Bác sĩ bị tấn công nhìn từ nhiều phía

Thứ Ba, 27/06/2017, 09:56
Vụ việc bác sĩ bị đánh gần đây nhất là vào đầu giờ chiều ngày 17-6-2017 tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Bác sĩ P.Đ.V. bị đánh từ cổng đến bên trong bệnh viện và bị bắt quỳ xuống xin lỗi người đánh. Đây không phải trường hợp đầu tiên bác sĩ bị đánh và đã đến mức đáng báo động. Tôi nghĩ có nhiều góc nhìn về việc này.


Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?

Nếu nhìn từ góc độ quản lý, Bộ Y tế đã có công văn ngày 17-4-2017 yêu cầu Sở Y tế Hà Nội rà soát, chấn chỉnh công tác an ninh, trật tự tại các bệnh viện trực thuộc nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ và nhân viên y tế khi cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh tại các điểm nóng trong bệnh viện. Công văn này có sau vụ một bác sĩ khác bị đánh tại Bệnh viện huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Đúng 2 tháng sau công văn chỉ đạo, Bệnh viện Thể thao Việt Nam (cũng nằm trên địa bàn Hà Nội) xảy ra vụ việc bác sĩ bị đánh. Nặng nề hơn, hung thủ còn bắt nạn nhân (bác sĩ P.Đ.V.) phải quỳ xuống xin lỗi chúng. Trong đó, chi tiết “bị đánh từ cổng đến bên trong bệnh viện rồi làm nhục” thì thật không thể chấp nhận được.

Lực lượng bảo vệ của Bệnh viện Thể thao Việt Nam (thuê công ty Việt Thắng - công ty bảo vệ chuyên nghiệp) chắc chắn có vấn đề. Có 6 bảo vệ nhưng để đối tượng được bảo vệ (người trong bệnh viện) bị đánh, bị làm nhục trong thời gian không ngắn thì năng lực bảo vệ của họ rất có vấn đề. Trích xuất camera có thể làm rõ trách nhiệm của ai nhưng đó là chuyện đã rồi...

Nhưng nhìn rộng hơn, năng lực ký kết hợp đồng (bảo vệ) của ban giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam có vấn đề. Và Sở Y tế Hà Nội, dù đã ra văn bản chấn chỉnh công tác an ninh, trật tự tại bệnh viện; nhưng liệu đã sát sao hay chưa khi văn bản vừa ráo mực ít lâu thì bác sĩ tiếp tục bị đánh. 

Vụ hành hung sau cao hơn vụ trước về mức độ xâm hại, làm nhục. Nghĩa là quy trình nhà nước có vấn đề kiểu "trên bảo, dưới không nghe" hay chỉ đạo thiếu hiệu quả?

Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

Và những quản lý cao cấp của ngành y tế cần xem lại rằng thực sự các bác sĩ, y tá hoàn toàn không có những sai sót hay chưa. Đã có không ít những sai sót của bác sĩ, y tá hay đôi khi đơn thuần chỉ là “cái thái độ” gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà của họ được phản ánh nhiều trên báo chí. 

Hiện tượng nhân viên ngành y tế câu kết với nhau và câu kết với ngành dược để nâng khống giá thuốc, đẩy người bệnh vào tâm thế điều trị đến... khốn cùng cũng không phải chưa từng bị phát hiện.

Các lãnh đạo ngành Y tế luôn có phòng riêng nên muốn hành hung họ không dễ. Chọn bác sĩ để hành hung cũng là một cách trút giận hay chăng?

Những báo cáo thành tích ngành y tế năm nào cũng giống năm nào có phải là căn nguyên? Và đến khi những bất cập xảy ra rồi thì người ta mới cuống quýt đi tìm cách bảo vệ các bác sĩ, y tá bằng những văn bản chỉ đạo. Chỉ biết “chống lại” mà không biết “phòng ngừa” cũng là một biểu hiện của sự điều hành yếu kém.

Chuyện bác sĩ đi “làm quan” các cấp quản lý mà bác sĩ Võ Xuân Sơn phải thốt lên: “Sao Bộ Y tế có nhiều bác sĩ thế?”. Đó là một sự lãng phí lớn nguồn lực khi bác sĩ không đi làm chuyên môn mà ngồi vào vị trí quản lý. Bác sĩ chỉ nên làm việc mà họ giỏi nhất: chuyên môn y khoa, thay vì “làm quan”.

Và tôi tin, đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành Y tế! Hơn nữa đôi khi, tôi tự hỏi có bao nhiêu bác sĩ nhớ lời thề Hippocrates (lời thề cam kết thực hiện đúng y luật mà sinh viên trường y nào cũng phải biết)?

Yêu thương và giận dữ

Rất nhiều trường hợp người nhà nạn nhân hành hung bác sĩ, y tá vì họ giận dữ với bác sĩ, y tá và yêu thương, lo lắng cho người thân. Nhưng tôi tự hỏi nếu mình là người thân của bác sĩ, y tá bị hành hung thì mình có giận dữ không? Chắc chắn có! Vì tôi luôn yêu thương người thân của mình.

Nhưng chưa bao giờ câu nói “lương y như từ mẫu” lại bị rẻ rúng như lúc này. Nếu nhìn từ chính nạn nhân - bác sĩ và y tá bị đánh và bị làm nhục; chắc chắn đau đớn và ê chề! Và người thân, đồng nghiệp của các bác sĩ, y tá bị hành hung, làm nhục trước đông người liệu có nên giận dữ hay không?

