Chạy trốn trong lầm lỡ

Thứ Năm, 02/12/2010, 11:30
"Em không hình dung được trại giam là thế nào, em nghe Tòa nói xử em tù chung thân, em cũng không hiểu chung thân là gì, nhưng em biết ngày mai, em sẽ rời bản làng quê em để đến một nơi khác, nơi ấy em sẽ không còn bị đánh, không bị bỏ đói, không còn lo mỗi khi chồng em uống rượu say ở đâu đó về. Em không hình dung được hết những gì em sẽ phải đối mặt nhưng đầu óc em từ lúc ấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều" - Triệu Thị Man - cô gái người dân tộc Dao đã nói với tôi như thế.

Câu chuyện của cô có lẽ là một câu chuyện khiến tôi bị ám ảnh nhiều nhất. Cuộc sống nhộn nhịp nơi đô thị khiến nhiều người phụ nữ không thể nào tưởng tượng được, ở những nơi rừng xanh núi đỏ, nơi người ta phải đối diện với cái nghèo, sự lạc hậu và thất học thì giá trị của những người phụ nữ cũng thật rẻ mạt. Đôi khi họ trở thành một món hàng của chính người thân để đổi lấy bữa no thuốc phiện hoặc một bữa rượu ngất ngư.

Nhưng cũng có những người không chấp nhận một cuộc đời như cô Mỵ và họ đã vùng lên, nhưng thật tiếc, trong cuộc trốn chạy khỏi cái lạc hậu và sự dã man của chính người thân, họ đã chọn lầm cách. Triệu Thị Man là một trường hợp như vậy.

Sinh ra là thấy cơ cực

Man mang một gương mặt hiền khô. Đôi mắt thảng thốt nhìn tôi nửa ngạc nhiên, nửa lại vui mừng. Cô mừng cũng phải thôi, 11 năm nay, kể từ ngày cô bị bắt và cải tạo ở đây, chưa một lần nào cô được người thân tới thăm nuôi. Tôi chẳng có quan hệ họ hàng, bạn bè gì với cô nhưng vì cái duyên nghề nghiệp khiến tôi gặp cô ở một chốn không mong muốn này.

Điều ấy làm cô mừng lắm, cô ríu rít: "Sao chị lại gọi tên em?" và những giọt nước mắt chảy tràn trên gương mặt rất ưa nhìn. Man khóc ngon lành như một đứa trẻ. Hình như là sự tủi thân và cả những uất hận cứ từ đâu ùa về. Cô gái dân tộc Dao này vào đến trại giam rồi mới được cán bộ dạy cho cái chữ. Cô bảo, sinh ra em đã chứng kiến cái nghèo đói và lạc hậu đeo bám gia đình mình, hiển hiện như từ ngàn kiếp.

Man là con thứ 5 trong nhà, mẹ cô đẻ dày và liền tù tì đến 7 đứa. Anh em cô như trứng gà trứng vịt lớn lên giữa núi rừng thuộc xã Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Bữa cơm vàng (mèn mén) thường trực trên chiếc mâm gỗ cáu đen, thế mà có lúc mèn mén cũng không có mà ăn. Cha cô nghiện thuốc phiện từ thời trai trẻ, người đàn ông vùng cao coi thuốc phiện như tình nhân, càng hút càng say, mà say rồi là suốt ngày chỉ nằm bẹp ở nhà, không thể nào lên nương lên rẫy.

Ông ta chết khi Man chưa kịp thành thiếu nữ. Người mẹ của cô cũng chết một năm sau đó. "Có lẽ mẹ em chết đi lại sướng hơn lúc sống. Cả đời bà làm lụng vất vả nuôi con. Đến khi kiệt sức, bà đã bỏ chúng em mà đi" - Man rủ rỉ. Nhưng bà không ngờ rằng, đứa con gái bà để lại chốn trần gian bắt đầu từ đây đối mặt với một cuộc sống không khác gì địa ngục.

Người anh cả của Triệu Thị Man sau khi lo xong tang mẹ đã trợn trừng mắt tuyên bố với những đứa em: "Từ nay tao là vua ở cái nhà này, tao cho chúng mày sống thì được sống, bảo chết là phải chết".

Và ông vua không ngai nghiện nặng thuốc phiện và nghiện cả rượu ấy bắt đầu cuộc thống trị thần dân là những đứa em tội nghiệp, trong đó có Man. "Em chưa bao giờ được đi học. Em vào đây mới được cán bộ dạy chữ. Hồi ở nhà, công việc của em là đi lên rừng kiếm củi. Hôm nào kiếm được nhiều cũng bị ăn đòn mà kiếm được ít cũng bị ăn đòn. Anh trai em tìm mọi cớ để đánh em. Hình như trong mắt anh ấy, em là kẻ ăn bám nên lúc nào anh ta cũng hằn học với em".

