Bi kịch độc đắc

Thứ Bảy, 16/05/2015, 09:25
Người phụ nữ ngoài tứ tuần ra tòa, phiên tòa phúc thẩm, tội danh “Giết người”. Nạn nhân là chồng của chị, người đàn ông sinh năm 1967. Tòa sơ thẩm tỉnh Long An tuyên phạt chị 8 năm tù giam, tòa phúc thẩm tại TP.HCM giữ nguyên mức án ở phiên sơ thẩm.

8 năm dài hay ngắn tùy thuộc hoàn cảnh mà cá nhân đang sinh sống, chỉ là như những câu chuyện pháp đình khác, câu chuyện này vẫn mang dáng dấp của tiếng thở dài hắt hiu.

1. Quê chị ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Huyện Thủ Thừa cách TP.HCM không xa, song miệt đất ấy vẫn rặt chất quê, làm nông là chủ yếu.

Hai mươi hai tuổi chị lập gia đình, chồng chị là người đàn ông ngụ cùng huyện lớn hơn chị 5 tuổi, điển trai, vẫn được láng giềng đánh giá là hiền lành, ham làm. Chị với anh có tìm hiểu đâu, đều nhờ mai mối và từ sự đồng thuận của hai gia đình. Chừng hai mươi năm về trước, người ta vẫn thành vợ thành chồng theo cách này. Tôi có đọc đâu đó rằng việc thành vợ thành chồng do cha mẹ chỉ định hay từ mai mối luôn để lại nhiều hệ lụy, viết bạn đọc bỏ quá cho, tôi nhìn những gia đình lấy nhau theo hình thức ấy ở quê tôi vẫn thấy họ nhiều hạnh phúc. Chắc là, hạnh phúc của mỗi gia đình tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, biết đâu là có cả do may mắn.

Anh với chị lấy nhau năm trước, thì năm sau sinh được con đầu lòng. Công việc trong gia đình một tay anh cáng đáng, anh thật sự là trụ cột của gia đình. Thương anh đầu tắt mặt tối, chị mượn tiền họ hàng mở quầy tạp hóa nhỏ để đỡ đần chồng. Quầy tạp hóa ở vùng quê nhìn thương lắm, lỉnh kỉnh đường muối xì dầu cho đến lưỡi lam, cái kim, cuộn chỉ đều có cả. Cứ năng nhặt chặt bị, dán lại từng tờ năm trăm rách, trải thẳng những tờ hai trăm nhăn từ từ mà thành nhiều. Chị mở thêm quán hủ tiếu bán buổi sáng trước quầy tạp hóa của mình, trời thương nên đắt khách. Chồng hay làm, vợ siêng năng thế nên cuộc sống ở quê dẫu không sung túc thì cũng không vướng phải nỗi nhọc nhằn thiếu trước hụt sau.

Kinh tế tạm ổn, con đầu lòng đã lên mười ba, anh với chị có thêm người con kế. Con đầu lòng là trai, con thứ hai là gái, nếp tẻ đủ cả, thu nhập lại ổn định, cứ tưởng anh chị đã an yên như bao nhiêu gia đình nếp quê khác. Có biết đâu rằng chuyện không may từ đấy dồn dập tìm về.

Từ ngày chị sinh thêm con gái, anh như trở thành con người khác. Anh không chú tâm làm việc, anh thích tụ tập bạn bè để trưa xỉn chiều say, anh nghiễm nhiên chuyển vai trò trụ cột của gia đình sang đôi vai của chị, sang quầy tạp hóa nhỏ, sang quán hủ tiếu con con.

Rất nhiều lần chị cố tìm hiểu nguyên nhân vì sao anh lại thay đổi, nhưng rồi chị không lần được câu trả lời. Chị vẫn vậy, vẫn chăm chồng thương con, vẫn cố chu toàn gia đình, chỉ có anh là chân nam đá chân chiêu về đến nhà lại hỏi chị, “Còn tiền không?”. Hỏi mà như cật vấn.

2. Phần xét hỏi của Chủ tọa phiên tòa,

- Bị cáo có thực hiện hành vi như bản cáo trạng mà Đại diện Viện Kiểm sát đã công bố hay không?

