Chuyện về các bé ung thư ở bệnh viện K3, Tân Triều:

Hết mùa trăng này liệu còn mùa trăng sau?

Thứ Sáu, 28/09/2018, 17:05
Rằm tháng 8 là Tết Trung thu, cũng là ngày có ánh trăng đẹp nhất trong năm, những đứa trẻ K3, bệnh viện Tân Triều, Hà Nội cho dù đang vô cùng đau đớn bởi bệnh tật giày vò nhưng vẫn háo hức chờ quà...

Có thể chỉ là dăm ba hộp sữa tươi, một ít đồ chơi đã cũ, hay đơn giản hơn là được học hát bên các anh chị sinh viên tình nguyện: "Mùa thu của em/ Là vàng hoa cúc/ Như nghìn con mắt/ Mở nhìn trời đêm/ Mùa thu của em/ Là xanh cốm mới/ Mùi hương như gợi/ Từ màu lá sen…".

Trên tầng 3 của khoa nhi Bệnh viện K3 Tân Triều, khi tôi đang đứng lơ ngơ như trời trồng giữa những bệnh nhi đông đúc thì một cậu bé chừng 7 tuổi cầm lấy tay tôi bảo: "Cô vào đây đi, cô đi phát quà đúng không?". 

Cậu bé gầy gò, chân tay khẳng khiu như que củi khô, nước da xanh rớt thiếu máu. Nhìn cậu bé, tôi biết cậu đang rất mệt. Đoàn Bạch Minh Trung là tên cậu. Quê cậu ở khu 11, xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. 

Mẹ cậu kể trước tết năm 2018, ông nội xuống Bệnh viện K Hà Nội điều trị bệnh ung thư lao phổi, bệnh nặng nên vào những ngày giáp Tết bệnh viện trả về, ông về nhà đến mồng 7 Tết thì mất.

Ông nội mất từ chiều hôm trước thì ngay ngày hôm sau cậu đột nhiên đau họng, khản tiếng, cho dù trước đó là một đứa trẻ không ốm đau gì, thậm chí đang học lớp 2 đã biết đọc thơ cho mẹ nghe. Và thế rồi, chỉ trong vòng ba ngày cậu không nói được nữa.

Sau khi ông nội mất được 5 ngày, bệnh tình của cậu trở nên trầm trọng, đi khám ở tuyến huyện người ta bảo cậu bị viêm xoang nặng nhưng rồi về nhà cứ nuốt nước bọt là đau, sờ thấy cái hạch ở cổ. Bệnh nặng phải chuyển xuống tuyến Nhi Trung ương, các bác sĩ kết luận cậu bị u ác tính vòm họng, rồi được chuyển viện sang đây. 

Bé Đoàn Bạch Minh Trung 7 tuổi và mẹ.

Chỉ sau hai tháng, hạch to ngáng ngang đường thở. Đầu tiên bé bằng hạt lạc, sau cứ to dần, bây giờ thì khối u to bằng quả cau, che lỗ mũi, khiến cậu phải thở bằng miệng. 

Anh Thành, bố Trung năm nay 35 tuổi, còn chị Ánh mẹ Trung 30 tuổi, hai vợ chồng chị đều trông cả vào mấy sào ruộng. Trung là con đầu cũng là con trai duy nhất của vợ chồng chị. Bản thân chị Ánh cũng đang bị u nang buồng trứng. 

Trung bảo với tôi: "Cháu thích có em nhưng bố mẹ không có em bé". 

Chị Ánh bảo ngay từ bé Trung đã không ăn thịt cá, bao giờ cũng chỉ ăn cơm chan với nước canh nên cơ thể thiếu chất, người gầy không có sức, thể lực yếu, lần đầu truyền hoá chất, cậu mệt lả, cứ 15 phút là đi giải một lần, 20 phút lại nôn một lần. 

