Tử tù Trịnh Nguyên Thủy và cái Tết thứ ba trong trại giam:

Còn lại vợ và con

Thứ Hai, 03/03/2008, 10:15
Hơn 6 tháng kể từ ngày diễn ra phiên phúc thẩm xét xử vụ án Trịnh Nguyên Thủy buôn lậu và tàng trữ, sản xuất ma tuý trái phép tại Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La, tôi đã gặp lại trùm buôn ma tuý này vào một ngày cuối năm Đinh Hợi, khi mà thời khắc chuyển giao sang năm Mậu Tý chỉ còn tính bằng giờ.

Hơn 6 tháng nằm trong buồng biệt giam, ông trùm ma tuý nổi tiếng giàu có và đào hoa này giờ đã sút đi gần 20 cân, gầy và già sọm. Đời người ta, không ai mơ có một lần phải nằm một mình trong căn buồng trại giam lạnh lẽo, nhưng với Trịnh Nguyên Thủy thì đó lại là cái kết cục không thể khác.

Và cũng nhờ thời gian gần 3 năm ăn cơm… theo kẻng thì Trịnh Nguyên Thủy mới nhận ra một điều tưởng như căn bản: Gia đình là quan trọng nhất - điều mà Thủy đã trót quên đi khi nhúng tay vào những phi vụ buôn bán, sản xuất ma tuý và cả những mối tình hoang đàng với các cô bồ xinh đẹp đã khiến Thủy có lúc quên mất người vợ của mình…

"Ông vua" của trang trại Sơn Thủy ngày nào giờ đã hết cái vẻ bệ vệ, sang trọng. Nhận cái án tử hình, ban đầu, theo các quản giáo Trại giam Sơn La thì anh ta cũng "quậy" dữ lắm, tử tù nào cũng vậy, khi phải sống trong cảnh chờ đợi ngày "ra đi", nghĩa là đã không còn gì để mất, đều có những hành động và lời nói thiếu suy nghĩ, thế nhưng khi được gia đình và Ban giám thị trại động viên, Thủy đã bình tâm hơn và đến bây giờ thì tinh thần đã hoàn toàn bình thường, dù không tránh khỏi những giây phút chỉ muốn lao đầu vào tường cho nhanh chết.

Thủy nói rằng, mỗi tháng anh ta được vợ con lên thăm 1 lần. Và đến giờ phút này, Thủy không còn mong chờ gì hơn cái khoảnh khắc được nhìn thấy vợ và cậu con trai Trịnh Bảo Trường, dù rằng mỗi lần gặp nhau chỉ chưa đầy 30 phút. Tháng nào cũng vậy, Thủy đếm từng ngày cho đến khi được nhìn thấy vợ con, hồi hộp sung sướng như ngày đầu tiên hò hẹn. Hỏi Thủy rằng, trong những cuộc gặp ấy, anh ta đã nói với vợ và con những gì thì Thủy lắc đầu "không nhớ", bởi tất cả đều mải khóc, có nói gì với nhau được đâu. Nhất là vợ Thủy, chị cứ khóc từ lúc nhìn thấy chồng cho đến lúc buộc phải ra về.

Đàn ông kể cũng lạ, khi đầy đủ vật chất lại thường vô tình quên mất vợ để đi tìm những bóng hồng xinh đẹp, nhưng khi phải đối mặt với những đau đớn, khó khăn nhất thì người đầu tiên họ nghĩ tới lại không phải là những người tình trẻ trung, mà thường là bà vợ vốn hay được gọi bằng cụm từ "vừa già vừa xấu".

Vì sao thì kể cả Trịnh Nguyên Thủy là người trong cuộc cũng không lý giải được, nhưng có thể hiểu đơn giản rằng, người vợ nào cũng vậy, cũng đều yêu thương chồng con và muốn vun vén cho hạnh phúc gia đình. Không ai nỡ quay lưng với chồng mình, nhất là khi anh ta gặp hoạn nạn, dù rằng trước đó có thể bị chồng hắt hủi, thậm chí đã ly hôn.

Bản chất của đàn bà là vị tha, chị Nguyễn Thanh Huế - vợ của Trịnh Nguyên Thủy cũng vậy, trái ngược với vẻ tinh ranh của chồng, chị Huế có một khuôn mặt phúc hậu, tính tình nhẹ nhàng, nhịn nhục. Hẳn là chị cũng biết những mối tình nhăng cuội của chồng, hẳn là cũng có những đêm mất ngủ khi Thủy không về nhà, thế nhưng chị lại là người cuối cùng và cũng thường xuyên nhất đến thăm Thủy kể từ khi anh ta vào trại.

