Con mắt còn có đuôi…

Thứ Năm, 12/01/2012, 11:10
Ông đang ở nơi mà ông không muốn đến. Ông cũng đang là tâm điểm của dư luận vì cái chuyện ông không muốn nhiều người khác biết. Đời ông buồn hiu, buồn như cái nheo mắt của tuổi già nhìn chiều phấp phới trôi qua ô cửa nhỏ. Buồn như khi nhánh lục bình tim tím lập lờ trôi ngày mưa phùn…

Hơn ba năm, ông bị cậu con trai út của mình giam trong căn phòng bé xíu. Trước đó, ông “kết thân” một cách bất đắc sĩ với sợi dây xích được con trai mình quấn quanh chân ông, đầu sợi dây xích cột vào chái bếp.

1. Ấp Hậu Hòa, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang những ngày cuối năm nhiều gió. Gió mùa này, phóng khoáng phớt mặt, cảm giác buồn rũ rượi như người nông dân đứng trên cánh đồng, bất lực nhìn đất dưới gốc mạ đang nứt nẻ dần, mà trời thì không có dấu hiệu báo mưa.

Người dân ở miệt này gọi ông bằng cái tên Chín Thuận. Thú thật là tôi không biết viết vậy có đúng chính tả không. Vì ông có thể là Chín Thuận hoặc là Chính Thuận. Có lẽ là Chín Thuận, bởi người miền Tây quen với kiểu gọi theo ngôi thứ hơn là tên tuổi được xác tín trong chứng minh nhân dân. Nhưng, danh xưng thì có liên quan gì đến câu chuyện của đời ông.

Ông năm nay đã 73 tuổi, cái tuổi đã gần chạm đến cái đích của cõi tạm. Vậy mà, bất trắc của đời sống hiển nhiên tìm đến.

Cậu con trai út của ông bảo rằng, ông bị tâm thần, nên suốt ngày cứ lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Cậu xích ông lại là để khỏi thất lạc ông. Hàng xóm của ông bảo với tôi, thi thoảng họ vẫn thấy hai người cháu nội của ông tay cầm dây xích dắt ông đi dọc xóm làng.

Ông, cả đời chỉ biết cắm mặt vào mảnh ruộng, áo cơm đánh vật với thời gian, chắt chiu được bao nhiêu cũng mang về nuôi đàn con bảy đứa, trai gái đủ cả.

Hơn mười năm trước, người phụ nữ mà ông đã gắn bó gần nửa thế kỷ bỏ ông mà đi. Bà đi nhẹ tênh, chỉ để lại mỗi mình ông những đêm vắng ngồi nhìn trời thở dài sườn sượt. Tình nghĩa vợ chồng, ai đi trước mà không để lại nỗi buồn cho người đi sau.

Ông đã quen căn nhà có bà, ông đã thân thuộc mảnh sân trước có bà, ông đã lưu giữ cẩn thận trong ký ức bữa cơm tối có bà… Vậy mà, bà lại bỏ ông bà đi.

Có ai cưỡng lại được sự quyến rũ của thời gian đâu. Biết là biết vậy, chứ day dứt thì mấy người học được cách lãng quên.

Của nả ông dành dụm bao nhiêu năm trời chỉ có mảnh đất vườn, miếng ruộng. Bà mất được ít lâu, ông gọi toàn bộ con cái lại, làm di chúc cắt đất phân chia cẩn thận. Ông sợ chuyện sau này, khi ông bất thần ra đi, đất đai lại trở thành chuyện tai họa khôn lường.

Cậu con trai út, tên Nguyễn Văn Đởm, người mà ông muốn sẽ vỗ về ông lúc tuổi già, được ông chia cho nhiều hơn những người con khác một chút.

Ông Chính ngày ngày ngóng trông bà qua khung cửa sổ.

Khi mà phần việc ông cho rằng quan trọng nhất được giải quyết xong, ông tưởng mình đã có thể hưởng bình yên tuổi già. Có lẽ, chẳng bao giờ ông có thể nghĩ được rằng, cuộc đời dài hơn ông tưởng.

Hơn ba năm kể từ ngày bà mất, ông gặp người đàn bà ấy. Người đàn bà không có người thân, không quê quán, nhỏ hơn ông vài tuổi.

