Cốt nhục tương tàn

Thứ Sáu, 31/08/2012, 14:10
“Hổ dữ còn chả ăn thịt con nữa là con người. Chỉ họa có điên mới làm vậy. Tôi thương nó mà còn chả hết”… Đó là lời trần tình của bị cáo Trần Văn Cường về đứa con ruột, người đã bị chính Cường tước đi mạng sống trong cơn phẫn uất dồn nén do những mâu thuẫn cha con kéo dài cả chục năm ròng.

Người cha nói là thương con nhưng đã sát hại con. Nói là chỉ có điên mới vậy nhưng lại thừa nhận là những nhát búa giáng xuống núm ruột của mình trong “tâm trạng hoàn toàn tỉnh táo”. Nói là đã “kiên nhẫn trong việc dạy bảo con” nhưng cuối cùng lại chọn giải pháp bế tắc và nhẫn tâm.

Cứ thế, cứ thế nối nhau trong suốt phần xét hỏi kéo dài gần 1 giờ đồng hồ tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án vừa diễn ra tại Toà án nhân dân TP Hà Nội hôm 26/7/2012  vừa qua là những lời khai mâu thuẫn nhưng thành thật…

”Nó là đứa mắt trắng”…

Cùng quê ở Duy Tiên, Hà Nam, bị cáo Trần Văn Cường và bà V. nên vợ nên chồng từ khi còn trẻ. Cuộc sống ở thôn quê khó khăn nên khi hai đứa con trai ruột - Kiên và Nhẫn - còn bé xíu thì hai vợ chồng đã dắt díu nhau lên Hà Nội với hy vọng cuộc mưu sinh ở chốn đô thành sẽ bớt nhọc nhằn hơn. Bán nhà đất ở quê, dồn góp mãi hai vợ chồng mới mua được một căn nhà nhỏ chỉ 20m2 trên đường Bạch Đằng, mé sát bờ sông, một con phố cách trung tâm Bờ Hồ không quá xa nhưng phần lớn dân cư ở đây đều là dân nhập cư nghèo. Cường làm xích lô, bà V. đi làm thuê làm mướn nuôi hai con.

Rồi Cường chuyển qua làm xe ôm. Phương tiện kiếm cơm duy nhất lúc ấy - chiếc xích lô - có bán đi cũng chỉ đủ một phần mười giá trị của một chiếc xe máy. Thế nên, lúc chuyển nghề cũng là lúc hai vợ chồng phải gánh vác một khoản nợ lãi to đùng. Lãi mẹ đẻ lãi con. Sau rồi, xe máy cũng chả còn  mà ngôi nhà 20 m2 lại phải bán đi đổi lấy căn nhà nhỏ hơn để phần dư ra trang trải nợ nần.

Từ bấy, cả gia đình sống trong ngôi nhà 16,5m2, cũng ở trong con phố nghèo ấy. Gánh nặng áo cơm của cả gia đình dồn tất lên đôi vai gầy của bà V. Ông Cường chỉ còn làm vui với rượu. Biệt danh Cường “can”, theo lời kể của nhiều người là do đơn vị đo tửu lượng của ông không phải là chén, là cốc, là chai mà là…can. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn, vật lộn với áo cơm không chỉ bòn rút sức lực mà còn lấy đi hầu như tất cả thời gian của bà, lúc đó đang là mẹ của hai đứa con trai bắt đầu bước vào lứa tuổi cần sự dạy bảo sát sao nhất.

Nhẫn hư từ lúc nào, ông Cường không biết. Trả lời trước Toà, ông nói Nhẫn hư từ nhỏ. “Nó là loại mắt trắng mà ông bà đã dạy loại người mắt trắng là loại bất nhân”. Nhẫn chết rồi mà trước Toà, Trần Văn Cường vẫn kể về con đầy phẫn uất: “Từ bé, nó đã chơi bời lêu lổng, không chịu học hành, suốt ngày vợ chồng tôi bị cô giáo chủ nhiệm mời đến trường vì con hư hỏng”. Hay: “Mua xe đạp cho nó đi học thì nó đem bán. Mới học dở cấp 2 mà nó đã bán mất mấy cái xe đạp”. Rồi: “Học dở lớp 6 thì thuyết phục thế nào nó cũng không chịu đến trường nữa”.

Vị thẩm phán chủ tọa phiên toà ôn tồn: “Con cái có đứa dễ dạy, có đứa khó, đòi hỏi quá trình dạy dỗ phải mất công sức nhiều hơn, gian nan hơn. Bị cáo đặt tên con là Kiên và Nhẫn mà sao lại không kiên nhẫn trong việc giáo dục con cái”. Trần Văn Cường cự lại: “Phải kiên nhẫn lắm tôi mới chịu đựng được nó đến năm 24 tuổi chứ bằng không thì…”. Trần Văn Cường ngập ngừng, bỏ lửng câu nói như cố tránh đi những từ ngữ tàn độc nhất.

