Bi kịch trống choai

Thứ Tư, 06/04/2016, 07:49
Hơn năm năm trước, tôi gặp cậu thanh niên ấy ở trụ sở của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45), Công an TP HCM.


Cậu thanh niên vừa trải qua biến cố lớn của đời mình, cậu thanh niên là kẻ vừa gây ra một vụ trọng án, có nạn nhân tử vong, có nạn nhân bị thương nặng.

Chuyện có nguyên cớ rất nhỏ nhặt. Trước khi bắt đầu chuyện mới, tôi kể lại chuyện cũ chút thôi.

1. Cậu thanh niên ấy mưu sinh bằng nghề bán cháo vịt ở quận 7 (TP HCM). Quận 7 không chỉ có một Phú Mỹ Hưng sang trọng như mọi người vẫn nghĩ, ở đây vẫn có những khu ổ chuột, vẫn có những dãy nhà trọ công nhân, vẫn có những khu của người lao động. Cậu thanh niên bán cháo vịt ở một trong những khu mà tôi vừa kể, đã qua lâu rồi cậu thanh niên cũng đang chấp hành án phạt tôi không nhắc đến.

Cạnh nhà cậu thanh niên có anh bạn làm phụ hồ thì phải, vợ anh này vừa sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ, anh thợ hồ rủ cậu thanh niên cùng lên bệnh viện chăm vợ. Ham vui, cậu thanh niên đồng ý. Trên đường đi, họ mua một ít trái cây. Sau khi mua trái cây thì phát hiện không biết gọt trái cây bằng gì, vì vậy họ mua thêm 1 con dao.

Đến ngã ba Bùi Thị Xuân – Cống Quỳnh, họ va quệt với thanh niên khác điều khiển xe một mình đang lạng lách. Cáu gắt, họ chửi thề. Thanh niên kia nghe tiếng chửi thề bèn cúp đầu xe chặn lại. Khi thanh niên này vừa chặn họ, thì cũng là lúc có hai thanh niên khác trờ tới. Ba thanh niên ấy, cùng băng nhóm.

Mặc dù cậu thanh niên cùng anh phụ hồ đã hết lời xin lỗi, ba thanh niên kia vẫn dùng nón bảo hiểm đánh họ tới tấp, những cú đánh như mưa giật. Hoảng loạn, cậu thanh niên rút dao trong túi quần đâm liên hồi. Ba thanh niên đang tấn công mê mải biết giật mình thì đã muộn, những cú đâm khiến hai người tử vong, người may mắn không tử vong thì chịu thương tật 41%.

Cậu thanh niên da ngăm, đầu tóc rối bù, khuôn mặt ngơ ngác, gần như không biết khai gì ngoài câu, “Lúc đó em sợ quá”. Cậu thanh niên ấy, án 5 năm, tội danh “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Anh thanh niên thương tật án 1 năm 6 tháng tù giam vì tội “Gây rối trật tự nơi công cộng”.

Ở Sài Gòn, vẫn thường có những câu chuyện buồn như vậy, những hậu quả nghiêm trọng với nguyên cớ đầu tiên nhỏ nhặt như vậy. Nhưng biết làm sao được, khi trống choai thì luôn hăng tiết mà sự rủi xui luôn chực chờ.

Hai đối tượng trong vụ truy sát khiến Bùi Hoàng Thiên Phương tử vong tại quận Gò Vấp - TP HCM.

Cách đây mấy hôm, ở đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp (TP HCM) lại vừa xảy ra vụ truy sát giữa hai băng nhóm trống choai. Một cậu bị chém rơi bàn tay, chấn thương vùng đầu. Cậu thanh niên 17 tuổi này có tên Bùi Hoàng Thiên Phương, sống trong gia đình khốn khó, loay hoay viện phí chẳng biết thế nào. 

Đưa vào viện được mấy ngày, cậu tử vong. Những cậu thanh niên khác chém cậu, học đâu thói giang hồ phim ảnh, dùng khăn quấn chặt cán mã tấu tự chế vào tay khi truy sát.

