Cậu nhóc ở tòa

Thứ Ba, 18/08/2015, 18:05
Trụ sở của Tòa án Nhân dân TP Huế, cũ kỹ. Mà không chỉ có trụ sở này, những gì liên quan đến Huế cũng đều khiến cho người ta có cảm giác về mùi lưu cũ lẩn khuất đâu đây. Tràng Tiền, Thiên Mụ, Đại Nội, lăng tẩm… đều tỏa ra cái không khí bàng bạc ấy.

Cuối tháng Bảy trong căn phòng xử án của Tòa án Nhân dân Thành phố Huế, cậu nhóc ra tòa. Tội, “Trộm cắp tài sản”.

1. Cậu nhóc ra tòa, nhỏ thó, mặt lem nhem, tay chân lem nhem. Phía dưới hàng ghế dự khán là mẹ cậu, người đàn bà có dáng cục mịch, khuôn mặt lúc nào cũng âu lo của người quen lao động tay chân. Thêm nữa là cô gái bị hại, da trắng, dong dỏng cao. Cô gái ra tòa để xin giảm nhẹ hình phạt dành cho cậu nhóc.

Giờ nghị án, cậu nhóc bước ra ngoài hành lang của phòng xử, trò chuyện tào lao với mấy chiến hữu, không ngoái nhìn mẹ cậu lấy một lần, mặc cho mẹ cậu vẫn đang nhẫn nại đi phía sau.

Vụ việc của cậu nhóc này rất đơn giản. Cô gái da trắng cùng bạn trai tâm sự ở bên đường. Gió mát trăng thanh, họ khóa xe rồi cùng nhau đi dạo một quãng. Cậu nhóc nhân thời điểm đấy cậy cốp xe, cuỗm một ít tiền cùng điện thoại. Phát hiện bị mất cắp, cô gái da trắng trình báo với cơ quan công an. Tiến hành điều tra, điều tra viên thu thập đủ chứng cứ về hành vi phạm tội của cậu nhóc.

Đây không phải là lần phạm tội đầu tiên của cậu. Chủ tọa phiên tòa tuyên án cậu mức án 6 tháng tù giam. Hình như hôm đấy cậu đã bước vào tuổi thứ 16. Gặp chủ tọa, tôi có hỏi khi tuyên án cậu nhóc chị có thấy buồn không?. “Buồn nhiều chứ, cậu nhóc chỉ bằng tuổi con mình ở nhà thôi. Phía Viện Kiểm sát kiến nghị 9 tháng tù, nhưng xét mọi mặt, tôi chỉ tuyên 6 tháng. 6 tháng, chắc là đã đủ răn đe”.

Cậu nhóc là con của mẹ cậu với người chồng trước. Chồng trước của người đàn bà ấy làm gì, không biết nữa. Chỉ biết là người đàn bà đi bước nữa cùng người đàn ông mưu sinh bằng những thứ nghề cần đến tay chân, bữa có việc bữa không. Người đàn bà bán quán ở vỉa hè. Họ có với nhau thêm vài người con nữa.

Không ai trách một phụ nữ mưu cầu hạnh phúc đi bước nữa, cũng không ai trách cái nghèo khó như vận ám một phận người. Chỉ là nghèo khó quá, nên việc kiếm tiền lo cho mình, lo cho gia đình thứ hai lắm lúc là đã quá tầm với của người phụ nữ ấy.

Cậu nhóc từ ngày mẹ có thêm em, cứ như người bị ra rìa. Cậu nhóc vạ vật phố xá, lang thang vỉa hè, tụ tập với bạn bè. Đói có gì ăn nấy, tiện bạ đâu ngủ đấy. Hết tiền, thì theo lũ bạn đá cá lăn dưa.

Lần đầu bị bắt vì ăn cắp, lần thứ hai cũng bị bắt vì ăn cắp, toàn là ăn cắp vặt. Điều tra viên mỗi lần nhận định vụ việc có liên quan đến cậu nhóc, cũng phải lái xe đi tìm cậu đến mướt mồ hôi. Cậu cũng không chạy trốn đâu cả, cứ ở đấy thôi, gặp thì bắt, không gặp thì lại tí tởn đi chơi tiếp. Lắm khi làm việc với cậu xong, điều tra viên phải dúi cho cậu ít tiền tiêu vặt.

