Giận thương một kiếp

Thứ Năm, 20/03/2008, 10:30
Tôi quay lại hỏi: "Em biết mình có HIV từ ai không?". Cô gái trả lời ráo hoảnh: "Hồi con gái, em yêu một lúc mấy người nên chẳng biết ai "đổ" cho mình". Nghe cô nói, tôi thấy sởn gai ốc. Cô gái này chừng 24-25 tuổi, dáng người gầy nhỏ, làn da trắng và ăn nói khá lưu loát.

Tôi xuất hiện tại cổng Công an phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai bởi hành động rất nghĩa hiệp - tự nguyện chở mẹ con cô gái trẻ mới được trả tự do về. Quấn vội tấm áo khoác cho đứa trẻ, trèo lên xe, cô cảm ơn rối rít. Nhìn người mẹ trẻ lóng ngóng với đứa con gái nhỏ xíu đang ở… truồng, tôi bảo tạt vào đâu mua cho cháu cái quần. Thế mà cô kiên quyết chối từ dù tôi hứa sẽ mua tặng. Cái cần nhất bây giờ là gọi một cú điện thoại, cô giãi bày. Tôi liền cho xe tạt vào lề đường, bấm nhanh số điện thoại cô đang đọc. "Mang ngay cho em 200.000đ tới nhà trọ nhé, nhanh lên", giọng cô khẩn khoản khi gọi điện.

Cận cảnh

"Số kiếp em nó khổ thế này đây. Vừa bị bắt lúc tối, sáng chưa bảnh mắt, người ta đã đem con ném vào cổng Công an phường. Mỗi đêm, em phải trả 50.000đ trông con bé, chứ có ít ỏi gì đâu. Chắc lần bị bắt này, họ nghĩ em sẽ bị lên Ba Vì (Trung tâm Giáo dục lao động số II - TG) nên sợ phải nuôi con bé không công", cô gái nói một thôi, một hồi giúp tôi dần hiểu được phần nào nguyên nhân khiến cô bị tạm giữ gần 24 giờ vừa qua.

Tôi hỏi: "Em có biết bố đứa bé không?". "Có chứ. Bọn em cưới hỏi hẳn hoi. Lúc đẻ con bé này, bác sỹ bảo em có HIV, bố nó mới vứt bỏ mẹ con em đấy chứ", cô gái nói. Theo cô, bố đứa bé đang là sinh viên Đại học Bách Khoa, Khoa Cơ khí thì họ cưới nhau. Khi sinh con, biết cô có HIV, chồng cô lẳng lặng bỏ vợ con vào Nam. Cô ở với bố mẹ chồng tại Thái Bình. Gia đình nhà chồng cô làm nghề bán thịt lợn. Họ đối xử ghẻ lạnh với mẹ con cô. Không thể chịu đựng hơn được nữa, cô bế đứa con gái mới 7 tháng tuổi lên Hà Nội. Cô chọn đường Giải Phóng là nơi hành nghề mại dâm, vì "Em đi cùng bạn trai đến nhà nghỉ ở đường Giải Phóng nhiều lần nên biết ở đây dễ kiếm tiền", cô gái nói tỉnh queo.

Trong tiếng gió vù vù bên tai, tôi quay lại hỏi: "Em biết mình có HIV từ ai không?". Cô gái trả lời ráo hoảnh: "Hồi con gái, em yêu một lúc mấy người nên chẳng biết ai "đổ" cho mình". Nghe cô nói, tôi thấy sởn gai ốc. Cô gái này chừng 24-25 tuổi, dáng người gầy nhỏ, làn da trắng và ăn nói khá lưu loát. Trông bề ngoài, cô giống như bao người mẹ trẻ tần tảo khác.

Có lẽ vì thế, khi tôi dừng xe đợi đèn đỏ ở ngã ba đường Giải Phóng - Linh Đàm, một phụ nữ trung tuổi nhắc cô cho tay đứa trẻ vào trong kẻo gió lạnh. Chắc hẳn người phụ nữ này đã nhìn thấy đứa trẻ được mẹ quấn áo khoác, ôm trong lòng đang ngủ ngon lành nhưng tay nó thõng về phía sau. Sự cẩn trọng của người mẹ buộc chị phải lên tiếng nhắc nhở. Tôi tin chị cũng nghĩ cô gái là một người mẹ bình thường như hàng trăm hàng ngàn người đàn bà đang thực hiện thiên chức vĩ đại của mình.

"Em sắp hết bảo hành rồi", chợt cô gái nói. "Sao lại hết bảo hành?", tôi không hiểu nên hỏi lại. "Con em lớn rồi, lần bị bắt sau chắc em phải đi Trung tâm". Thì ra, cô đang nói về việc đứa con gái đang nằm trong tay cô đã lớn. Nó sắp không cứu được mẹ mỗi lần bị Công an bắt nữa rồi. Rốt cuộc, người mẹ này không phải đang lo nghĩ cho đứa con vô tội lại phải chịu giam giữ cùng mình cả ngày. Đôi chân nhỏ của nó đã biết chạy, biết nhảy nhưng không dám đi xa. Nó quanh quẩn cả ngày bên chiếc ghế, nơi có mẹ nó đang bị dây xích sắt cứng quèo còng chân. Nó đói. Nó khóc.

