Chuyện nọ xọ chuyện kia

Thứ Ba, 11/10/2016, 13:23
Một đại hội thể thao tầm châu lục vừa diễn ra tại TP Đà Nẵng: Đại hội thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5. Một cuộc thi đấu mà đoàn thể thao nước ta giành ngôi vị đầu trong bảng tổng sắp huy chương, vượt hẳn đoàn thể thao của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Nhưng tìm hiểu thông tin kỹ, Ngô lại thấy đây là câu chuyện chẳng hề vui.

1. Vui sao nổi mà vui, bởi mang tiếng thể thao bãi biển mà mấy ông ngành thể thao nhà mình mang vác toàn những môn thi đấu tào lao bí đao ra để thi thố với vận động viên các nước khác. Mấy ổng mang Vovinam, Muay, Petanque, Thể hình, Pencak Silat, đá cầu... ra thi đấu.

Mấy ổng nói, tổ chức thể thao bãi biển thu hút khách du lịch ghê lắm, quảng bá cho du lịch cũng ghê nữa. Ngô không biết có ghê thiệt hay không, chỉ biết đọc trắng mắt thấy vài mẩu tin lác đác ngay trên báo nước nhà. 

Thậm chí, vận động viên nước mình đoạt đến năm mươi mấy huy chương vàng ở giải đấu này mà truyền thông vẫn không mấy hào hứng. Một cuộc chơi trên sân nhà thất thủ ngay trên báo nhà thì đủ hiểu khả năng thu hút khách du lịch đến đâu rồi.

Cơ bản của một giải thi đấu thể thao chính là giải thi đấu ấy có đủ sức hấp dẫn sự quan tâm của giới mộ điệu hay không? Giới mộ điệu quan tâm thì truyền thông mới ầm ĩ, truyền thông ầm ĩ thì mới hy vọng vào cái gọi là thu hút khách du lịch.

Nhắc về du lịch mới nhớ, có bà tiến sĩ nào đấy vừa tung ra kế hoạch cực kỳ bí hiểm. Ấy là tour tham quan du lịch miền Trung để chứng kiến huyền tích mối tình cá với thép gì đấy. 

Ngô đọc tin này hoang mang quá đỗi, nhẽ đâu một bộ phận không nhỏ tiến sĩ nước mình lâm vào tình trạng máu bơm lên não chậm khiến cho khả năng tư duy với ngôn ngữ luôn chênh lệch. Chứ không lẽ trình độ tiến sĩ mà lại tin vào mối tình cá với thép hay sao. 

Tự xưa đến nay, Ngô đọc sách chỉ thấy cá hóa rồng, cá vượt vũ môn chứ chưa thấy cá với thép luyến ái với nhau bao giờ. Trong điển tích có chi tiết về thuật phòng kín, bọn dâm dật tu tập để đưa cây sắt nhỏ nhọn vào sinh thực khí để thỏa sự biến thái, có lẽ cái điển tích này là phù hợp với chuyện tình cá với thép hơn cả.

Bà tiến sĩ nói, tham quan tour du lịch chuyện tình cá với thép là cách để giúp đỡ nhân dân mấy tỉnh Bắc Trung bộ đang lâm vào cảnh khốn khó vì vụ đầu độc môi trường của Formosa. Với lại, cái chuyện tham quan những thương đau thì thế giới làm đầy rồi, chỉ là nước mình chưa làm thôi. Thế nên, bà ấy mới là người khai sáng văn minh toàn cầu cho người dân xứ mình.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô đến chịu bà tiến sĩ, sao bà ấy không tổ chức những tour cho khách tham quan trong phòng cấp cứu hay hiện trường tai nạn giao thông. Đến lúc đấy thoải mái bàn luận về đau thương, hồn nhiên xa xót, thử xem người thân của người không may có đấm cho mấy phát ngang Lỗ Đề Hạt đấm Trấn Quan Tây hay không?

Thân là tiến sĩ mà không biết cẩn ngôn, không biết tự trọng, không biết đâu là đúng, đâu là sai, lại đi phát biểu lăng nhăng rồi ngụy biện vớ vẩn nhằm minh chứng cho sự thông minh quá mức nguy hiểm của mình thì thật không còn gì đáng chán nản hơn. 

Tất nhiên, Ngô không hề nghi ngờ cái chứng nhận tiến sĩ của bà ấy vì Ngô tin có những cá nhân suốt ngày chỉ vùi đầu vào sách vở và tin vào những lý thuyết. Nhưng khi biết mình sai phải thừa nhận chứ, lẽ nào còn lại chầy cối điêu toa.

Xưa có kẻ đọc sách, đóng cửa đọc mười năm. Tự tin cầm quân cho đến cải tạo hệ thống đê điều đều thần diệu hơn người. Thuyết phục được quan tri phủ giao quân cho chống giặc. Mới trận đầu quân chết không còn một mống; thất thểu chạy về. 

Lần nữa, cố nhờ người xin quan cho hiến kế trị thủy. Đào đê điều một phát gây ngập lụt chết mấy trăm lương dân. Quan giận lắm, đòi chém. May có người thương tình can mãi mới thôi, chịu đánh một trận, chịu phỉ báng một cơn rồi lủi thủi hồi gia. Về đến nhà, uất quá sinh bệnh mà mất. Mất thành hồn ma bóng quế, đêm trăng thanh vẫn thơ thẩn, miệng lầm rầm "Tiền nhân há lừa ta sao?".

Tiền nhân nào lại lừa hậu thế, chẳng qua mỗi lý thuyết phù hợp cho một bối cảnh. Thêm vào chuyện lý thuyết phải được vận dụng đúng thực tế, chứ cứ lấy lý thuyết áp vào mọi bối cảnh, hoàn cảnh, thời gian thì lấy gì mà không gặp họa.

