Bố ơi hãy đến thăm con

Thứ Tư, 14/12/2011, 16:30
" Mẹ ơi, mẹ hãy tin con, con sẽ cố gắng cải tạo để sớm được về với mẹ, để có thể chuộc lại lỗi lầm mà con đã gây ra. Con mong mẹ hãy sớm tìm lại sự bình yên trong tâm hồn... Và giúp con nói với bố rằng, con mong bố hãy đến thăm con dù chỉ một lần, con thèm lắm cảm giác được yêu thương trong vòng tay của cha mẹ. Con sẽ giũ bỏ tội lỗi, đứng dậy làm người...”. Đó là tâm sự của Nguyễn Mạnh Tùng ở Trại giam Phú Thọ với mẹ về người cha của mình.

Nó – một thằng con trai vừa bước qua tuổi 18 chưa lâu đã kể về cuộc đời mình, trong những ngày nằm trong Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ như thế này: “... Tuổi thơ ngây dại của tôi cứ im lặng đi bên lề những nỗi buồn thường trực. Nỗi buồn nào nhận mãi cũng thành quen. Dần dần, tôi thấy mình vô cảm trước những trận đòn, những lời mắng chửi, da thịt tôi cũng trở nên chai sạn, tâm hồn tôi cũng dần trở nên chai sạn... Tình cảm của bố mẹ tôi chỉ như chiếc áo khoác người ta mặc bên ngoài để che đậy những rách nát bên trong, hoặc nó cũng chẳng là gì cả, một sự trống rỗng vô hình...”.

Tôi kinh ngạc bởi cách hành văn của Nguyễn Mạnh Tùng, một phạm nhân đang trả án về tội ma túy ở Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, trong bài viết tham dự cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” mà Tổng cục 8 vừa tổ chức. Tương lai của nó đã khác, nếu nó nhận được đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, đặc biệt là người cha.

Nỗi buồn nào nhận mãi cũng thành quen

Cứ theo những gì Tùng kể lại thì tuổi thơ của nó khá êm đềm, nhưng hình như thời gian đó không lâu, chính xác thì chỉ kéo dài được 10 năm đầu đời. Tùng được sống trong sự yêu thương của cha mẹ như những đứa trẻ khác. Nhưng từ khi nó bước chân vào cấp hai, không hiểu sao bố nó đối xử với nó khác hẳn.

Những trận đòn roi, những lời chửi mắng cứ như được người cha gom sẵn để dành riêng cho nó. “Từ một người cha yêu chiều tôi hết mực, bố trở nên thay đổi một cách lạ thường. Không còn những lời dặn dò tôi trước lúc đi học, không còn những câu an ủi những lúc tôi bị điểm kém. Thay vào đó là những trận đòn roi, là ánh mắt, là những nỗi hằn học khó hiểu. Thời điểm ấy, năm nào tôi cũng là học sinh khá của lớp, được thầy cô đánh giá là một học sinh ngoan ngoãn. Ngày tháng trôi qua, tôi vẫn cam chịu những trận đòn mà bố tôi gây ra. Còn mẹ tôi chỉ biết im lặng và an ủi tôi. Một bầu không khí khó hiểu, nặng nề bao trùm lên cuộc sống gia đình, mẹ vẫn như một cái bóng, cha hàng ngày vẫn ném về phía tôi cái nhìn hằn học”.

Rồi một ngày, Tùng đã tìm được câu trả lời cho những đối xử cay nghiệt mà người cha dành cho nó. Vô tình một lần đi chơi về, Tùng tình cờ thấy bố mẹ cãi nhau. Đứng ở ngoài một lúc, Tùng thấy người cha định đánh mẹ nó. Nó vội vàng lao vào để can. Không ngờ, người cha tát nó một cái như trời giáng và ông nói một câu cay độc, đến chết nó cũng không bao giờ quên: “Mày không phải là con tao”.