Đồng chí Cảnh sát trực ban mua cho nó hộp sữa tươi, cái bánh ngọt. Nó len lén nhìn không dám cầm. Phải đến khi mẹ nó nói lời cảm ơn và bóc bánh, cắm ống hút vào hộp sữa nó mới dám vồ lấy. Tôi đắng lòng khi thấy rõ "ruột gan" của người mẹ này. Bằng giọng hùa theo, tôi chua xót nói: "Con bé mới 18 tháng, những 36 tháng tuổi mới hết bảo hành cơ mà". "Em nghe nói người ta đang xây trung tâm khác, trung tâm này có cả nhà trẻ. Mẹ bị bắt, con cũng đưa vào đây", cô gái tỏ vẻ thạo tin.

Tôi im lặng nghe cô gái nói. Im lặng nghe cô than thở về nguy cơ sẽ phải "nhập kho" nếu bị bắt tiếp. "Muốn không bị bắt, em đừng đứng đường nữa", - tôi thật thà khuyên. "Đang tiêu tiền trăm, em làm sao tiêu mỗi ngày 5.000đ được". Nói đoạn, cô nêu ra một số công việc phù hợp với trình độ của mình như rửa bát, chạy bàn ở các quán ăn bình dân với mức lương không quá 800.000đ/tháng. "Nếu chích, mỗi ngày chỉ cần 100.000đ.

Đằng này em lại hít, phải 200.000-300.000đ/ngày mới ổn", tự dưng cô gái giới thiệu mình là một con nghiện. Tôi lại thêm một lần ớn lạnh sống lưng. Tôi đang chở sau lưng một cô gái có "thành tích" đáng nể: gái mại dâm, con nghiện, con "ếch"…

 "Em ước mình là một người bình thường. Em luôn luôn ước như thế", cô gái bỗng mơ màng nói. "Em không biết ngày mai sẽ như thế nào. Nhiều lúc nghĩ, em sợ lắm", trước khi chỉ cho tôi rẽ vào con đường nhỏ bên tay phải, cô gái nói. Đường làng Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) nhỏ, ngoằn ngoèo, theo sự hướng dẫn của cô gái, tôi cứ đi. Đến ngõ cụt, cô bảo tôi dừng xe, vừa lúc một chàng trai trẻ xuất hiện với chiếc túi nilon đựng đồ trên tay. "Để mẹ con người ta chết đói, chết rét, giờ mới ra à", cô gái rít lên. Chàng trai một mực thanh minh, nào là từ sáng đến giờ chạy đôn, chạy đáo.

Ra Công an phường mấy lần không được vào, bây giờ đang chuẩn bị đem quần áo ra cho con. Vừa giục tôi vào thăm nhà, cô gái vừa kể khổ với chàng trai. Nào là tối qua (24/2), sau khi mua 5 cái bánh gai, cô đã định về. Tự dưng thấy tiếc nên nán lại, không ngờ Công an ập đến bắt luôn về phường. Rồi như chợt nhớ ra, cô gái tru tréo: "Sao anh lại ném con ra giữa sân. Cảnh sát trực ban vừa dắt con bé vào, vừa mắng em, mẹ gì mà nhẫn tâm để người ta vứt con vào sân". "Anh đâu có ném con. Anh nhét nó qua song cánh cổng rồi bảo: "Con khóc to lên, mẹ đang ở trong kia kìa".

Vừa nói, anh vừa gọi to: "H.B. ơi! Con mày đây này, tao không trông nữa, tao trả lại đấy", - chàng trai thanh minh. Nghe nói vậy, cô gái cười toe toét bảo: "Lẽ ra đến chiều anh mới cho nó vào. Đằng nào họ cũng làm hồ sơ hết buổi sáng, để nó trong đó cả ngày em trông mệt quá". Chàng trai thành thật: "Anh muốn con bé vào đó. Nó quấy khóc, người ta sẽ cho em về sớm".

Khu nhà trọ, nơi có "mái ấm" của H.B..

Nếu không trực tiếp nghe cuộc đối thoại của họ, chắc chắn tôi không tin. Đứa trẻ xinh xắn, ngây thơ không chỉ là tờ giấy bảo hành, là bùa hộ mệnh mà còn là vũ khí để mẹ nó đối phó với cơ quan Công an. Trong khi hai người thao thao bất tuyệt kể về những mánh khoé dùng cô bé để đối phó với pháp luật, con bé đã chạy tung tăng ra ngoài sân.

Nó đang quấn lấy đứa bé trai trạc tuổi mình, con nhà hàng xóm. Nhìn hai đứa trẻ, tôi chợt so sánh mà thấy thương cho bé con. Nó vừa là vị cứu tinh, vừa là nạn nhân của mẹ mình. Lúc này, những người hàng xóm trong khu trọ kéo đến căn phòng chưa đầy 10m2 của cô gái hỏi thăm. Cô gái lại kêu khổ, bị tạm giữ ở Công an phường chưa đầy 20 giờ mà cứ tưởng dài như hàng năm.

