Chúng ta đang đầu độc chính bản thân mình

Thứ Sáu, 14/10/2016, 16:34
Chúng ta cứ tưởng rằng mình vứt một cọng rác, một cái túi nilon hay xả một cốc nước bẩn xuống hồ nước thì chẳng chết ai. Chúng ta đã không tự hiểu rằng chúng ta đang tự đầu độc chính bản thân mình.

Chị Lê Phương Hiền (Tây Hồ, Hà Nội): Thưa nhà báo, mấy ngày qua người dân Hà Nội rất hoang mang khi Hồ Tây - một trong những biểu tượng của Thủ đô ngập trắng cá chết.

Từ tối ngày 1-10, cá chết nổi đầy mặt nước, trôi dạt trắng ven bờ. Hồ Tây đã trở thành một nghĩa địa khổng lồ của các loài cá. Những người sống quanh Hồ Tây không dám mở cửa nhà vì mỗi cơn gió mát giờ đã trở thành mùi tanh tưởi nồng nặc của cái chết thiên nhiên. Lãnh đạo thành phố đã phản ứng kịp thời.

Ngay hôm 2-10, TP Hà Nội ra cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại Hồ Tây. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy toàn bộ nước mặt của Hồ Tây không có oxy và 10 máy lọc nước tạo oxy được đưa ngay vào hoạt động, cố gắng cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu. 

Chủ tịch thành phố, ông Nguyễn Đức Chung cũng chỉ đạo "nhanh chóng" làm sạch nước hồ, khử mùi và tạo oxy tại các tầng nước sâu. Tất cả các động thái nhanh chóng trên là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, người dân chúng tôi thực sự lo lắng. 

Tại sao chúng ta, bao năm tháng qua, đã bỏ mặc Hồ Tây, đã không phản ứng trước bao nguy cơ bức tử Hồ Tây,.. mà chỉ phản ứng để xử lý khi cá Hồ Tây đã chết? Đây là câu chuyện được lặp lại. Hà Nội được coi là "thành phố trong sông". Không gian mặt nước và không gian cây xanh đã từng là đặc trưng của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. 

Nhưng giờ đây những vẻ đẹp đặc trưng của Hà Nội ấy còn đâu. Sông Kim Ngưu, sông Nhuệ đều đã chết. Hồ Gươm, hồ Văn, hồ Trúc Bạch… bao con hồ lớn nhỏ khác đều chỉ còn trong tình trạng lắt lay, có những hồ còn hoàn toàn biến mất... Chúng ta không thể hỏng đâu sửa đó, mà cần một giải pháp bền vững. Và với bao nhiêu bộ óc hiến kế bao nhiêu giải pháp, tốn kém bao nhiêu kinh phí,.. không lẽ đi đến kết quả vô vọng thế này sao?

Từ tối ngày 1-10, cá chết nổi đầy mặt nước...

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Lê Phương Hiền. Không ít người trong chúng ta đã thấy trước những gì sẽ xảy ra với thiên nhiên của chúng ta. Những nhà "tiên tri" của lương tâm đã cảnh báo những điều tương tự từ rất lâu nhưng chúng ta đã không nghe lời cảnh báo của họ. 

20 năm trước, tôi đã dẫn một người bạn nước ngoài đến Hồ Tây chơi. Người bạn nước ngoài đứng im lặng rất lâu nhìn quang cảnh xung quanh Hồ Tây và cuối cùng bà nói: "Các bạn sẽ phải trả giá vô cùng đắt cho những gì các bạn đang hành xử với thiên nhiên của các bạn bây giờ". Và 20 năm sau, những gì chúng ta đã làm từ 20 năm trước đã bắt đầu phản bội chúng ta. Chúng ta phải gánh chịu hậu quả ấy và không được phép kêu ca.

Một sự thật làm những người có lương tâm và hiểu biết vừa đau lòng vừa nổi giận. Đó là Hà Nội đã từng san lấp hồ để xây khách sạn, xây nhà... Chẳng nơi đâu người ta lấp hồ nước hay chặt rừng nguyên sinh và phá núi để xây biệt thự, resort hay làm sân golf như ở Việt Nam. 

Những hồ nước ở Hà Nội giống như một người đang ngày càng bị cái dây thòng lọng xiết dần dần cho đến một ngày ngạt thở và chết. Cái dây thòng lọng đó chính là việc xây dựng và lấn chiếm hồ nước. Trách nhiệm này thuộc về cả chính quyền và nhân dân. Nhân dân thì tìm mọi cách lấn chiếm từng mét đất quanh hồ còn chính quyền thì không có biện pháp để ngăn chặn hay xử phạt. 

Hãy quan sát xung quanh Hồ Tây, chúng ta thấy một cuộc bao vây khổng lồ của nhà cửa và các công trình xây dựng. Thủ đô Canberra của Australia khi được xây dựng, các nhà quản lý đã cho đào một hồ nước lớn ở giữa thủ đô và không một công trình lớn nào được xây dựng sát ven hồ cả. 

