Nữ tử tù có thai Nguyễn Thị Oanh

Day dứt mỗi khi nghĩ đến các "thầy"

Thứ Hai, 25/10/2010, 15:30
Oanh gọi cả hai quản giáo đã vì chị ta mà dính vòng lao lý là "thầy". Tôi nói rằng, tôi mới gặp hai "thầy" của Oanh ở trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, họ vẫn khỏe mạnh và có gửi lời hỏi thăm cậu bé Nguyễn Oanh Thiên Ngọc - thiên sứ cứu rỗi cuộc đời mẹ nó - tử tù Nguyễn Thị Oanh, tức thì nước mắt rơi hối hả trên gương mặt nữ phạm nhân đã trở thành nhân vật "hot" nhất của báo giới năm 2006.

Sụt sùi mỗi khi gặp xúc động là bản chất của phụ nữ, nhưng có lẽ với Oanh, những giọt nước mắt sẽ làm chị ta nhẹ lòng hơn chăng, nhất là trong lúc này, khi chúng tôi cùng nhau nhắc lại câu chuyện của 3 năm về trước mà đi kèm với nó là bi kịch gia đình của hai cán bộ trại giam - những người đã làm ơn để rồi mắc oán.

"Tôi thương các thầy lắm!"

Oanh đã định không ra gặp chúng tôi, chắc vì thời gian qua, chị ta phải tiếp quá nhiều nhà báo, mà nhà báo nào cũng muốn khai thác khía cạnh vì sao chị ta có thai, khi mà một chân đã bị cùm trong buồng biệt giam. Ngay từ lúc đầu, tôi đã cố thuyết phục nữ cán bộ quản giáo có gương mặt rất hiền lành ở Trại giam Xuân Nguyên, rằng, tôi chỉ muốn gặp Oanh để nhìn tận mặt con người này, xem chị ta có ghê gớm, có mưu mẹo không bởi người ta thường có câu "trông mặt mà bắt hình dong", chứ nói chuyện hay không thì cũng không cần thiết. Sự thực là ban đầu chỉ có vậy, tôi cũng không biết nữ cán bộ quản giáo đã nói với Oanh những gì mà chị ta đồng ý ra gặp tôi sau đó.

"Chị Oanh này, tôi mới gặp anh Quyết và anh Thuyên ở Hòa Bình đấy". Tôi mở đầu câu chuyện như thế bởi nghĩ rằng Oanh sẽ sốt sắng với cái tin này. Quả đúng như tôi nghĩ, Oanh hỏi dồn: "Có thật không chị? Hai thầy có khỏe không chị?". Và nước mắt, nước mắt như tích tụ từ bao nhiêu ngày qua, chỉ chờ có thế là chảy tràn, chảy hối hả.

Nếu là một phạm nhân khác, tôi sẽ an ủi chị ta đừng khóc nữa, nhưng với Oanh, tôi cứ để mặc chị ta khóc bởi tôi chợt nghĩ, chỉ những khoảnh khắc con người ta xúc động nhất thì những lời nói, những suy nghĩ mới thực sự chân thành. Ngồi ngắm kỹ Oanh, khuôn mặt tròn, các nét đều hiền lành và man mác một vẻ quê mùa, dường như chưa dính tí chất nào bụi bặm phố phường. Không biết cái gai góc, cái bản lĩnh của một trùm buôn ma tuý với số lượng lên tới hàng chục bánh heroin ẩn vào đâu trong con người này nhỉ.

Tôi cứ miên man như thế bởi nhìn Oanh thì quả thực là tôi thấy giống những người đàn bà nông thôn hàng ngày vẫn len lỏi trên ngóc ngách đường phố nơi đô thị với gánh hàng hoa quả kĩu kịt chứ không thấy cái nét mưu mô xảo quyệt của người đàn bà đã quyết tâm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật bằng một kế hoạch đã được tính toán bài bản, kỹ lưỡng.

 "Chắc chị là tác giả của bài báo viết về hai thầy mấy tháng trước có phải không ạ?" - Oanh hỏi. Tôi gật đầu xác nhận. "Tôi đọc mà thương hai thầy quá. Tôi không ngờ cuộc đời hai thầy lại vì tôi mà lại khổ sở như vậy. Hồi tôi còn ở đấy, các thầy đối xử với tôi tốt lắm. Cả đời này, nếu tôi làm được điều gì để cứu chuộc lỗi lầm tôi cũng sẽ làm".

Nhưng Oanh còn làm gì được nữa để giúp hai thầy như chị ta nói. Với cái án chung thân, còn phải nhiều năm nữa chị ta mới được trở về xã hội. Còn Thuyên và Quyết, hai cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình đã mở cửa buồng để cho phạm nhân tự giác Nguyễn Trường Thiên vào gặp Nguyễn Thị Oanh đều bị bắt và chịu án tù. Họ đều có hoàn cảnh khó khăn, tôi biết điều ấy khi trò chuyện cùng họ.