Hồ sơ cá nhân còn lưu trữ của bị hại Trần Văn Nhẫn cho thấy, ngay từ khi ở tuổi vị thành niên, do hư hỏng nên cơ quan chức năng đã phải đưa Nhẫn vào Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình học tập trong 2 năm. Gia đình Nhẫn hy vọng sau khi rời trường, Nhẫn sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Nhưng không, theo lời khai của Trần Văn Cường trước Toà và nhiều lời khai của các nhân chứng khác thì sau khi trở về đoàn tụ cùng gia đình, mức độ hư hỏng của Nhẫn còn trở nên trầm trọng hơn. Bà T. dì ruột của Nhẫn, người đã chăm bẵm Nhẫn từ nhỏ, buồn bã kể: Có lần Nhẫn đòi xin 2 triệu đồng, bà bảo phải nói rõ lý do lấy tiền để làm gì thì mới cho. Nhẫn tức, cho bà dì ăn nguyên một cú đấm vào mặt. Cô, bác, họ hàng hai bên nội ngoại Nhẫn chửi tất. Nhưng theo bị cáo Trần Văn Cường thì người bị Nhẫn chửi nhiều nhất chính là bà V., vợ bị cáo cũng đồng thời là mẹ đẻ của Nhẫn. “Vợ tôi làm phục vụ quán ăn thường quá nửa đêm mới về đến nhà. Nhẫn xin tiền không được là chửi mẹ thậm tệ. Vợ tôi đau xót, chỉ biết nằm khóc rưng rức”.

Nhưng, bà V. vẫn còn may mắn hơn chồng là vì chưa bị Nhẫn đánh. Trần Văn Cường đã từng bị Nhẫn đánh hai lần. Một lần gẫy răng, một lần đứt gân tay. Mâu thuẫn cha con đến mức ấy là đã biến thành hận thù. Mà không gian ở chung lại quá chật chội. Căn nhà 16,5m2 vốn đã chật cho một gia đình gồm 2 vợ chồng và hai đứa con trai lộc ngộc, sau khi Kiên lấy vợ và có con, không gian chật hẹp ấy trở thành nơi trú ngụ chung cho cả một đại gia đình 6 người. Nhẫn cao to lừng lững, sức khoẻ vô biên nhưng không đi làm gì, cả ngày nằm dài xem tivi. Trần Văn Cường sau khi thôi làm bảo vệ cho một doanh nghiệp bên Gia Lâm cũng chả làm gì, ở nhà làm bạn với rượu. Hai cha con vốn đã hận thù nhau, giờ suốt ngày ra đụng vào chạm trong cái không gian chật hẹp, bức bối ấy nên xung đột chỉ có leo thang thôi chứ chả đời nào hạ nhiệt.

Vị thẩm phán - chủ tọa phiên toà - hỏi: “Khi Nhẫn trưởng thành, bị cáo có tạo điều kiện giúp con tìm công ăn việc làm không mà 24 tuổi bị hại Nhẫn vẫn nằm dài ở nhà chơi?”. Trần Văn Cường đáp, vội vã như sợ ai nói tranh mất: “Có chứ! Tôi đã xin cho nó đi làm vệ sỹ nhưng nó không đi. Nó bảo thích làm kinh tế hơn. Mua cho nó cả thảy 3 cái xe máy để làm xe ôm thì nó bán cả 3”.

”Đừng dung dưỡng cho thói hư tật xấu của con”

Bà V. khi được HĐXX hỏi về độ chính xác trong những lời kể tội Nhẫn của chồng thì nước mắt vắn dài lắc đầu quầy quậy phủ nhận chuyện bị con trai thường xuyên mắng chửi. Nhưng lại thừa nhận chuyện Nhẫn thường xuyên xô xát cãi cọ với cha và công nhận việc bị cáo Cường bị gẫy răng là do Nhẫn đánh, bị đứt gân tay là do Nhẫn chém. Bà V. cũng phủ nhận cả chuyện Nhẫn chửi, thậm chí đánh cả họ hàng cô bác nhưng lại thừa nhận là “lúc bé cháu có chửi nhưng khi lớn thì cháu thôi không chửi nữa”.