Cái Tết Mậu Tý này là cái Tết thứ ba Trịnh Nguyên Thủy ăn Tết trong trại, hai cái Tết trước "đón" ở T16, lần nào cũng đầy đủ bánh chưng, mứt kẹo, thịt thà… thế nhưng thà không có Tết thì thôi, chứ cảm giác nao nao đón Tết trong trại khiến Thủy như người mất hồn, buồn đến nẫu gan nẫu ruột. Đồ tiếp tế vợ gửi cộng với khẩu phần Tết Trại cho, Thủy đều bỏ thừa bởi không sao nuốt nổi. Kẹo mứt đưa vào miệng kẻ tử tù sao mà đắng ngắt.

Thực ra, Trịnh Nguyên Thủy cũng không phải là kẻ thích sơn hào hải vị, không thích rượu dù rằng làm chủ một nhà hàng nổi tiếng, đồ ăn thường ngày anh ta thích vẫn là dưa cà mắm muối - Thủy nói thế. Giao thừa - khi ngoài xã hội người ta nô nức đi lên chùa, hái lộc hoặc đổ ra đường xem bắn pháo bông với tâm trạng phấn khích thì những tử tù như Thủy lại ngồi khóc hu hu. Còn gì buồn hơn với một con người khi phải đón Tết một mình, ở một nơi lạnh lẽo như buồng biệt giam?

Các quản giáo ở Trại giam Sơn La kể rằng, Trịnh Nguyên Thủy chấp hành khá tốt những nội quy, quy định của Trại và cũng hiểu rất rõ tội trạng của mình phải trả giá là xứng đáng, nhưng anh ta vẫn tin có một phép mầu nào đó sẽ giúp mình thoát khỏi tội chết. Thủy bảo rằng: "Bản chất của tôi là hiền lành, thật thà, nếu cho tôi làm lại, đảm bảo nhà báo sẽ viết về tôi với một câu chuyện hay hơn sự thật…".

Chẳng biết cái "câu chuyện hay hơn sự thật" ấy nó như thế nào nhưng sự thật là Trịnh Nguyên Thủy đã là "chủ tịch HĐQT" của một tập đoàn ma tuý lớn nhất miền Bắc. Thử hỏi nếu hiền lành, thật thà thì anh ta có thể làm trùm của một đường dây buôn bán, tàng trữ, sản xuất ma tuý trái phép lớn như vậy được không? Việc mở trang trại Sơn Thủy trên đường Láng - Hòa Lạc chỉ là một cách rửa tiền của ông trùm ma tuý này mà thôi. --PageBreak--

Trước đây, Thủy từng là một "đại gia" buôn bán đá quý và cũng khá nổi tiếng trong lĩnh vực này. Đến khi bị bắt vì tội sản xuất trái phép ma túy, nhiều người từng biết Thủy cho rằng, thời hoàng kim của "tập đoàn ma tuý Trịnh Nguyên Thủy" là vào những năm 1996-1998. Thời điểm này, Thủy và đồng bọn đã thu gom hàng tấn thuốc phiện sau đó chế ra hàng trăm bánh heroin. Kết luận của cơ quan điều tra cũng cho thấy, Trịnh Nguyên Thủy cùng đồng bọn đã buôn bán hàng trăm bánh heroin, hàng trăm kg thuốc phiện và đã sản xuất khoảng... 500 kg heroin - quả là những con số "kinh điển" của hoạt động phạm pháp về ma tuý. Tội trạng như thế mà Thủy vẫn vò đầu bứt tai ôn nghèo kể khổ, rằng "tôi hiền lành, thật thà lắm...".

"Từ khi anh ở Trại giam Sơn La, có cô "bạn gái" nào vào thăm không?" - tôi hỏi. Nhắc đến các "bạn gái", Thủy như chột dạ, như người ăn vụng bị bắt quả tang, rồi rất nhanh, anh ta lảng tránh: "Sao nhà báo cứ hỏi về bạn gái của tôi thế, sao không hỏi về bạn trai?". "Bạn trai của anh là ai, là Đặng Văn Ấu, Lê Văn Tình à? Những người này chúng tôi biết hết rồi".