Nhưng những ngôi nhà, khách sạn và bao công trình khác quanh Hồ Tây thực sự là những con thú đói khát đã ăn thịt Hồ Tây. Hàng ngày, một lượng nước thải khổng lồ cứ âm thầm và ngang nhiên đổ xuống Hồ Tây. Hồ Tây chết là lẽ tất nhiên. 

Có không ít các chuyên gia nước ngoài đã cảnh báo không phải với Hồ Tây mà với chính Vịnh Hạ Long về tương lai của nơi này. Người dân Hạ Long với đủ loại dịch vụ khai thác ven biển và trên biển đang ngày ngày đổ xuống hàng vạn khối nước và chất thải độc hại. Biển cũng chết nếu chúng ta cứ đối xử với biển như thế, chứ cái Hồ Tây bé nhỏ thế kia chịu làm sao nổi.

Tất cả những gì chúng ta hành xử với các hồ nước ở Hà Nội là lòng tham lam vô độ và cái nhìn "mù lòa" của chúng ta về tương lai. Nếu bây giờ chúng ta cho lấp Hồ Tây để xây chung cư cao cấp, xây khách sạn, xây nhà hàng... thì tôi cam đoan rằng những ông bà có tiền sẽ nhảy vào ngay. Vì lợi ích, họ sẵn sàng làm tất cả.

...trôi dạt trắng ven bờ.

Một điều tôi muốn nói thật rằng: chính người dân quanh Hồ Tây đã "tích cực" trong việc giết chết hồ nước này. Họ sẵn sàng vứt đủ thứ xuống hồ mà chẳng hề thấy áy náy. Những biện pháp như việc khử mùi hay tạo oxy cho Hồ Tây chỉ là một biện pháp tạm thời và đầy tuyệt vọng. Cái nhìn của những người quản lý đô thị trước kia đã mắc những sai lầm trầm trọng trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên của Hà Nội để đến bây giờ hậu quả đã và đang dội xuống đầu chính con em của họ. 

Có những hồ nước trong lòng Hà Nội phủ đặc bèo tây và rác rưởi nhưng chẳng bao giờ thấy chính quyền xử lý. Thật hài hước khi nhìn cảnh nhữn người Hà Nội đổ rác ra đường rồi buổi chiều chính họ lại ra đường tập dưỡng sinh, còn đeo khẩu trang để tránh bụi. 

Một sự ích kỷ và thiếu hiểu biết đến không tưởng. Chúng ta kêu gọi quá nhiều về những điều hão huyền, trong khi đó những việc cụ thể liên quan đến đời sống của chính mình thì chúng ta lại bỏ qua hoặc đạp lên.

Những giải pháp để bảo vệ thiên nhiên của các đô thị trong đó có những hồ nước không phải là điều gì quá khó. Điều đầu tiên để làm được việc đó chính là ý thức của mỗi người dân và sự rõ ràng cũng như nghiêm minh của chính quyền. Nếu chúng ta cứ sống với một hành xử vô ý thức và tham lam như bây giờ thì trước tiên là cá chết, sau đó là cái chết của chính chúng ta. 

Báo chí vừa đưa tin Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước mắc bệnh ung thư. Với môi trường như thế, thực phẩm như thế.... chỉ ít năm nữa thôi chúng ta sẽ đứng đầu về số người mắc bệnh ung thư. Thật thảm hại khi chúng ta luôn xếp cuối hàng về những điều tốt đẹp và luôn dẫn đầu trong những việc tồi tệ. 

Chúng ta đang đầy bức xúc về cá chết ở Hồ Tây nhưng hàng ngày chúng ta vẫn xả rác và chất thải độc hại một cách vô tổ chức vào những con sông, những hồ nước của chúng ta. 

Mọi người Việt Nam phải ra khỏi cơn mê sảng của lòng tham lam và vô ý thức này càng nhanh càng tốt thì tia hy vọng để cứu những hồ nước cho tương lai mới có thể nhìn thấy. Chính quyền phải có biện pháp mạnh với tất cả những ai gây ra cái chết cho thiên nhiên của chúng ta. 

Chúng ta cứ tưởng rằng mình vứt một cọng rác, một cái túi nilon hay xả một cốc nước bẩn xuống hồ nước thì chẳng chết ai. Và cứ thế, ngày này qua ngày khác, chúng ta thành những kẻ lấp đầy chúng ta, làm ngập chúng ta bằng chính một cọng rác hay một cốc nước bẩn ấy. Nếu chúng ta không nhận ra điều đơn giản ấy thì chẳng có biện pháp nào cứu được chúng ta cả vì chúng ta là người đầu độc chính bản thân mình.

Minh Đức
.
.