Chuyện của nó

Thứ Ba, 08/04/2014, 15:21

2007, nó bước qua tuổi 30 đầy kiêu hãnh. Nó có đủ hết: nhan sắc vừa tới độ chín, một cậu con trai kháu khỉnh có thể vuốt má nó những lúc nó u sầu, những cô bạn gái độc lập và thông minh như nó để nói chuyện và đi chơi thâu đêm, cùng dự những bữa tiệc bất tận và những anh chàng vừa si nó, vừa sợ nó, si đủ để nó giữ khoảng cách, sợ đủ để nó không muốn bị làm phiền mỗi khi lên cơn trầm cảm giữa các cuộc vui. Nó biết kiếm tiền, biết tiêu tiền, và cuộc đời nó là những cuộc vui không ngừng nghỉ.

19 tháng 11 năm 2007, sáng hôm ấy nó có lịch đi chụp hình quảng cáo cho một hãng trang sức, nó dậy muộn và biết mình đã trễ giờ hẹn với thợ trang điểm như thường lệ. Mẹ bảo nó:

- Bố đau bụng từ sớm đấy, con hỏi xem bố thế nào, có cần đưa bố đi khám không.

Nó leo lên tầng ba nơi tháp ngà của bố, thấy bố đang ngồi làm việc bên máy tính, nó hỏi han cho có lệ vì nghĩ bố còn làm việc được thì chắc cũng không đến nỗi quá đau, thêm nữa nó biết bố rất sợ bệnh viện (giống nó), nên sẽ không đồng ý để nó đưa đi viện khám. Nó gật gù bảo nếu có gì thì cứ điện thoại cho nó rồi quay người đi xuống nhà. Hình ảnh cuối cùng nó nhìn thấy là bố ngồi dán mắt vào màn hình vi tính và đống sách vở đang làm việc dở dang. Nó đi chụp hình và không hề biết rằng, với cái tặc lưỡi xoay người đó, cuộc đời nó từ đó về sau sẽ mãi mãi không còn như trước đấy nữa.

6h30 chiều mới chụp hình xong, trong suốt thời gian chụp không thấy nhà gọi điện hay nhắn tin, nó cũng quên bẵng mất là bố đang bị đau bụng. 7h30 bắt đầu lên xe đi về nhà thì nó nhận được điện thoại của mẹ: “Bố đi cấp cứu ở Bạch Mai, con vào thẳng bệnh viện nhé”. Nó vẫn phải phóng xe về nhà tẩy trang, thay đồ rồi mới lao đến viện. Lúc này mẹ và các bác, anh chị em họ hàng, học trò của bố đã tập trung đông đủ cả ngoài cửa phòng mổ. Bố bị nhồi máu cơ tim, hơn 80% tim đã ngừng hoạt động, chỉ chậm chừng 20 phút là bố sẽ chết. Bố đang trong phòng mổ, chính chú học trò của bố mổ cho bố.

Nó đi ra ngoài cửa khu hồi sức cấp cứu. Trời tối và lạnh dần, người và vật cử động trước mắt chầm chậm chầm chậm như đang bơi trong lớp không khí xám, ai cũng quay lại liếc nhìn nó. Nó chẳng khóc được. Rất nhanh, nó bàn với mẹ điện thoại báo tin cho em trai lúc này đang đi làm xa, cắt cử người túc trực bên phòng mổ, gọi điện cho người quen lo thủ tục bệnh viện và trả tiền viện phí, gọi điện về nhà sắp đặt công việc. Đêm hôm đó nó ở trong bệnh viện trông bố và từ đêm hôm đó đến 49 đêm sau đó, đêm nào nó cũng ở bệnh viện cùng bố.

Cứ 8h tối nó đến bệnh viện sau khi ăn tối ở nhà và trông bố đến 8h sáng ngày hôm sau thì có người khác đến đổi ca. Từ bệnh viện, nó về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi lại lên xe đi làm bình thường. Nó không cho ai thay nó trông bố vào buổi đêm, chẳng hiểu sao lúc đó nó nghĩ, ban ngày bố sẽ không sao cả, ban đêm mới là lúc cần có nó bên cạnh bố để chống chọi lại với đủ những thứ khủng khiếp sẽ đổ ập xuống giường bệnh của bố.

