Hồi kết vẫn dở dang

Thứ Sáu, 20/05/2011, 15:55
Uyển gọi điện thoại, nói giọng khẩn thiết với tôi rằng, khoảng ba tuần nữa em lại vào Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám, anh sang bệnh viện cho em nhìn mặt được không ạ. Chỉ cần nhìn mặt anh thôi là em đủ vui rồi… Tôi có hứa với Uyển rằng mình sẽ sang. Phút chốc lòng cứ đắn đo, bởi tôi đã thất hứa với Uyển không chỉ một lần.

1. Uyển là một nhân vật mà tôi đã viết cách đây ít lâu. Uyển tên đầy đủ là Phạm Thượng Uyển. Uyển lớn tuổi hơn tôi, không hiểu sao cứ gọi tôi bằng anh mãi, dẫu tôi đã xác tín lại chuyện ngôi thứ trong cách xưng hô với Uyển nhiều lần. Đời Uyển nhiều bất trắc, hoang vắng ngồi lục tung lại những lời Uyển kể, tìm hoài mà không thấy được niềm vui…

Năm Uyển 5 tuổi, em gái Uyển 3 tuổi thì bố mẹ Uyển chia tay. Uyển cùng em mình được họ gửi lại cho bà ngoại. Bà ngoại nghèo xác xơ, bán xôi xéo ở ngoài chợ làng. Cái ăn mỗi ngày với Uyển và em Uyển là cả một ước mơ, nên nói gì đến chuyện học hành chữ nghĩa. Lớn chút, Uyển được gửi đi làm còn nuôi của gia đình ông chủ hàng phở trên phố huyện. Thời khốn khó, thì con nuôi, đôi khi cũng là cách gọi khác đi của một bên là cần cơm ăn, bên kia cần người giúp việc…

Hơn 10 tuổi, thân thể gầy nhom, Uyển nằm ngủ cạnh chuồng ngựa. Mỗi ngày đánh ngựa ra ga lấy hàng về cho bố mẹ nuôi. Vào vai con nuôi được vài năm, Uyển bỏ nhà đi bụi. Uyển trú trong cái nhà kho chứa gạo cũ ở ga xe lửa, nơi mà Uyển nhẵn mặt tất cả các nhân viên bảo vệ khi mỗi sáng đánh ngựa ra ga chở hàng.

Một đêm mưa, có tiếng gõ cửa bên ngoài căn nhà kho. Người đàn ông lạ mặt xuất hiện hỏi Uyển, vào bãi vàng với tao không?... Có, có, Uyển đáp. Vậy là đi.

Uyển ngày khốn khó.

Uyển vào bãi vàng, đầu tiên là làm cu li. Cuộc sống ở bãi vàng cần sức mạnh và máu lạnh, không cần lời nói và lề luật, Uyển đốt thời niên thiếu của mình bằng thứ hóa chất mà ngoài bãi vàng người ta gọi là ma túy.

Uyển kể, cái thời Uyển còn hai tay ba dao, trên lưng deo súng bắn đạn ghém, hỗn danh là Uyển Tóc Dài, Uyển sống như vua chúa trong bãi. Đi đâu cũng có người hô, đến đâu cũng có kẻ ứng… Uyển sống hoang dại.

Về đồng bằng, vàng giắt khắp người, đập phá thâu đêm suốt sáng. Uyển cùng đám đàn em loi choi của mình không xài tiền mặt, họ chỉ xài vàng. Cái gì cũng quy ra kim ngân.

Uyển về lại quê cũ, nghiễm nhiên thành thượng khách. Uyển muốn gì có nấy. Uyển nói gì mọi người cũng gật đầu… Duy có cái Uyển tìm hoài mà không thấy, bà ngoại Uyển mất, em gái Uyển bỏ làng đi biệt tăm.

Tung tẩy đến khi hết vàng, Uyển lại mò vào bãi. Uyển làm việc như điên, nổ mìn đãi đất mót vàng. Hô hào đàn em đi thu lệ phí ở các bưởng vàng khác, gây chiến với các băng nhóm xung quanh. Lại mang đầy ắp vàng về xuôi.

Uyển nhủ với lòng, lần này mang vàng về, Uyển sẽ đi buôn.

Uyển buôn những vật phẩm từ miền ngược về, mỗi chuyến lời vài cây vàng là bình thường. Nhưng, người tính là một chuyện, trời cho lại là chuyện khác. Lời thề không quay vào bãi, vào buổi chiều khi cái máy phụt cắn đứt của Uyển bốn ngón tay trái đã nhanh chóng chìm vào quên lãng. Uyển lại bắt quân quay vào bãi.