Tuyệt nhiên không ăn được bất cứ thứ gì và chỉ uống được nước tinh khiết. Cậu lả đi vì mệt, rồi có lúc cất giọng thều thào yếu ớt bảo với mẹ: "Con đau và mệt lắm mẹ ạ. Mẹ đừng sinh con ra có tốt hơn không". 

Chị chỉ biết im lặng, ôm con vào lòng, hai hàng nước mắt chảy ra. Truyền hóa chất được 19 ngày, tóc cậu bắt đầu rụng nhiều và bây giờ thì chả còn tí tóc nào trên đầu nữa.

Có hôm đang truyền thuốc, Trung ngó lên trần nhà rồi ngồi dậy nói với mẹ: "Mẹ ơi, con ăn chay và niệm Phật, để đến khi nào chết đi sẽ được lên thiên đường, chứ con không muốn xuống địa ngục đâu, ở địa ngục đói khổ và lạnh lắm". 

Sau đợt truyền hoá chất, bệnh viện cho về nghỉ khoảng nửa tháng, bố cậu chở hai mẹ con bằng xe máy về quê ngoại ở Quốc Oai, Hà Nội cách bệnh viện chừng 40km. 

Nghỉ ngơi ở đó bốn hôm rồi ba người lại bồng bế dắt díu nhau 80 cây số về nhà, khi nào cậu mệt quá, cha dừng xe chỗ có bóng cây nghỉ mươi phút rồi lại lên đường. Chiếc xe máy cũ lọc xọc, nhẩy tưng tưng khi qua các ổ gà, cậu gục vào mẹ mê mệt, chả còn thiết gì. 

Về được đến nhà thì con Vàng ra đón. Nó là con chó ngoan mà Trung rất yêu. Có lần bố Trung bảo, giỗ ông nội thì làm thịt con Vàng, Trung ôm con Vàng khóc, nhất quyết không cho bố thịt. Trung xuống bệnh viện ở Hà Nội còn dặn đi dặn lại bố không được thịt con Vàng.

Có lần Trung nói với bố mẹ: "Chả biết con còn sống được bao nhiêu nữa, con mà chết đi con Vàng sẽ ra mộ con để trông mộ, đến khi nó mất bố mẹ chọn cho nó miếng đất chôn cạnh con". 

Chị Ánh nghe con nói cứ bủn rủn, bàng hoàng hết cả người. Lắm lúc chị thẫn thờ như người mất hồn khi nghe những lời kì lạ của con. Hình như những  đứa trẻ mắc căn bệnh hiểm nghèo thường đặc biệt nhạy cảm với cái chết. 

Sự việc của Trung khiến cho tôi bất giác nhớ lại câu chuyện xảy ra đã mười năm về trước. Đó là một buổi chiều mùa đông tôi vào thăm cháu của một người bạn thân đang bị ung thư xương di căn ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé gái mới 4 tuổi. Những đứa trẻ luôn phải truyền thuốc vào cơ thể. Các cô y tá hay điều dưỡng sẽ làm nhiệm vụ chọc kim lấy ven. May mắn chỉ chọc kim một lần sẽ có ven, nhưng nếu không may sẽ phải mất đến 3, 5 hoặc 7, 8 lần, thậm chí còn nhiều lần hơn nữa, tất cả phụ thuộc vào sức khoẻ, thể trạng của đứa trẻ và tay nghề của người lấy ven. Mỗi lần chọc là một lần cây kim đi qua da thịt của các bé, rất đau. Cô y tá trẻ chọc kim cháu bạn tôi mấy lần đều không được. 

Đứa bé không khóc, khuôn mặt nó nhíu vào rồi cất giọng vừa bực tức vừa lạnh lùng bảo cô y tá: "Này, từ nãy giờ cô làm cháu đau lắm rồi, cô nhìn cho kỹ vào để lấy cho chính xác, nếu cô còn làm cháu đau nữa cháu chết đi sẽ làm ma quay về bóp cổ cô".

