Cháy... và những chuyện khác nữa

Thứ Ba, 15/11/2016, 16:33
Từ cái chết của 13 người còn rất trẻ trong vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông khiến chúng ta thực sự lo lắng cho những vụ cháy tương tự có thể xảy ra trong tương lai...

Chị Lê Thu Thủy (Quan Hoa, Cầu Giấy, HN) cùng một số độc giả khác: Thưa nhà báo, ngày 1-11-2016 tại Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy lớn, liên tiếp trong nhiều giờ, làm cháy rụi 4 căn nhà là nhà hàng karaoke và khách sạn trên đường Trần Thái Tông. 

Cho đến giờ con số thống kê cho thấy có 13 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Đây cũng là vụ cháy gây hậu quả lớn nhất trong một loạt các vụ cháy nhà hàng karaoke  trên khắp cả nước thời gian vừa qua. Ngay lập tức, song song với việc đưa tin về vụ việc, thì các phương tiện truyền thông và các trang cá nhân trên mạng xã hội đồng loạt đưa các bài viết về các kỹ năng xử lý tình huống phòng cháy, và kỹ năng thoát hiểm khi có cháy. Đây quả là điều rất đáng làm và lẽ ra nên làm từ trước. 

Hiện trường vụ cháy ở quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội. Ảnh: Đình Nguyễn.

Tiếc thay, tôi nhận thấy chúng ta luôn thụ động và bị động, chỉ khi "mất bò mới lo làm chuồng"! Bên cạnh việc siết chặt quản lý, và đảm bảo chặt chẽ yêu cầu an toàn cháy nổ của các cơ quan chức năng với mỗi tổ chức cá nhân, thì chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ ta đang thiếu hụt nghiêm trọng ý thức sống và kỹ năng sống. 

Người dân chúng ta, đặc biệt là các em học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường đáng ra đã cần được dạy các kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cơ bản và kỹ năng sơ cứu thương... 

Nhưng chúng ta từ lâu đã coi nhẹ những điều quan trọng này, đến mức chỉ tập trung lo cải cách nhồi nhét bao kiến thức xa vời khác, trong khi những kiến thức, kỹ năng phòng vệ cơ bản nhất mỗi con người cần có thì lại gần như không được trang bị. 

Đến mức, những người trưởng thành cũng rất ít người biết xử lý tình huống đúng trong những lúc bản thân hay người bên cạnh gặp rủi ro như khi gặp bão lũ, cháy nổ, các tình huống gặp nạn, bị thương, thậm chí cả những lúc gặp các trường hợp cấp cứu bệnh phổ biến như sơ cứu đột quị, tai biến.... Đành rằng tự mỗi người dân cần tự trang bị kỹ năng cho mình.

Nhưng theo tôi rõ ràng những kiến thức kỹ năng này cần được trang bị dần dần và bắt đầu ngay từ bậc mẫu giáo hay tiểu học. Vấn đề này nhà báo có quan điểm ra sao? Và với thực trạng chúng ta hiện nay, chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại một cách hệ thống và nên sửa sai như thế nào, thưa nhà báo?

Nhà báo Minh Đức: Thưa chị Lê Thu Thủy cùng các độc giả đã đặt vấn đề này với Tòa soạn.

Trong những ngày này, chúng ta thật sự đau buồn về cái chết của 13 người còn rất trẻ trong vụ cháy quán karaoke. Đồng thời, chúng ta thực sự lo lắng cho những vụ cháy tương tự có thể xảy ra trong tương lai khi từ thị trấn cho tới các thành phố lớn có biết bao quán karaoke với cùng một cách kiến trúc khá giống nhau, với một ý thức phòng cháy chữa cháy rất kém và với kỹ năng sống của người Việt Nam hiện nay là vô cùng kém như chị và nhiều độc giả khác đề cập.

Việc cháy một tòa nhà bar, tám tầng và diện tích không phải rộng nhưng khi phát cháy đã cướp đi sinh mạng của 13 người thì đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Nó cho thấy những sự bất thường trong việc phòng cháy chữa cháy của người Việt Nam và những vấn đề khác.

Điều thứ nhất: Tôi xin nói đến việc kiến trúc các quán karaoke: Kiến trúc các quán karaoke là một kiến trúc kín. Có lẽ do yêu cầu cách âm mà sinh ra kiến trúc như vậy. Các cửa sổ hầu như không có. Và nếu có thì lại có song sắt bảo vệ quá kiên cố. Hơn nữa, các quán karaoke không có thiết kế các đường thoát hiểm. 

Chính thế khi có cháy, cho dù với lượng khói ít cũng tạo ra khả năng gây ngạt rất cao. Một đặc điểm nữa là thiết kế các quán karaoke dùng quá nhiều vật dễ cháy như vật liệu cách âm, gỗ dán tường, các bộ sa lông đệm mút, cao su...

Điều thứ hai:  Là các phương tiện chữa cháy ở những quán karaoke nói riêng và những nơi công cộng nói chung là vô cùng sơ sài. Không chỉ quán karaoke mà hầu hết những nơi công cộng ở thành phố như công sở, nhà hàng, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện... không có một hệ thống cứu hỏa đúng quy cách cần phải có. 

Có nhiều nơi nhìn mãi không thấy các bình cứu hỏa chứ chưa nói đến các đường ống tự cứu hỏa và không có những phương tiện cứu hỏa tự động phun nước khi có báo động ở mức độ nhất định. 

Ở các nước khác, không chỉ các tòa nhà công cộng mà ngay cả nhà ở của cá nhân cũng có những phương tiện cứu hỏa cần thiết. Nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn trái ngược. Đối với Việt Nam với đặc điểm các khu dân cư đông đúc, đường hẹp và nhiều khu dân cư xe cứu hỏa không thể nào tiếp cận khu vực cháy thì các phương tiện cứu hỏa "cá nhân" cần thiết đến mức nào.