Câu chuyện mối tình cá - thép cũng chính là một dạng cuồng sĩ lẩm bẩm dưới trăng như vậy.

2. Trở lại câu chuyện đại hội thể thao bãi biển Châu Á, tổng kinh phí mà chúng ta đã mất cho đại hội này là 346 tỷ đồng. Trước đó, mấy ông thể thao xin hơn 500 tỷ đồng nhưng Bộ Tài chính cương quyết không duyệt, chỉ cho chừng đấy tiền. Tốt thôi, cho bao nhiêu thì làm bấy nhiêu.

Làm xong, thi đấu xong lại lo sốt vó vì không biết lấy đâu ra tiền thưởng cho vận động viên đã đoạt các huy chương tại đại hội này.

Lạ lùng hơn nữa là bế mạc đại hội xong, đợi hoài mà không thấy quốc gia nào chịu xung phong để đăng cai đại hội lần kế tiếp. Các quốc gia khác họ đã quá hiểu bản chất của đại hội thể thao bãi biển là gì nên họ vô cùng thận trọng. Còn mấy ông làm thể thao nước mình thì có biết bản chất của thể thao bãi biển hay không? 

Biết chứ sao lại không, người cho dẫu không được ăn học đến nơi đến chốn thì cũng đạt được mấy chục năm sống trên đời, mấy mươi năm đầu gắn vào cổ, không lẽ chuyện gì cũng u u mê mê. Nhưng biết sao lại vẫn làm? Ơ, không làm thì sao mà có ăn, không làm thì lấy gì mà báo cáo thành tích.

Quan chức thể thao dẫn vận động viên đi thi đấu tại đấu trường danh giá là Olympic, tranh suất với cả huấn luyện viên lẫn bác sĩ. May mà có anh Hoàng Xuân Vinh đoạt cho một huy chương Vàng với một huy chương Bạc để về quê nhà mà có cái "Thấy chúng tôi quan trọng chưa? Một tiếng hét, một lời động viên của chúng tôi khác hẳn". 

Muốn đi nước ngoài chơi thì bỏ tiền ra mà đi, ai đời cứ thích leo lên chỗ ngự để hưởng nhang khói ngân sách. Các ông ấy cứ làm như thiên hạ mù cả, các ông ấy cứ làm như mấy chục triệu dân này thiển cận, chỉ có mấy ông ấy là sáng suốt khôn ngoan.

Miếng bánh ngọt có tên thể thao vốn dĩ luôn béo bở, lại khó giám sát, chú ý. Nên có nhiều chuyện phát sinh từ đó. Cứ nhìn những vận động viên tài hoa của nước mình đi, ngoại trừ mấy anh chàng đỏm đáng của bóng đá thì có mấy vận động viên đủ tích lũy để lo cho cuộc sống khi từ giã thi đấu đỉnh cao đâu. Cũng nhìn quanh đi, xem có quan chức thể thao nào phải chịu cảnh thiếu thốn khi về hưu không? Ngô chịu, chịu hẳn.

Nước mình đang gặp nhiều vấn đề khó khăn, vận khí của quốc gia đang trong giai đoạn không thịnh vượng, nợ công thì rất nhiều mà ngân sách thất thoát trong nước cũng không phải là ít. Ấy vậy mà cứ phải nhường nhịn để cho một nhóm người kém ý thức thiếu tự trọng phá hoại tiền ngân sách hết lần này đến lần khác thì làm một công dân như Ngô sao không xót, xót đến căm giận.

Lý ra, trong khi Chính phủ đang cố gắng từng bước miệt mài để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội thì các bộ, ngành, các lĩnh vực trực thuộc Chính phủ phải hiệp lực đồng lòng cùng Chính phủ nhìn về một mục tiêu chung đầy hy vọng, thì đằng này nhiều người vẫn giữ nếp cũ là không từ bất cứ một cơ hội nào để xin tiền ngân sách.

Sẵn đây, Ngô cũng tha thiết mong các lãnh đạo Bộ Tài chính mỗi khi phê duyệt một dự án nào đó của thể thao, cũng phải hết sức cẩn trọng về tính hiệu quả, sự cần thiết của dự án này. Còn quá nhiều thứ về quốc kế dân sinh phải ưu tiên; thể thao là quan trọng nhưng chuyện khác cũng là quan trọng. Khi cần vẫn phải chi tiền cho thể thao nhưng chi sao thì chi, nhất định phải bảo đảm tính hiệu quả của tiền ngân sách.

Phải có những buổi giáo dục về ý thức tiêu tiền ngân sách, phải phát động phong trào tiết kiệm ngân sách. Tiết kiệm một cách thật sự, thương tiền ngân sách như thương tiền trong túi mình một cách thật sự. 

Chứ không phải tiết kiệm theo lối trống chiêng ầm ĩ, ông thứ trưởng này đi taxi, ông cục trưởng kia đi xe buýt. Cứ làm tốt việc, cứ giúp quốc gia phát triển rồi các ông muốn đi cái gì thì đi, dân có để các ông thiệt bao giờ đâu mà học theo lối đánh bóng hình ảnh thông qua truyền thông thế này.

Ba trăm bốn mươi sáu tỷ đồng cho một đại hội thể thao là số tiền không nhỏ. Quan trọng hơn cả tiền, chính là qua chuyện này nhân dân thấy được thái độ xem tiền ngân sách của các ông các bà đang làm thể thao. Họ cứ đổ thừa vào thói quen thèm thành tích, nhưng Ngô đoan chắc, cái họ nhắm đến không thể không nói tới là tiền chùa.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.