Các điều tra viên truy bắt khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Hữu Thiện Long và Lâm Quang Thiện, một người tuổi 16, một người tuổi 18. Cậu thanh niên còn lại tên Lê Quang Phúc (tức Nam “mini”, 19 tuổi), trốn lên Lâm Đồng gần tuần cũng đến Cơ quan Công an đầu thú và được di lý về TP HCM để phục vụ điều tra.

Theo điều tra ban đầu, do mâu thuẫn giữa em gái và bạn gái trên mạng xã hội nên Trịnh Công Đạt (21 tuổi, ngụ Gò Vấp) hẹn Thiện ra ngoài nói chuyện để giải quyết mâu thuẫn. Sợ bị nhóm Đạt đánh nên Thiện gọi cho Nam “mini” nhờ kiếm thêm người để đối phó với nhóm của Đạt. Nam “mini” hỏi mượn mã tấu của Long. Long trả lời chỉ có hai con dao chặt dưa, Nam “mini” sai Thiện đến gặp Long để lấy “hàng”. Về phía mình, Long lấy thêm một con dao tự chế rồi cùng Nam mini, Thiện, Minh và 4 đối tượng khác ra công viên làng hoa Gò Vấp để gặp nhóm Đạt.

Đến điểm hẹn không thấy nhóm Đạt, nhóm Nam mini thấy Võ Gia Phong đang đứng nói chuyện với một số người bạn ở đây nên chạy đến nhìn mặt xem có phải thuộc băng nhóm của Đạt không.

Thấy Phong nhìn nhóm mình chằm chằm, nghĩ Phong nhìn đểu, một thanh niên trong băng của Nam “mini” chạy đến đánh Phong. Trong lúc đánh cố tình làm rơi mã tấu để uy hiếp. Bực tức vì vô cớ bị đánh, Phong tìm bằng được nhóm bạn trong đó có Bùi Hoàng Thiện Phương,  Nguyễn Văn Phong (18 tuổi) và hai thanh niên khác kể lại sự tình. 

Vì quen biết với Đạt nên Phong gọi điện cho Đạt để thông báo tin tức, Đạt trả lời cũng đang đi tìm nhóm của Thiện và Nam mini để giải quyết mâu thuẫn. Nhóm của Phong “phối hợp” với nhóm của Đạt đi ra công viên làng hoa Gò Vấp tìm nhóm của Nam “mini”. Tuy nhiên đến nơi nhóm của Đạt không thấy nhóm Nam mini đâu nên cả nhóm lên xe lưu thông trên đường Phạm Văn Chiêu để về nhà. 

Trước lúc về đến nhà thì xe hết xăng, nhóm của Đạt và Phong ghé đổ xăng thì bất ngờ chạm mặt nhóm của Nam “mini”. Vừa gặp, Nam “mini” nhào đến vung mã tấu chém ngay lập tức. Phương trở thành nạn nhân của băng nhóm Nam “mini”, gia đình của Phương chịu đựng một bi kịch.

2. Quãng gần giữa tháng 3-2016, Nguyễn Ngọc Hồ, 18 tuổi cùng Trần Thanh Phú điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7, TP HCM) thì xảy ra va chạm với xe máy do Dương Thuận Đình Lên đang chở bạn. Xe của Hồ và Lên lưu thông cùng chiều.

Va quệt rất nhẹ, nhưng chừng đó là quá đủ cho một chuỗi ngày dài đầy nặng nề hiện hữu.

Ban đầu, Hồ và Phú chửi Lên cùng bạn, Lên cùng bạn im lặng. Cả hai bên tiếp tục tham gia lưu thông. Giá mà mọi chuyện dừng lại ở đây thì hay biết mấy. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Lên cùng bạn lại “nhớ bài lên” để quyết ăn thua đủ với Hồ và Phú.

Phát hiện Lên cùng bạn có dấu hiệu muốn động thủ, Hồ mở cốp xe lấy con dao thủ sẵn, Phú nhặt một cục đá ven đường cầm tay. Ngay khi Lên cùng bạn dùng nón bảo hiểm lao vào, thì Hồ đâm Lên ba nhát liên tiếp, Phú cũng dùng đá chống trả sự tấn công từ người bạn đi cùng Lên. Những vết đâm làm Lên gục tại chỗ và tử vong sau đó.

