Cái phận đàn bà

Thứ Sáu, 28/09/2012, 12:30
Ngoài ngũ tuần, người đàn bà ấy ra Tòa. Tội danh “Giết người”. Ở phiên Tòa sơ thẩm, vị Chủ tọa tuyên bà mức án 7 năm tù giam. Nghĩ rằng mức án cao, bà kháng cáo. Trong phiên sơ thẩm, xét các tình tiết tăng nặng, Chủ tọa tuyên phạt bà 10 năm tù giam. Bà nghẹn ngào, biết bị án nặng thêm, bà đã không dại dột làm đơn xin kháng cáo. Trần tình dứt câu, bà ngất xỉu. Bi kịch của đời bà bắt nguồn từ lý do cũ rích… tình ái.

1. Tôi không nhớ rõ lắm lời dạy của tiền nhân trong đúc kết này, hình như là “Thù cha không bằng ngăn duyên”.

Tình ái, nhiều rối rắm và phức tạp. Nay yêu mai hận, thoáng như gió mây mưa nắng.

Đàn bà qua một lần dang dở, như đò ngang thủng đáy, chờ chực chìm nghỉm bất cứ lúc nào.

Đàn bà qua một lần trắc trở, dư vị đắng cay nếm dủ, nên hạnh phúc có đến luôn ra sức chắt chiu.

Vậy mà, đời sống có ai đủ mắn may để được viên mãn.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, bà vừa làm vừa học một trường trung cấp, chuyên ngành về xây dựng. Chuyện học hành dở dở dang dang, phải cố lắm thì sau hàng chục năm trời, bà mới có được mảnh bằng trung cấp.

Xen lẫn giữa những tháng năm vừa học vừa làm ấy, bà có chồng. Giữa đường thì đứt gánh, bà một nách nuôi hai con.

Thương là, khi đứa con út vừa tròn năm thì cũng là lúc bà thấm thía câu hát ru… Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ…

Một năm, hai năm rồi gần mười năm, tóc trên đầu đã có sợi bạc, thì bà gặp người đàn ông thứ hai. Ông làm nghề tài xế chạy xe taxi.

Ông trẻ tuổi hơn bà, nên khi vụ việc xảy ra, giới làm báo mạng gọi chuyện của bà rất miệt thị là “Máy bay bà già, giết tình địch để giành lại phi công trẻ”.

Tôi không biết, khi những đồng nghiệp của tôi gọi là như vậy, họ có nghĩ đến người thân của họ hay không.

Yêu đương mà, biết gì tuổi tác, xá gì hèn sang, kể gì cao thấp.

Máy bay và phi công, là hai thuật ngữ của các cư dân mạng internet. Máy bay – phi công, ám chỉ mối quan hệ luyến ái giữa người phụ nữ lớn tuổi hơn người đàn ông. Đây là thuật ngữ có sự ám chỉ tệ hại nhưng buồn là đang được nhiều phóng viên, cộng tác viên của các tờ báo từ báo, in cho đến báo mạng, tung hô một cách hào sảng và đầy ngu xuẩn.

Trở lại chuyện của bà.

Yêu người đàn ông thứ hai sau chừng ấy năm gối chiếc, bà cuống cuồng lo sợ. Hết sợ ông theo người phụ nữ khác, lại sợ cảnh ông chán bà tuổi tác nếp nhăn.

Mà ông lẫn bà về ở với nhau, làm gì có sự đảm bảo về mặt lễ nghĩa lẫn luật pháp. Chỉ là như rổ rá cạp lại, thấy hợp mắt, nghĩ hợp tính thì dọn về ở chung thôi.

Đàn bà trắc trở một lần lại có tuổi, mấy ai được hưởng cái lễ chế vợ chồng.

Thế nên, bao giờ mối quan hệ ấy, cũng nhiều phập phồng và hồi hộp. Đơn giản, trong mối quan hệ này, bà là kẻ chiếu dưới.

Tám năm, đúng tám năm không hơn không kém, tính từ ngày người đàn ông thứ hai của bà bước vào cuộc đời bà.

Tám năm gần ba nghìn ngày. Ấm êm có, bão giông cũng có. Hạnh phúc mong manh đã cố níu giữ nhưng cứ tuột dần khỏi tầm tay của bà. Điều bà lo sợ, điều bà bị ám ảnh, điều đã mơ hồ nghĩ tới… cuối cùng đã đến.

Người đàn ông ấy chính thức có người phụ nữ khác.

Tôi nghĩ rằng, ngày ông bước ra khỏi căn nhà của bà, hẳn là bà uất ức lắm. Phàm đã là người, bị mất đi niềm hy vọng cuối cùng, thì còn sự cùng cực nào lớn hơn nữa.

Ông bỏ bà để đến với người phụ nữ khác. Người phụ nữ là chủ của một quán hủ tíu trên đường  Âu Dương Lân quận 8, TP Hồ Chí Minh.

2. Mỗi chiều đi làm về, tôi vẫn đi ngang con đường  Âu Dương Lân, đi ngang quán ăn ấy, lần nào cũng suy nghĩ về chuyện đời dang dở của hai người phụ nữ mà hiện tại, người đã mất, người kia đối diện với tù tội.

Tôi vẫn tin, thẳm sâu trong mỗi cá nhân là điều thiện. Cho dẫu sống trong môi trường xã hội nào đi chăng nữa, thì nước mắt luôn mặn và máu luôn nóng.

Có chăng oán hờn xuất hiện là bởi, kiếp trước còn nợ nần nhau. Kiếp này gắng mà trả hết. Nhưng như vậy, không lẽ cứ oan oan tương báo.