Khoa A9 bệnh viện Bạch Mai, nơi mà mọi thứ quyền lực, tiền bạc, tôn ti trật tự xã hội, đạo đức hay tôn giáo đều phải dừng lại ngoài cửa. Nơi mà có tiền có quyền, có quan hệ thì cũng được đối xử như bần cùng khố rách, ăn và đào thải đều bằng ống truyền, ai cũng có nguy cơ sẽ được đưa ra khỏi khoa không phải bằng cửa trước. Nó đã ở trong đó 49 đêm và nó “nhìn thấy” rất nhiều thứ.

Nó biết được rằng lúc 2h30 đến 4h30 là thời điểm chí âm, lúc này dù có ngủ hay không ngủ, người nó cũng sẽ lên một cơn sốt lạnh run bần bật từ trong ra. Nó biết được cách phải nhã nhặn với các chị hộ lý để các chị không cáu trong những ngày đầu nó lúng túng giúp bố đại/ tiểu tiện hay vệ sinh cá nhân. Nó biết bật dậy lúc 6 giờ 10 phút sáng để chạy đi đổi phích nước nóng, biết cách kéo ga trải giường cũ và luồn ga mới vào sao cho nhanh nhất mà bố không bị đau.

Nó đã chứng kiến một ông già, không già hơn bố nó là bao, bị con cái mang bỏ vào bệnh viện cho chết luôn trong đó. Nó không nhớ là bao nhiêu ngày trước khi chết ông ta cứ hộc lên từng cơn. Nó đã nhìn thấy một đám đầu gấu tay cầm dao đứng lăm lăm ngoài cổng chửi và thề sẽ chém chết một cô gái điếm đang được cấp cứu ở trong vì vừa bị chúng chém một bên vai. Đêm hôm ấy, nó giúp cô gái kia chui qua cái cửa tò vò trong nhà xí để trốn ra ngoài. Trước khi đẩy cô gái qua cửa, nó đã hy sinh cái chăn dạ của nó để thả xuống đất trước cho cô gái có rơi xuống thì cũng đỡ đau. Nó nhìn thấy một cặp vợ chồng trẻ kém nó dăm tuổi ngồi dưới sàn húp chung một cặp lồng cơm chan nước phở. Vợ bị tim bẩm sinh, bác sĩ và gia đình cấm không được sinh con. Vợ có bầu, hai vợ chồng bán nhà vào ở luôn bệnh viện. Chồng hằng ngày đi làm ở khu chế xuất, tối về trèo lên giường ngủ chung với vợ, tắm giặt, thay quần áo, ăn uống trong viện luôn, của nả tiền bạc giấu trong một cái bình cách nhiệt, chồng đi làm thì vợ nằm ôm bình, tối chồng về thì chồng ôm bình ngủ. Có lần nó nghe lỏm được ông giáo sư trong buổi hội chẩn bảo khả năng cứu cả mẹ cả con là dưới 20%. Nó còn biết được là vợ chồng nhà ấy đã biết chuyện đó cũng như nó biết được sự lựa chọn của họ nếu bắt buộc phải chọn giữa sự sống của mẹ hay của con.

Tối tối nó ngủ trên hai cái ghế nhựa, người nó chỉ cần ba điểm tựa: đầu, hông và chân, vì vậy nó sẽ gối đầu hoặc gối chân lên giường của bố, cứ 30 phút nó phải đổi tư thế nằm một lần vì mỏi. Những lúc may mắn được ngả lưng chính là lúc có ai đó vừa mới chết, người ta mang xác đi, nó tranh thủ leo lên giường nằm được khoảng một tiếng trước khi có người ca trực mới vào kéo giường đi chỗ khác. Có lần ngủ trên một cái giường như thế, nó mơ thấy người đàn bà vừa chết đứng nói chuyện với nó.

Tối hôm đó quẫn quá, nó liên tục cầu nguyện, nó cầu tới bất cứ một thế lực siêu nhiên nào có thể giúp cho bố nó qua khỏi cơn bạo bệnh này, đừng để bố nó chết. Nó sẵn sàng đánh đổi, nó lầm bầm trong đầu “bất cứ giá nào, bất cứ thứ gì...”. Thế nhưng, nực cười là nó nhớ ra hình như nó chẳng có gì đáng giá để đem ra đánh đổi lấy sinh mạng bố nó.

