Lời trăn trối vì AIDS

Thứ Tư, 27/06/2007, 17:37
"Ở Trung tâm, cứ 10 đám tang thì có tới 8, 9 đám không có người nhà tới dự. Không tiếng khóc xót thương, không giọt nước mắt tiễn đưa người quá cố. Chúng em cũng là con người, cũng có bố mẹ, gia đình, anh em. Vậy tại sao khi chết lại không có ai bên cạnh", người phụ nữ đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh AIDS thổn thức.

Tôi không nghĩ người phụ nữ ngồi đối diện với tôi lại đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh AIDS, mặc dù trên người chị, ở hai cánh tay và trên khuôn mặt trái xoan xinh xắn, những vết lở loét đã làm chị già đi rất nhiều.

Chị nói về cuộc sống, về ý nghĩa sự tồn tại của con người trên thế gian này như một nhà triết học hiện sinh chủ nghĩa. Thế nhưng, cũng thật lạ, bởi ngay sau đó, chị lại khóc như một đứa trẻ khi kể về những bất hạnh cuộc đời và nỗi sợ hãi đến cùng cực trước cái chết lúc nào cũng có thể ập đến với mình.

Tại Trung tâm Chăm sóc điều trị bệnh nhân có HIV/AIDS giai đoạn cuối, huyện Thanh Trì (Hà Nội), có hàng trăm số phận đang bị lãng quên. Những câu chuyện mà chúng tôi ghi được, hẳn khiến nhiều người trong chúng ta đau lòng và giật mình suy nghĩ về cách hành xử của chính chúng ta...

Chuyện buồn của "người đàn bà đẹp"

Người phụ nữ trẻ ngồi trước chúng tôi có cái tên thật đẹp: Vũ Phương Anh, nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. So với những bệnh nhân đang điều trị ở đây thì chị là một người đặc biệt. Chị đặc biệt không chỉ vì là người sống vào loại "thọ" nhất ở Trung tâm, mà còn vì cho đến lúc này, sau mấy lần đối diện với cái chết, chị vẫn là người phụ nữ thích làm đẹp.

Mỗi sớm thức dậy, chị vẫn không quên kẻ lông mày, không quên thoa một ít phấn lên khuôn mặt loang lổ vì mụn nhọt đã khô thành những vết sẹo tím bầm. Cứ tưởng một người phụ nữ biết làm đẹp và giữ nhan sắc như chị phải yêu và trân trọng cuộc sống lắm, nhưng chị lại bảo, "chỉ mong được chết sớm cho đỡ khổ".

Chị Phương Anh kể: Ngày mới vào Trung tâm, chị rất sợ. Hằng ngày, tất cả những bệnh nhân đều bị những cơn đau hành hạ. Cứ cách một, hai ngày lại có một bệnh nhân qua đời trong sự cô quạnh. Ngay cả chị, vào Trung tâm đã gần 2 tháng rồi, nhưng bố mẹ, chồng con chưa người nào tới thăm. Chỉ có cô em gái, mỗi tháng đến thăm chị một đôi lần và mang cho chị quà là những hộp phấn, thỏi son.

Bây giờ chị cũng không biết đứa con gái đang sống cùng ông bà nội thế nào. Cả người chồng nghiện ngập đã có HIV và truyền cho chị có còn sống hay đang vạ vật say thuốc nơi nào.

"Người ta thường bảo chết là hết, nhưng người chết thì đâu còn biết gì nữa. Chỉ có người sống thì mới biết và mới khổ thôi anh ạ", chị nói.

"Ở Trung tâm này, cứ 10 đám tang thì có tới 8, 9 đám không có người nhà tới dự. Không có tiếng khóc xót thương, cũng không có những giọt nước mắt tiễn đưa người quá cố. Chúng em cũng là con người, cũng có bố mẹ, gia đình, anh em. Vậy tại sao khi chết lại không có ai bên cạnh".

Rồi, chị lại chua xót nói, ngày nào chị cũng khóc và nghĩ đến đám tang của mình. Rằng, ở Trung tâm này, ai cũng sợ lúc mình nằm xuống mà không có người nhà đến nhận, phải ra đi một mình và trở thành những con ma đói, ma lang thang…

Không sa đọa cũng chết vì HIV

Tại Trung tâm Chăm sóc điều trị người có HIV/AIDS giai đoạn cuối, Hà Nội, còn rất nhiều phụ nữ khác cả đời không biết đến ma tuý, cả đời lam lũ phục vụ chồng con cũng nhiễm phải căn bệnh nan y này. Thông thường, họ bị lây từ chính những người chồng sa ngã. Và, trước khi vào Trung tâm sống những ngày cuối đời đầy tủi nhục, nhiều người trong số họ cũng đã bị gia đình đày đọa, xua đuổi, bị cộng đồng xa lánh.

Chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở quận Cầu Giấy kể: Vợ chồng chị từng có một hiệu photocopy gần Trường Đại học Sư phạm I, Hà Nội. Đúng lúc công việc đang tiến triển và gia đình cũng có chút của ăn của để thì chồng chị nghiện hút, rồi có HIV.