Chắc là nói chuyện cũng hợp nhau, hay có thể đơn giản là bởi tuổi già thường có những lý lẽ của riêng mình. Thậm chí, chỉ là ông thương bà khốn kho nên ông mang bà về ở cùng nhà với ông, cùng câu nói gọn lỏn trước các con: “Cổ là bạn của ba. Mấy con cư xử với cổ cho phải phép”.

Chuyện bắt đầu từ đây…

2. Những người con của ông không thích sự xuất hiện của người phụ nữ lạ trong căn nhà này. Họ phản đối, họ yêu cầu ông phải đuổi bà ra khỏi nhà. Họ đá thúng đụng nia, họ này kia kia nọ… Ông chỉ lặng im trước phản ứng đó, một phản ứng hết sức lẽ thường.

Tiền nhân dạy “Con chăm cha, không bằng bà chăm ông”. Nhưng, ông không cần bà chăm sóc, mà bà về với ông, như là niềm an ủi cuối đời còn sót lại. Chứ tuổi ông thời điểm đó, đã gần bảy mươi, ông không cần chuyện nguyệt hoa hoa nguyệt. Ông chỉ cần bà rủ rỉ cùng ông những lúc gió sớm mưa chiều.

Con ông phản ứng, bà biết hết chứ. Nhưng có lẽ, bà thương ông thiệt tình, nên bà im lặng chịu đựng. Bà biết ông có cái khó của ông, cũng như ông biết bà nhẫn nhịn vì mình. Buồn thay, sự thông cảm của tuổi tác, đâu liên quan gì đến cơm áo mỗi ngày.

Chiều ấy, ông có việc phải ra khỏi nhà. Sâm sẩm tối ông về lại, thì bà đã đi đâu mất. Bà đi không lời hẹn trước, bà cũng không nói với ông tiếng nào. Ông hoảng hốt, chạy kiếm bà khắp nơi. Tiếc rằng, bặt vô âm tín.

Ông biết vì sao bà bỏ đi. Ông cũng biết, nếu là ông, ông cũng bỏ đi. Chỉ có điều ông ân hận, là ông không biết bà đi đường nào, bà sẽ làm gì. Tuổi tác, đã khiến mọi thứ trở nên nặng nề hơn.

Căn nhà nơi mà ông Chín Thuận bị con trai mình giam cầm.

Giận con thì ông không đành lòng, nên ông chỉ thương mình phận mỏng cánh chuồn. Những ngày không bà, ông biến thành con người khác. Ông ngồi lì nhìn nước trôi dưới sông, ông bó gối bên chén trà sớm ngó ra đầu đường câm lặng.

Không có bà, những câu chuyện muốn nói, ông sẽ nói cùng ai. Những khi nhức mỏi trở trời, ông biết than thở cùng ai. Như khi người ta tưởng đã bám víu vào được hạnh phúc cuối đời, chợt giật mình tỉnh lại, hạnh phúc ấy mong manh như khói như sương. Làm sao mà không buồn đến bạc mặt người.

Ai đó thương tình cảnh của ông, nên nói cho ông biết, hôm gặp bà đầu xóm, bà có nói bà sẽ sang vùng Đồng Tháp Mười, giúp việc nhà cho người ta.

Ông nghe vậy mừng như nông dân được mùa lúa, vội vàng về nhà thu xếp, bắt xe đò xuống Đồng Tháp Mười tìm bà.

Mà Đồng Tháp Mười mênh mông lắm, ông biết tìm bà ở đâu bây giờ? Ông đi là đi vậy thôi, ông đi là vì ông nghe có người nói ở Đồng Tháp Mười có bà, chứ ông có người quen tại khu vực ấy đâu.

Không lẽ, ông đến từng hộ dân để tìm bà. Như khi trẻ trai, biết người thương mình đang ở nơi ấy, dẫu không biết nơi ấy là đâu, vẫn cố sống cố chết tìm đến. Tìm đến, chỉ để đứng thẩn thơ rồi bần thần, rồi quay về. Không lẽ cứ níu tay, nhắc nhớ nhau một lần kỷ niệm.

Tôi nghe hàng xóm kể đến đoạn này, tự dưng thấy lòng xao xác như chiều ba mươi Tết nhìn phố xá Sài Gòn vắng người qua lại.

Bà có nhớ ông không? Bà có nghĩ đến ông không? Bà có hiểu cảnh ông đón xe đò đi tìm bà như thế nào không?

Tự hỏi thôi, cũng tự mình trả lời. Chắc bà cũng biết tình cảm của ông dành cho bà chứ, nhưng biết là làm sao khi mà những dư vị phiền muộn của đời sống không thuận chiều để bà được gần ông.

