Bạc đắng lòng nhau, kỳ quá!

Thứ Ba, 13/03/2012, 11:30
Vụ án cũng đơn giản thôi, nhưng đọc xong, lại thấy lòng buồn bã vô hạn. Vẫn biết, con kiện cha, chồng kiện vợ, anh kiện em… hoặc con giết cha, cha giết con, con mưu sát mẹ, anh em hợp lực đuổi cha mẹ ra đường… đáng tiếc, đã không còn là chuyện quá cá biệt ở thời điểm hiện tại. Vẫn day dứt với câu hỏi không hồi đáp, một khi huyết thống nhạt nhòa, thì người ta bấu víu vào đâu để đòi lại niềm tin do chính mình đánh mất?

1. Cha nghèo, con cũng nghèo, cùng sinh sống ở một một xã vùng sâu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cha hay uống rượu, về đá thúng đụng nia. Lắm khi, dựng mẹ dậy bạt tai vài cái, co chân đạp một cái cật lực rồi nằm lăn ra giường ngủ. Con thấy hết, vừa giận vừa ức, mà không biết làm sao. Con cũng đã có gia đình.

Cơn say thường lệ, cha chân nam đá chân chiêu về nhà, bước nhanh về phía chuồng gà. Con gà mái vàng lông đang nằm ấp, thấy người sấn đến, vội vã xù lông, vươn cổ. Không nói không rằng, cha túm lấy con gà, thẳng tay quật xuống đất. Con gà mái chết tươi.

Cảm thấy chưa hả, cha bới tung ổ trứng, đập nát thêm 14 cái rồi bỏ đi. Con thấy hết mọi thứ, nhẫn nhịn.

Vài ngày sau, cha lại say, lại chuồng gà và thêm 4 cái trứng bị đập nát. Đến nước này, thì con cáu. Con bảo, cha uống rượu là việc của cha, cha say cũng là chuyện của cha. Mắc mớ gì mà cha về nhà phá tài sản của con cái.

Cha không trả lời, mở lồng đang nhốt con gà trống, bẻ gẫy một chân.

Chịu không thấu, con viết đơn gửi lên UBND xã, yêu cầu chính quyền địa phương buộc cha phải bồi thường thiệt hại vật chất cho con với số tiền là 700 nghìn đồng.

Cha phản ứng, thừa nhận có đập bể 4 quả trứng, còn 14 quả trứng lẫn 2 con gà trống mái như yêu cầu bồi thường của con là không có.

UBND xã đứng ra hòa giải, con kiên quyết không chịu. Con trần tình là kiện không phải với mục đích là đòi bồi thường. Mà kiện là nhằm cho cha tỉnh ngộ ra, chứ cha cứ uống rượu rồi về gây gổ trong nhà hoài, không ai chịu nổi.

Mẹ đứng về phía con trai. Mẹ tố cha hay đánh mẹ. Con cái khó khăn, vay đứng vay ngồi được mấy triệu đồng, nuôi được con bò với đàn gà xóa đói. Vậy mà cứ rượu vào, cha lại đòi chém bò, giết gà.

Xã hòa giải bất thành, đơn kiện được gửi lên Tòa án Nhân dân huyện. Tòa án Nhân dân huyện bối rối trước sự việc. Nhưng chiếu theo pháp luật, con có quyền kiện cha xâm hại tài sản của mình.

Đại diện của Tòa nói, thụ lý thì vẫn thụ lý theo luật quy định. Nhưng khuyên can cứ khuyên can, biết đâu cha con ngồi lại, thương thảo với nhau được thì sao.

Nóng giận mất khôn, cáu quá làm đại cho đỡ tức… chứ không lẽ chỉ có bấy nhiêu đó mà huyết thống dắt díu nhau ra tòa?

Con ấm ức lắm, con chứng kiến cha hành hung mẹ hoài. Nói thì không nói được, khuyên thì cha không nghe. Chỉ mong một lần cha ra Tòa, lấy pháp luật làm minh chứng để cha tỉnh ngộ ra. Chứ bấy lâu nay, cha con không hợp nhau, cạch mặt.

Tôi về nhà, kể chuyện này cho má tôi nghe. Má chỉ lắc lắc đầu, nói: “Kỳ quá”. Tôi thưa: “Má nghĩ trong chuyện này ai kỳ. Người con kỳ hay người cha kỳ?”. Má trả nói: “Người con kỳ. Ai đời lại đi kiện cha mình ra Tòa bao giờ”.