- Có.

- Quá trình sống chung giữa bị cáo và chồng có mâu thuẫn không?

- Không.

- Sau khi bị cáo trúng số vào năm 2010, giữa vợ chồng có xảy ra mâu thuẫn không?

- Có, sau khi trúng số vợ chồng bị cáo thường mâu thuẫn. Lý do là bị cáo gửi tiền trúng số cho chị gái giữ, chồng bị cáo biết điều đó nên thường xuyên gây gổ với bị cáo.

- Bị cáo có bàn bạc với chồng chuyện sẽ gửi tiền trúng số cho chị giữ không?

- Không.

- Khi vợ chồng xung đột, bị cáo giải quyết như thế nào?

- Bị cáo thường bỏ sang nhà hàng xóm nên chỉ dừng lại ở mức cãi nhau chứ không đánh nhau.

- Vào ngày xảy ra vụ án, bị cáo và chồng có cãi nhau không?

- Có. Do chồng bị báo đi uống rượu về nên bị cáo và chồng có cãi nhau.

- Bị cáo có cầm cây kéo dài 18,5 cm khi cãi nhau với chồng không?

- Có, do bị cáo bỏ qua nhà hàng xóm nhưng chồng bị cáo kéo tay, kiên quyết bắt bị cáo ở nhà. Trong lúc giằng co, bị cáo thuận tay cầm cây kéo.

- Sau đó bị cáo có dùng cây kéo để đâm vào người chồng bị cáo không?

- Không, do bị cáo và chồng giằng co với nhau nên kéo trúng vào người chồng chứ bị cáo không cố ý đâm.

- Mục đích của bị cáo cầm lấy cây kéo làm gì?

- Để thủ thân.

- Bị cáo có khiếu nại Cơ quan Điều tra không?.

- Không.

Bị cáo Đặng Hồng Giang tại phiên tòa phúc thẩm.

3. Bi kịch xảy ra như đoạn trích trong phần xét hỏi mà tôi vừa dẫn, chỉ khác một vài chi tiết bên lề.

Cô con gái thứ hai của vợ chồng chị không may, cháu bị suy thận. Chị hốt hoảng với tình trạng của con, chị cứ bế bồng con từ quê lên TP.HCM khám suốt. Chị không biết suy thận nguy hiểm như thế nào, chị chỉ biết thương con đến quặn lòng, biết bao nỗi lo lắng chực chờ ập xuống chị, xuống gia đình đã có một thời đầy ấm êm của chị. Trong lúc ấy, chồng chị - người đàn ông hiền lành khi xưa, vẫn đang mải mê cùng bạn hữu bên chén rượu đưa chuyện. Hẳn nhiên là anh biết cô con gái bị suy thận, hẳn nhiên là anh biết nhà cần tiền để chữa trị bệnh cho con. Hẳn nhiên là anh cũng biết phải chắt chiu ngay từ giờ thì tương lai của con gái mới có thêm phần nào hy vọng. Hẳn nhiên là anh biết nhiều thứ trước khi anh bắt đầu cuộc rượu cùng bạn bè.

Đa phần đàn ông, cứ sà vào chiếu rượu là như đa phần phụ nữ đang đi mua sắm, bàn tán về mỹ phẩm hay tranh luận về xu hướng thời trang, kiểu cách ngoại tình… nào đó. Họ thường nhớ rất nhiều, tính toán chuyện gia đình rất nhiều trước khi cuộc rượu bắt đầu. Nhưng chỉ đến ly thứ ba, ly thứ năm thì không còn gì trọng đại hơn đối với họ bằng chuyện đang diễn ra trong cuộc rượu được. Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ chứ không phải là tất cả. Nhưng tôi tin rằng, không có quá nhiều phụ nữ có được điều may mắn là chồng đi uống rượu về nhà đúng giờ như đã hứa.

Trở lại câu chuyện của gia đình chị.

