Hành trình yêu thương ước vọng của một người mẹ

Thứ Sáu, 02/06/2017, 15:20
Đã có đôi lần, khi đến thăm gia đình nhà thơ Bùi Kim Anh, tôi gặp bé Thiện Nhân đang chơi đùa vui vẻ cùng các anh của mình. Một cậu bé hóm hỉnh, thông minh và nghịch ngợm... Cháu có đôi mắt trong veo biết nói và nụ cười mê đắm lòng người dù  thiếu đi một chân, nỗi đau từ thuở mới sinh.

Nhưng dường như, chưa bao giờ, từ ngày lớn khôn, hiểu biết, Thiện Nhân thấy thiếu đi tình yêu thương của những người xung quanh, đặc biệt là tình yêu thương của một người mẹ, chị Trần Mai Anh. Chị xuất hiện trong cuộc đời bé như là định mệnh, một định mệnh, để yêu thương và chăm bẵm, để lo lắng và chở che, để được viết tiếp những trang viết về một cậu lính chì có thật trong cuộc đời này...

Hành trình làm mẹ của Thiện Nhân đã giúp sức để chị, một nhà báo vốn được bao bọc trong vòng tay cha mẹ, trở thành một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng trong sự kiện vinh danh của Forbes vừa qua, với vai trò là người sáng lập “Hành trình Thiện Nhân và những người bạn" thuộc Quỹ phòng chống thương vong châu Á, khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục.

Bốn mẹ con chị Trần Mai Anh.

Nhà báo Trần Mai Anh sinh năm 1973, là con gái của nhà báo Trần Mai Hạnh và nhà thơ Bùi Kim Anh. Chị hiện là Trưởng Ban biên tập Tạp chí Heritage. Chị được báo chí truyền thông nhắc đến nhiều khi nhận nuôi cậu bé gặp nạn lúc mới sinh ra và bị bỏ lại một mình trong khu rừng tại Quảng Nam. 

Em bị bỏ lại trên hai cái lá đu đủ và bị che bằng một cái mẹt rách, ở một nơi chẳng mấy người qua kẻ lại. Kiến, côn trùng bu kín vết thương bị cắn xé nham nhở. Và máu khô lại trên cơ thể đã tím đen. May mắn biết bao khi em bé sơ sinh ấy được một gia đình phát hiện ra và đưa đi cấp cứu. Cái tên Thiện Nhân cũng do chính các y bác sĩ đặt cho với hy vọng sau này em sẽ là một cậu bé lương thiện và làm được nhiều việc tốt.

Quả nhiên, số phận đã mỉm cười với Thiện Nhân khi em được nhận nuôi bởi gia đình của chị Mai Anh. Chị đã yêu thương Thiện Nhân như yêu hai cậu con ruột Thiên Minh và Hải Minh. 

Và mới đây, nhà báo Trần Mai Anh đã hợp tác với NXB Kim Đồng để xuất bản cuốn sách Hành trình yêu thương trích từ nhật ký chị và mẹ chị - nhà thơ Bùi Kim Anh - đã viết cho cậu bé Thiện Nhân trong cả hành trình dài đưa cậu bé trở lại cuộc đời, làm một con người theo đúng nghĩa, được chở che và hạnh phúc.

Chị Mai Anh đã chia sẻ: “Bạn hỏi tôi kể về những câu chuyện trong hành trình mong mỏi được làm một người bình thường của cậu bé Thiện Nhân này? Đó là một câu hỏi khiến tôi lúng túng, lúng túng giống như một đứa trẻ với quá nhiều kẹo trên tay, đến nỗi loay hoay chỉ sợ rơi mất. Trong hành trình chữa bệnh, để đến được với nước Mĩ quả thật là một câu chuyện dài, nhiều nỗi đau, và càng nhiều hơn nữa là biết bao tình yêu thương. 

Tôi nhớ lắm cái cảm giác đau đớn và tuyệt vọng của một đứa trẻ khi con cá vàng mình nuôi bị chết. Con cá vàng óng ánh trong mắt của một đứa trẻ, là tôi, ngày bé lộng lẫy đến tuyệt vời. Một ngày, khi tôi đi học về, con cá nằm chết bên cạnh cái bể nước. Cả đàn kiến bu lấy nó. Tôi đã gây ra cái chết này, vì ngu dốt đổ quá nhiều nước nên con cá quẫy mạnh rồi bị rơi ra ngoài bể. 