Câu nói như lưỡi dao nhọn cắm sâu vào trái tim non nớt của nó, khiến Tùng muốn ngã qụi. Một nỗi cay đắng dâng trào. Hóa ra, đó chính là nguyên nhân khiến ông ta đối xử với nó bao ngày tháng qua chỉ có sự hằn học và sự thù hận. “Nhưng trái tim của tôi vẫn hướng về mẹ, tôi không bao giờ tin mẹ tôi lại là người như thế, tôi không tin, không bao giờ tin” – Tùng đã thốt lên những lời mà tôi đồ rằng cùng với nó sẽ là chan hòa nước mắt. Nó luôn tin vào người mẹ nhưng lại không đủ bản lĩnh để vượt qua chính những dằn vặt, những day dứt tự trong tâm hồn nó. Nó bắt đầu chán nản và buông thả chính mình. Bắt đầu với những trò chơi điện tử, chơi game đến quên ăn, quên ngủ. Bắt đầu bằng những ngày bỏ học để lang thang.

“Tôi không có ý định kể ra câu chuyện của cuộc đời mình như một sự thanh minh, một sự bao biện cho những lỗi lầm mà tôi đã gây ra. Nhưng tuổi thơ của tôi nếu nhận được sự bao dung, yêu thương, chăm sóc ân tình của cha, có thể tôi sẽ khác. Ý chí mách bảo tôi, hoặc là phải biết cam chịu, hoặc là phải quậy phá, ngang tàng. Từ một đứa con ngoan ngoãn, hiền lành, giờ đây tôi trở nên một con người ương bướng, lì lợm. Tôi trở thành một đứa bất trị trong mắt bố” – Tùng viết.

Lên đến năm học cấp 3, việc cả ngày vùi đầu vào quán game đối với Tùng đã trở thành xưa cũ. Nó bắt đầu làm quen với những cuộc chơi qua đêm, reo hò, nhảy nhót đến sáng. Mà trong những cuộc thác loạn này, một thứ không bao giờ có thể thiếu, đó là ma túy.

Một đêm mà Tùng nói “là định mệnh của đời mình”, nó đã bập vào ma túy, để rồi sau này nó phải lĩnh án 27 tháng tù giam, nó không biết tại sao khi ấy lại làm thế, chỉ biết rằng, nó hận cha, nó hận tất cả những lời lẽ cay nghiệt mà ông ta đã dành cho nó. Nó hận cuộc đời tại sao lại sinh ra nó nhưng lại không cho nó hưởng những điều ấm áp, tốt đẹp từ gia đình. Nó có nhà đấy nhưng giờ chỉ là nơi thảng hoặc để nó ghé qua, như quán trọ. Liều lượng ma túy nó sử dụng mỗi ngày nhiều lên, rồi đến lúc Tùng chơi thông ngày, thông đêm, lúc nào trong trí óc của nó cũng chỉ hiện lên hai từ “ma túy”.

Cơ thể nó cũng suy sụp, gầy nhẳng, xanh rớt. Đã nhiều lần nó tự nhủ lòng phải cai, nhưng lại chính nó bất lực trước sự vật vã mà ma túy hành hạ nó. Tùng biết, ma túy không có gì là tốt đẹp, nhưng lại giúp nó quên đi nhiều chuyện. Nó trở thành một kẻ sống buông thả, nó bỏ học suốt ngày để đi chơi, nó ăn cắp vặt để lấy tiền mua ma túy. Càng ngày, nó càng lún sâu vào con đường tội lỗi.

Bố ơi, hãy đến thăm con

Tùng bị Công an bắt vào một ngày cuối hè, trời bắt đầu chuyển sang thu. Nó run rẩy và muốn có ai đó ở bên cạnh để có thể bớt chút đi nỗi sợ hãi. Nó ước ao người bên cạnh nó lúc đó là mẹ. Cuối cùng mẹ nó cũng đến, chỉ có nước mắt và nước mắt. Nó đã câm lặng trước những giọt nước mắt tức tưởi của mẹ. Ngày nó ra tòa lĩnh án, nó nhìn ngang, nhìn dọc để kiếm tìm người thân, nhưng chỉ thấy mẹ và các cậu, các bác, còn bóng dáng bố nó thì tuyệt nhiên không thấy. Nó đã cay đắng muốn trào nước mắt vì tủi thân. Nó đã khát khao đến cháy bỏng một lần được cha đến thăm. Ước mơ tưởng rất đỗi bình dị với nhiều người nhưng với Tùng sao quá xa vời.

