Giang hồ có "võ"

Thứ Hai, 18/06/2007, 11:00

Việc cựu tuyển thủ quốc gia karatedo Đoàn Đình Lân bị bắt vì tội cướp giật hồi giữa năm 2005 khiến rất nhiều người bất ngờ, nhưng sự thật thì vẫn là sự thật. Đôi khi thành đạt trong cuộc sống vẫn không có nghĩa là người ta dễ dàng thoát khỏi những thử thách nghiệt ngã của đời thường.

Tin Nguyễn Xuân Thành bị bắt và bị khởi tố vì tàng trữ thuốc lắc thực ra không làm nhiều người ngạc nhiên. Đã từ lâu, Thành được xem là một "đàn anh" trong đội bóng Thủ đô trên phương diện… ăn chơi và đánh bạc! Tuy thế, theo đánh giá chung của những người trong nghề, cầu thủ 22 tuổi của ACB.Hà Nội vẫn chỉ là "con tép" trong giới dân chơi - cầu thủ tại V-League. Thay vì sự bất bình và kinh ngạc, người ta lại thấy nhiều hơn những cái lắc đầu ngán ngẩm…

Những hồi kết nghiệt ngã

Xuân Thành được BHL ACB.Hà Nội đánh giá là một trong những gương mặt có triển vọng của CLB. Ở vào độ tuổi 22, Thành không chỉ đang có lợi thế lớn để tiến xa tại CLB, mà còn có cả cơ hội để thăng tiến tại đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Thế nhưng, cũng phải nói thêm, rất đáng tiếc là, bên cạnh những ưu thế đó, cầu thủ quê Hải Dương đang ở độ tuổi đầy sức sống này đã sớm bị cuốn theo con sóng đua đòi.

Trong giới cầu thủ, có lẽ ít ai không biết những thói quen đầy chất dân chơi của Xuân Thành. Nhưng chỉ khi cầu thủ này phải đứng trước vòng lao lý, người ta mới thực sự nhận ra, những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, những kiểu cách tóc tai, điện thoại đời mới, hay xe gắn máy đắt tiền… tất cả đều không chỉ đồng nghĩa với sự sành điệu.

Những bài học thì rất, rất nhiều. Nhưng dường như những VĐV Việt Nam "dính bùn" đã không hề để tâm đến trước khi mọi sự trở nên muộn màng. Trong quá khứ chưa xa, người ta chưa thể quên tài năng trẻ của SLNA, Phan Thanh Tuấn, người đã phải rời xa sân cỏ vì nghiện ngập.

Rồi cũng trong đội bóng xứ Nghệ, Phi Hùng cũng từng phải ra trước vành móng ngựa vì cờ bạc. Những vụ tai tiếng mà một số VĐV thể thao gây ra thật muôn hình vạn trạng, kéo dài từ Bắc tới Nam. Không cờ bạc thì dao búa, hành xử kiểu giang hồ, xã hội đen.

Tại TP Hồ Chí Minh, người dân quận 4 sẽ chẳng thể nào quên vụ võ sư Nguyễn Văn Vạn, cựu HLV trưởng môn taekwondo ĐTQG gây ra vụ giết người tại quán cà phê Linda, chỉ sau một vài mâu thuẫn nhỏ của người con trai.

Thật đáng tiếc, đáng ngại, và đáng trách làm sao, khi một người thầy lại hành xử như thế. Đó không chỉ là một vết đen làm người dân mất lòng tin ở "người nhà võ", mà còn khiến cho bao thế hệ học sinh phải hụt hẫng, mất phương hướng.

Trên thực tế, không ai ngạc nhiên khi giới VĐV võ thuật lại là nơi có nhiều HLV, VĐV vi phạm pháp luật nhất. Bất chấp tôn chỉ đề cao tính cao thượng, tôn sư trọng đạo, võ thuật lại là mảnh đất dễ dàng phát triển tính bốc đồng, nóng nảy, ỷ mạnh hiếp yếu… một khi người học không được giáo dục kỹ lưỡng về phẩm chất đạo đức.

Còn nhớ, vào thời điểm năm 2004, người dân Hà Nội được một phen kinh hoàng với pha rượt đuổi, bắn nhau như… phim hành động trên đường phố. Tất cả sự việc chỉ tới sau một sự hiểu lầm cỏn con trên điện thoại giữa Trần Xuân Ánh (tuyển thủ từng giành Huy chương đồng wushu thế giới, lúc đó đang là sinh viên Đại học TDTT) và chủ khách sạn Linh Trang.