Có những tiếc nuối ai cũng thấy, đau là, những người con ông thì lại không nhận ra.

3. Người con trai út của ông phát hiện ông ra khỏi nhà, vội vã mời tất cả anh chị em về họp. Họ quyết định tỏa ra các hướng để tìm ông. Họ sợ chuyện không may ông bỏ thân nơi góc đường nào đó, họ biết ăn nói làm sao với xóm giềng.

Rồi một người con của ông tìm thấy ông tại một nơi cách không xa Tiền Giang. Nơi đó, không phải là Đồng Tháp Mười. Hóa ra, cả đời cắm mặt vào gốc lúa, ông có biết Đồng Tháp Mười ở đâu mà đến.

Họ mang ông về nhà, quyết định áp dụng “thiết quân luật” với ông. Tình thiệt, chắc họ sợ ông bỏ nhà để đi đâu đó lần nữa.

Những ngày ông bị xích chân trong xó bếp, người em gái ruột của ông ở cạnh nhà, thương cảnh anh mình nên ngày ngày mang cho ông thức ăn, chăm sóc ông một chút rồi lại tất tả ra về. Đầu năm nay, bà mất. Chỗ dựa cuối cùng của cuộc đời ông tắt hẳn.

Con trai út sửa nhà, làm căn phòng bé xíu có cửa sắt để giam ông vào trong đó. Cứ vài ngày, người con dâu của ông sẽ mang cho ông một khẩu phần ăn. Cuộc sống của ông gói gọn trong khoảng không gian ấy. May là, con ông còn để cho ông cái cửa sổ nhỏ, để ông ngóng ra đầu ngõ mỗi ngày.

Nhà báo phát hiện ra chuyện ông bị con trai ruột của mình giam cầm hơn một nghìn ngày đêm. Nhà báo loan tin ấy, dư luận cả nước lập tức phản ứng dữ dội. Lẽ luân lý thường tình, ai lại có thể chấp nhận cảnh con nhốt cha, dẫu có vì bất cứ lý do gì đi chăng nữa.

Quan chức địa phương vào cuộc trong câu chuyện mà họ đã biết trước đó hơn ba năm. Con trai ông vội vã thanh minh rằng là vì ông tâm thần, là bởi ông sàm sỡ với cô con dâu này kia kia nọ, nên buộc lòng phải giam ông lại để tránh chuyện không hay.

Trong đoạn băng ghi âm, còn lưu giữ trong máy tính xách tay, còn những câu chuyện buồn khác mà hàng xóm của ông đã kể lại, nhưng không tiện công bố cùng bạn đọc, nên thôi.

Người ta mang ông đến Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang để xác minh xem ông có bị tâm thần hay không. Nếu ông không bị tâm thần, họ sẽ đưa con ông ra truy tố về tội ngược đãi cha mẹ.

Vị bác sĩ có trách nhiệm ở bệnh viện thông báo rằng, ông không có biểu hiện tâm thần, chỉ là do tuổi tác nên giảm sút trí nhớ. Ở bệnh viện được điều trị vài tuần, về lại nhà được con cái thương kính, ông sẽ mau chóng dứt được chứng bệnh này.

Tôi nghĩ, giả dụ như ông có về lại nhà, ông sẽ không để ai đó truy tố con ông đâu. Cả đời ông hy sinh vì con rồi, cả niềm hạnh phúc sót lại, vì con ông bỏ ông mà đi, ông cũng không mở miệng trách con ông nửa lời, thì làm sao ông lại có thể để chuyện con ông bị truy tố xảy ra.

Có cha mẹ nào mà không thể vì con để hy sinh thêm một lần nữa. Thôi thì, chỉ mong những ngày này qua mau, con ông có khoảng lặng để suy nghĩ lại về chuyện mình đã làm. Đời sống, không ai muốn dành cái vòng lẩn quẩn, con giam cha cứ thế kéo dài.

Tự dưng lại nghĩ đến bà… Liệu, bà có thể nào trở về cùng ông thêm một lần nữa.

Về chỉ để cho trọn tình những ngày tháng cuối cùng khi cây đèn đã bắt đầu tàn đốt bấc… Như khi “Ôn chuyện cũ mà thôi, liếc đưa nhau đi rồi…

Con mắt còn có đuôi”

Kinh Hữu
.
.