Cuộc đời nhiều mặt của một kẻ cướp khét tiếng

Thứ Năm, 18/03/2010, 15:16

Tên cướp lừng danh, võ sĩ không đối thủ, tay chơi siêu hạng… được nhắc đến với tên Khoái "đù" hoá ra chỉ là một ông không ra già, cũng chẳng còn trẻ, tóc húi cua, cao chừng mét rưỡi! Hỏi, ông ta cười: "Nhà nghèo, những 7 anh em, cơm  không đủ no thì lấy chi mà lớn".

Tên thật của gã là Đoàn Đắc Tô, sinh năm 1948, quê ở thôn Ma Nê, xã Phong Chương, Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Gã từng có một khởi đầu khá hào hùng. Tham gia biệt động thành Huế năm 1964, năm 1966, 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Mùa hè năm 1967, Mỹ mở một trận càn lớn từ Huế ra Quảng Trị, Khoái  chỉ huy tiểu đội của mình phục kích, áp dụng lối đánh đặc công tiêu diệt gọn cả một đoàn xe tăng Mỹ. Sau khi về chiến khu nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng, Khoái  được gửi ra miền Bắc. Đó vừa là phần thưởng, vừa là một sự đền bù. Người yêu và 4 người anh trai của Khoái đã lần lượt hy sinh!

Ngày 25/11 năm Mậu Thân (1968), Đoàn Dũng sĩ miền Nam ra đến Hà Nội. Sau  thời gian nghỉ dưỡng, Khoái được đưa đi bồi dưỡng văn hoá tại Trường học sinh miền Nam T64 ở Đông Triều, Quảng Ninh, sau đó được gửi học lớp Trung cấp lắp máy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ra trường, gã được điều về công tác tại công trường B5, chợ Mỏ Chè, thị trấn (nay  là thị xã) Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Giữa đời sống thắt lưng buộc bụng và kỷ luật của miền Bắc XHCN những ngày chiến tranh, Khoái như một kẻ lạc loài. Ngổ ngáo, tóc dài, đánh  nhau như cơm bữa, đã không ít lần Khoái bị triệu về đồn Công an. Hậu phương miền Bắc không nỡ "mạnh tay" đối với một học sinh miền Nam xa quê đã từng nhiều lần là dũng sĩ. Đáng tiếc, nghĩa tình không phải lúc nào cũng là giải pháp hiệu quả trong việc cảm hoá con người. Chửi thề phèn phẹt, gã trở nên nổi tiếng với biệt danh Khoái "đù".

Năm 1974, Khoái là Đội phó Đội Lắp máy  tại công trường. Một hôm, khi xe xítđờca của Công an vừa tiến vào khu lán trại tập thể, người bạn cùng phòng tên là Trần Văn Q đã đột nhiên kêu lên "chết tôi rồi" và đấm ngực khóc. Nương theo ánh mắt tuyệt vọng của bạn, Khoái phát hiện ra dưới gầm giường của mình có 2 cuộn thép công trường. Q thanh minh: "Lương chưa có, vợ thì sắp đẻ, tôi trót làm liều". Một thoáng ngần ngừ,  Khoái vơ vội tấm áo và đi ra cửa. Đến trước mặt hai anh Công an, Khoái chìa tay ra: "Là tôi lấy. Mấy cuộn thép tôi đang giấu dưới gầm giường".

Lời khai ăn khớp, tang chứng vật chứng  rõ ràng, chẳng ai nghi, Khoái bị Toà án tỉnh Thái Nguyên tuyên buộc 12 tháng tù. Nhưng Trung uý Nguyễn Trường Xuân, Đồn phó và Thiếu uý Nguyễn Xuân Thuỷ, cán bộ chấp pháp của Đồn Công an số 4 thì vẫn hoài nghi.  Khi Khoái đã lĩnh án, họ vẫn tìm vào tận trại giam tra gặng. Khoái đành thú thật: gã tưởng rằng với lý lịch của mình, luật pháp sẽ dung thứ nên nhận bừa cứu bạn. Ông Xuân mắng xối xả: "Mày ngu  lắm!". Ông dặn Khoái: "Đã trót rồi thì bình tĩnh mà cải tạo, chúng tôi sẽ xem xét lại".

Khổ, bình tĩnh lại là thứ Khoái không hề có. Một hôm, đang xẻ gỗ thì Tiến "bún", một bạn tù người Hải Phòng bị Toàn "lùn" và nhóm tù dân Hà Bắc cậy đông bắt nạt. Thấy Tiến bị Toàn nện guốc gỗ vào đầu, Khoái lại nổi điên, lao tới đá cho Toàn lộn nhào. Sợ bị kỷ luật,  gã đã bẻ rào trốn trại, không hề biết chuyện chỉ cần nhẫn nại thêm chừng một tuần là có thể được minh oan và phóng thích. Chẳng ai dám chứa chấp, gã cứ quanh quẩn quanh khu vực Sông Công, Đồng Hỷ, Thái Nguyên... "nhặt" của người này sợi dây chuyền, "mượn" của người kia mớ tem phiếu. Án cũ chưa kịp được giải, gã đã tự gây án mới, toàn những tội danh lặt vặt, cuối cùng lại bị bắt đưa về Trại giam tỉnh Thái Nguyên ở Km 7. Giữa năm 1976, gã được tha, nhưng lý lịch có thêm hàng chữ đen đúa "2 lần trốn tù".