Có tương lai nào cho cậu nhóc ấy không? Chắc chắn chẳng có tương lai nào cả. Có tương lai nào cho gia đình của cậu nhóc ấy không? Chắc rằng chỉ có nước mắt xót con của người đàn bà lam lũ thị thành. Nếu muốn một sự đổi thay, hẳn phải viện đến phép màu. Mà phép màu thì làm sao có trong cuộc đời đầy nhộn nhịp này.

2. Lưu Ba mới được ra tù, án 5 năm, tội cướp giật. Nhẽ ra, Lưu Ba đã được ra tù sớm hơn, nhưng Lưu Ba vi phạm kỷ luật của trại giam, bị phạt thêm mấy tháng.

Ngày tôi còn trong độ tuổi thiếu niên, Lưu Ba là cậu bé con, ốm loắt choắt, mũi xanh thập thò trên mặt, suốt ngày theo tôi để xem câu cá, bắt dế hay đi tắm suối.  Tôi lên Sài Gòn trọ học, mỗi lần về lại quê thấy Lưu Ba vẫy vậy. Bẵng đi thời gian khá lâu không để ý, nghe tin Lưu Ba bị công an bắt khi đang giật dây chuyền của người đang lưu thông trên đường. Mà đây không phải là hành vi phạm tội đầu tiên của Lưu Ba. Hóa ra, Lưu Ba tham gia vào cả một băng nhóm giật dây chuyền liên tỉnh.

Cầm đầu băng nhóm này là cu Lạc.

Cu Lạc nhà cách nhà Lưu Ba mấy con hẻm. Cu Lạc không có cha mẹ, chính xác hơn thì không ai thấy cha mẹ của cu Lạc cả. Cu Lạc ở cùng bà nội. Bà nội mất, cu Lạc bỏ quê đi biệt tăm. Đến khi về lại, cu Lạc mỗi lần uống rượu thường cởi trần, trước ngực hay sau lưng đều có trổ hình xăm.

Tôi có nghe lũ thiếu niên kháo nhau cu Lạc làm giang hồ ở Sài Gòn, nghe đó rồi quên đó chứ không để ý lắm. Cho đến lúc cu Lạc bị bắt với Lưu Ba.

Nhà Lưu Ba nghèo túng, cha mẹ làm nghề nông, đông anh em, ai cũng bỏ học sớm. Lưu Ba đi tù, mỗi lần đến dịp thăm nuôi, mẹ của Lưu Ba tất tả thăm con. Người phụ nữ này ngay cả nụ cười trên môi nhìn cũng khổ.

Lâu lâu trước về quê chơi, theo thói quen tôi hay đi bộ vòng quanh xóm để nhớ những điều lẩn thẩn đã trôi qua. Bao giờ tôi cũng đắm chìm vào điều cũ kỹ mỗi lúc về lại quê.

Đang đi thì nghe tiếng hát hò, tiếng gõ bo (âm thanh phát ra từ những vật dụng đơn giản như xô nhựa, ca nhựa, mũ bảo hiểm… Vật dụng nào cũng được, miễn sao có thể gõ phát thành tiếng) và những bài nhạc chế. Lưu Ba mình trần, ngồi giữa một băng nhóm toàn mấy cậu nhóc mới lớn, chân xăm, tay xăm nỉ non, “Tuổi mười lăm, anh bước vô giang hồ. Vác dao anh đi tìm đại bàng, chém nhau xong ngồi tù. Đời du đãng mới đây sao vội u tối, tiến lên xong rồi ngồi xuống, chẳng biết vì đâu”. Thấy tôi, Lưu Ba cất lời chào, miệng cười. Vẫn nụ cười hiền khô như năm xưa, ngày còn lẽo đẽo theo tôi để xem một vài trò náo nhiệt.

Quê còn có cậu nhóc khác, thằng Hậu ghẻ. Tên sao người vậy, ngày bé toàn ghẻ nên gọi là Hậu ghẻ. Hậu ghẻ trạc tuổi tôi, khi tôi lên phố trọ học thì Hậu ghẻ đi tù. Đi tù vì trộm cắp tài sản. Thứ mà Hậu ghẻ trộm cắp rất buồn cười: trộm cắp heo.

Hậu ghẻ dùng tro bếp đựng trong túi vải, túm vào đầu heo đang ngủ. Hậu ghẻ cho rằng như vậy, heo sẽ nằm im cho Hậu ghẻ khuân đi. Hậu ghẻ bị người dân bắt ngay trong chuồng heo. Nghe kể là Hậu ghẻ khi bị bắt quỳ sụp xuống lạy như tế sao, nhưng điều đó không ngăn cản được chuyện Hậu ghẻ bị điệu ra công an xã.

