh lợi nhằm lấy tiền hương hỏa trong dòng tộc.

Mà người dân quê ở miền Tây bấy lâu vẫn duy trì thói quen, sống ở nhà mình, chết cạnh nhà mình… Cớ ở hay về cũng muốn nằm lại cạnh người thân. Ai trong dòng tộc của ông Khoảnh đến ngày xuôi tay, cũng đều được mang đi đặt tại phần đất mà bà Đại để lại.

Ngày còn sống, ông Đồng có ý mảnh đất hương hỏa ấy sau này sẽ do ông Khoảnh trông coi. Chỉ trông coi thôi, vì nguyên tắc xa xưa là bất di bất dịch, không thay đổi.

Người em cô cậu của ông Khoảnh là bà Sữa. Bà Sữa gọi ông Đồng là cậu ruột. Thuở còn hàn vi, bà Sữa nhờ người nói khéo với ông Khoảnh để mình được canh tác trên mảnh đất hương hỏa kiếm đường mưu sinh. Bà tính rằng trên phần diện tích 2 hecta ấy, bà sẽ trồng đậu, bắp… Ông Khoảnh nhận lời, vì ông nghĩ, họ hàng khi khốn khó mới phải nhờ người đánh tiếng này kia. Ông chỉ yêu cầu bà Sữa canh tác trên đất và chỉ được canh tác mà thôi.

Duyên trời run rủi, dẫu đã quá lứa lỡ thì, nhưng bà Sữa vẫn kiếm được tình duyên. Người yêu bà ở Mỹ về, đốc thúc bà đăng ký kết hôn để sang bên kia cho uyên ương liền cánh.

Chẳng hiểu bằng cách nào, bà Sữa đã sang nhượng phần diện tích đất hương hỏa ấy được 56 triệu đồng. Người mua lại đất cũng có dây mơ rễ má họ hàng với nhà ông Khoảnh. Sau cái đận sang nhượng ấy, bà Sữa đi mất hút tận trời Tây. Ở lại, ông Khoảnh bắt đầu thương lượng mua lại đất từ người bà con được bà Sữa bán đất cho.

Người ta không chịu giá tiền mà ông Khoảnh đưa ra. ông nói cứng là nếu không chịu ông sẽ kiện. Người ta đồng ý đi hầu, nếu ông muốn đáo tụng đình.Vậy là kiện. Trong khoảng thời gian chờ Tòa phân xử được thua, chủ đất cho người rào toàn bộ phần diện tích đất lại. Rồi họ xây cổng, đổ đất… trồng một loạt cau kéo dài đến phần mộ gia tộc. Ông Khoảnh chứng kiến toàn bộ cảnh đó, khóc tức tưởi bởi chẳng biết phải làm sao.

Vụ kiện kéo dài đến nay đã là năm thứ sáu, bà Sữa ở bên kia với tư cách là người có quyền lợi liên quan, ủy quyền cho con cháu mình bên này theo đuổi vụ kiện. Nhìn trước nhìn sau, toàn bộ những người đứng trong các buổi hòa giải ở địa phương, rồi trong khán phòng phiên sơ thẩm, phúc thẩm đều là người quen. Mỗi bên một luật sư khác nhau nhằm tránh sự thua thiệt và mỗi người đều tránh ánh nhìn những lúc chạm mặt.

Ông Khoảnh nói với tôi rằng, tình thật thì chi phí đi lại, thuê luật sư từ bấy đến nay đã quá giá trị được quy đổi bằng tiền mặt của mảnh đất hương hỏa kia. Nhưng, còn sống là ông còn kiện. Ông không muốn thất hứa với tổ tiên.

Vì ông sẽ không biết thưa chuyện với họ như thế nào khi nhắm mắt… Hôm ấy gặp nhau, ông mặc áo sơ mi cộc tay bỏ vào quần ủi nếp ly, thẳng đứ, đi đôi dép da cũ… nhìn ông chỉn chu như ông giáo làng sắp sửa lên bục giảng. Duy chỉ có đôi mắt nhìn xa xăm luôn ánh lên nét buồn hoang hoải.

Phút chốc mà có người có khả năng sẽ phải xấu hổ với tổ tiên. Thoảng qua, mà mất phân nửa họ hàng. Ai mà không xót, ai mà không đau.

2. Tuần rồi, cũng ở Tòa án Nhân dân TP HCM, một người phụ nữ bị tuyên án 10 năm vì tội "Giết người". Nạn nhân của chị là người có cùng huyết thống. Căn nguyên của mâu thuẫn cũng bắt nguồn từ mảnh đất con con ở quận Bình Thạnh, TP HCM mà mẹ của hai anh em họ để lại… Chị tên Nguyễn Vũ Kim Sa. Lý lịch trích ngang, 39 tuổi, chồng bỏ đi khi đang mang thai người con thứ hai, cậu nhóc đầu lòng đã mất vì ung thư máu.