Trở lại Công ty Lắp máy ở Hà Nội, Khoái không bị đuổi nhưng cũng chẳng được ai bố trí công việc. Ở nhà ăn tập thể, mọi người trong bàn đều bỏ sang bàn khác khi Khoái bưng bát đến ngồi. Về quê, cha ruột cũng đuổi: "Nhà này không chứa chấp loại ăn cắp vặt!". Bí đường, Khoái lại lộn về Thái Nguyên vạ vật.

Ăn cắp vặt thì nhục, Khoái quyết định… ăn cắp lớn. Thỉnh thoảng Khoái lại rủ thêm vài gã chiến hữu nhắm vào những nhà buôn bán giàu có hoặc kho hàng của nhà nước khoắng một mẻ đậm, sau đó trốn về Hà Nội ăn chơi. Có lần Khoái ngỏ ý mượn "mấy nghìn" của Toàn Côi, một tay buôn lớn. Tay này biết Khoái, nể thì có nể nhưng dứt khoát không cho mượn vì "Khoái "đù" trên răng dưới… cát tút, mượn cũng như cướp lấy gì mà trả?". Giận  quá, chỉ ít ngày sau, Khoái tổ chức 4 thằng đàn em đột nhập nhà Toàn vơ sạch. Biết rõ thủ phạm, nhưng Toàn đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì không có bằng chứng, sợ Khoái nổi máu "chơi" thêm cho phát nữa. Thuỷ, chủ một hiệu buôn xe đạp nhưng cũng thừa máu giang hồ nghe tiếng cười khẩy: "Khoái "đù" đột vòm giỏi lắm, sao không thử đột nhà này?" Chưa đầy 48 giờ sau, két sắt trong cửa hiệu đột nhiên biến mất. 

Chưa bao giờ bị bắt quả tang nhưng Khoái bị liệt vào dạng lưu manh chuyên nghiệp, bị bắt đi tập trung cải tạo nhiều lần. Bắt là trốn, Khoái chẳng mấy khi ngồi trại lâu. Có lần, thấy Khoái bị dẫn vào, ông Nguyễn Bá Tơ, Giám thị Trại Phú Sơn 4 đã hỏi gã: "Anh còn định trốn nữa không?". Khoái trả lời lễ phép nhưng rất… hỗn: "Dạ, còn tuỳ, vui thì ở, buồn thì trốn". Mỗi buổi cơm, gã đều âm thầm nhón một nhúm muối, về trát vào song sắt cửa sổ buồng giam và một đoạn rào dây thép gai ở trại. Gần một năm sau, lợi dụng đêm tối, gã lại bẻ song, vạch rào đào thoát.

Lê Tự Lâm, một người bạn học sinh miền Nam bảo Khoái: "Nhận tội, đi tù còn có án, còn có ngày về làm lại cuộc đời. Trốn tránh mãi cũng có ngày bị bắt tập trung cải tạo, án vô thời hạn. Không lẽ mày  muốn cả đời làm một thằng lưu manh?". Khoái nghe có lý. Về lại Thái Nguyên, gã tập hợp đàn em, lừa bạn cũ đang lái xe cho một cơ quan nhà nước, mượn được một chiếc xe tải, định bụng "hốt ổ" kho bách hoá ở thị xã. Nửa đêm, điều hẳn xe vào giữa nhà kho, gã mới nhận ra kho gần như trống hoác, chỉ có mấy cuộn vải nằm chỏng chơ. Một ý nghĩ chợt đến, Khoái bảo đàn em đem xe về trả. Mở toang 2 cánh cửa kho, gã bẻ gạch non viết lên tường mấy chữ: "Của nả không đầy một xe, ít quá không bõ, Khoái "đù" không cướp!".

Đêm hôm sau, đang ngồi uống rượu và ba hoa ở ga Đồng Quan, Khoái bị Công an chộp cổ. Gã khai nhận tuốt tuột tất cả các vụ trước đó và nhận án 5 năm tù, ngoan ngoãn quay lại Trại Phú Sơn 4. Gã thú thật với ông Nguyễn Trường Xuân: "Muốn ra đầu thú nhưng sợ em út nó cười, cháu viết lại mấy chữ để các chú đỡ mất thì giờ(?!)".

Khoái vào tù, mẹ hắn nghe tin đổ bệnh. Biết tin, Khoái lại trốn về thăm mẹ, sau đó tự  tìm đường lên trại nộp mình. Sau đó, gã còn trốn thêm vài lần vì những lý do rất vớ vẩn. Đến năm 1981, Khoái được trả tự do.