Sau sự việc xảy ra, người cha của Thuyên vốn là thương binh nặng, ông không chịu nổi cú sốc nên bệnh ngày càng nặng. Tôi ngỏ lời muốn được đến nhà thăm ông bà thì Thuyên gạt ngay: "Bố tôi bệnh nặng lắm, cứ nhìn thấy người lạ là ông chửi bới, đập phá".

Còn người mẹ, nỗi thất vọng ở cậu con trai cả từng là niềm tự hào của gia đình cũng khiến bà sinh thêm nhiều bệnh, vốn đã bị tim, mới đây bà còn bị tai nạn giao thông phải đóng đinh khắp người. Lên thăm con trai, bà cứ một mực: "Mẹ đợi con về đưa mẹ đi tháo đinh".

Còn Bùi Văn Quyết, đứa con tội lỗi của xứ Mường bị bắt khi ngày cưới đã cận kề. Với những người vùng cao như Quyết thì việc được tuyển vào lực lượng Công an như một ước mơ, một niềm mong mỏi khát khao của cả dòng họ. Vậy mà, chỉ vì lòng trắc ẩn, Quyết đã vô tình vứt bỏ tương lai, chưa kể những thị phi mà gia đình và nhất là cô vợ trẻ phải gánh chịu từ sai lầm của anh.

Cả hai người đều bị cải tạo ở chính cái nơi họ từng công tác, chỉ có điều trong một tâm thế mới, trước đây họ là "thầy" thì bây giờ họ lại là "trò". Tôi nhớ rằng, trong lần gặp hai người nguyên là quản giáo này, họ không oán trách Oanh một điều gì, họ chỉ nói rằng, họ đã sai lầm khi để cho kẻ xấu lợi dụng. Điều đó là có tội với Đảng, với pháp luật. Không hỏi gì về Oanh nhưng họ lại hỏi thăm rất nhiều về cậu bé Nguyễn Oanh Thiên Ngọc đã lớn bằng nào rồi, đã biết đi chưa, đã biết nói chưa...

Cả đời mắc nợ

Những đứa con của Oanh khi xuống Trại giam Xuân Nguyên thăm mẹ, đã ôm chầm lấy cậu em út Nguyễn Oanh Thiên Ngọc mà hôn tới tấp. Chúng yêu đứa em cùng mẹ khác cha này không chỉ bởi cậu bé rất ngoan, bụ bẫm dễ thương mà còn bởi một lý do đặc biệt. "Thằng anh nó cứ gặp là ôm lấy em nói, em đã cứu sống mẹ, tôi nghe lần nào cũng rớt nước mắt" - Oanh kể và nước mắt lại ứa ra.

Chị quản giáo có gương mặt hiền lành cám cảnh nhìn Oanh rồi lắc đầu quay đi. Có lẽ chị đã chứng kiến rất nhiều lần người đàn bà này khóc nhưng hình như lần này, chị hiểu, Oanh khóc vì một lẽ khác. Chị kể, mới đây, cậu bé Ngọc được dì và các anh nó đón về Thái Nguyên nuôi dưỡng, hôm chia tay bé, chị chẳng phải mẹ nó nhưng cũng thấy bịn rịn vô cùng, bởi ít nhiều, chị đã chứng kiến từ lúc nó lọt lòng đến khi nó cất tiếng gọi mẹ, gọi các nữ cán bộ quản giáo là bà.

"Tôi phải gửi cháu về Thái Nguyên nhờ dì chăm sóc, vì ở đây, thú thật là dù nhận được rất nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện của các cán bộ trại giam nhưng môi trường này, tôi nghĩ sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của cháu. Nó chậm hơn những đứa trẻ cùng tuổi ở ngoài xã hội. Hôm trước, được trại cho phép, tôi gọi điện về và nghe thấy cháu bi bô gọi mẹ. Nhớ con lắm nhưng đành phải gửi cháu về nhà thôi. Hôm các anh nó đón, phải mua bim bim dụ mãi nó mới cho anh nó bế và thế là thằng anh bế thẳng ra ngoài cổng trại. Tôi không dám tiễn con vì sợ nó nhìn thấy nó khóc đòi mẹ".