Cô gái chưa bao giờ được xỏ chân vào đôi giày cao gót cứ ngắm nghía mãi đôi dép tôi đi, tò mò nhìn chiếc điện thoại, chiếc máy ảnh, cây son môi tôi mang theo. Lúc ấy, tôi chợt có một ý nghĩ rằng, nếu như được phép, tôi sẽ tặng cô tất cả những đồ vật tôi mang theo, để ít ra, những bức ảnh tôi ghi lại trong nhiều chuyến công tác sẽ giúp cô tưởng tượng phong phú hơn về cuộc sống và những đồ vật ấy sẽ giúp cô tiếp cận gần hơn với thế giới văn minh.

Cô không biết Hà Nội ở đâu, đường đi từ Cao Bằng tới đó bao xa. Tuổi thơ và cả thời thiếu nữ của cô xa lắc nơi ngút ngàn. Cô chưa từng biết yêu, chưa từng cảm nhận vị ngọt của nụ hôn đầu đời. 16 tuổi, cô buộc phải lấy chồng để gán nợ cho anh trai. Man không tự nguyện mà bị anh trai bắt ép, anh ta còn dọa giết nếu cô không vâng lời. Và bi kịch tất yếu đã xảy ra trong cuộc sống của những con người mông muội.

"Cuộc sống của em không khác gì địa ngục"

Không biết Man đã từng kể chuyện cuộc đời với những người bạn cùng buồng với mình chưa, nhưng tôi cảm nhận, trong từng lời tâm sự của cô vẫn chan chứa niềm xúc động, như quá khứ đau khổ của cô mới chỉ là ngày hôm qua.

Và tôi biết, khi trút ra được những lời tâm sự này, lòng cô hẳn sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều. "Anh trai em nghiện thuốc phiện và nghiện rượu. Không có tiền, anh ta vay nợ lung tung và cuối cùng đã gạ bán em cho nhà chồng em sau này. Trước đó, em bị anh ta rao bán cho những người đàn ông trong bản như một món hàng, mà có lẽ, tiền bán em chỉ đổi được một cữ thuốc phiện là cùng".

Nhưng những người đàn ông cùng bản vì nghèo và có lẽ cũng vì sợ cái nghèo của gia đình Man mà không ai dám mua cô về làm vợ. Cuối cùng, cô bị gả bán làm vợ cho con trai một chủ nợ để người này trừ nợ cho anh trai cô. "Khi ấy em 16 tuổi. Ở bản làng vùng cao chúng em, con gái tuổi ấy là đã lấy chồng. Ít người học lên cao lắm, như em thì chưa từng được đi học. Người dân ở bản em lo cái bụng đói hơn là học cái chữ. Hồi mới xuống trại, em không biết tiếng Kinh, nói gì mọi người cũng không hiểu, tủi thân đến ứa nước mắt. Nhưng sau này em được các chị cùng buồng dạy cho nên cũng không thấy bị lạc lõng".

Tôi đã từng tiếp xúc với những phạm nhân bị gia đình bỏ rơi, họ như quên hẳn trên cuộc đời này còn có một người thân đang thi hành án trong trại, nhưng đó là những trường hợp hãn hữu và tội lỗi của họ khó có thể tha thứ, nhưng Triệu Thị Man lại là một trường hợp đặc biệt.

Cô gây án để muốn thoát khỏi cuộc sống địa ngục, muốn thoát khỏi ông chồng bạo lực, đối xử với cô không khác gì con vật, vì thế, ở một góc độ nào đấy, cô cũng là nạn nhân. Ở nhà, Man đã phải chứng kiến cảnh nghiện ngập của ông bố, của anh trai.

Đến nhà chồng, hằng ngày những cảnh ấy lại bày ra trước mắt cô, những gã đàn ông thất học sống trong những ngôi nhà chênh vênh trên núi, hình như càng dã man hơn khi bị rượu và thuốc phiện điều khiển. "Em mắc lỗi gì dù là nhỏ nhất, thậm chí không có lỗi cũng bị chồng trói vào cột nhà rồi anh ta dùng đòn gánh và móc xích quất tới tấp vào người em. Em thường xuyên bị bỏ đói và bị nhốt vào buồng tối".