Ra khỏi cổng trại, Khoái sà vào một hàng phở gọi một tô phở "không người lái" cho đỡ thèm. Ánh mắt ái ngại của cô hàng phở khiến Khoái phải thú thật: "Tôi mới ra tù, phải để dành tiền về quê". Lùa đũa tính vơ nắm bánh, Khoái đã trợn mắt: dưới lớp bánh trắng phớ là cả một tô thịt nhiều gấp 3 lần tô phở bình thường. Miếng đầu tiên chưa trôi qua cổ, gã đã nghe một tiếng bốp của ai đó vừa bị tát. Cô hàng thương người của gã đang ôm mặt, nước mắt giàn giụa vì bị chủ quán đánh, bởi trót cho thịt vào tô phở "không người lái" đã trả tiền trước. Lật tung bàn ăn Khoái giáng cho gã chủ quán một quả đấm vào giữa mặt nằm sòng xoài và bỏ đi. Lao thẳng ra ga, gã xin tờ giấy ghi nguệch ngoạc mấy chữ: "Đô, anh mới ra tù, cần tiền tiêu. Chuẩn bị cho anh mấy nghìn, mai lên lấy!". Giúi tờ giấy vào tay một gã lưu manh hạng bét ở ga, gã bảo: "Mày làm cách nào tao không cần biết, nhưng phải chuyển thư này đến tay thằng Từ Thủ Đô ngay lập tức".

Từ Thủ Đô là một tướng cướp trẻ tuổi nhưng khét tiếng ở Lạng Sơn, cầm đầu một băng cướp có vũ khí (sau này đã phải nhận án tử hình). Y nhắn Khoái: "Có gan thì lên Lạng Sơn mà lấy, tiền không thiếu".

Điểm hẹn là một hẻm núi vắng vẻ. Chập choạng tối, đón Khoái là hai hàng đàn em của Đô, thằng nào cũng mặt sát khí đằng đằng. Khoái phớt tỉnh. Gặp Đô, gã bảo: "Kiểu đón khách của em màu mè quá!". Thấy Khoái chỉ đi một mình, tay không tấc sắt, Đô có vẻ nể trọng, lưu lại uống rượu một đêm, sáng hôm sau đưa ra một gói giấy báo bọc 3.000 đồng, bảo: "Em cũng đang khó khăn, anh cầm tiêu tạm, hết thì nhắn em". Hai thằng giang hồ với nhau, Khoái không khách khí, chỉ cảm ơn và đút túi cầm về.

Trở lại, Khoái giúi vào tay gã chủ quán phở một nắm tiền, bảo "trả tiền tô phở bữa trước", tặng thêm cho gã một đấm lăn quay  rồi xềnh xệch nắm tay cô gái lôi đi. Lê Thị Thu, tên cô gái, không thốt một tiếng, cứ thế sấp ngửa chạy theo, bỏ lại gã hàng phở ở phía sau vừa quệt máu mũi vừa há hốc mồm. Vậy là Khoái có vợ, chẳng kịp hẹn hò yêu đương, cũng chẳng cưới xin. Khoái đưa Thu về xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ tìm một vạt đồi hoang vắng vô chủ dựng nhà, bắt đầu cuộc sống mới.

Mang tiếng "vua trốn tù", nên Khoái tìm mãi không ra việc. Đi đâu, làm gì gã cũng bị xa lánh, nghi kỵ. Hết tiền, con thú hoang quyết lại lần về đường cũ. Thỉnh thoảng, gã lại bỏ nhà đi biệt, lâu lâu tạt về giúi cho vợ một nắm tiền rồi lại đi. Gã gây ra hàng loạt vụ cướp trên các chuyến tàu hoả từ Lạng Sơn vào đến Đông Hà. Khoái thường đi nhiều chuyến trên một cung đường nhất định, theo dõi, phát hiện những băng nhóm trộm cướp khác ở trên tàu. Khi đám cướp kia tụt xuống ga xép nào đó chia nhau chiến lợi phẩm thì Khoái bám theo. Một mình Khoái tả xung hữu đột đánh cho cả đám cướp kia bò lăn bò càng và cướp sạch những gì chúng  vừa "thu nhập" trên suốt cả chuyến tàu. Sau khi đánh cướp, Khoái đều bắt những "đồng nghiệp" gặp vận rủi kia phải thề giải nghệ, nếu không thì "gặp đâu đập què chân què tay ở đó". Nhiều lần, vì căm tức, bọn cướp tổ chức gài bẫy, đuổi chém Khoái trối chết. Những trận đụng độ xuất hiện ngày càng  nhiều khiến kẻ chuyên "cướp của kẻ cướp" bị lộ tung tích và bị bắt. Khi  khai nhận tội, gã thành thật: "Cướp của thường dân không đủ tiêu. Cướp của cướp mới được nhiều, đỡ mất thời gian!".--PageBreak--

