Bi kịch còn lại

Thứ Ba, 06/05/2014, 16:28

Người đàn ông ấy quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Huyện Mộ Đức là mảnh đất khắc nghiệt, đúng kiểu chó ăn đá gà ăn sỏi. Vài năm trước, người đàn ông đưa vợ và hai con nhỏ vào TP. HCM để tìm đường mưu sinh. Họ tha hương cũng như bao cá nhân khác, đi tức là đi, đi với tâm thế “Biết đâu đời mình sẽ khác”. Hay đơn giản, đi chỉ là nhằm thoát khỏi nỗi khốn khó về tinh thần mà họ đang vướng phải ở quê nhà. Đi là để hy vọng mà đi cũng là để trốn chạy, đi như một ngã rẽ của số phận.

Nhưng buồn thay, không phải ngã rẽ nào của đời người cũng ẩn chứa niềm vui.

1.Người đàn ông có tên Võ Thanh Tuấn, sinh năm 1976. Hơn một năm trước, Tuấn dắt díu vợ con vào thành phố, kiếm sống bằng nghề buôn bán dạo. Ở cái thành phố này, có điều khác biệt. Những con người đến cùng vùng miền, thường bán dạo một thứ đồ như nhau. Người Phú Yên hay bán bánh tráng, người Quảng Ngãi bán hủ tiếu gõ, người Thanh Hóa bán bánh giò, người Bình Định bán xoài, cóc, ổi ở các quán bia vỉa hè… Tất nhiên, tôi viết điều này là dựa vào quan sát của chính tôi, chứ đó không phải là một điều mặc định trong đời sống.

Vợ Tuấn tên Phương, nhỏ hơn Tuấn gần 10 tuổi, Phương sinh năm 1985. Vợ chồng Tuấn có hai con chung, cháu lớn sinh năm 2006, cháu bé sinh năm 2011. Ngày Tuấn bị Cơ quan Công an bắt giữ, cháu bé mới được hơn một tuổi.

Tuấn khai tại Tòa: “Mấy lâu trước, vợ chồng bị cáo ở quê. Nhà chỉ có vài sào ruộng để mưu sinh, mặc dù cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng vẫn có thể gọi là hạnh phúc. Nhiều lần, bị cáo nghe lối xóm xầm xì là vợ bị cáo có quan hệ thân mật với một anh tài xế lái xe tải đường dài. Ban đầu, bị cáo không tin, nhưng sau biết đó là sự thật. Thương con, lại vẫn còn thương vợ, bị cáo nài nỉ vợ hết lời. Cuối cùng, vợ bị cáo cũng nghĩ lại mà dứt khỏi mối quan hệ kia. Để vợ thôi vấn vương chuyện này nọ, bị cáo mới đưa cả gia đình vào TP. HCM bắt đầu cuộc sống mới”.

Ở phố, vợ chồng Tuấn thuê căn phòng trọ nhỏ ở quận Bình Tân. Thời gian đầu, Tuấn xin làm thợ hồ cho các công trình xây dựng. Thời gian sau, Phương cũng phụ chồng bằng cách lấy quần áo từ người quen để bán ở vỉa hè. Quá khứ về chuyện ngoài vợ ngoài chồng tưởng đã có thể vứt lại phía sau, nhất là khi Phương đang có mang cháu thứ ba. Tuy nhiên, câu chuyện cũ của Phương như vết thương trong lòng Tuấn, đã liền da nhưng vẫn còn để sẹo.

Tuấn nghi ngờ vợ tiếp tục ngoại tình. Tòa hỏi, Tuấn có đủ bằng chứng để xác tín vợ Tuấn có người đàn ông khác hay không?. Tuấn trả lời: “Thưa Tòa, không ạ. Nhưng nhiều lần bị cáo thấy vợ nói chuyện điện thoại với ai đó cả tiếng đồng hồ một cách lén lút, lại bỏ mặc không chăm sóc con cái”. Là vậy đó, là chưa bắt tận tay, day tận mặt, nhưng tin là tin chắc như đinh đóng vào cột vậy.