“Tôi nhận biết được nỗi buồn mà mẹ tôi đang phải gánh chịu, thương con nhưng không biết làm gì, bà chỉ biết an ủi tôi và bảo tôi cố gắng đi cải tạo một, hai năm rồi về. Nhìn từng giọt, từng giọt nước mắt của mẹ, tôi thấy đau như ai đó cầm dao đâm vào tim tôi, nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng và làm theo những lời dặn dò của mẹ. Sau một thời gian ra cải tạo, giờ đây khi tôi quen công việc nhưng mỗi tối đi làm về, tôi lại ngồi một mình đối diện với một nỗi buồn không tên. Tôi không biết tại sao tôi lại cô lập mình như thế. Tôi chỉ biết rằng tôi nhớ mẹ, nhớ gia đình nhỏ bé của tôi và tiếc cho số phận của mình. Giá như tôi can đảm hơn, giá như có ai đó luôn bên cạnh bảo ban, động viên thì có lẽ tôi đã không giẫm chân vào con đường bùn lầy...” – trong những đêm không ngủ được, Tùng đã trải lòng mình lên tờ giấy trắng.

Chợt có suy nghĩ, tâm hồn một đứa trẻ cũng như tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì lên đó, đẹp thì đứa trẻ được hưởng, mà xấu thì phải gánh chịu. Đoạn đời đầu tưởng là đẹp nhất của Tùng, đã bị chính người cha nó vẽ lên lòng hận thù, mà dù sau này có tẩy xóa được, thì cũng vẫn sẽ để lại những vệt lem nhem.

“Tôi được đưa vào Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ. Tôi chỉ biết chịu đựng cho vơi những nỗi buồn chôn giấu trong lòng. Trong thâm tâm, tôi vẫn hằng mong dù chỉ một lần, bố sẽ đến thăm tôi, sẽ quên những hận thù và tôi sẽ có cơ hội được vỗ về trong tình yêu thương của cả cha và mẹ...

Trong ý nghĩ của bao người, trại giam là chốn khắc nghiệt, là “đáy” của cuộc sống, nhưng phía sau những song sắt có vẻ lạnh lẽo ấy, tôi nhận ra cuộc đời không khép lại. Nhiều mảnh đời đã một thời lầm lỡ như tôi được mở ra bằng khát vọng thấy một tương lai mới, sáng hơn. Và nơi đây đã thực sự trở thành ngôi nhà cho hàng trăm cuộc đời đã một thời lầm lỗi...

Mẹ ơi, mẹ hãy tin con, con sẽ cố gắng cải tạo để sớm được về với mẹ, để có thể chuộc lại lỗi lầm mà con đã gây ra. Con mong mẹ hãy sớm tìm lại sự bình yên trong tâm hồn... Và giúp con nói với bố rằng, con mong bố hãy đến thăm con dù chỉ một lần, con thèm lắm cảm giác được yêu thương trong vòng tay của cha mẹ. Con sẽ giũ bỏ tội lỗi, đứng dậy làm người...”.

Người cha của Nguyễn Mạnh Tùng, nếu vô tình đọc được bài viết này, mong rằng một ngày sớm nhất sẽ đến Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, để một lần thôi nghe những tâm sự của cậu con trai mình. Có thể trong suy nghĩ của ông, Tùng là một đứa con hư, và ông vẫn còn giận nó. Nhưng người viết bài lại nghĩ rằng, tội lỗi nào cũng sẽ được thứ tha, nếu con người ta biết quay đầu ăn năn hối cải, nhất là với Tùng, nó đã biết thức bao nhiêu đêm để nắn nót viết lên những tâm sự của mình, những bài học tự rút ra cho mình, cho tương lai của nó sau này.

Một con người khi đã hối cải với chính bản thân mình, thì đó là lúc lòng thiện đã  ngự trị trong tâm hồn. Chỉ có sự bao dung, lòng nhân ái mới làm cho con người ta sống tốt hơn, lương thiện hơn. Nếu mở lòng ra mà có thể cứu rỗi được một tâm hồn, hẳn cũng là việc nên làm lắm chứ!

Chi Sơn
.
.