Tội nhiều nhưng chưa lần nào gây án mạng, Khoái "đù" chỉ  phải quay lại Trại Phú Sơn với bản án 10 năm tù. Lúc đó, Lê Thị Thu  mới nhận ra chồng mình không hề hoàn lương như đã hứa. Trong tù, vừa hay tin vợ sinh con trai chưa lâu, Khoái đã đau đớn nghe người ta bàn tán lọt vào tù chuyện vợ mình có người đàn ông khác tên là Phan Đức Hạnh, bộ đội phục viên. Đơn ly dị do Thu đưa vào tận tù yêu cầu ký xác nhận tất cả. Ghen tuông khiến bản chất hoang dã quay trở lại. Một đêm mưa như trút, gã lại bẻ song sắt vượt trại. Trước đó, từ trong tù, gã đã nhắn đàn em tìm sẵn cho mình một khẩu K59 và mấy kẹp đạn. Dù biết đang bị truy đuổi ráo riết, con thú dữ sổng chuồng vẫn bất chấp, lao ngay về căn nhà nhỏ ven đồi với một dự định tàn bạo.

Qua liếp cửa, gã trông rõ mồn một cảnh Hạnh đang vác đứa bé oặt oẹo khóc ngằn ngặt trên vai, còn Thu cuống quýt pha thuốc, chườm khăn. Lúc Khoái đạp cửa xông vào thì đứa trẻ bất ngờ lên cơn co giật. Cô vợ lao đến, chắn ngang trước mũi súng, thét lên: "Nó đang sốt, anh không bắn nó cũng chết. Con anh đó, cứ bắn!". Đúng lúc đó, chó sủa inh ỏi, tiếng chân người rầm rập… Lao mình qua cửa sổ, Khoái kịp biến mình vào đêm, trước khi những bước chân truy đuổi của Công an kịp tiến vào nhà.

Đêm sau, dù biết vòng vây Công an đang khép chặt, Khoái vẫn rình rập quanh nhà chờ cơ hội. Đánh hơi thấy tổ phục kích của Công an đang siết chặt vòng vây, gã khôn ngoan bẻ vẹt một dãy rào bên bờ đất đánh lạc hướng, còn mình thì leo lên ngọn cây phi lao khá rậm trốn, tay lăm lăm khẩu súng. Đêm đó trời tạnh ráo, trăng sáng vằng vặc, mọi động tĩnh bên dưới Khoái trông rõ, nghe rõ mồn một.

Trong nhà vừa có thêm mẹ đẻ của Thu đến thăm con. Suốt đêm, đèn nhà gã vẫn sáng, tiếng nói chuyện rì rậm pha lẫn tiếng đứa bé cứ khóc giãy từng cơn. Nghe lõm bõm, vừa nghe  vừa đoán, Khoái lờ mờ hiểu ra sự thật. Đứa bé đích thực là con của gã. Khi mang  bầu, một thân một mình xoay sở không ra, vợ gã đau ốm liên tục nên đứa bé sinh ra cũng dặt dẹo. Tất cả những khó khăn ấy, chỉ duy nhất mình anh bộ đội phục viên chia sẻ cùng Thu. Cảm nghĩa, trong khi lại tuyệt vọng vì bị chồng lừa dối, Thu đã thật sự muốn làm lại cuộc đời với Hạnh. Mấy đêm liền, đứa bé sốt cao, Hạnh chỉ sang nhà phụ giúp chăm sóc đứa bé, con của Khoái và Thu. Cảnh tượng quá gần gũi, ân tình mà gã chứng kiến hoá ra lại đánh lừa, khiến cơn ghen biến thành cuồng loạn suýt gây tội ác!

Mờ sáng, tổ mai phục rút, Khoái đút súng vào bụng và lách vào nhà. Trước cái nhìn khiếp hãi của ba người lớn và tiếng khóc ngặt của đứa con đẻ, gã chính thức tuyên bố đồng ý ly dị để Thu lấy Hạnh. Dù sao án của gã cũng còn dài!

Chuyện chưa kịp nở, Khoái đã vội lăn tròn vào gầm giường trong buồng rút súng lên đạn. Một anh Thượng sĩ Công an tên là Bái "xồm", cán bộ trực của Trại Phú Sơn dắt xe đạp vào sân. Nhẩn nha chào hỏi, Bái nói với mẹ vợ của Khoái: "Mấy hôm mệt quá, nước cũng không kịp uống, u cho con ấm chè uống cho tỉnh". Chừng đã hài lòng với tuần chè, Bái thủng thẳng  nói vọng vào: "Ra uống chè, trốn làm gì trong đó cho muỗi mòng, anh Khoái. Phải bắt anh, tôi thừa sức gọi anh em đến lâu rồi".

Tự ái giang hồ trỗi lên, Khoái "đù" bò ra ngay. Sau chừng 30 phút, Khoái im lặng móc súng đạn đặt lên bàn, sau đó ngoan ngoãn trèo lên yên sau xe đạp để Bái lóc cóc chở về trại giam nộp mình. Khoái chìa tay ra chịu còng, Bái cười: "Đường đồi lóc xóc thế này, còng tay anh tôi chở thế nào được. Ngồi ôm bụng tôi cho chặt, không lại ngã giập mặt đấy!".