Điều thứ ba: Là ý thức phòng hỏa cứu hỏa của người dân. Tôi phải nói rằng: hầu như mọi người dân không hề có ý thức phòng hỏa và cứu hỏa. Thêm vào đó, họ không có kiến thức về phòng hỏa và cứu hỏa. Ở những tòa nhà công cộng, chúng ta không có những nhân viên chuyên trách kiểm tra và theo dõi những vấn đề liên quan đến cứu hỏa. Những nhân viên này có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên hệ thống cứu hỏa ở khu vực mình phụ trách, nhắc nhở người dân đảm bảo các công việc phòng hỏa, cứu hỏa.

Điều thứ tư:  Việc rèn luyện các kỹ năng sống trong hệ thống giáo dục của chúng ta vô cùng mờ nhạt và thiếu ý thức. Mỗi gia đình chúng ta đều có con cháu đang học ở các trường học, vậy chúng ta thử trả lời xem chúng được rèn luyện các kỹ năng sống như thế nào? 

Hàng năm, chúng ta phải chứng kiến những cái chết đau lòng của các học sinh đuối nước. Đó chỉ là kể đến những cái chết cụ thể chứ chưa nói đến những điều tồi tệ xảy ra với trẻ vị thành niên như bị lợi dụng tình dục, bị xâm phạm tình dục, bị bắt cóc, bị lôi kéo vào việc sử dụng chất gây nghiện... và muôn vàn mối đe dọa từ xã hội. 

Nói cụ thể hơn liên quan đến việc hỏa hoạn thì ngay rất nhiều người lớn cũng không biết phải xử lý ra sao khi gặp hỏa hoạn phải làm thế nào để ngắt điện, để gọi cứu hỏa, để bật chuông báo động, để xử lý những phương tiện sẵn có cho việc cứu hỏa và làm thế nào để thoát ra khỏi địa điểm hỏa hoạn và chống lại ngạt khói hoặc thiếu oxy. Chính lẽ đó mà khi gặp hỏa hoạn, hầu hết không biết cách xử lý.

Điều thứ năm: Là trách nhiệm của cơ quan chức năng: Sở PCCC hoặc các đơn vị PCCC quận huyện. Các cơ quan chức năng đã tiến hành những công việc chuyên môn của mình nhưng chưa kiên quyết và cũng chưa có trách nhiệm cao nhất với những khả năng hỏa hoạn có thể xảy ra và xử lý khi hỏa hoạn xảy ra. 

Công tác PCCC vẫn chỉ nằm trên các công văn, hướng dẫn bằng văn bản là chủ yếu mà chưa thực sự coi đó như là luật pháp mà mỗi người dân phải thực hiện. Việc kiểm tra sau vụ hỏa hoạn bi thương vừa rồi cho thấy hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công sở, các địa điểm công cộng... chưa thực sự chấp hành các chế độ phòng hỏa và cứu hỏa. 

Nhưng việc kiểm tra này đã không thường xuyên và hời hợt. Nếu các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và hướng dẫn một cách kỹ lưỡng và nghiêm ngặt thì các cơ sở mà cụ thể các quán karaoke chỉ nói riêng ở Hà Nội thôi khi bị hỏa hoạn không thiệt hại như những vụ hỏa hoạn trong một vài năm gần đây. 

Qua đó, chúng ta nhận ra ngay rằng, việc giám sát và kiểm tra người dân chấp hành luật pháp là không nghiêm minh. Ngay các quy định về việc lấn chiếm hè phố ở Hà Nội mà trong suốt hai mươi năm nay không hề cho thấy có sự chuyển đổi nào đáng kể. 

Có những con phố sáng nào công an, trật tự viên khu phố cùng còi loa rầm rộ nhưng không có một chút thay đổi gì. Việc đó vừa cho thấy sự thất bại của luật pháp và vừa cho thấy ý thức chấp hành luật pháp của người dân vô cùng kém. Một điều tôi muốn nói là sử dụng công nghệ trong việc giám sát hỏa hoạn của chúng ta hầu như quá yếu. 

Tại sao mỗi cơ sở lại không có một hệ thống báo động kết nối với trung tâm PCCC của thành phố. Khi một cơ sở bị cháy thì hệ thống tự động sẽ báo ngay lập tức đến trung tâm và trung tâm sẽ biết ngay sau đó một phút địa chỉ chính xác nơi đang bị hỏa hoạn. Hệ thống này không hề tốn kém đến mức chúng ta không làm được và các cơ sở đặc biệt các cơ sở sản xuất ở mức nào đó trở lên phải tham gia và chi trả cho việc thực hiện hệ thống giám sát cháy nổ này. 

Nếu chúng ta có một quy định như thế thì không có cơ sở nào phản đối cả. Nhưng chúng ta không làm việc đó. Vì thế mà có lúc người dân báo cho đơn vị PCCC cả nửa tiếng sau không thấy động tĩnh gì của các cơ quan PCCC này.

Trên đây là năm điều chính dẫn đến những hậu quả kinh hoàng gây ra bởi hỏa hoạn. Nếu chúng ta thực hiện một cách nghiêm ngặt năm điều trên, tôi tin số lượng những vụ hỏa hoạn sẽ giảm thiểu một cách đáng kể và hậu quả thiệt hại về người sẽ giảm đi rất nhiều. Tất cả chính là ý thức của chúng ta: các cơ quan chức năng và người dân. Nếu chúng ta không thay đổi cách sống và trách nhiệm của chúng ta thì những vụ hỏa hoạn bi thương như vừa rồi sẽ chẳng bao giờ rời bỏ chúng ta. 

M.Đ.
.
.