Thời con gái, chị lập gia đình rồi theo chồng về Vĩnh Long. Giá mà chị được ở riêng dưới cái tỉnh miền Tây ấy cùng chồng, để thi thoảng vợ chồng dắt díu nhau về lại Sài Gòn thăm họ hàng thì tốt biết mấy. Nhưng chuyện đời thì mấy ai hiểu hết dọc ngang…

Sau thời lửa mặn hương nồng, chồng chị mải chơi, quẳng vợ bỏ con đi theo tiếng gọi của tình ái. Cậu nhóc đầu lòng bệnh tật triền miên, người con thứ hai đang tượng hình trong bụng… thì chồng chị bỏ đi. Ngươi đàn ông ấy bỏ chị trong hoàn cảnh đó, cộng thêm một gia cảnh nát mem. Chỗ dựa lớn nhất của phận đàn bà bị trốc gốc, loay hoay không biết làm gì ở xứ sở xa lạ, chị tay dắt con, tay nâng bụng lần mò về lại Sài Gòn ở với mẹ. Chốn tựa nương cuối cùng của đời chị.

Hôm tôi đi Long An, viết bàivề cậu con trai út mưu toan hãm hại mẹ mình, may mắn tội ác bất thành với nguyên nhân cũng từa tựa chuyện của chị Sa. Thương con gái phận nghèo, bà muốn cho con ít đất để cất nhà ở. Thật lòng thì bà cũng thích cái chuyện nhà con gái ở sát bên mình để sớm tối mẹ con thủ thỉ cùng nhau.

Tiếc thay, con trai út bà không đồng ý. Anh nói, mọi người có gia đình rồi, ở chung với nhau sẽ sinh ra chuyện không hay. Mặc, bà vẫn làm theo ý mình. Cuối cùng, cậu út nhà bà đã quyết định dùng điện để mưu sát bà… Suốt cả buổi ngồi với nhau, bà cứ nhìn tôi khóc ngất, nghẹn ngào gọi khản: "Út à, Út ơi!…".

Chị Sa về tá túc nhà mẹ với những người anh chị khác trong nhà. Anh trai của chị Sa, bình thường hiền khô nhưng khi đổ vào mồm ít rượu thì lại biến thành con người khác. Anh dằn vặt chị Sa là lấy chồng rồi, may nhờ rủi chịu, sướng hưởng khổ cam, mắc mớ gì dắt díu nhau về đây ăn bám cái nhà này. Hiểu phận mình, chị câm lặng chịu đựng. Chắc là ngày xưa, họ cũng thương yêu nhau đến đứt ruột, nhưng khi đời sống thúc bách, họ lại biến thành con người khác. Rồi ai cũng phải lớn, rồi ai cũng phải tính toán chi li để vun vén cho cuộc sống của riêng mình.

Ngày mẹ chị còn sống, chị còn được những lời can ngăn, ủi an. Gần năm khi mẹ chị khuất núi, chị không biết lau nước mắt vào vai áo của ai… Anh chị vẫn thế, rượu vào là lôi em gái ra xỉ vả. Những tháng ngày buồn tênh trôi qua, nhưng biết làm sao.

Chiều một ngày cuối năm, anh lại chân nam đá chân bắc lững thững tiến vào nhà. Nhìn thấy cảnh ấy, trong chị đã gợn lên cảm giác bất an. Chị muốn tránh mặt, nhưng nhà nhỏ xíu, biết tránh vào đâu.

Lại vẫn là những lời nhiếc móc cũ, những câu nói cứ như vết dao bén ngọt cứa vào lòng nhau. Chị với tay, tăng âm lượng của chiếc máy cassette để âm nhạc át đi lời cay nghiệt. Cáu, anh tắt cassette để buộc chị phải chịu đựng cơn giận của người say. Chị lại mở tivi, anh lại tắt… Cứ thế, cuộc chiến tắt mở cái vật dụng truyền hình vô tri có kèm âm lượng của những lời mắng nhiếc kéo dài.

Trong nước mắt giàn giụa, chị gào lên: "Mày đừng chửi tao nữa, mày dành lời để dạy con của mày đi!". Có lẽ chỉ chờ có vậy, người đàn ông với tất cả sức vóc của mình được hỗ trợ bằng cơn say nhào vào đánh chị.

Uất ức lâu ngày cứ như đốm lửa un trấu, nóng rát và âm ỉ, dịp này đã bùng cháy. Chị lao nhanh về phía nhà bếp, vớ lấy con dao làm đồ ăn, tiến đến chỗ đứng của anh và vung tay… Người anh chết trên đường cấp cứu, chị bị bắt giữ ngay sau đó.

Trong phiên xử hôm ấy, chị em trong nhà đều có lời xin Tòa xét giảm án cho chị. Mọi người nói, tại anh ích kỷ, cứ sợ chị sống cùng sẽ phải chia chác cho chị một khi bán đất… Mọi người đã khuyên can nhiều nhưng anh vẫn bị nỗi sợ hãi mơ hồ kia ám ảnh.

Chị lau nước mắt nghe mọi người biện hộ giúp mình, chị nói ngắt quãng rằng chị không cố ý giết anh trai mình. "Vì đó là anh ruột của bị cáo mà", chị nghẹn ngào…

Dĩ nhiên, nước mắt và sự hối hận không thể níu kéo được chuyện đã qua để quay về thời điểm bắt đầu. Làm gì có ai đủ quyền năng để quay ngược lại quá khứ, lựa một giải pháp khác trong một thời điểm nhất định, để tránh chuyện đau lòng

Kinh Hữu
.
.