Bị ông Giám thị Nguyễn Bá Tơ quát vì tội chủ quan, manh động, bắt tù, thu súng một mình, dẫn giải lại không trói, Bái cười: "Tôi xin chịu kỷ luật. Trừng trị cũng chỉ để giáo dục. Người ta đã tự nguyện giơ tay cho bắt thì còn còng với trói làm gì?".

Tung hoành một thuở, Khoái ngang tàng chưa phục ai. Nhưng khi biết được chuyện này (do chính Giám thị Nguyễn Bá Tơ cho biết), gã đã im lặng cúi đầu. Kể từ đó, sau 14 lần đào thoát, hàng chục lần dự định nhưng bất thành, tổng cộng 41 lần, "vua trốn tù" đã chấp nhận khoanh tay, cúi đầu mà cải tạo, không gây thêm một vụ trốn tù nào nữa. Ngày 25/5/1988, Khoái được rời Trại Phú Sơn bằng cửa chính, mãn án trước 3 năm rưỡi.

Về quê thì hổ thẹn, biết phong trào làm vàng đang rộ, Khoái vẫy nhờ xe lâm sản tìm đường lên Võ Nhai. Chợt nhận ra mình vẫn mặc áo tù, vào cơ quan nhà nước thì… khó coi, Khoái cởi đồ sọc nhét vào ô thông gió trên tường rào, mặc… may ô quần cộc cứ thế bước vào UBND huyện trình giấy tha tù, xin được cấp các loại giấy tờ. Tình cờ, Chủ tịch huyện lúc đó lại là ông Đàm Thanh Nghị, một người quen cũ khi còn trong bộ đội. Tuy đã mấy chục năm, ông Nghị vẫn nhận ra, bèn đưa Khoái về nhà, sau đó gọi điện thoại cho Phó Công an huyện Bùi Công Thành, một người Khoái cũng từng quen đến. Lưu Khoái lại chơi mấy hôm, mua quần áo, lo giúp hoàn tất giấy tờ xong, hai ông Nghị và Thành còn mỗi người cho Khoái một ba lô gạo, dăm chục viên đã lửa và một ít tiền lộ phí để gã bắt đầu lập nghiệp.

Cắt rừng, Khoái đi lọ mọ cả đêm. Rạng sáng của ngày đầu tiên đặt chân vào vùng vàng xã Thần Sa, Khoái đã bị 5 thằng oắt con  lù lù lao ra chặn đường. Một thằng hỏi: "Mang gì mà những hai ba lô, nặng thế? Để lại một  cái đi cho nó nhẹ?". Khoái hạ ba lô, dấm dẳn: "Chẳng có gì, chỉ toàn vàng. Thích thì lại mà lấy!". Chưa kịp sờ tay vào quai ba lô, 5 thằng oắt đã bị Khoái đá lộn nhào, văng mỗi đưa  một nơi. Sau khi sưng mặt sưng mày, đám cô  hồn mới nhận ra Khoái cao hơn nhiều so vơi thân hình thước rưỡi, rối rít xin tha  và  nằng nặc mời… chú về lán nghỉ ngơi. Sau 6 lần được  (hoặc bị) "trước đòi sau mời" tương tự, Khoái mới vào đến nơi chọn đất cắm trại, bắt đầu đào bới.

Hồi còn học ở Đông Triều, Khoái thường lục lọi, đọc hết sách chuyên môn của Lê Bá Dân, một Dũng sĩ miền Nam ra Bắc theo học ngành địa chất. Dân đi thực tập, Khoái cũng đi theo suốt mấy tháng hè. Bao nhiêu kiến thức học mót từ bạn, Khoái cố nhớ kỳ hết để áp dụng vào công cuộc tìm vàng. Hai ba lô gạo ăn hết nhẵn, vàng đâu không thấy, vẫn chỉ thấy vàng mắt. Hết tiền, nhưng ai đến đề nghị bán bãi, Khoái cũng lắc đầu. Dăm ba tay bặm trợn coi thường kẻ tứ cố vô thân, kéo cả đám đến đuổi người chiếm bãi đều bị Khoái đánh bật. Nổi tiếng vì không một lần thua, Khoái được hàng chục thanh niên làm thuê đến xin đầu quân, ăn chia khi có vàng.

Tốp thợ mới đến xin thử thời vận thì tốp cũ bỏ đi, vì đói rạc. Thợ của Khoái đều là những tay lỡ vận, không vốn liếng, những kẻ mới được tha tù, không  nơi nương tựa. Ở Thần Sa, vàng thì còn lúc có lúc không nhưng kẻ cướp, bọn đầu bò đầu bướu thì không cần tìm cũng cứ gặp nhan nhản. Đám này chỉ rình rập để thu phí bảo kê hoặc trấn cướp. Chủ hầm chủ bưởng hầu như đều ngoan ngoãn "cúng dường", nếu không muốn phải đụng độ đổ máu…--PageBreak--