Ngập ngừng khá lâu, nước mắt lại giàn giụa trên gương mặt hiền, Man cúi mặt lí nhí: "Ạnh ta lôi em ra cưỡng hiếp bất cứ lúc nào". Trút ra được những lời này, quả không phải là một việc dễ dàng đối với những cô gái vùng cao như Man. "Đúng là cô Mỵ thời hiện đại" - tôi buột miệng nói. Man ngơ ngác: "Cô Mỵ là cô nào hả chị?".

Tôi nhìn Man, không biết trả lời cô ra sao. Cũng phải thôi, cô đã bao giờ được đi học đâu, đã bao giờ được đọc câu chuyện "Vợ chồng A Phủ" để mà biết, cái buồng tối có thứ ánh sáng nhờ nhờ hắt vào quanh năm suốt tháng không biết là đêm hay ngày mà cô đã từng ở, chính là cái buồng cô Mỵ trong truyện của nhà văn Tô Hoài. Hóa ra, ở đâu đó trong các bản làng vùng cao, vẫn hiển hiện bóng dáng của những cô Mỵ, khi mà sự nghèo đói, lạc hậu vẫn bám riết đồng bào nơi đây.

"Em đã từng nhiều lần muốn chết, nhưng cứ nghĩ đến hai đứa em nhỏ, em lại gượng dậy. Chị nghĩ xem, sống 3 năm với anh ta như thế, không tình yêu, em khác nào con vật bị người ta bán cho chủ khác. Và em quyết định giết anh ta để thoát khỏi cuộc sống địa ngục này, đơn giản là không phải chung sống với anh ta nữa".

Nuôi ý định trả thù người chồng đã đẩy cô vào tận cùng của nỗi bất hạnh, của sự sỉ nhục khá lâu nhưng Man vẫn không dám ra tay, vì quả thực, cô cũng không biết sẽ ra tay bằng cách nào. Cho đến khi trận đòn cuối cùng của người chồng trút lên thân thể nhỏ bé của Man, như một giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly đã chứa đầy ắp sự căm phẫn, tủi nhục bấy lâu nay, Man đã ra tay.

Cô nhớ như in, hôm đó là ngày 12/4/1999, không vì lý do gì, Man bị chồng lột trần rồi trói vào cột nhà, đơn giản vì anh ta thích hành hạ vợ - người mà anh ta coi như một đồ vật được người ta gán nợ và bắt đầu màn tra tấn đầy thích thú với roi điện. Trong khi cô đang kêu khóc vì đau đớn, những vết thương trên người đang tứa máu, gã chồng lại lôi cô ra giữa nhà và giở trò đồi bại. Vừa căm thù, vừa tủi nhục, Man nghiến răng nuốt nước mắt và ý định đầu độc gã chồng bằng thuốc chuột nhen nhóm trong cô từ lúc ấy.

Nhưng người trả giá cho hành động đê tiện của gã chồng không phải là chồng cô mà lại là đứa em trai chồng. Anh này đã ăn những miếng dạ dày luộc có tẩm thuốc chuột của cô và chết sau khi được đưa đi cấp cứu. Còn chồng cô, anh ta cũng ăn nhưng may mắn lại thoát chết.

Với nhiều người, việc phải vào trại giam là tột cùng của nỗi bất hạnh, nhưng với cô gái người Dao này, ngày cô bị người ta đưa lên ôtô đi đến một nơi xa lắc, lại là ngày cô thấy nhẹ nhõm nhất từ lúc được sinh ra, bởi một lẽ đơn giản, từ đây, cô không còn phải chung sống với gã chồng "thích là đánh" của cô.

"Em không hình dung được trại giam là thế nào, em nghe Tòa nói xử em tù chung thân, em cũng không hiểu chung thân là gì, nhưng em biết ngày mai, em sẽ rời bản làng quê em để đến một nơi khác, nơi ấy em sẽ không còn bị đánh, không bị bỏ đói, không còn lo mỗi khi chồng em uống rượu say ở đâu đó về. Em không hình dung được hết những gì em sẽ phải chịu đựng nhưng đầu óc em từ lúc ấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều" - có lẽ đó là những cảm xúc thật nhất của Triệu Thị Man - nữ phạm nhân 11 năm nay chưa từng có người thân tới thăm.

Cuộc gặp gỡ của tôi với Man, vì thế đã giúp cô vui hơn rất nhiều. Và tôi cũng tin, sẽ có nhiều độc giả chia sẻ với những gì Man đã trải qua, dù bất bình, dù thứ tha hay giận dữ...

Đinh Hiền
.
.