Sau khi đi xét nghiệm và biết mình cũng có HIV, cuộc sống của chị thay đổi hoàn toàn. Chị bắt đầu bị gia đình ghẻ lạnh, bị mọi người xa lánh. Hiệu photocopy cũng đóng cửa sau đó không lâu vì người chồng lúc nào cũng say sưa với ma túy. Những trận ốm triền miên và sự suy sụp tinh thần khiến sức khỏe chị suy giảm rất nhanh.--PageBreak--

Cách đây hơn một tháng, chị đã được gia đình chuyển đến Trung tâm Chăm sóc điều trị người có HIV/AIDS giai đoạn cuối, Hà Nội để sống những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Nói đến đây, chị mở hòm lấy ra tấm ảnh cô con gái khoe. Những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên má, nhưng khuôn mặt người đàn bà này bỗng rạng ngời hơn hẳn. Chị bảo, mấy tháng trước còn khỏe, chị đã trốn về thăm con. Nhưng về đến nhà, gặp những ánh mắt đầy miệt thị của hàng xóm và bị người nhà quở mắng, chị chỉ đứng từ xa nhìn con và khóc, rồi lại quay về Trung tâm luôn.

Đã mấy tháng rồi, người phụ nữ này vẫn chưa thấy có người nào trong gia đình mình vào thăm. Cuộc sống của những bệnh nhân đang điều trị ở đây dường như chỉ được tính từng ngày, từng giờ và có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Bây giờ, chị chỉ còn đủ sức để loanh quanh trong gian phòng, mà chị vẫn ví nó như một cái tổ tò vò. Mới ngày hôm qua thôi, cũng tại gian phòng này, một người bạn mắc bệnh AIDS của chị đã qua đời sau một đêm vật vã với bệnh tật.

Ngay sau khi người bệnh qua đời, người ta đã vội vã đưa người chết vào quan tài, vội vã đưa lên xe đi hỏa táng tại nghĩa trang Văn Điển. Đó là một cái chết không ồn ào nhất thế gian này. Bởi người chết không có ai đến nhận người thân và vì thế, đám tang cũng không có kèn trống, không có tiếng khóc xót thương.

 "Tôi có tội với con mình"

Tại khu điều trị dành cho bệnh nhân nam, không khí nặng mùi hơn vì có quá nhiều bệnh nhân đang điều trị. Rất nhiều bệnh nhân vừa có HIV, vừa bị bệnh lao nằm liệt giường cả tuần, chỉ chờ thần chết đem đi. Giám đốc Trung tâm, thạc sỹ Nguyễn Văn Khanh cúi người nói điều gì đó với một bệnh nhân đắp chăn đến tận cổ và mồm thì thở khò khè. Người bệnh mở đôi mắt hốc hác và thều thào như muốn nói điều gì.

Phải đến rất gần, chúng tôi mới nghe được tiếng thì thào, như lời của một người từ thế giới bên kia vọng về. Anh giới thiệu mình tên là Tùng, 36 tuổi, ở quận Đống Đa (Hà Nội). Tùng kể, anh nghiện hút từ năm 1986. Vợ anh sau đó đã bỏ đi, để lại cho anh đứa con gái nhỏ. Cũng may, đứa con 12 tuổi của anh chưa bị bệnh và đang sống cùng ông bà nội.

Nói đến đây, nước mắt từ hai hốc mắt trũng sâu của Tùng cứ trào ra. Tôi đã không nghĩ rằng, gã đàn ông gầy còm, người chỉ còn da bọc xương này lại có nhiều nước mắt đến thế. Tùng nói: "Tôi bị bệnh thế này, chết cũng không trách ai cả. Nhưng cứ nghĩ đến con, lại thấy mình có tội với nó quá". Nói đến đây, Tùng lại khóc. Người ta thường bảo "đừng nghe người nghiện trình bày", nhưng những lời như thế của một kẻ sắp lìa khỏi thế gian như Tùng thì không thể là giả tạo được.

20 năm làm bạn với ma tuý, Tùng bảo, đến lúc sắp chết, tự nhiên lại thấy mình tỉnh táo. Tự nhiên lại thấy cần những người thân luôn ở bên cạnh, trò chuyện. Nhưng, cũng giống như bao bệnh nhân khác, Tùng dường như đã bị gia đình quên lãng, bỏ bê việc chăm nom...

Lời kết

Ba câu chuyện và ba số phận dường như chỉ nói được phần nào sự cô đơn, cay đắng của hàng trăm con người sắp chết vì AIDS, tại Trung tâm Chăm sóc điều trị người có HIV/AIDS giai đoạn cuối, Hà Nội.

Hãy khoan bàn đến việc vì sao ngày càng có nhiều người mắc phải căn bệnh nan y này và quá khứ của họ ra sao. Bởi, người có HIV, dù sao cũng là những người bất hạnh, rất cần được cảm thông và chia sẻ. Chỉ có như thế mới khiến người có HIV bình thản trước bệnh tật và không có những hành động tiêu cực, gây thương tổn cho gia đình và cho cộng đồng.

Tôi không biết một lần nào đó, nếu trở lại Trung tâm Chăm sóc điều trị người có HIV/AIDS giai đoạn cuối, Hà Nội có còn được gặp những nhân vật trong phóng sự này hay không. Có lẽ điều đó là không thể, bởi những bệnh nhân ở đây cũng giống như "ngọn đèn cạn dầu trước gió", biết sẽ tắt khi nào!

Thế nhưng, rời Trung tâm, tôi lại thấy đau và bị ám ảnh bởi câu nói của Giám đốc Nguyễn Văn Khanh: "Ở đây, ngay cả khi bệnh nhân chết mà việc liên hệ với gia đình khó quá. Hầu hết họ đều bỏ mặc người thân cho Trung tâm lo liệu. Hiện nay, Trung tâm vẫn còn mười lọ hài cốt gửi ở nghĩa trang Văn Điển, mà lâu lắm rồi, không thấy có người đến nhận. Mỗi lúc nhìn thấy, lại thấy đau quá!"

Nguyễn Trọng Tuyến
.
.