Ở phía dưới phòng xử, có nhiều tiếng phản đối của những người biết chuyện, trong đó có cả em ruột bà, người đã bị Nhẫn đánh khi không xin được 2 triệu đồng. Bà V. cũng phủ nhận cả chuyện Nhẫn đã bán  3 chiếc xe máy đi tiêu xài mà tin vào lời Nhẫn là xe bị mất hoặc bị công an giữ do xe không có đủ giấy tờ. Cho dù, với bà đó là những món tài sản lớn bởi để sắm được xe cho con trai, bà đã phải đi chạy vạy, vay mượn mới đủ tiền. Bà cố chứng minh rằng, niềm tin của bà với đứa con trai yêu là có cơ sở khi mà trong con ngõ nhỏ của gia đình bà đã có ối người bị trộm lấy mất xe chứ chả riêng gì Nhẫn.

Vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà hỏi: “Là mẹ, bà thấy hành vi của Nhẫn đối với bậc sinh thành như thế nào, đã đúng với đạo làm con chưa?”, bà Vân công nhận: “Như thế là quá láo, là bất nhân”. Vị đại diện Viện Kiểm sát phân tích: “Thương con nhưng đừng dung dưỡng cho những thói hư tật xấu”. Bà Vân cự lại: “Đằng nào Nhẫn cũng chết rồi, tôi bênh che làm gì cơ chứ!”. Khán phòng lặng đi mấy giây. Thoáng nghe có tiếng thở dài ngao ngán…

Đêm 25/2/2012, khi bà V. đi làm về gia đình lại xảy ra xô xát. Nhẫn với lý do chị dâu láo vì mẹ đi làm về mà không chào đã xông lên căn gác xép, đấm đá chị dâu thâm tím mặt mày. Trần Văn Cường nằm dưới sàn nhà chứng kiến hết thảy nhưng bất lực. Theo những lời khai nhận trong hồ sơ vụ án và tại phiên toà thì suốt đêm ấy, Trần Văn Cường không ngủ được. Chủ tọa phiên toà hỏi: “Bị cáo nghĩ gì vào đêm ấy?”, Trần Văn Cường lặng đi mất giây rồi cúi đầu: “Tôi nghĩ về tất cả quá trình từ lúc sinh ra Nhẫn đến lúc bấy giờ với tất cả sự uất hận dường như lên đến đỉnh điểm”. Và, như giọt nước cuối cùng tràn ly, ý nghĩ phải giết Nhẫn thôi thúc Trần Văn Cường. “Sớm hôm sau, trời tảng sáng là tôi vùng dậy đi tập thể dục. Tôi muốn mình được trở lại trạng thái thật minh mẫn để quyết định. Tôi nghĩ đó là sự giải thoát cho nỗi đau đớn mà vợ chồng tôi đã phải chịu đựng suốt mấy chục năm ròng”. Và, nghĩ là làm. Những nhát búa đã giáng xuống khi Trần Văn Nhẫn còn đang ngủ, hoàn toàn không có khả năng kháng cự dù to khoẻ hơn cha rất nhiều. Nhẫn chết. Sự giải thoát mà Trần Văn Cường lựa chọn là phương cách bất lực và tàn độc.

HĐXX hỏi: “Bị cáo có biết hành vi của mình là phạm tội?”. Trần Văn Cường trả lời như một phản xạ, không cần đắn đo: “Tôi biết và sẵn sàng gánh chịu hậu quả”. HĐXX hỏi tiếp: “Bị cáo có ân hận?”. Trần Văn Cường cúi đầu nhìn cắm mặt xuống đất : “Ân hận và thương con. Thương mãi mà chả hết”. Bà V. xin giảm nhẹ hình phạt cho chồng trong nước mắt xót con: “Chồng tôi đã 53 tuổi, sức khoẻ yếu, mong sao ông ấy được hưởng hình phạt thấp nhất để sớm được trở về với gia đình”. Vị chủ tọa phiên toà phân tích: “Con cái là sự nối dài đời sống của cha mẹ. Trách nhiệm nuôi dạy con cái nên người là thuộc về cha mẹ, không ai có thể gánh vác thay được”. Trần Văn Cường lặng đi lắng nghe. Bà V. đứng cách chồng một hàng ghế, đôi vai gầy rung lên sau lần áo mỏng.

Bị truy tố về tội giết người nhưng Trần Văn Cường chỉ phải chịu khung hình phạt ở khoản 2 với tình tiết định khung là “có một phần lỗi của người bị hại”. Mức án 7 năm tù được tuyên với Trần Văn Cường cũng là mức án thấp nhất trong khung hình phạt này.

Cường ra xe tù để trở lại trại giam, tiếp tục thi hành bản án phạt tù còn dài lắm mà tóc Cường thì đã bạc trắng cả mái đầu…

Tô Ngọc Huyền Thi
.
.