Nắng mưa bất chợt ở bưởng vàng, cuốn theo cái màu đỏ quạch của đất mau mắn rửa trôi cái ước nguyện làm người đàng hoàng của Uyển. Uyển sử dụng thuốc phiện, loại thuốc được dân đầu nậu trộn thêm thuốc cảm vào rồi ép thành viên để đốt hút lấy khói. Uyển hút như điên, làm như ngày mai sẽ chết. Nhưng lần này, vận may đã không còn mỉm cười với Uyển.

Băng nhóm của Uyển tìm mãi không thấy vàng, món tiền còm mang theo làm lộ phí sắp cạn. Một sáng, cậu nhóc lính Uyển la lên thấy vàng. Chưa kịp kiểm tra thông tin vừa nhận được, Uyển đã lạnh mình khi thấy hàng chục họng súng đen ngòm chĩa vào lán của mình. Uyển mất tất cả.

Trong thời khắc ấy, bằng cái máu của một tay lớn lên ở bưởng, gã đã tính chơi trò được ăn cả, ngã về không… Nhưng nhìn đám đàn em đang run cầm cập nơi góc lán, Uyển biết thời của mình đã hết. Gã cắn chặt môi, ngước mặt nhìn trời, mưa trắng mặt, thề độc từ nay gã sẽ buông bãi vàng.

2. Giải tán hết đám đàn em đang vạ vật ngoài bưởng, gã tót xe đò vào Nam. Đi là đi thôi, chứ cũng chẳng biết sẽ làm gì ở xứ sở xa lạ ấy. Những mối quan hệ dzích dzắc trong giới lục lâm thời xa xưa sẽ không để mình chết đói, Uyển nghĩ vậy. Gã cai thuốc, cai sống bằng cách nhờ người trói mình vào gốc cây mỗi khi lên cơn. Sau rốt, gã cũng cai được.

Người bố bỏ Uyển đi bằn bặt nhiều năm trời, không biết run rủi thế nào lại tìm thấy Uyển ở Bình Phước. Hóa ra, sau cái ngày chia tay với mẹ Uyển, bố Uyển bắt đầu cuộc chơi với người phụ nữ khác ở vùng đất nghèo khó này. Ông bảo Uyển, xa cách đã lâu nay được trùng phùng, mày đừng nghĩ chuyện xưa mà giận, cứ về ở với bố cho có cha có con. Uyển đồng ý.

Sum vầy với bố được ít lâu, ông đề nghị Uyển lấy vợ. Lấy vợ, bao giờ cũng là khái niệm xa lạ trong tư duy của Uyển. Ngày trước, Uyển chỉ nghĩ đến vàng. Giờ, Uyển bắt đầu biết nghĩ đến phụ nữ. Một người phụ nữ sẽ chia ngọt sẻ bùi cùng Uyển, chứ không phải chỉ đơn giản nháo nhào giày vò nhau trên giường, xài tiền rồi thôi.

Đám cưới diễn ra trong linh đình, bố Uyển lo tất cả. Uyển nói với tôi tiền mừng cưới cũng nhiều, gia đình vợ Uyển có cho thêm ít nữ trang… Tất tần tật những thứ ấy, bố và mẹ kế của Uyển giữ sạch. Chưa đến ba hôm sau ngày cưới vợ, họ bảo Uyển dọn ra khỏi nhà. Đi đâu ạ, Uyển hỏi. Đó là chuyện của vợ chồng mày, đừng ăn bám vào chúng tao nữa, chúng tao như vậy là đủ khổ rồi, họ đáp. Uyển mỉm cười khi nghe vậy, bằng sự lọc lõi của một gã lớn lên ở rừng, gã đã hiểu tất cả.

Uyển dắt vợ vào tận sâu trong rừng ở Bình Phước, dựng lều để ở. Vợ gã ở nhà nằm tủi phận, gã lao vào rừng với đoàn quân xẻ gỗ kiếm tiền độ nhật. Ngày lãnh được 2 triệu đồng tiền công phá rừng, gã mang về đưa hết cho vợ. Nói rất nhẹ nhàng, em cầm tiền về ở với bố mẹ em đi. Mình từ đây hết tình hết nghĩa, tôi xin lỗi vì tất cả… Gã bỏ Bình Phước, nhảy xe ngược về Đồng Nai, tìm kế sinh nhai.

Có người quen của Uyển ở nơi này, Uyển sinh kế bằng cách vào rẫy làm thuê. Được ít lâu, Uyển dạt ra Khánh Hòa. Bạn Uyển ở nơi này bảo với Uyển rằng Uyển cứ xuôi Trung, bạn sẽ cho mượn miếng đất con con, trồng rau cải sạch để bán. Chắc cũng không đến nỗi chết đói.