Trong vụ va chạm này, Ánh thậm chí còn lôi kéo được người anh trai ruột của mình là HLV wushu Trần Văn Trang, cùng một đồng nghiệp khác là HLV Vũ Văn Thường tham gia. Sau khi tạm thoát khỏi bản án khắc nghiệt từ pháp luật, Ánh lại có vẻ hung hăng hơn dưới cái vỏ "giang hồ có võ".

Trong "giới xã hội" tại Hà thành, cái tên "Ánh wushu" ngày một nổi hơn, ngay cả những tay giang hồ cộm cán cũng phải dè chừng mỗi khi phải giáp mặt với cựu tuyển thủ quốc gia này.

Cho đến khi Công an quận Đống Đa, Hà Nội bắt giữ cựu VĐV wushu này vì tội hiếp dâm trẻ em, và sau đó là bản án 5 năm tù, nhiều người mới té ngửa ra là trong suốt một thời gian dài, Ánh vẫn ngựa quen đường cũ.

Nỗi đau không của riêng ai…

Những cám dỗ về vật chất, sự xuống dốc về nhân phẩm, thói ăn chơi sa đọa, hay cả những ưu ái hơn người mà xã hội dành cho, tất cả đều đã khiến nhiều VĐV nước nhà xuống dốc. Với mỗi gia đình, khi có những người con lỡ dính vào tệ nạn xã hội, vướng vào vòng lao lý, đó đương nhiên là điều tệ hại nhất.

Nhưng với những người cha, người thầy từng được tôn vinh bởi những đóng góp cho dân tộc, được kính trọng bởi cả xã hội, dường như nỗi đau ấy còn được nhân lên nhiều lần. Đó là trường hợp của võ sư Đoàn Đình Long, người đã chiến thắng được số mệnh sau 3 ca mổ tim, nhưng lại mất đi đứa con trai mà ông hằng tin tưởng, tự hào.

Việc cựu tuyển thủ quốc gia karatedo Đoàn Đình Lân bị bắt vì tội cướp giật hồi giữa năm 2005 khiến rất nhiều người bất ngờ, nhưng sự thật thì vẫn là sự thật. Đôi khi thành đạt trong cuộc sống vẫn không có nghĩa là người ta dễ dàng thoát khỏi những thử thách nghiệt ngã của đời thường.

Có một thực trạng không thể chối cãi rằng, phần lớn các VĐV thi đấu đỉnh cao đều được đặc cách ở một phương diện nào đó về các bậc học. Họ chơi thể thao là… chính, học chỉ là phụ.

Chẳng nói đâu xa, với rất, rất nhiều VĐV chuyên nghiệp từng giành vinh quang về cho đất nước, nhiều khi giới hâm mộ cũng thường phải ngán ngẩm và lắc đầu mỗi khi nghe họ trả lời phỏng vấn trước giới truyền thông.

Nói là vô học thì có lẽ hơi quá, nhưng quả thật, không thể nói khả năng học vấn của giới VĐV chuyên nghiệp là không có vấn đề. Nhưng trong giới thể thao, không chỉ những người thiếu học, hoặc ít được va chạm mới dễ làm mồi cho những thói hư tật xấu.

Ngay sau vụ án của Đoàn Đình Lân, Trung Hiếu, người được xem là xạ thủ có triển vọng nhất Việt Nam, lại khiến dư luận không khỏi xôn xao bởi vụ "lắc tại gia" ở Hà Nội. Chàng hoàng tử của gia đình nổi danh nhất trong làng bắn súng trước đó tưởng chừng đã có được sự nghiệp rạng danh, một cuộc sống đầy đủ, một môi trường giáo dục hoàn hảo.

Nhưng rồi rốt cuộc cái vòng quay nghiệt ngã của sự ăn chơi, sa đà trác táng vẫn cứ theo đuổi và bắt Hiếu phải trả giá. Giờ đây, cũng như người cha của Đoàn Đình Lân, những người thầy được kính trọng ấy biết nói sao, làm gì, truyền đạt những gì mỗi khi đứng trước các học trò của mình?

Còn rất nhiều những bản án, những hành vi vi phạm pháp luật khác mà những người bị lên án lại là số đông, chứ không phải là một cá nhân nữa.

Đó là sự việc một số cầu thủ Thừa Thiên - Huế chỉ vì lời qua tiếng lại mà ép chết người tại hồ Thủy Tiên, chuyện cầu thủ Ngọc Thế của Đà Nẵng bị đâm ở vũ trường Phương Đông (Đà Nẵng), rồi mới đây là bản án nghiêm khắc của pháp luật dành cho nhóm cầu thủ bán độ tại SEA Games 23… tất cả những nỗi đau đó chắc chắn sẽ còn đeo đẳng mãi không chỉ với những người trong cuộc, mà còn cả với hàng triệu trái tim hâm mộ thể thao

Yến Thanh
.
.