Các ông bố sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác này vì họ không có cơ hội được biết cái cử động đầu tiên của một em bé trong bụng mẹ. Đó là một cái quẫy rất nhẹ, giống như một con cá bé tí xíu quẫy nước. Đó là cảm nhận đầu tiên của người mẹ về một sự sống nhỏ bé bắt đầu lớn lên trong cơ thể mình. Đó là sợi dây đầu tiên kết nối giữa Con và Mẹ. Đó là cử động nhỏ đến mong manh, nhưng lại quyết định niềm tự hào, hạnh phúc hay sự đau khổ của người làm mẹ.

Khi người ta lần đầu tiên nhìn thấy Thiện Nhân, thằng bé không có chút biểu hiện nào của sự sống. Tím đen, bị mất chân phải, mất bộ phận sinh dục, và bị kiến bu đầy. Không cha, không mẹ, không tên, một "đứa bé vô danh", một "thằng cụt".

"Chú lính chì" trong Hành trình yêu thương.

Nỗi đau đớn đến tột cùng, ranh giới của cái chết và sự sinh tồn khiến không biết bao bà mẹ, bao ông bố đã khóc thương, đã căm giận. Tôi rất sợ kiến, tôi khóc thương con cá vàng của tôi, tôi chợt thấy tôi đang bỏ quên một đứa con của mình. Tôi phải đón Thiện Nhân về, để yêu, để bù đắp... Xin đừng đưa trước cho chúng tôi một kết thúc cổ tích, bởi chúng tôi đi, đang đi, và tôi hiểu là tôi sẽ chẳng biết được điều gì đang đón đợi câu chuyện này phía trước".

Tôi đã từng xem phim Lửa Thiện Nhân, một bộ phim tài liệu được đạo diễn Đặng Hồng Giang và gia đình bé Thiện Nhân thực hiện trong hàng năm trời, để chỉ gói gọn lại trong bộ phim dài 77 phút. Những thước phim, thước đời của cậu bé đã làm rơi nước mắt của bao nhiêu người xem.

Rồi chợt vui chợt sung sướng khi Thiện Nhân được những bác sĩ tốt nhất trên thế giới giúp đỡ để phẫu thuật, xử lý phần cứng cũng như phần "đôi khi mềm" của Nhân. Bỏ được cái bỉm nóng nực cả ngày và có một cái chân "xịn". Các bác sĩ cũng sẽ khám, theo dõi và điều trị cho Thiện Nhân lâu dài trong 15 năm tới.

Cũng từ hiệu ứng của Thiện Nhân, chị Mai Anh và nhóm thiện nguyện đã lập Quỹ Thiện Nhân và những người bạn giúp đỡ cho rất nhiều bạn có hoàn cảnh không may mắn vì những vấn đề thuộc về giới tính, bộ phận sinh dục. Từ một ước vọng của người mẹ, đã làm nên một nghĩa cử cao đẹp đối với cả cộng đồng.

Từ đấy, cuộc đời tưởng như đầy đau thương và u ám ấy, số phận bé nhỏ và cô đơn ấy, đã thoát khỏi những nghiệt ngã để có một hành trình yêu thương đầy dấu ấn trong gia đình của mẹ Trần Mai Anh. Có lúc chúng ta thầm cảm ơn số phận vì đã mang Thiện Nhân đến cho gia đình chị Mai Anh, để thấy rằng, cuộc đời quả thật như có một phép màu, để dành cho những yêu thương, cho những trang nhật ký có sức lan tỏa.

Những dòng chữ của chị Mai Anh vừa thân thương, gần gũi, vừa nhiều nỗi đau vừa nhiều niềm hạnh phúc, nhưng toát lên trên tất cả ấy, là một cuộc sống tròn đầy dư vị ngọt ngào của tình yêu thương, sự hóm hỉnh và thi vị của đời sống bình thường, giữa các anh, em trai, giữa bà cháu, ông cháu, mẹ con... Đọc sách của chị, chúng ta cười, vì sự ngộ nghĩnh đáng yêu của những đứa trẻ. Cười để cầu mong rằng, xin bão dừng sau cánh cửa để họ được yêu thương và cho nhau yêu thương nhiều đến thế.

Bìa cuốn sách.

Trong nhật ký, rất nhiều câu chuyện, câu hỏi liên quan đến "cái chân đã mất" của Thiện Nhân, đôi khi đọc lên mà ứa nước mắt!

“ - Bà ngoại ơi cháu bảo này, tại sao mẹ Mai của cháu lại vứt cháu đi khi cháu mới đẻ ra, để con thú rừng ăn chân của cháu?

- Không đúng, ai bảo cháu vậy?

- Thì... thì... người ta bảo cháu...