"Anh Thiên có hay ra thăm chị không?" - tôi hỏi Oanh. Oanh trốn tránh câu trả lời bằng một cái lắc đầu và quay mặt nhìn ra phía ngoài sân cỏ mênh mang nắng. Rất lâu, chị ta mới kể: "Anh ấy ra thăm mẹ con tôi được vài lần, tôi cũng biết từ trong ấy ra đây đường sá xa xôi lắm. Vừa đi tù về, lấy tiền đâu mà tàu xe thăm nuôi nên bảo, anh không phải ra thăm mẹ con em đâu, vất vả lắm. Tôi có viết thư cho anh ấy dặn dò, nên vun đắp tình cảm với người vợ cũ. Chúng tôi yêu nhau trong hoàn cảnh đặc biệt, sau này được ra khỏi đây, dù một ngày tôi cũng phải tìm anh ấy. Tôi vẫn dặn các con trai tôi phải kính trọng anh ấy".

Oanh ngại nhắc đến mối tình có một không hai của mình, cũng bởi mối tình ấy quá "nổi tiếng", và nó đã làm thay đổi cuộc đời chị ta, nhưng giờ đây cũng đặt chị ta vào hoàn cảnh đặc biệt, biết ăn nói ra sao với người chồng vẫn được pháp luật thừa nhận hiện đang thụ án trong một trại giam khác cũng vì tội buôn bán ma tuý. "Chồng chị phản ứng ra sao trước thông tin chị có bầu và được thoát án tử hình" - tôi hỏi Oanh. "Anh ấy mừng lắm, biết là vợ thoát tội chết nhưng ngược lại thì tôi cũng đoán được anh ấy buồn đến mức nào dù anh ấy không nói ra, tôi đã phản bội chồng, đi yêu người khác, lại còn có con nữa...".

Một thoáng bùi ngùi hiện trên gương mặt có đôi mắt đã đỏ hoe. Thoảng nghe thì thấy cũng có vẻ hợp lý, nhưng đồ rằng, người chồng hợp pháp của Oanh là người hiểu rõ nhất câu chuyện, sau Oanh, và cái chuyện ghen tuông với người tình - ân nhân của Oanh có lẽ lại là một câu chuyện quá nhỏ và tẻ so với câu chuyện rất nổi tiếng và tai tiếng mà dư luận đã được chứng kiến do chính Oanh là tác giả. Và Oanh quả quyết, sau này khi được trả tự do, Oanh sẽ không về Thái Nguyên nữa bởi chị ta lo lắng người chồng sẽ không chấp nhận.

"Chồng chị có hay thư từ hỏi thăm không?", Oanh lại lắc đầu khi tôi hỏi. "Thỉnh thoảng anh ấy mới viết thư, tin tức chủ yếu qua người thân, mọi người xuống thăm tôi rồi lại đi thăm anh ấy, nên có tin gì của nhau chúng tôi cũng biết hết".

Tính đến nay thì chồng Oanh cũng đã thụ án được chục năm về tội buôn bán ma tuý, cặp vợ chồng ma túy này có lẽ còn rất lâu nữa mới có ngày hội ngộ, nhưng không biết họ có nhận ra một điều, cả đời này, vợ chồng họ đã mắc một món nợ không bao giờ trả được với hai người quản giáo, nếu tạm hiểu theo khía cạnh hai người đó đã giúp đỡ, đã kéo Oanh trở lại cuộc sống.

"Tôi nợ hai thầy một món nợ lớn. Người ta nợ nhau tiền bạc còn trả được, chứ nợ tình cảm thì sẽ không bao giờ tôi trả nổi. Chỉ mong sau này về lại xã hội, nếu có điều kiện tôi sẽ trả ơn họ. Bé Thiên Ngọc không có bố có mẹ ở bên nhưng tôi không đau, không thương bằng thương thầy Thuyên, thầy Quyết. Tôi đã khóc không biết bao nhiêu ngày vì ân hận và thương họ".

Và người đàn bà ấy kết thúc câu chuyện bằng một câu tự sự về mình, rằng kể cả ở nhà hay ở tù, chưa bao giờ Oanh làm người khác đau lòng. Đúng hơn là Oanh chưa bao giờ làm tổn thương người khác, dù là một câu nói, chị ta cũng không nỡ lòng nào. "Chỉ vì cái tình, cái nghĩa, số phận cứ đeo đẳng mãi như thế này, tôi buồn lắm".

Không hiểu khi nói những lời này, Oanh có nghĩ đến những ngày buôn bán cái chết trắng, làm tan nát bao nhiêu gia đình, biết bao thanh niên đã hít phải cái thứ chất độc từ 20 bánh heroin mà chị ta đã tham gia buôn bán không nhỉ. Và nữa, việc hai quản giáo Thuyên và Quyết dính lưới của chị ta đã phải đánh đổi cả sự nghiệp và chịu sự thị phi của người đời chưa biết bao giờ mới hết. Như thế thì gọi là gì, liệu đã được gọi là làm đau người khác như quan niệm của Oanh chưa?

Đinh Hiền
.
.