Khét tiếng nhất là băng Đô Tây. Tên tướng cướp này đang bị Công an truy nã gắt gao, dạt về Thần Sa vừa trốn tránh vừa tiếp tục trấn cướp. Một hôm, tốp thợ của Khoái đang húp cháo loãng thì Đô Tây xách AK kéo cả chục tên đàn em lăm lăm tay đao tay thước xông vào  đòi "nộp thuế". Khoái hỏi: "Không có vàng, chỉ có mạng, lấy không?". Thấy Khoái nhỏ con, Đô Tây tỏ ra coi thường: "Đói rã họng còn sĩ diện. Đưa hết quân sang làm thuê cho tao, may ra còn có cơm ăn". Vèo, tô cháo nóng trong tay Khoái đã bay ngay vào mặt Đô Tây. Hỗn loạn diễn ra ngay tức khắc. Đám đàm em của tay hung thần lập tức rút kiếm xông vào  nhằm đầu Khoái chém tới tấp. Như con choi choi, Khoái lộn bên này, búng người qua bên kia tránh đòn, đồng thời tay cứ nhắm mặt Đô Tây mà xỉa tới. Súng đeo sau lưng, nhưng cứ hễ quờ tay ra lấy, Đô Tây lại bị Khoái đã văng tay. Vừa tháo được dây quàng súng ra khỏi vai, Đô Tây đã lãnh nguyên một cú đá vào mặt, hộc ra  một  bụm cả răng lẫn máu. Vài tên đàn em cũng bị dính đòn, lăn  mỗi đứa một góc. Chúng vừa lóp ngóp kịp bò dậy nhặt dao rựa, Khoái đã nhanh tay hơn giật được súng của Đô Tây quét một loạt trên đầu. Hãi quá, cả đám vội thụp xuống. Đô Tây định nhào tới giật lại súng, bị Khoái găm cho một viên đạn vào đùi nằm giãy đành đạch. Dù tay và lưng cũng bị vài vết chém nhưng không truy tận, Khoái kêu cả đám đàn em Đô Tây lại, tuyên bố thu súng cảnh cáo, sau đó cho cả đám khiêng đàn anh về chữa vết thương.

Hoà "lụa", một tay chủ bưởng khác ở Khe Mon nổi tiếng đối xử tàn ác với người làm công. Tay này ép thợ làm thuê phải nghiện ngập để dễ thao túng và bóc lột. Biết chuyện, đang đêm Khoái một mình xông vào lán của Hoà đánh tay này hộc máu. Quân đông nhưng ghét chủ quá tham và ác nên không ai can, Hoà "lụa" bị Khoái đánh cho lê lết, đành phải "xin chừa", xuất tiền ra may cho mỗi thợ làm công một bộ quần áo rồi để cho họ đi. Cả 60 thợ của Hoà đều tự nguyện xin về làm "lính của chú Khoái".

Hồi tưởng lại, Khoái thú nhận: "Thật ra tôi cũng… ác, lần nào cũng đánh người ta trước. Mà đã đánh là lê lết. Nhưng tất cả đều  là những thằng đáng  bị đánh". Đề phòng, đi đâu Khoái cũng kè một khẩu súng, một dao tông bên người. Thua thằng liều, đám đầu trâu mặt ngựa lảng dần đi chỗ khác. Các chủ bưởng khác mang ơn, thường mời Khoái sang lán đãi đằng, cho vay  tiền, mượn gạo nuôi lính. Có hầm "vào cầu", chủ bưởng còn đem cả vốc vàng cốm sang tặng Khoái gọi là "lộc bất tận hưởng". Khoái không xin, không lấy không của ai, chỉ đề nghị cho mượn tạm vài "cạ" (buổi đào) tại hầm của họ để cho  lính  mình làm, lấy  đó làm nguồn sống lay lắt.

Sau 6 tháng 20 ngày đói rã, hầm của Khoái bắt đầu trúng vàng, trúng rất đậm. Trong gần 2 tháng, trung bình mỗi ngày Khoái "bốc" lên từ đất được gần một kg vàng bổi. Trả hết nợ nần, Khoái mạnh tay đầu tư mua thêm máy móc, đất hầm, mở rộng khai thác. Người xin làm thuê kéo đến kìn kìn. Khoái nhận tất, với 3 điều kiện: không ma tuý, rượu không được uống quá 3 chén/ngày, không được ăn cắp. Nhân công của gã rời bãi, gã có thêm một điều kiện thứ 4, khá kỳ cục: không được ngồi chơi tại nhà bạn quá 5 phút, nếu bạn đi vắng. Trong thẳm sâu, dù đã chấp nhận, nỗi đau riêng của gã vẫn chưa nguôi ngoai được.

Vào lúc cao điểm, nhân công của Khoái lên đến 300 người, chia làm 4 ca luân phiên. Mọi chi phí từ cơm áo, thuốc men… Khoái lo tất, trả công mỗi người 1 chỉ vàng/tháng. Về Tết hoặc gia đình có chuyện phải từ giã bãi, gã tặng thêm một chiếc xe Dream. Cặp vợ chồng Hạnh - Thu là một trong số những người đầu tiên được Khoái giúp xây nhà dựng cửa. Ông Hạnh phục viên, hay đau ốm, công việc không ổn định, sau đó đã được Khoái mời lên bãi làm chung với gã suốt 8 năm ròng rã.