Ngày hôm trước đến nơi, hôm sau Uyển mượn xe máy của bạn chạy thăm phố phường thì gặp tai nạn. Tài xế xe tải sau khi khiến Uyển nằm gục trên đường đã vội vã phóng đi. Gã được người đi đường tốt bụng chuyển về Bệnh viện Khánh Hòa, bác sĩ chẩn đoán tình trạng của Uyển là nghiêm trọng, đưa Uyển thẳng vào Bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn.

Tôi gặp Uyển ở Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày mưa. Uyển đưa khuôn mặt của kẻ đói khát trò chuyện với tôi… Uyển giữ vai người bệnh nhiều "không" tại khoa: không người thân, không tiền, không chứng minh nhân dân, không biết chữ… Uyển nói, nhiều hôm rồi khóc suốt, tôi cười cười nói, giang hồ cũng có nước mắt ư? Uyển bảo, em bỏ cái thời đó lâu rồi, em muốn quên lắm rồi, anh nhắc làm gì nữa.

3. Sau bài viết của tôi, Uyển gọi điện thoại, khóc nấc. Uyển nói nhờ người đọc giúp bài báo, tự dưng lại tìm thấy mình sau nhiều năm lưu lạc. Tôi hỏi Uyển là giờ tính sao. Uyển bảo, chắc Uyển về lại Đồng Nai kiếm đường sinh sống. Độc giả của báo đọc tin, ủng hộ Uyển được số tiền kha khá. Tôi nói, mừng cho Uyển, cố mà sống lương thiện. Uyển sụt sùi, em lương thiện từ ngày rời bãi vàng sau khi bị cướp.

Áng chừng nửa năm sau, Uyển lại gọi. Khoe mình cất được cái nhà con con, chỉ để che nắng mưa. Giờ đi làm thuê, mỗi ngày được 70 nghìn đồng. Cái chân chịu di chứng của lần bị tai nạn, cứ đi cà thọt, nhưng như vậy là may lắm rồi. Ngập ngừng mãi mới nói, em lại có chuyện phiền anh.

Uyển đi tái khám, đón xe ôm từ bệnh viện sang cơ quan, đưa cho tôi tờ giấy xác nhận của mấy anh công an ở nơi Uyển cư trú tại Tân Phú, Đồng Nai. Uyển bảo, tự dưng có người tung tin đồn em là tội phạm truy nã, giết người cướp của. Em ức quá mà chẳng biết làm sao, nên nhờ người làm đơn, mang ra xã xin mấy anh chứng nhận cho chuyện mình vô tội, ai nói gì thì lại chìa ra để minh oan.

Mà khi nào anh rảnh, anh xuống nhà em chơi với em đi. Hàng xóm nghe em kể về anh, ai cũng muốn gặp. Tôi mau mắn nhận lời khi nghe Uyển rủ, rồi cũng mau mắn quên đi. Cuộc điện thoại gần nhất Uyển gọi, là báo tin ba tuần nữa sẽ đi tái khám. Tôi có hỏi Uyển là thế em gái Uyển đã tìm được anh chưa. Uyển đáp buồn hiu, dạ thưa vẫn chưa thấy nhau ạ.

Uyển kể Uyển giờ ra lô làm công nhân cạo mủ thuê cho vườn cao su tư nhân, mỗi ngày thu nhập được cả trăm nghìn đồng. Ở luôn trong lô với vài người bạn. Ngày Lễ 30-4 bạn về nhà cả, Uyển cũng tính về nhà mà nghĩ lại về cũng chẳng có ai, nên cố tranh thủ làm ngoài giờ kiếm thêm.

Tôi đùa nói, thế coi rước vợ cũ lên đấy sống chung đi, chứ cũng sắp 40 tuổi rồi còn gì. Uyển trả lời, em không dám nghĩ đến chuyện đó đâu. Thân thể em giờ dặt dẹo vậy, mà biết cô ấy đã có chồng khác chưa. Bập vào nhau, chỉ làm cô ấy thêm khổ thôi, anh ạ.

Nói thêm vài câu thăm hỏi nhau, trước khi cúp máy, Uyển nói với theo: "Chỉ mong người ta nhìn nhận em là kẻ lương thiện thôi".

Tôi cũng mong có vậy. Đời người phong ba như thế chắc cũng đã đủ để người ta ngộ ra nhiều điều, anh Uyển nhỉ?

Ngô Kinh Luân
.
.