Khi chính quyền và người dân cùng trên con thuyền vận mệnh

Chủ Nhật, 14/08/2016, 10:01
Chỉ khi chính quyền và người dân cùng một hướng chèo trên con thuyền vận mệnh của đất nước mình thì con thuyền ấy mới đi đến được bến bờ của nó. Nếu không nó sẽ mãi mãi xoay tròn và vô định.

Anh Trần Lê Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cùng một số bạn đọc khác: Trong phát biểu nhậm chức sau khi tái đắc cử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định phải xây dựng bằng được một Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Và nỗ lực này đã được khởi động ngay sau khi Chính phủ mới được cơ bản kiện toàn hồi đầu tháng 4-2016, với mục tiêu "Chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân". Đây như một "luồng gió đổi mới" khiến người dân rất phấn khởi và kỳ vọng.

Điều đó cho thấy rõ những quyết tâm đáng trân trọng của Thủ tướng và Chính phủ, cũng như những tín hiệu sáng về một Chính phủ điều hành bằng thượng tôn pháp luật, bằng thể chế và Chính phủ lấy sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp, để đánh giá, lấy hiệu quả công việc soi mình, đó là thước đo quan trọng nhất…

Điều này, thưa nhà báo, là điều bấy lâu nay ai cũng thấy, vậy mà sao tới nay chúng ta vẫn chưa làm được? Và lần này, với sự cam kết và quyết tâm cao độ của Chính phủ, đây sẽ là hành trình không ít thách thức, nhưng là việc phải làm, và làm cho bằng được phải không thưa nhà báo?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Trần Lê Thanh, thưa bạn đọc. Trong câu hỏi của anh Trần Lê Thanh có câu: "Đây như một "luồng gió đổi mới" khiến người dân rất phấn khởi và kỳ vọng". Trong những người "phấn khởi và kỳ vọng" đó có tôi.  Bởi đây là những gì người dân chúng ta mong đợi từ Chính phủ của mình. Nói cho chính xác thì đây là điều cơ bản nhất người dân đòi hỏi Chính phủ của mình.

Trong lời tuyên thệ nhậm chức, tôi thực sự chú ý tới câu: "Bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nếu một chính quyền không mang đến dân chủ cho người dân thì đó là một chính quyền độc tài. Nếu chính quyền không thực thi lời hứa của mình thì chính quyền đó sẽ mất lòng tin.

Và dù sớm hay muộn thì người dân không bao giờ có thể đi cùng với một chính quyền độc tài cả. Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử dân tộc chúng ta đã minh chứng quá đủ cho điều ấy.

Có người hỏi tôi vì sao lần này người dân lại "phấn khởi và kỳ vọng" như vậy. Trước hết, tôi muốn nói lâu nay không ít người dân thường thờ ơ với không ít phát biểu của lãnh đạo. Nhưng lần này, cùng với những lời tuyên thệ trước nhân dân thanh thiên bạch nhật là những hành động cụ thể đã được thực thi cho dù chỉ là những bước ban đầu.

Hơn nữa, đất nước chúng ta đã đang ở một thời kỳ khó khăn nhất về lòng tin và cơ hội hòa nhập vào thế giới. Nếu chính quyền bỏ qua cơ hội này thì khó có thể có cơ hội khác. Tôi cũng tin, trong thời kỳ này của đất nước, các cố vấn của Đảng và Nhà nước đã cho Đảng và Nhà nước thấy được sự thật người dân đang nghĩ gì về chính quyền của mình. Một trong những sự thật đó là lòng tin.

Trong những ngày tháng này, người dân đã được nghe những lời đau đớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về những đảng viên có quyền chức đã làm mất lòng tin của người dân vào Đảng và chính quyền.

Hành động tuyên thệ trước nhân dân, trước Quốc hội của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, của Chính phủ và Quốc hội mang đến cho người dân một niềm hy vọng. Đó chính là hành động dám chịu trách nhiệm cá nhân cao nhất của các nhà lãnh đạo trước những vấn đề của đất nước.

Người uy quyền không phải là người dệt được chiếc áo toàn công trạng để khoác lên mình mà là người dám khẳng định thành công cũng như thất bại của mình. Lâu nay, nhiều người cứ nghĩ và sợ rằng, nếu anh ta công khai thất bại nào đó của mình thì anh ta sẽ yếu thế đi hoặc bị mất lòng tin. Nhưng thực tế hiệu ứng của nó là ngược lại.

