Chuyện về những người nước ngoài chữa bệnh ở Việt Nam

Thứ Năm, 13/06/2019, 15:59
Trước đây chỉ có chuyện người Việt Nam ra nước ngoài điều trị, thì nay ngược lại, mỗi năm có khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến Việt Nam khám bệnh và gần 60.000 người điều trị nội trú. 

Có điều, sau khi được điều trị ổn định, bệnh nhân thường về ngay nước họ, hoặc sang nước thứ 3, để được chăm sóc y tế, thay vì tiếp tục ở lại. Tại sao?

Tỷ phú Đài Loan được cứu sống

Trong khi đi du lịch ở Việt Nam vào năm 2018, ông Hsu Tse Sheng - 73 tuổi, tỷ phú người Đài Loan - đột ngột bị đau ngực dữ dội, khó thở, sốc mất máu nên được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy - Quảng Ninh. Nhưng vì diễn biến nặng vượt quá khả năng của tuyến tỉnh, nên bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã chụp chiếu và làm các xét nghiệm trên các thiết bị hiện đại, nên đã chẩn đoán chính xác bệnh nhân bị vỡ phình quai động mạch chủ vào màng phổi trái. 

Ông Hsu Tse Sheng còn bị bệnh đa mạch máu, béo phì, huyết áp cao, xơ vữa mạch máu lâu ngày, lại từng đặt 1 stentgraft chữ Y do bị phình động mạch chủ bụng dưới thận, và khi nhập viện đã bị suy đa tạng, rối loạn đông máu rất nặng, có rất nhiều ổ loét đang tạo thành túi phình, có khả năng sắp vỡ, nên việc cứu chữa vô cùng khó khăn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực của Bệnh viện Việt Đức, cho biết đây là trường hợp nặng nhất mà ông gặp phải do quai động mạch chủ ngực đã vỡ toang. Tỉ lệ sống của bệnh nhân chỉ còn 10%. 

Để cứu bệnh nhân, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước quyết định thực hiện phương pháp Hybrid - là phương pháp điều trị rất khó, buộc thầy thuốc phải cùng lúc vừa phẫu thuật vừa can thiệp đặt stent động mạch chủ.  

Ca phẫu thuật Hybrid cấp cứu đã diễn ra cực kỳ khó khăn với hy vọng "còn nước còn tát". Nhưng cuối cùng, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho bệnh nhân sau ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng. Và chỉ sau gần một tháng, bệnh nhân đã ra viện, về nước.

Cảm kích trước trình độ và tấm lòng của các bác sĩ Việt Nam, ông Hsu Tse Sheng và gia đình bày tỏ sự khâm phục với các bác sĩ đã cứu sống mình trong thời khắc đầy nguy kịch. Về nước, ông đã ủng hộ 100.000 USD để Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ đào tạo bác sĩ trong lĩnh vực tim mạch tại Đài Loan.

Tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức cũng cứu sống một du khách Nhật "mấp mé cửa tử" do bị lóc động mạch chủ loại A, mà theo PGS. Nguyễn Hữu Ước, ông chưa gặp trường hợp lóc động mạch chủ loại A nào phức tạp như thế.

Các phẫu thuật viên hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch được huy động, dưới sự chỉ huy của "đôi tay vàng" Nguyễn Hữu Ước - người hiện thành công nhất Việt Nam trong lĩnh vực ghép tim và phẫu thuật tim mạch phức tạp. Suốt 10 tiếng liền đầy căng thẳng, các bác sĩ phải thực hiện hàng loạt kỹ thuật phức tạp nhất trong phẫu thuật tim hở, mới cứu sống bệnh nhân.

Đại sứ Qatar tại Việt Nam cũng từng lựa chọn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm nơi phẫu thuật cho căn bệnh sỏi túi mật và nang thận của mình. 

Là quan chức của của đất nước giàu có, ông có thể lựa chọn nhiều nơi để mổ nhưng ông cho biết, ông đã tìm hiểu rất kỹ các Bệnh viện ở Việt Nam và quyết định lựa chọn Bệnh viện Việt Đức, đồng thời, yêu cầu đích thân GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - trực tiếp mổ cho mình.

GS.TS. Trần Bình Giang "bật mí": Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã được phái đoàn Mỹ lựa chọn là nơi chăm sóc y tế cho các thành viên khi cần thiết. 

Bởi đây là Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, có trang thiết bị hiện đại, đặc biệt, hầu hết bác sĩ đều là chuyên gia đầu ngành và là giảng viên Đại học Y Hà Nội, nói tiếng Anh/Pháp tốt.