Trong một lần dự trại sáng tác ở hồ Núi Cốc, nhà văn Triệu Bôn đã chủ động tìm gặp Khoái, kiên nhẫn ngồi nghe gã bộc bạch tâm tình suốt nhiều ngày. Với cái tên Lã Văn Khoái, gã trở thành nguyên mẫu nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết "Một giây phút và nửa cuộc đời".  Sau tiểu thuyết là vở kịch "Phần đời không muốn nhớ" của nhà văn Đồng Khắc Thọ và bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết của Đạo diễn Trần Quốc Huấn. Tên tuổi Khoái đã nổi càng nổi hơn, vượt ra ngoài ranh giới tỉnh Thái Nguyên. Trở thành nhân vật của văn chương, Khoái thích lắm.

Mùa đông năm 1995, ông già Triệu Bôn bệnh nặng phải nhập viện, Khoái tức tốc rời bãi vàng  về Hà Nội  thăm. Quà mang theo là  một chai 650 ml đựng toàn vàng cám, gọi là "biếu anh chút để bồi dưỡng, của nhà … làm được".  Ông nhà văn già cười nhỏ nhẹ: "Chú Khoái à, quan hệ của tôi và chú, sao lại để vàng bạc xen vào. Chú cầm cái chai về đi. Người như chú, sống sao gọi là tình là nghĩa, chắc tôi đâu cần nói". Phút đó, Khoái chợt "ngộ", khóc rưng rức.

Cầm chai vàng cám trở về, Khoái như lột xác. Không còn đánh nhau, không còn tranh giành, có cơ hội giúp ai, cho ai là gã không hề tiếc. Trong gần chục năm trời, gã ruổi rong khắp các bãi vàng Boong Xay, Thần Sa, Cà Ná, Na Rì… ở hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, nổi tiếng như một chuyên gia tăm vỉa (dò mạch vàng) và các kỹ thuật đào đãi, đánh hoá (lọc vàng từ quặng xái bằng hoá chất). Kiến thức không nhiều nhưng gã đúng là tay lão luyện, khui hầm nào là thắng hầm đó. Nhưng gã không tham. Hầm vàng đang khui có trúng đến mấy nhưng không an toàn là gã bắt lấp lại ngay. Mùa mưa năm 1991, hầm  vàng của Khoái ở Boong Xay đang trúng lớn thì gã phát hiện có vết nứt. Buộc thợ bỏ hầm, họ tiếc của không nghe, Khoái xách súng AK ra lắp đạn quạt liền mấy băng. Sợ Khoái điên, thợ vội chui lên hết. Người cuối cùng vừa thoát khỏi miệng hầm thì ầm một tiếng, cả khối núi đổ sập, chôn luôn cả hầm vàng của Khoái dưới độ sâu 40-50m.

Vàng thu được, gã chia đều cho thợ, chẳng lấy phần hơn. Ai khó khăn, Khoái còn giúp thêm. Khoái cũng mạnh tay làm từ thiện. Các bệnh viện, trường học ở các địa phương gần nơi gã lập hầm đào đãi đều xem Khoái như một "Mạnh Thường Quân" hào phóng. Riêng cho bản thân và gia đình mình, Khoái làm được không nhiều. Sau mấy chục năm lưu lạc, gã chỉ về Huế xây cho cha mẹ già một căn nhà nhỏ, sau đó giúp người cha dọn nhà vào Đồng  Nai  lập nghiệp. Xong, gã lại đi, lại lưu lạc tiếp.

Gã thích tiêu xài bằng vàng lá và đi cho, đi ủng hộ không bằng tiền mà bằng… xe máy, không để lại tên. Nguyễn Thị Thu, vợ sau của gã nhẩm tính, trong gần chục năm, (1988-1996), Khoái tặng từ thiện tất cả 152 chiếc xe máy, trong đó có 130 xe Dream II (thời điểm đó trị giá 10 lượng vàng/chiếc). Riêng Khoái thì gạt phắt: "Đã cho đừng nhắc, đến tai lại khiến người ta tổn thương"…

Khoảng 1 năm sau ngày lên làm vàng ở Thần Sa, Khoái phát hiện một bóng người khả nghi chạy sấp ngửa từ một lán vàng ra bìa rừng lúc 3 giờ sáng. Gã đón đường quật ngã. Hoá ra là đàn bà. Nguyễn Thị Thu có 2 đứa con nhỏ, lên bãi làm thuê nuôi con, vừa trộm được nắm vàng cám định lẻn trốn thì bị Khoái  phát hiện. Khoái thở dài, bốc thêm cho một nắm vàng cám nữa rồi thả cho đi. Về nhà chưa bao lâu, Nguyễn Thị Thu lại quay lại bãi, xin làm cho Khoái. Rổ rá cạp lại, họ lấy nhau, có thêm một  mụn con gái. Ngày đứa bé tròn 2 tuổi (1992), Khoái mua 40 con lợn cỏ, hàng trăm chai rượu ngoại vào đãi cả 600 người trong bãi vàng Thần Sa một bữa say tuý luý.