- Không phải, tại có con thú to đùng bắt cháu đi, may mẹ Mai đánh nhau mãi mới thắng và cứu được cháu.

- Hải Minh ơi, mẹ Mai đánh nhau với con thú cứu Nhân đấy. Hải Minh có nhìn thấy con thú không?

- Không, nhưng chắc là con hà mã đấy, vì anh thấy con hà mã rất to.

- Hôm trước Nhân đi vườn bách thú, Nhân thấy con voi to hơn.

- Anh nghĩ, hay là người ngoài hành tinh nhỉ...”.

Chị Mai Anh chia sẻ: "Hơn năm năm trước, khi có dự định đón cháu Thiện Nhân về sống với gia đình, tôi đã nhận được một lời khuyên chân thành: Đừng bao giờ bắt đầu một việc làm không có kết thúc. Tôi đã bắt đầu, và quả thật, cái hành trình ấy, cho tới bây giờ, mỗi ngày lại là những điểm khởi đầu mới, khó khăn mới. Các vết thương từ khi mới lọt lòng của Thiện Nhân, dù đã qua bao nhiêu đợt chữa trị, vẫn còn đó nỗi đau, và đau đáu nỗi thèm khát trở lại thành một con người bình thường.

Thời gian ấy, Thiện Nhân cũng đủ để lớn khôn thêm, cháu không thể mãi hồn nhiên, ngây thơ, không biết đặt câu hỏi, đặt dấu lặng buồn cho số phận khác thường của mình. 

Và trên hành trình của mình, nay Thiện Nhân có thêm nhiều bạn đồng cảnh ngộ nữa, tôi cũng có thêm nhiều ông bố, bà mẹ khác, thêm những người tình nguyện làm bạn đồng hành. Con đường của chúng tôi đang đi có đầy đủ các cung bậc vui buồn của cuộc sống, lúc tấp nập yêu thương, lúc lặng lẽ cô độc. 

Là một người mẹ, nhìn con đau đớn, tôi không khỏi có lúc trách trời trách đất. Là một người tình nguyện, lúc khó khăn đến tuyệt vọng, tôi không khỏi có lúc hoang mang, tủi thân. Những lúc ấy, tôi tự nhủ mình phải nuốt nước mắt vào trong để luôn bình tĩnh, vì Thiện Nhân rất cần một chỗ dựa, các gia đình bệnh nhi khác cần một niềm tin vững vàng. 

Tôi là người chịu nhiều ảnh hưởng từ mẹ của mình, mẹ hiểu con, là chỗ dựa, là nơi chia sẻ mọi bí mật, thậm chí là một người bạn. Và cũng chính vì điều đó, tôi luôn là một người bạn của ba cậu con trai tôi. 

Trong gia đình thì luôn có câu hỏi, mẹ yêu ai nhất, thì tôi nói rằng, khi ở cạnh ai đó thì tôi yêu người đó nhất. Thiên Minh có nghĩa là trời sáng. Hải Minh là biển sáng. Còn Thiện Nhân là tên do hai bác sĩ đầu tiên của cháu đặt, một người chọn chữ Thiện, một người chọn chữ Nhân. Đấy là tên ba cậu con trai của tôi.

Trong cuộc đời này có rất nhiều điều có thể xảy ra, thậm chí là biến đổi. Tình yêu cũng thế, những mối quan hệ cũng thế, nó sẽ đến và đi nhưng tình cảm anh em, mẹ con thì sẽ không bao giờ rời bỏ ta. Khi các con biết mình đang chia sẻ với những người sẽ không rời bỏ con, đó sẽ là nơi cho con lùi về. Và người mẹ chính là chỗ dựa như thế. Các con hay hỏi, sao con bị ngã mẹ không chạy đến. Thế nhưng mẹ mong dù là vấp ngã nhỏ cho đến lớn mà các con sẽ tự biết bước qua. Còn mẹ, bất kì ở đâu, các con vẫn ở trong tầm mắt, trong tình yêu của mẹ".

Nhà thơ Bùi Kim Anh đã xuất bản nhiều tập thơ, bà cũng có những bài thơ nghẹn lòng về nỗi đau của riêng mình, của các con và bây giờ, cho cả Thiện Nhân như một nỗi tâm sự về cuộc đời, về nhân thế, để biết rằng, tình yêu cho đi có nghĩa là nhận lại, để vun đắp dù chỉ nhỏ nhoi thôi mọi ân tình trong cuộc đời: "Tìm đâu lóng lánh của sương/ Trả cho mắt cháu không vương nắng chiều/ Thẳm sâu một cõi cô liêu/ Một vườn hoang rớt bao điều xót xa"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.