Lời đứa bé nói khiến cả phòng lặng đi sững sờ, không hiểu sao đứa bé 4 tuổi lại có thể nói như vậy? Nhưng đúng là sau lời nói của bé gái, cô y tá chỉ lấy thêm một lần là được ven luôn. Mà cũng chỉ sau lần lấy ven ấy 3 tháng sau thì bé gái qua đời. Kể từ ngày đó đến nay 10 năm trôi qua, đã biết bao nhiêu đứa trẻ bị ung thư và qua đời như thế?

Bé Phan Huy Hùng và bố.

Có một cậu bé chỉ nằm im trên giường, người gầy gò, dường như bé rất mệt, bố bé ngồi ở đầu giường lặng lẽ nhìn con. Bé tên là Phan Huy Hùng, 5 tuổi, nhà ở tổ 25 phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình.

Anh Thanh bố cháu 46 tuổi, vợ anh 41 tuổi. Hai vợ chồng anh lấy nhau muộn, có hai người con, bé Hùng và một bé trai đang ở nhà với mẹ. Anh lúc đi phụ hồ, lúc làm xe ôm, ai nhờ gì làm nấy để miễn có thêm đồng ra đồng vào cho gia đình.

Vợ anh trước đi làm công nhân, sau ngày sinh bé thứ hai được một năm thì bị tai nạn giao thông vỡ xương quai xanh nên sức khoẻ rất yếu. Hiện nay chị ở nhà chăm sóc bé hai tuổi, còn anh ở trên Hà Nội chăm sóc bé Hùng. 

Anh kể tháng ba năm nay tự nhiên bé Hùng lười ăn, cứ đến nửa đêm là sốt lên đến 39-40 độ.  Anh chị cho cháu uống thuốc hai, ba hôm vẫn không hạ. Có điều lạ là chân tay cháu cứ động vào đâu là tím hết cả lại, thâm tím khắp người, hoặc nhỡ có đứt tay chảy máu thì rất khó cầm. 

Khoảng giữa tháng 4, anh đưa cháu xuống bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra sinh thiết rồi hai cha con lại đi xe đò về quê chờ kết quả. 

Ngày 23 tháng 4, sinh nhật của cháu tròn 5 tuổi, buổi chiều hôm ấy anh đang chạy xe ôm thì có điện thoại của bệnh viên thông báo cháu bị ung thư máu, đề nghị nhập viện ngay để kịp chạy hoá chất. Nhận tin dữ, hai vợ chồng choáng váng rồi vội vã vay mượn họ hàng bên nội, bên ngoại ít tiền, bồng con xuống nhập viện K3 Tân Triều.

Đang nói chuyện với anh thì bé Hùng con anh bảo với tôi: "Anh Mạnh vừa chết rồi, em Quang chết trước rồi...". 

Bố Hùng giải thích, hai cha con anh nằm ở căn phòng này hơn 4 tháng nay, đã chứng kiến nhiều cái chết của các bạn trong phòng. Cháu Mạnh quê Thái Nguyên bị ung thư xương đã mổ chân nhưng di căn nên bệnh viện trả về. Về nhà các bậc phụ huynh vẫn gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ của các con, cháu Mạnh vừa mất hôm thứ Bảy. 

Bé Quang hai tuổi cũng thế, nằm điều trị trong phòng một thời gian, mọi người có tình cảm với nhau, bé nào mất đi mọi người đều xót xa ngậm ngùi thương nhớ. Tuy không nói ra nhưng bố mẹ các bé đều nơm nớp lo sợ bao giờ đến lượt con mình?

Mất chồng người ta gọi là goá phụ, mất vợ người ta gọi là goá vợ, mất cha mẹ thì gọi là mồ côi, còn mất con gọi là gì? Nỗi đau đó quá lớn nên chẳng thể gọi tên chăng?

Ánh trăng mùa thu tháng 8, vầng thái âm dịu dàng như người mẹ toả ánh sáng từ tâm. Nhưng ở đây, với những đứa trẻ đang từng ngày từng giờ chống chọi cùng bệnh tật, hết  mùa trăng này liệu có mùa trăng sau?

Trần Mỹ Hiền
.
.