Nhà Hậu ghẻ vách phên, nắng soi lỗ chỗ, nghèo xác. Tài sản quý giá nhất là cái thùng phuy đựng lúa, nơi mà Hậu ghẻ vẫn ủ những trái xoài xanh. Khi xoài chín, Hậu ghẻ sẽ cho tôi một trái. Hậu ghẻ ở tù về, làm bốc vác ngoài lộ. Mùa chôm chôm này, chắc Hậu ghẻ kiếm được tiền nhiều hơn lúc không mùa.

Khi nhìn cậu nhóc ra tòa ở Huế hôm đó, không hiểu sao tự dưng khuôn mặt của những Lưu Ba, cu Lạc hay Hậu ghẻ lại ẩn hiện trong tư duy của tôi.

3. Tôi vẫn tin rằng, muốn một cá nhân phát triển toàn vẹn về thể chất cũng như tư duy, tuyệt đối không thể thiếu một trong các yếu tố, gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình vẫn phải giữ tính chủ đạo, tức là điều kiện tiên quyết.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hữu Tá có nói với tôi trong cuộc trao đổi cách đây ít lâu rằng, “Để giáo dục thế hệ trẻ thì theo tôi có hai bộ phận quan trọng như nhau đó là nhà trường và gia đình. Hai bộ phận đều hết sức quan trọng. Tôi nói như vậy không phải là ba phải đâu, nhà trường chỉ chiếm 1/3 thời gian của các cháu, tức là 8 tiếng có vẻ ít. Nhưng 8 tiếng ấy chính là 8 tiếng tập trung, chất lượng; 8 tiếng để học hành, để làm người. Cũng nên thông cảm với phụ huynh học sinh, vì việc kiếm sống cũng nhiều cơ cực lắm. Hơn nữa, đâu phải phụ huynh học sinh nào cũng có đủ khả năng hiểu biết về tâm lý, về sư phạm, về nghệ thuật giáo dục như các thầy các cô. Tất nhiên, họ đã là bố là mẹ thì khi không biết, họ phải học hỏi. Ai dạy họ, sách vở dạy họ và xã hội dạy họ. Thế nên tôi cho rằng, việc bồi dưỡng kiến thức về sư phạm, về tâm lý lứa tuổi, tâm lý gia đình cho phụ huynh học sinh là điều rất cần. Đáng tiếc là chúng ta lại chưa bao giờ làm được điều này”.

Cây đại thụ của nền giáo dục trả lời vậy khi tôi hỏi, “Tôi có cảm giác dư luận hiện tại cũng đang có cái nhìn nghiệt ngã quá mức đối với người giáo viên. Thay vì đặt vấn đề gia đình ở đâu khi con em hành xử như vậy, thì rất nhanh chóng, dư luận lại đổ hết trách nhiệm sang cho người giáo viên. Tôi vẫn nghĩ, gia đình là cội rễ của cá nhân, là tế bào gốc của xã hội”.

Tất nhiên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hữu Tá nói thì không thể sai, chỉ có điều tôi vẫn bảo lưu quan điểm, môi trường giáo dục trong gia đình quan trọng hơn rất nhiều so với môi trường sư phạm trong nhà trường.

Tôi viết điều này có thể là cực đoan, nên nếu khiến bạn đọc phiền lòng, rất mong bạn đọc mở rộng lòng mà đại xá cho. Có lẽ, đã đến lúc những cặp vợ chồng nên định lượng rất rõ ràng khả năng kinh tế của mình trước lúc quyết định sinh bao nhiêu con.

Vì, một đứa trẻ sinh ra ngoài việc nhận được sự yêu thương còn phải nhận được sự chăm bẵm đủ đầy về mặt vật chất cho đến một độ tuổi nào đó nhất định, độ tuổi mà cá nhân có thể tự tu dưỡng bản thân mình. Bởi với những điều mà tôi chứng kiến, phần nhiều tội phạm thanh thiếu niên ngoài chuyện do sự thúc bách túng quẫn mà thành đều có nguyên nhân khác, nguyên nhân bắt nguồn từ sự nghỉ học quá sớm.

Hẳn, không phải ai thôi học sớm cũng đều bị hạn chế về khả năng nhận thức, từ đó dẫn đến phạm tội. Nhưng dẫu sao, tỷ lệ thanh thiếu niên có học phạm tội vẫn ít hơn.

Kinh Hữu
.
.