Một người biết cách công khai thất bại của mình chính là một người có uy lực. Còn một người cố tình giấu những sai sót hoặc thất bại của mình thì người đó đang vô tình đứng trên chiếc ghế hai chân của sự mất lòng tin.

Sau khi đưa ra những những gì mà Chính phủ hứa sẽ thực thi, anh Trần Lê Thanh đặt câu hỏi "...là điều bấy lâu nay ai cũng thấy vậy mà sao tới nay chúng ta vẫn chưa làm được?".

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất là vấn đề dân chủ trong xã hội chúng ta. Một trong những mục đích mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng là một xã hội dân chủ. Và dân chủ là cơ hội lớn nhất cho mỗi thành viên trong xã hội đó được tự do phát huy những năng lực cá nhân mình cho sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng chứ không phải là nơi cho mỗi cá nhân thỏa mãn thói tùy tiện.

Không có dân chủ sẽ không có sự phát triển. Một xã hội không dân chủ là một xã hội phi nhân tính. Chúng ta đã có những bước đi rất đáng ghi nhận trong những năm gần đây. Nhưng vấn đề dân chủ của chúng ta chưa thực sự đi vào đúng bản chất của nó. Tham nhũng là một trong những kẻ thù lớn nhất của đất nước. Lãnh đạo đất nước và người dân vẫn nói như vậy.

Nhưng việc người dân lên tiếng về các quan tham có ai lắng nghe thực sự không? Có bao nhiêu quan chức đủ can đảm công khai tài sản của mình? Chỉ khi có dân chủ thực sự thì mới có sự minh bạch, mới có công bằng và mới có tự do thực sự. Và khi có dân chủ thực sự thì người dân sẽ trở thành những người giám sát và kiểm tra có hiệu lực nhất và công bằng nhất.

Chính vì thế mà khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng trước nhân dân, trước Quốc hội đã tuyên thệ thì người dân tin ông và chính phủ của mình sẽ nỗ lực để thực thi lời hứa đó. Lời hứa đó vừa là danh dự, là lòng tự trọng của cá nhân ông và vừa là đặt cá nhân ông trong sự nghiêm minh của luật pháp đất nước.

Anh Trần Lê Thanh có đề cập tới vấn đề "thượng tôn pháp luật". Đây quả là vấn đề sống còn của mọi quốc gia. Trong lịch sử loài người, bất kỳ nhà nước nào, kể cả nhà nước nguyên thủy không thượng tôn pháp luật thì nhà nước đó sẽ dần dần tan rã. Có quan chức nào làm thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ của Nhà nước bị truy tố không? Trong khi hai thanh niên ăn cắp hai chiếc bánh mỳ thì bị truy đến cùng.

Người dân phấn khởi và kỳ vọng vào sự thay đổi của đất nước.

Ở đây cho thấy hai vấn đề: vấn đề dân chủ và thượng tôn pháp luật. Nếu bây giờ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lương cho một nhóm chuyên gia vài ba người hàng ngày theo dõi mạng xã hội thôi thì Thủ tướng sẽ thấy người dân đang nghĩ gì về chính quyền.

Người dân không đòi hỏi chính quyền phải mang lại cuộc sống vật chất và tinh thần cho họ đầy đủ trong một lúc, mà người dân cần nhìn thấy được ý thức và hành động của chính quyền cho mục tiêu ấy. Mị dân hay thực sự vì dân là một điều quá ư dễ dàng nhận ra. Tri thức của nhân dân càng ngày càng cao và họ là những người tự nhận biết đúng sai và tự quyết định thái độ và hành động của họ.

Chúng ta không còn cơ hội để chậm trễ nữa. Nếu chúng ta bỏ mất cơ hội trong lúc này thì chúng ta sẽ lùi sau thế giới cả trăm năm nữa. Những người dân đang lên tiếng một cách chân thành và có trách nhiệm như anh Trần Lê Thanh và bao người khác vừa là lời động viên, chia sẻ với chính quyền và cũng là lời cảnh báo. Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân, vì sự yên thân của họ và gia đình họ thì họ đã im lặng.

Chỉ khi chính quyền và người dân cùng một hướng chèo trên con thuyền vận mệnh của đất nước mình thì con thuyền ấy mới đi đến được bến bờ của nó. Nếu không nó sẽ mãi mãi xoay tròn và vô định.

Minh Đức
.
.