Từ ngày biết cô con gái nhỏ bị suy thận, mỗi ngày chị đều dành một khoản tiền để mua vé số. Chắc ai trong trường hợp của chị cũng sẽ chọn cách này, một cách để bám víu vào hy vọng. Lâu trước, tôi có viết bài về những bi kịch của tấm vé số độc đắc, kể những chuyện xảy ra sau khi có ai đó trúng vé số. Quê tôi, người ta hay đùa “trúng số là tới số”. Đùa thôi, chứ số tiền lớn như một giải độc đắc thì không phải chuyện muốn là được, ao ước là hiển hiện.

Thế nên, chị không thể nào hình dung được vào một ngày chị trúng số độc đắc. Số tiền trúng số thực lãnh là gần 2 tỷ. Chưa bao giờ chị cầm nhiều tiền vậy trên tay, chị loay hoay không biết sẽ sắp xếp số tiền ấy như thế nào cho hợp lý. Ngoại trừ, chị vui vì con gái nhỏ của chị sẽ có thêm điều kiện để chữa bệnh, chị sẽ yên tâm hơn về kinh tế cho gia đình những ngày sắp tới. Nhưng chị lo, giả như chồng chị biết chị trúng số thì sao.

Chị sợ anh đang mải mê với bạn, anh sẽ ném tiền trúng số vào những cuộc vui. Chị sợ, anh vốn đã không còn chí thú làm ăn nên nếu để anh biết chị trúng số gần 2 tỷ, không chóng thì chầy số tiền may mắn ấy sẽ bốc hơi hoàn toàn. Thế nên, chị giấu chồng mang toàn bộ số tiền trúng số gửi cho chị gái cất giữ.

Điều này không thể hiện ở tòa, như tôi nghĩ chắc chị gái của chị làm ăn kinh doanh gì đó nên chị gửi tiền để lấy lãi suất. Những phụ nữ quê thường có xu hướng này khi muốn tiền sinh thêm tiền.

Có điều chị không tính đến, đó là phản ứng của chồng chị khi anh biết tin chị trúng vé số và giấu anh gửi tiền cho chị gái giữ giúp. Chị cũng không tính đến cả chuyện làm sao chị trúng số mà người khác không biết. Vùng quê nhỏ xíu, người bán vé số lại có thói quen rất hay là nhớ như in những người mua vé số trúng được giải, họ phải nhớ để còn lấy đó làm bảo chứng cho uy tín của tấm vé số do họ bán, lấy đó làm khí vận cho tấm vé số trên tay họ thông qua tin đồn, lấy đó làm nguồn lợi để tìm gặp người trúng số xin một ít tiền chia lộc.

Suốt bốn năm liền, anh hỏi chị rằng chị có trúng số độc đắc hay không? Chị đáp ậm ừ, anh hỏi đó rồi quên đó. Cho đến một ngày giữa năm 2014, khi đã uống tàn cuộc rượu với bạn bè, anh về nhà và tìm chị. Lần này, anh hỏi rất nghiêm túc, anh hỏi rất dồn dập. Cuối cùng, chị thú nhận chị trúng số.

“Tiền đâu?”, anh hỏi tiếp. “Em đưa cho chị giữ rồi”, chị trả lời. Anh giận dữ có lẽ là vì anh nghĩ chị qua mặt anh, anh bực tức có lẽ là vì cảm giác anh như người thừa trong nhà. Anh yêu cầu chị phải lấy lại tiền đã gửi cho chị gái để sửa nhà. Chị kiên quyết không đồng ý.

Anh và chị cãi nhau, đỉnh điểm của cuộc cãi vã, chị tiện tay chụp lấy cái kéo để trên bàn cầm trên tay, anh thì cứ chụp lấy hai tay chị rồi giằng co rất mạnh. Họ cùng đổ vật xuống sàn nhà, mũi kéo oan nghiệt đâm thẳng vào ngực… Trong kết luận của Cơ quan Điều tra, có đến hai nhát kéo đâm vào ngực anh.

Anh tử vong tại chỗ, chị đến Cơ quan Công an đầu thú. Mức án dành cho chị là 8 năm. Ở tòa, chị kiệm lời.

Tám năm dài nhất của cuộc đời chị đang trôi qua, chầm chậm, buồn bã.

Chị tên là Đặng Hồng Giang.

Kinh Hữu
.
.