Trịnh Nguyên Thủy cười tủm tỉm như cậu trai mới lớn bị "bắt nọn" về chuyện tình ái, nhưng cho dù chúng tôi có cố thuyết phục thì anh ta vẫn quyết không khai "hai đứa trong đống rơm", bởi từ khi mới bị bắt, cơ quan điều tra đã làm rõ những mối quan hệ ngoài chồng, ngoài vợ của ông trùm này, và ít nhất thì ngoài chị Huế, Thủy còn có 3 vợ bé đều là những cô nàng trẻ trung xinh đẹp và đều có con với anh ta.

Hoá ra, "bản lĩnh đàn ông" của Trịnh Nguyên Thủy cũng không kém "bản lĩnh ông trùm ma tuý" là mấy. Không biết anh ta có tự hào về cái "bản lĩnh đàn ông" này không nhưng cứ nghe cái cách Thủy vừa nói vừa tủm tỉm cười: "Nếu nhà báo gặp tôi ngoài đời, không phải trong cảnh tù tội thế này thì đảm bảo nhà báo sẽ "quý" tôi lắm..." cũng đủ thấy ngoài vai trò ông trùm ma tuý thì Trịnh Nguyên Thủy còn là một gã đàn ông đào hoa, và rất tự tin "tán cô nào đổ cô ấy".

Nhắc đến vợ con, Thủy lại trào nước mắt: "Vợ tôi say xe lắm, mỗi lần cô ấy lên thăm tôi là lại nôn hết mật xanh, mật vàng. Kể từ khi bị biệt giam, cô ấy đã lên đây 6 lần rồi. Chẳng biết còn gặp nhau được mấy lần nữa... Con trai tôi thật may là không nghiện, cháu ngoan và nhút nhát lắm. Đúng là bây giờ chẳng còn gì quan trọng bằng vợ con nữa rồi".

Không biết có phải khi đã thuộc lòng "bài ca tử tù" với những lời lẽ tự chế não nề, nói về tâm trạng của các tử tù không biết làm gì cho hết ngày: "Anh nằm xuống, anh ngồi dậy, anh đứng lên... /Thấy đau chân, anh lại ngồi/ Thấy đau lưng, anh lại nằm/ Rồi nằm xuống, rồi đứng lên...", Trịnh Nguyên Thủy mới thấy nhớ quay quắt ngôi nhà thân yêu của mình, nhớ từng núm cửa, từng cái công tắc đèn mà mỗi lần bước chân lên cầu thang đều phải bật. Nhớ gian bếp có người vợ hiền ngồi nhặt rau, nhớ phòng riêng của cậu con trai... Thủy nói, "chắc là tại sắp "đi" nên tôi hay nghĩ quẩn..." nhưng tôi thì lại cho rằng, chẳng có gì đáng để người ta nhớ hơn là tổ ấm của mình, gia đình của mình. Giống như những người phải đi xa nhà, nỗi nhớ ấy của Trịnh Nguyên Thủy là tất yếu, chỉ khác rằng, người ta đi còn hẹn ngày trở về, còn chuyến đi này của Thủy là chuyến đi xa cuối cùng và có lẽ cũng là xa nhất trong đời người.

Tôi nhìn thấy nỗi buồn đang dâng lên trong đôi mắt của Trịnh Nguyên Thủy khi tôi chào anh ta để ra về, mà tin rằng nó sẽ rất khác cái cảm giác sắp đến giờ chia tay vợ con sau mỗi lần thăm nuôi, nhưng với những tử tù như Thủy, luôn thèm được nghe tiếng người, cần một  ai đó để tâm sự, để sẻ chia thì dù phải tiếp một nhà báo, luôn đưa ra những câu hỏi không dễ gì thích trả lời, Thủy cũng thấy dễ chịu hơn phải ngồi trong buồng biệt giam một mình từ sáng đến đêm. Có phải thế không mà trước khi chia tay, Trịnh Nguyên Thủy nhắn nhủ: "Nhờ nhà báo nói hộ với bạn bè của tôi, cả bạn trai và "bạn gái", hãy đến thăm tôi nhé...". Chao ôi! Lời nhắn nhủ mà như khẩn cầu của Thủy, giữa một chiều đông lạnh tái tê, nghe sao mà chua xót...

Anh Hiếu – Đinh Hiền
.
.