Tháng 1-2019, Bệnh viện Việt Đức cũng chiến thắng "tử thần" để cứu sống một bệnh nhân người Mỹ, 72 tuổi, làm việc ở Hà Nội. 

Theo GS. TS. Trần Bình Giang, bệnh nhân này bị cao huyết áp và tim mạch, phát hiện bị giả phồng quai động mạch chủ - một biến chứng rất phức tạp của bệnh xơ vữa mạch máu. 

Do có bảo hiểm quốc tế nên bệnh nhân sang Bangkok (Thái Lan) để phẫu thuật và mới quay về Việt Nam được ít ngày thì bị đau ngực và bụng dữ dội. Khám tại Bệnh viện Việt-Pháp, bệnh nhân được chẩn đoán bị lóc động mạch chủ type A cấp tính, nguy cơ tử vong cao. Vì thế, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tim hở cấp cứu.

PGS. TS Nguyễn Hữu Ước cho biết: Ca mổ kéo dài 9 tiếng với rất nhiều khó khăn, do bệnh nhân tuổi cao, bị nhiều bệnh nặng, lại mới phẫu thuật. Mặc dù tình trạng rất nặng nhưng với thành công của ca mổ, sự hỗ trợ của các phương tiện hồi sức, bệnh nhân đã tiến triển tốt. 

"Thế nhưng, qua cơn nguy kịch,  bệnh nhân lại tiếp tục sang Bankgok để điều trị phục hồi. Lý do là bệnh nhân có bảo hiểm y tế quốc tế ở Thái Lan" - Ông Ước cho biết.

Khó "giữ" bệnh nhân vì thiếu dịch vụ căn bản

Những bệnh nhân nước ngoài từng được cứu sống ở Bệnh viện Việt Đức đều là những ca phức tạp, trong đó, có nhiều ca bệnh khó trên thế giới.

Điều đó chứng tỏ năng lực hệ thống y tế chuyên sâu của Việt Nam nói chung, Bệnh viện Việt Đức nói riêng, không thua kém các bệnh viện hiện đại trong khu vực. Song, vì sao bệnh nhân người nước ngoài cứ điều trị ổn định xong là "chuồn" một mạch? 

Ảnh trong bài: Những ca cấp cứu bệnh nhân nước ngoài tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

GS.TS. Trần Bình Giang cho biết, nhiều người nước ngoài làm ở các Văn phòng đại diện hay khách du lịch đến Việt Nam gặp tai nạn, thường yêu cầu S.O.S quốc tế chuyển sang nước khác, có khi chỉ là các nước trong khu vực, như Singapore, Thái Lan, trong khi ở Việt Nam hoàn toàn điều trị được các vấn đề này?

Đây không chỉ là nỗi băn khoăn, day dứt của chính các bác sĩ. Từ thực tế đã điều trị cho nhiều bệnh nhân người nước ngoài những năm qua, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước thẳng thắn chia sẻ những vướng mắc khiến bệnh nhân người nước ngoài không tiếp tục ở lại Bệnh viện điều trị sau phẫu thuật ổn định: Chúng ta chưa có cơ chế thanh toán cho người có BHYT quốc tế. Bệnh nhân người nước ngoài không chấp nhận việc đã vào viện điều trị còn phải tự mua một số thứ mà BHYT không thanh toán, như ở bệnh viện của Việt Nam. Hoặc bệnh nhân vào phẫu thuật, nhưng lại bị một bệnh khác, như da liễu, viêm gan, lẽ ra bệnh viện phải chữa luôn cho bệnh nhân, nhưng ở ta hiện chưa có cơ chế đó. 

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng bệnh viện của ta còn yếu, mà rõ nhất bệnh nhân đông nên luôn quá tải, dịch vụ y tế đi kèm chưa đồng bộ, cũng chưa đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân nước ngoài. Các bệnh viện công ở Việt Nam thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế, điều dưỡng thì vừa thiếu vừa yếu về tính chuyên nghiệp trong khi các bệnh nhân người Anh, Pháp, Mỹ, Nhật… đòi hỏi dịch vụ y tế rất cao.

Vấn đề thủ tục cũng tác động đến hoạt động điều trị cho người nước ngoài, nhất là các nước không có cơ quan đại diện tại Hà Nội. Mỗi quyết định phẫu thuật phải có người đại diện ký bảo lãnh, nhiều lúc quyết định phẫu thuật là sinh mạng của bệnh nhân, nhưng bệnh nhân không thể có người nhà ngay được. Vì thế, rất cần có cơ quan đại diện.

Thanh Hằng
.
.