Mua đất, dựng nhà cho vợ con ở thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên xong, Khoái lại tiếp tục cắm mặt vào bãi vàng. Lâu  lâu tạt về thăm con, gã lại ngửa mũ cối trút cho vợ  một  mũ vàng cốm, rồi đi. Nhàn cư vi bất thiện, người đàn bà 3 mặt con lao vào cờ bạc, đề đóm. Khoái biết, nhưng đang hồi phất mạnh nên chẳng can. Thỉnh thoảng, gã cũng bỏ hầm bỏ bãi, theo vợ đi ngồi sới, sát phạt máu me tìm cảm giác. 

Thua liểng xiểng, càng thua càng cú, máu cờ bạc lận dần sang Khoái lúc nào không hay. Từ năm 1994, chỉ thỉnh thoảng Khoái mới lên bãi coi sóc, chỉ đạo thợ dăm hôm, thời gian còn lại cứ lượn về ngồi sới. Xài rất sang, lắm lúc vợ chồng gã gọi xe chở cả đám đàn em về Hà Nội, xuống Hải Phòng thuê nguyên cả khách sạn đánh bạc nhiều ngày ròng rã. Hứng lên, hai vợ chồng còn mò sang cả Campuchia, rồi Hồng Kông ăn chơi cho biết. Đánh người thì toàn thắng  nhưng đánh bạc thì toàn thua, đến khi đã khánh kiệt Khoái cũng chẳng hay biết, cứ ngỡ đời mình vẫn còn khấm khá như đời những người thợ làm thuê của mình!

Năm 1996, tất cả các bãi vàng ở Thái Nguyên và Bắc Kạn đều bị đóng cửa. Thợ thuyền của Khoái chạy dạt mỗi người một nơi. Người ở lại thì chuyển nghề. Trong khi Khoái đang toát mồ hôi chạy vạy ngược xuôi để tìm đủ 500 triệu trả nợ ngân hàng, tránh  phải ra toà thì vợ gã đã vướng vào một bản án 8 năm - cái giá cho chuyện làm liều để kiếm tiền đánh bạc.

Lụn bại, cơ hội làm lại không còn, Khoái chuyển nghề sang… chạy xe ôm, kiếm tiền nuôi con chờ vợ mãn hạn. Đầu năm 2008, nghe lời rủ rê, gã còn mò sang tận huyện Đak K'Nu, tỉnh Kong Pong Chàm, Campuchia, tính thử thời vận bằng cách đi tăm vỉa, khai thác vàng thuê cho một tay tỷ phú xứ người. Dự định bất thành, sau 10 ngày Khoái đành quay về nhà, mang theo một bao tải quặng đã nghiền nát thành cám, trong đó có vô số vảy li ti màu vàng mà gã khẳng định chắc như bắp là vàng cám. Với bao cám quặng ấy Khoái cứ hy vọng, cứ ngồi chờ, chờ mãi, nhưng 2 năm rồi chẳng thấy tay tỷ phú kia gọi lại.

Tôi đến chơi, Khoái lại xúc một bát cám quặng lấm tấm ánh kim ấy ra khoe. Biết tôi từng qua lại và quen nhiều tay chủ bưởng, chủ hầm  ở bãi vàng Phước Sơn, Quảng Nam, tay giang hồ đã trải đời hơn một hoa giáp bày tỏ ý định muốn  nhờ tôi giới thiệu để có thể bắt đầu cơ hội mới trên vùng đất hứa đầy lam sơn chướng khí trên dãy Trường Sơn. Gã bảo: "Vàng trên ấy không thiếu, nhưng cứ làm như  mấy thằng cha ở miền Trung thì không lấy được vàng  đâu. Tôi mà không lên đó là không xong".

Bảo rằng một tay giang hồ từ trong máu  như Đoàn Đắc Tô, tức Khoái "đù" khét tiếng đoạn tuyệt hẳn với chuyện phiêu lưu, e là không thể. Ngăn ông ta bằng lời lẽ thiệt hơn, e là vô ích, cũng chẳng cần. Người như Khoái, tôi tin là chỉ rũ bỏ giang hồ khi và chỉ khi đã sức tàn lực kiệt, muốn đeo đuổi cũng không còn sức để đeo chứ không vì lý do nào khác. Cũng chẳng phải vì Khoái không liệu trước những hiểm nguy mất mát có thể và sẽ đang chờ. Vì thế, tôi không khuyên can, nhưng cũng không nhận lời, dù chỉ là bắc một  mảnh ván nhỏ giữa hai bờ, một bên là đời sống bình thường, có thể là tẻ nhạt nhưng yên ổn, với bên kia là những bất trắc đầy hứa hẹn và cám dỗ. Nghĩ vậy thôi, nhưng tôi không nói ra lời. Một cuộc đời quá nhiều thăng trầm như Khoái, nếu bóc nốt cả những ảo tưởng thì với tuổi già lực kiệt, người ta sẽ sống bằng gì?

Nguyễn Hồng Lam
.
.