Mẹ của Tuấn tỏ ra phẫn uất, bà nói chắc chắn Phương ngoại tình. Vì có lần, bà nghe điện thoại của một người đàn ông nào đó gọi cho con dâu bà, vô tình bà nhấc máy. Người đàn ông đó bảo: “Phương là vợ của tui chứ mắc mớ gì là con dâu của bà”. Bà ức lắm, bà hét lên trong điện thoại: “Phương là dâu của tui, là mẹ của hai đứa cháu nội của tui, lại sắp sinh cho tui đứa cháu nội khác”.

2.Đàn bà thật tội nghiệp, tội nghiệp từ thân phận cho đến sự mặc định nghiệt ngã của quan niệm từ đám đông. Đàn bà trót sa chân theo nỗi phóng khoáng một bận, là ngay lập tức bị nhận lãnh bản án cả đời. Đó là bản án của nỗi hoài nghi, bản án của sự dằn vặt… Đàn ông ham vui, vợ càm ràm đó rồi tha thứ đó, vợ hục hặc đó rồi bỏ qua đó, vợ nước mắt đó rồi lại bao dung đó. Cứ bảo, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. Nhưng lại quên mất, đàn bà chính là trụ cột về tinh thần trong mỗi gia đình.

Tin tôi đi, một gia đình tan vỡ là khi người phụ nữ trong gia đình ấy không muốn níu kéo nữa. Đàn ông, có thể là trụ cột về kinh tế, về nuôi dạy con cái. Nhưng đàn bà, mới chính là người đủ khả năng quyết định xem gia đình có hạnh phúc hay không, có bền vững hay không. Bởi, họ có sự chịu đựng mà không bất cứ giống loài nào có thể so sánh được.

Võ Thanh Tuấn tại phiên tòa xử lưu động.

Phương không chịu nổi sự dằn vặt của Tuấn, thôi việc bán quần áo vỉa hè, rồi xin làm phụ việc quán cơm cho một người khác. Và rồi, Phương phản ứng cơn ghen của chồng bằng cách ngủ luôn tại quán bán cơm. Hai đứa con nhỏ, được giao lại cho mẹ Tuấn chăm sóc.

Phương không thể biết được rằng, chính hành động này của Phương đã châm ngòi cho ngọn lửa ghen tuôn đang âm ỉ cháy trong lòng Tuấn tự rất lâu rồi.

Sáng một ngày cuối năm, Tuấn sang tiệm cơm nơi Phương đang phụ việc: “Vợ chồng mình đi uống cà phê một lát. Anh có việc cần nói với em”, Tuấn bảo với Phương vậy. Phương đồng ý.

Ở quán cà phê, nói chuyện được một lát, thì Tuấn gợi ý: “Chỗ này đông người quá, hay mình đi mướn căn phòng trọ nào đó nói chuyện cho tiện”, Phương lại gật đầu.

Sau khi đến nhà trọ và nhận phòng, Tuấn dặn Phương lên phòng trước còn Tuấn đi mua cháo mang về để mẹ Tuấn cho cháu ăn. Mọi việc xong xuôi, trên đường quay lại phòng trọ tìm Phương thì bất thần Tuấn nảy sinh ý định sẽ sát hại Phương rồi tự sát.

Vì sao Tuấn nảy sinh ý định sát hại Phương?. Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng không cá nhân nào yêu thương thật lòng mà lại muốn sát hại người mình yêu cả. Đó chỉ là lời nói dối, là câu ngụy biện cho hành vi đê hèn. Như tôi đã từng viết rất nhiều lần, có phải yêu thương nhau là luôn cầu mong cho nhau hạnh phúc hay không? Vậy thì sao lại không nghĩ, người mình yêu đang tìm được hạnh phúc mới, thứ hạnh phúc mà mình không thể mang lại cho họ, bên cạnh một người khác. Có lý do gì để mình phải thù hằn người kia khi chính mình không mang lại cho người mình yêu những nỗi niềm an vui như họ mong muốn. Yêu, là phải biết cách yêu trước khi muốn được nhận lại. Thật ra, yêu thì làm gì có chuyện mong nhận lại, tất cả chỉ là sự cho đi mà thôi.