Vậy đó, mâu thuẫn cứ nảy sinh, nghĩ hoài mà không có câu trả lời. Đành chặc lưỡi, biết là làm sao.

Đàn bà, ngộ nghĩnh lắm.

Khi người đàn ông bỏ đi, bao giờ đàn bà cũng quy trách nhiệm cho… người đàn bà khác. Kiểu như, tại con đó quyến rũ, bỏ bùa mê thuốc lú chồng tao mới bỏ tao. Kiểu như, tại con đó, dụ dỗ nên chồng tao mới hư hỏng.

Đàn bà, ít khi chịu nghĩ rằng, đàn ông lúc đã thay đổi thì đất có lún sâu, trời có sập xuống, ngày có thành đêm, mặt trời lặn đằng đông… họ vẫn thay đổi. Hoàn toàn không có ai đủ khả năng để dụ dỗ đàn ông. Họ thay đổi là vì họ muốn thay đổi.

Bà cũng như những người đàn bà khác, bà cho rằng, bà chủ quán ăn cướp đi người đàn ông của bà. Ông không có lỗi gì hết, tội tình bội bạc đều do người phụ nữ kia chịu.

Giá mà người phụ nữ không có mặt, thì bà và người đàn ông của chính bà vẫn đang ấm êm.

Mang nỗi hận ấy trong người, bà âm thầm điều tra. Bà tiếp cận với người giúp việc trong cái quán ăn của người phụ nữ mà bà cho rằng đã cướp đi người đàn ông của bà.

Cứ lựa lúc người phụ nữ ấy không có mặt ở quán, bà lại tìm đến, tỉ tê với người giúp việc.

Bà không khai ở Tòa là bà và người giúp việc tâm sự với nhau những gì. Nhưng có lẽ, nội dung không nằm ngoài chuyện than thân trách phận, ta thán thói đời.

Một ngày, bà đang tâm sự với người giúp việc như thường lệ thì bà chủ quán ăn bất ngờ có mặt. Đây là chuyện, không sớm thì muộn sẽ diễn ra.

“Bà làm gì cứ đến quán của tui rồi xì xầm hoài vậy”, người phụ nữ ấy lên tiếng.

“Đây là chuyện riêng của tui, bà hỏi làm gì?”, bà trả lời.

Người này ném một câu, người kia trả một câu… Cứ nói qua nói lại cho đến lúc, lao vào ẩu đả.

Người phụ nữ chủ quán chụp chai nước ngọt mà bà đang uống dở, tấn công bà. Không chịu kém thế, bà rút dao nhọn để sẵn trong giỏ chống trả.

Thấy máu, bà hốt hoảng bỏ dao vào túi áo vest bỏ chạy.

Túi áo vest thủng, con dao rơi lại hiện trường vụ án. Không quá khó khăn để Cơ quan Điều tra xác định đối tượng của một vụ trọng án là bà. Bà bị bắt sau đó vài ngày.

Người phụ nữ hứng nhát dao tình thù của bà, được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng. Sau một tuần điều trị tại bệnh viện, người phụ nữ ấy đã tử vong.

3. Bà có nhan sắc không? Bà không có nhan sắc. Phụ nữ đã ở lứa tuổi về chiều, lại không sửa soạn điểm trang thì mấy ai có nhan sắc đâu.

Bà ra Tòa, mặc cáo áo thun cổ tròn, ngắn tay, màu hồng phấn, tóc không thẳng thớm... Nhìn bà hốc hác và tiều tụy.

Những ngày giam mình trong nhà tạm giam, hẳn đã khiến bà suy sụp. Bà nói, bà mong một sự khoan hồng để bà sớm được về với hai con. Con lớn bà năm nay đã 26 tuổi, con nhỏ cũng đã ngoài 20..

Con cái lớn hết cả, lại chứng kiến cảnh mẹ mình tù tội vì ghen tuông, lòng buồn khôn xiết. Bà hiểu hết điều đó chứ, nhưng không ai có thể đảo ngược lại thời gian để sửa sai một hành vi trong quá khứ.

Có trách, có móc, có tiếc, có nuối... thì chuyện cũng đã rồi. Chỉ có sự tự dằn vặt là luôn hiện hữu.

Trong thời điểm này, người đàn ông là nguồn cơn của bi kịch mà hai người phụ nữ đang gánh phải ở đâu?

Ai mà biết được ông đang ở đâu, cũng như, ai mà biết được ông đang nghĩ gì.

Có thể, vài năm nữa, ông lại chung sống với một người phụ nữ khác. Cười cười nói nói, như chưa từng xảy ra chuyện gì.

Cái phận đàn bà, không cần má hồng cũng lắm đa đoan. Mà thật ra, thì có cái giống lụy tình nào mà không đa đoan... Lời người xưa, có bao giờ sai... Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu...

Biết là vậy chứ, nhưng chứng kiến người phụ nữ tóc hoa râm, gục xỉu trên hàng ghế dành cho bị cáo, nhận lãnh mức án 10 năm tù, tội danh “Giết người”, động cơ gây án là do “Ghen tuông”... làm sao mà không nhói lòng.

Như ít lâu trước, lang thang về Đồng Nai, làm vụ bà cụ 73 tuổi, chém tình địch vì ghen cũng vậy.

Cái ghen đàn bà hay thân phận đàn bà, bao giờ cũng khó lường. Vì khó lường, nên luôn thấp thoáng những nghiệt ngã số phận.

Có lẽ, đàn ông cũng nên nghĩ và thử một lần chịu trách nhiệm về những cơn ghen lấn át lí trí ấy.

Người đàn bà tôi nhắc trong bài viết này, có tên là Lê Thị Hiệp, sinh năm 1960

Kinh Hữu
.
.