Những ai đã từng bói bài Tây chắc đều biết đến một lá bài có khả năng chuyển hoá, đó là quân bài có hai nửa tượng trưng cho tốt và xấu, có nghĩa là khi giở đến con bài đó, sẽ có chuyển đổi, bĩ thành thái, thái thành bĩ, miễn là người chơi dám buông các con bài khác mình đang nắm giữ tới đâu, khi nào buông đủ, tự khắc con bài biến sẽ xoay chuyển. Trong tay nó lúc đó có các con bài chính: Tiền tài, Sự nghiệp, Tình yêu, Sức khoẻ và các con bài khác: Sắc đẹp, Trí Tuệ, Danh vọng, Địa vị, Niềm vui, Uy tín, Danh dự, Nhân duyên, Con cái, Tài sản, Cơ nghiệp, Đất đai... Trong cái lúc đang mộng du đi theo bóng ma đó, nó hiểu ra rằng ván bài này là của nó, và quyền chuyển biến buông con bài nào, giữ con bài nào cũng là quyền của nó.

Từ sau buổi đêm hôm đấy, nó còn gặp nhiều hồn ma khác nữa. Có lúc nó còn biết được ai sẽ đi ra bằng cửa trước, ai sẽ đi ra bằng cửa sau, tất nhiên, không phải tất cả các trường hợp mà chỉ những trường hợp nó đặc biệt chú ý hoặc có nhân duyên mới thấy được.

Một buổi sáng, giống như các buổi sáng khác, nó giúp bố cạo râu bằng máy, rửa mặt, đánh răng và sau đó nó ngồi bón cháo cho bố. Sáng hôm đó bố ăn được hết bát cháo. Ăn xong, bố không nằm nghỉ ngay, trong lúc nó đợi người vào thay ca, bỗng nhiên bố bảo: Từ hôm bố vào viện đến giờ, có ai lên tầng ba tắt máy cho bố không nhỉ? Nó lắc đầu bảo nó cũng không để ý. Rồi bố nói tiếp: Sau đợt này, bố về nhà, sẽ tập hợp tất cả các tài liệu nghiên cứu của bố bao lâu nay đưa cho con nhé. Con muốn sử dụng thế nào cũng được, số hoá rồi post lên mạng cho mọi người khảo cứu nếu cần. Bố đã đi rất nhiều vùng đất, tiếp xúc với rất nhiều tộc người, nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hoá khác nhau, bố thấy tiếc nếu không để lại cho một ai đấy. Bố biết con sẽ biết cách sử dụng chúng có ý nghĩa.

Nó cười, lẳng lặng gật đầu rồi đi chậm chậm vào cái nhà xí sàn lõng bõng nước. Vào đến nơi, nó cẩn thận khoá trái cửa, tìm một góc có vẻ khô ráo nhất rồi ngồi xuống và khóc. Nó đã khóc rất nhiều, khóc rất to, trong lúc khóc nó nghe được tiếng thở dài của những hồn ma còn vướng vất giữa những bức tường nhà xí lẫn với tiếng khóc của nó. Nó cứ nức nở ở trong đấy bao lâu không biết, chắc là rất lâu.

Từ tối hôm đấy, nó để cho người khác vào trông bố buổi đêm thay cho nó. Từ đó đến giờ, không bao giờ nó quay lại cái khu bệnh viện đó nữa kể cả ban đêm lẫn ban ngày. Nó chẳng muốn gặp lại đám người quen cũ (cả người lẫn ma).

2008, nó sinh con gái, con bé là sự kết tinh của những gì tinh khiết và trong suốt còn lại sót lại trong nó, là một thứ kim cương rắn chắc để nó cầm lấy mang theo bên mình, bước đi qua những cơn bão cuộc đời.

2009, nó bắt đầu bỏ bê kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh đóng cửa dần, những đối tác, cộng sự, nhân viên cốt cát lần lượt bỏ nó ra đi vì không còn nhìn thấy ngọn lửa nung nấu kiếm tiền trong nó nữa.

2010, nó ngồi họp ba đêm liền đến 2 giờ sáng để thuyết trình với một nhà đầu tư người Mỹ về dự án lên núi làm phim tài liệu về người dân tộc, lấy cảm hứng từ những trang tư liệu mà bố nó đưa cho.

2011, nó trắng tay, cơ sở kinh doanh cuối cùng đóng cửa.

2012, nó đứng lên làm lại từ đầu mọi thứ.

Vậy đấy, đấy là câu chuyện về ván bài tự nó chơi với nó, một cách sòng phẳng và thú vị nhất có thể

Nguyễn Thu Thủy
.
.