Ai chia tay (hoặc bị chia tay), ai lâm cảnh đổ vỡ mà không đau lòng. Căn phòng thân thuộc bấy lâu, chiếc giường quen hơi bấy lâu… Nay vắng một người, nay thiếu một chỗ nằm… ai mà không đau. Nhưng, không có nghĩa vì vậy mà bắt người mình yêu thương trả giả cho nỗi đau mình đanh nhận lãnh. Yêu đương thật lòng, thì làm sao có thể tính đến chuyện trả thù, phải không?

Tiếc rằng, Tuấn đã không nghĩ được vậy. Mà không phải chỉ Tuấn đâu, rất nhiều người trong chúng ta cũng không nghĩ được vậy.

Nảy sinh ý định phải sát hại Phương, Tuấn quyết tâm phải thực hiện cho bằng được. Ghé ngang quầy bán dao dạo, Tuấn mua một con dao có độ dào 20cm, bỏ vào túi quần rồi vào nhà trọ nơi có Phương đang đợi sẵn.

Trong phòng trọ, giữa Tuấn và Phương xảy ra sự tranh cãi xung quanh chuyện tình cảm. Trong lúc cãi vã, bất thần Tuấn dùng chân đá vào vùng cổ khiến Phương ngã ngửa ra giường. Gần như chỉ chờ có vậy, Tuấn rút dao đâm liên tiếp vào người Phương.

Bị tấn công bất ngờ, Phương chỉ còn biết la hét và chống đỡ trong tuyệt vọng. May mắn vào cái lúc nguy nan ấy, Phương còn đủ khả năng để gượng dậy bật mở cửa phòng lao ra ngoài cầu cứu.

Lúc này, phía bên trong, Tuấn quay ngược lưỡi dao để vào ngực phải của mình rồi lao mạnh vào tường. Tuấn muốn tự sát.

Nghe tiếng Phương tri hô, bảo vệ nhà trọ có mặt kịp thời để đưa cả Phương lẫn Tuấn đi cấp cứu. Phương thoát chết, nhưng mang thương tật vĩnh viễn là 73%, Tuấn cũng đạt được ý định tự sát như ban đầu. Tuấn bị Cơ quan Công an bắt giữ ngay trên giường bệnh.

Giữa tuần trước, Tuấn ra Tòa, phiên Tòa xét xử lưu động diễn ra tại quận Bình Tân, TP. HCM, Tuấn bị truy tố với tội danh “Giết người”. Phương đến dự với tư cách là người bị hại.

Sau khi nghe những lời Tuấn nói về sự nghi kỵ Phương ngoại tình dẫn đến hành động sai lầm. Phương nước mắt giàn giụa, Phương kể, Phương không có ai khác ngoài Tuấn. Khi bị Tuấn tấn công, Phương đang mang đứa con thứ ba của hai vợ chồng. Sau khi bị chồng sát hại bất thành, Phương đã không còn giữ được con mình nữa.

“Tôi thành tâm mong Tòa giảm án cho anh Tuấn. Dù sao cũng là chồng là vợ, dù sao anh cũng là cha của các con tôi. Tôi chỉ xin Tòa đồng thuận cho vợ chồng chúng tôi được phép ly hôn. Tôi không thể sống chung cùng anh Tuấn được nữa”, lời của Phương.

Cuối cùng, Tòa tuyên phạt Tuấn mức án 14 năm tù giam. Khép lại phiên Tòa, Tuấn khóc, Phương khóc, hai cháu nhỏ nhìn cảnh gia đình ly tán cũng bật khóc.

Lại thêm một bi kịch mà những người nhận lãnh là những cá nhân tha hương mưu sinh.

Nhẽ ra, tôi sẽ bàn thêm vài điều trong phần cuối bài này. Nhưng thôi, có lẽ nỗi buồn bấy nhiêu là đã đủ, tôi không muốn bạn đọc phải bận lòng thêm

Kinh Hữu
.
.