Tỉnh cơn nóng giận, Hồ và Phú lên xe đào tẩu. Tuy nhiên, ngay trong đêm cả hai bị bắt giữ và Cơ quan Công an quận 7 đang tạm giữ họ để điều tra về hành vi “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng”. Hồ và Phú đều ngụ tại tỉnh Vĩnh Long.

Cách đây vài tháng, cậu em tôi gọi rủ cà phê, áng chừng tầm 21 giờ. Hôm ấy tôi đang ở cơ quan, nên bảo cậu em ghé quán cà phê gần đó ngồi một lát. Vãn chuyện, cậu em tôi hỏi anh đi làm hay về khuya như vậy có mang gì phòng thân không. Chứ bây giờ xã hội bất an lắm, lỡ có chuyện xảy ra thì còn có thứ mà chống cự rồi đào thoát.

Tôi ngạc nhiên vì thú thật là chẳng bao giờ suy nghĩ đến vấn đề này cả, nên trả lời là không. Rồi hỏi ngược lại, em có mang đồ phòng thân à. Ông em trả lời, dạ có chứ. Ông em của tôi, hiền khô, ăn nói ỏn ẻn như con gái. Mà cũng bị những tác động của xã hội ám thị đến mức ấy.

Con dao là hung khí gây án của cậu thanh niên tên Hồ ấy, chắc cũng từ tâm thế phòng thân này.

3. Thật ra thì đứng bên ngoài luôn phán xét rất dễ về cơn nóng giận của người trong cuộc, tôi đã từng đọc không biết bao nhiêu cáo trạng, kết luận điều tra, gặp gỡ người liên quan đến các vụ trọng án. Chung quy sau khi giải tỏa cơn giận rồi, họ chỉ còn đúng hai chữ dành cho mình thôi, ấy là hai chữ “bi kịch”. Nếu có thêm là, muộn màng, hối hận, ăn năn, sợ hãi, lo lắng.

Cô gái đâm chết cha của người tình vì ghen năm nào, cậu nhóc đâm chết người đàn ông can ngăn cơn cãi vã giữa cậu nhóc và chị năm nào, cậu trống choai đâm chết người va quệt xe năm nào… đều hoang mang với câu hỏi không có lời giải đáp trọn vẹn, rồi cuộc đời của mình sẽ trôi về đâu.

Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ. Bởi sau những lần dùng hành động để xả cái van uất ức ấy, dùng sự trả thù để giải tỏa cơn nóng giận ấy, tất cả hành động của bạn không kiểm soát được. Đơn giản, năng lượng tiêu cực đã hoàn toàn nhấn chìm nhận thức của bạn. Bạn chỉ còn một thứ duy nhất trong thời điểm đó, lòng hận thù. Mà có lòng hận thù nào lại đủ tỉnh táo để lường trước một hậu quả.

Có đáng hận thù không bởi vài lời nói không đến nỗi là đọi máu, có đáng hận thù không bởi vài cái bình luận qua lại trên facebook, có đáng thù không bởi cái va quệt rất nhẹ trên đường, có đáng thù không bởi một ánh mắt làm ta khó chịu..

Tôi đi trại giam cũng nhiều, tôi hiểu được cái cảm giác của phạm nhân như thế nào. Trong đó là một thế giới khác, thế giới cách biệt hoàn toàn với dòng chảy của đời sống bên ngoài. Bạn không thể hình dung được những gì mà bạn phải chịu đựng khi bị cách ly để trả giá cho cơn nóng giận nhất thời của mình đâu.

Tin tôi đi, vì tôi đã từng trò chuyện rất lâu với họ, tôi đã từng nghe họ nói về những khoảnh khắc định mệnh mà số phận đã ám vận vào họ.

Cuộc đời của mỗi cá nhân luôn biến chuyển theo hành động của chính cá nhân đó, cuộc đời của một cậu trống choai còn dài và tươi đẹp hơn. Đừng để phung phí, đừng để đến lúc chép miệng, “Thời gian của tôi còn quá ít” mới thấy hối hận.

Khi ấy, đã không còn có thể làm lại được nữa rồi.

Kinh Hữu
.
.