Trong khi cô trò chuyện với người hàng xóm khu trọ là một bác thợ xây đứng tuổi, một chị bán hoa quả dạo, một chị bán bắp rang bơ quê ở Thanh Hoá, tôi có dịp quan sát căn phòng. Nó không chỉ nghèo nàn, tạm bợ mà còn rất luộm thuộm. Điểm nhấn của căn phòng là tấm đệm mỏng dính đặt trên tấm phên gỗ. Phần lớn đồ đạc trong phòng là quần áo, giày dép.

Tôi bắt chuyện với chị bán bắp rang bơ và biết tên chị là Hà, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Vợ chồng chị có con trai 6 tuổi đang học lớp 1. Anh chị gửi con, gửi nhà cho ông bà nội ra Hà Nội kiếm sống. Mỗi ngày, một người kiếm được 50.000-100.000đ. Chị Hà bảo thu nhập như vậy là khá, sống được. "Hay em chuyển sang bán bắp rang bơ như chị Hà", - tôi chợt nói khi nghe cô gái lại kêu: "Sợ bị bắt lần nữa lắm". Cô gái phá lên cười và bỏ lửng câu nói "Bắp rang bơ!..".

Con người trong hồ sơ

Ra khỏi khu nhà trọ nghèo nàn với mức thuê 200.000đ/phòng của cô gái mại dâm kể trên, tôi đến Công an phường Giáp Bát. Đồng chí Trần Quốc Bảo, Phó trưởng Công an phường cho biết, cô gái tên là Phạm Thị H.B, sinh năm 1984, quê ở Nam Định. H.B. lấy chồng năm 2005; hoạt động ở "chợ tình" từ giữa năm 2006. Hằng ngày, H.B. có mặt ở "chợ tình" lúc 20h30'; mỗi tối, cô thường "bán" cho 2-3 khách với giá thấp nhất 100.000đ/lần.

21h30' ngày 21/9/2007, cô bị bắt khi đang thực hiện hành vi mua bán dâm. Đây là lần thứ ba, H.B. bị bắt. 2 lần trước, cô bị phạt hành chính rồi được cho về vì có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Lần thứ 3, cô lại tiếp tục được trả tự do cũng với lý do trên.

21h ngày 24/2, H.B. bị bắt cùng 3 cô gái khác khi đang hoạt động tại "chợ tình". Cũng như 3 lần trước, sau khi xác minh biết H.B. đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, Công an phường chỉ xử phạt hành chính 80.000đ rồi cho về. Hành trình từ Công an phường về nhà trọ và sự thật về mánh khóe đối phó với pháp luật bằng chiêu dùng đứa con gái nhỏ của cô mà tôi được chứng kiến và nêu ở trên.

Tìm hiểu thêm, tôi còn biết chàng trai tự xưng là chồng của H.B. thực ra chỉ là chồng hờ. Trước đây, H.B. sống cùng một đồng nghiệp khác. Mỗi tối, H.B. phải thuê người hàng xóm trông con để cô "đi làm". Từ khi có anh chồng hờ, H.B. không phải lo việc này vì đã có "bố cháu" trông nom. Anh chồng hờ của H.B. cũng là một con nghiện. Chính anh ta giải thích tại sao gần một ngày bị tạm giữ ở Công an phường, H.B. không "vật" là do "trước khi đi, hai đứa dùng những 400.000đ".

Viết đến đây, tôi nhớ lại sự nôn nóng của H.B. khi gọi điện thoại cho ai đó để vay tiền khi mới rời trụ sở Công an phường vài trăm mét. Khi về đến nhà trọ, H.B. lại mượn điện thoại của tôi để bấm đến số điện thoại vừa gọi lúc trước. H.B. vô cùng sốt ruột khi đầu dây không bắt máy. Còn anh chồng hờ thì an ủi lát nữa họ sẽ đem đến. Đang trò chuyện sôi nổi, bỗng H.B. ôm bụng kêu đau. Anh chồng hờ vội đem chậu vào để cô nôn ọe và nói: "Vật rồi!" Lúc này, tôi mới biết H.B cần tiền để mua ma túy. Cô đang mong người ta mang tiền tới. Tôi ra về khi cô đang "vật" dù trong túi mình có dư 200.000đ, số tiền cô đang cần. Tôi nhất định không thể giúp một người nghiện có tiền mua ma túy.

Trên đường về, tôi cứ nghĩ đến câu nói của chị Hà, người đàn bà bán bắp rang bơ: "Mình phải kiếm tiền một cách chính đáng. Không thể để người ta khinh, người ta chửi mình được". Cùng một khu trọ, cùng chung vách, song cách lựa chọn của hai người phụ nữ, chủ nhân của hai gia đình khác nhau. Hẳn bạn đọc cũng biết, sự lựa chọn nào sáng suốt và an lành

.
.