Nhưng điểm lại tất cả các vụ bác sĩ, y tá bị hành hung ngay tại bệnh viện mới thấy tất cả hung thủ đều hung hãn, manh động và cùng lý do là nhân danh sự an toàn của người nhà hung thủ (bệnh nhân đang điều trị). Yêu thương người thân không có nghĩa được quyền hành hung bác sĩ, y tá - những người đã tận lực chữa trị cho người thân của mình. 

Rộng hơn, yêu thương ai đó không đồng nghĩa với việc hành hung, vũ nhục người khác. Bạo lực vẫn xảy ra nghĩa là không có ai đặt mình vào vị trí người khác để lắng nghe, cảm thông và chia sẻ. Bạo lực trở thành cứu cánh duy nhất để các hung thủ “xả stress” khi ngôn từ đã bất lực.

Bạo lực có thể khiến một cuộc va quệt xe trở thành màn đấu võ. Bạo lực có thể khiến một ai đó mất mạng vì bị nghĩ là “nhìn đểu”. Bạo lực từ bệnh viện đến trường học, từ nhân viên cơ quan công quyền choảng nhau tét đầu đến những băng nhóm sẵn sàng dàn trận “lấy số”.

Bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đánh đến bất tỉnh khi đang đứng mổ.

Một xã hội bất an chính là một xã hội mà các thiết chế về luật pháp không đủ sức răn đe. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Mà một xã hội bất an thực sự khi các chuẩn mực đạo đức giữ sự cân bằng xã hội bị xâm hại hay tự băng hoại trong mỗi con người. 

Trước khi lao vào người khác một cách hung hãn, cần phải nhớ đó là đồng loại của mình. Điều này chính là lương tri của mỗi cá nhân, chính là sự tu dưỡng, chính là đạo đức mà mỗi cá nhân cần phải tự trang bị cho mình ngoài kiến thức, kỹ năng tiếp nhận từ sự giảng dạy tại nhà trường.

Chế tài nào cho vấn nạn hành hung bác sĩ?

Bệnh viện Thể thao Việt Nam liệu có phạt hợp đồng Công ty Việt Thắng - công ty bảo vệ đã không làm tròn trách nhiệm? Cần phải xem lại hợp đồng hai bên đã ký.

Kẻ hành hung và làm nhục các bác sĩ, y tá sẽ trả giá trước pháp luật, dù là bất kỳ ai. Nhưng có lẽ cần những chế tài đặc biệt hơn như cấm họ bước vào bệnh viện trừ trường hợp ốm đau, bệnh tật. “Chế tài “không cho thăm thân nhân” khi đến bệnh viện chính là chế tài đánh vào tâm lý nhanh nhất và mau chóng khuất phục những kẻ hung hãn nhất.

"Những người càng yêu thương người thân bao nhiêu và hung hãn với người khác bấy nhiêu buộc phải kiềm sự hung hãn của mình lại vì họ không muốn tự đánh mất cơ hội về sau” - một chuyên gia xã hội học đã khẳng định như vậy.

Tuy nhiên, có lẽ chế tài lớn hơn chính là... giáo dục, bởi trong tùy trường hợp cụ thể mà lựa chọn cách ứng xử phù hợp. Đó không phải là dạng kỹ năng sống mà là nguyên tắc sống cần được dạy dỗ, uốn nắn từ nhỏ. Nghĩa là câu chuyện bác sĩ bị hành hung của ngành y cũng có phần lỗi của ngành giáo dục. 

Có những bác sĩ đang ngồi nhầm vị trí khi chuyên môn không đủ tại các bệnh viện công. Nghĩa là có lỗi của cả công tác cán bộ, viên chức của cơ quan nhà nước.

Có những điều mà chúng ta nhìn vào như nhìn một khối cầu. Nơi gần ánh sáng sẽ sáng, nơi gần bóng tối sẽ tối, và sẽ có những nơi “ở hai miền tối sáng”...

Tôi xin kể lại câu chuyện của cá nhân mình, cha nuôi tôi là một bác sĩ ở Bình Dương. Ông làm việc cho đến khi về hưu trong sự quý mến, biết ơn của nhiều người. Suốt đời làm nghề y (có giai đoạn làm quản lý), ông đều chỉ đau đáu chuyện làm sao chăm sóc tốt cho bệnh nhân và cải cách các bất cập y tế trong mức độ mình quản lý. Họ hàng tôi có một anh ở Đồng Nai bị gãy xương quai xanh nhưng lại được băng ở... vai. 

Một tháng sau, đau quá anh mới lên Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện ra băng... sai chỗ. Phần xương gãy đã lành nhưng bị lệch, phải đập xương để băng bó lại. Nhìn từ câu chuyện của chính người thân của mình, tôi muốn viết nhưng tất cả đều ngại. Các tư liệu giữ lại chỉ để bản thân có một góc nhìn đa chiều hơn mà thôi.

Nên phải thừa nhận rằng, nhất thiết phải nhìn trực diện và đa chiều sẽ thấy rõ hơn sự việc và có thể càng trông thấy rõ lại càng đớn đau hơn... Nhưng không nhìn trực diện và đa chiều thì sẽ không thể đưa ra giải pháp nào. Vấn đề hành hung, làm nhục bác sĩ, y tá không chỉ cần nhà báo nhìn trực diện, đa chiều mà cần hơn chính là các cơ quan quản lý y tế. Vì họ không vô can khi người của ngành mình bị hành hung, làm nhục.

Mai Quốc Ấn
.
.