Tôi vẫn hay kể cho má mình nghe những câu chuyện mà tôi biết được, những vụ việc đau lòng mà tôi tiếp xúc do đặc tính nghề nghiệp. Bao giờ má tôi cũng kết thúc bằng câu: “Ai lại đi đối xử với người thân mình vậy. Kỳ quá”.

Ở quê tôi, ngay cạnh nhà có hai vợ chồng già. Người nhà quê mê tín dị đoan, con cái khó nuôi, đi xem bói, thầy phán kị tuổi cha. Lập tức trở về, con không gọi cha nữa mà gọi là chú. Gọi trại đi, để người khuất mặt khuất mày không để ý.

Cha nghe gọi chú cũng ngoác miệng cười. Dẫu rằng, danh xưng thiêng liêng mình không được thụ hưởng, nhưng đâu có sao, chỉ cần con khỏe là đã đủ vui.

Lấy chi tiết này, để đối chiếu với vụ kiện 18 quả trứng và 2 con gà. Biết là trách ai trong trường hợp ấy, khi mỗi gia đình là một câu chuyện riêng.

Cậu con trai út định mưu hại mẹ già ngay trước bàn thờ của bố.

2. Hôm rồi, đọc cái tin trên mạng, thấy bà khóc ở Tòa, xin Tòa giảm tội cho cậu con trai út, người cứ day dứt mãi. Chuyện bà buồn hiu.

Bà ra Tòa, cái áo mỏng tang hoa cũ, như cánh chuồn, kiểu áo mát của phụ nữ lớn tuổi vùng quê. Cậu con trai út của bà bị Tòa án Nhân dân tỉnh Long An tuyên phạt 14 năm tù giam về hành vi “Cố ý giết người”. Nạn nhân của hành vi ấy, chính là bà.

Bà là dân gốc miệt Đức Hòa, Long An. Nhiều tháng trước khi phiên Tòa diễn ra, tôi có tìm đến nhà bà. Bà tiếp tôi vẻ lạ lẫm, cho đến tận cái tuổi hơn 73, bà mới gặp nhà báo lần đầu.

Căn nhà nhỏ xíu, tường gạch. Phía chái bếp có cái chõng tre lên nước bóng loáng, trước nhà có cây rơm khô, ngay ngõ có bụi tre cong vút... Nếp nhà nền nã như những ngày xa xăm. Khi miền quê còn chưa bị lôi vào cuộc đô thị hóa một cách đầy bạo liệt mà không có cơ hội khước từ.

Hồi xa lắc, thuở con gái, bà ở nhà phụ mẹ ra đồng làm thuê cho thiên hạ. Lớn lên, lập gia đình, ông bà mưu sinh bằng nghề làm mướn. Đất nơi này ở thời điểm ấy cũng nhiều, vừa làm mướn vừa khai hoang, cắc củm tích góp, cũng có được cái nhà chui ra chui vào, trong bồ có thóc, ngoài sân có con gà, con heo. Nói giàu có thì đương nhiên không giàu, nói khá thì chắc chắn không khá, khép tròn lại chỉ vừa đủ ăn.

Bởi giàu sao được, khá sao được khi mà ông bà một nách có đến 12 người con, trai gái đủ cả. Trong những người con của mình, bà thương nhất là cậu con trai út.

Cậu út chưa kịp lớn, thì đùng đùng đòi nghỉ học. Nghỉ học đơn giản là bởi cậu út thích ra ruộng chăn trâu, đùa giỡn với bạn hơn con chữ.

Lớn xíu nữa, hòa vào dòng thanh niên rời quê tìm hy vọng ở phố thị, cậu út cương quyết lên Sài Gòn làm công nhân. Lương tháng ba cọc ba đồng, không đủ tiền cà phê thuốc lá. Hôm nào út về thăm bà, trước khi đi, bà đều dúi cho ít tiền tiêu vặt.

Cậu út làm công nhân được ít lâu, trở về quê, một hai đòi bà cưới vợ. Thời điểm ấy, cậu út hình như mới ngoài 20 tuổi. Ban đầu bà cũng chần chừ vì thấy cậu út trẻ quá. Nhưng cậu út làm mình làm mẩy hoài, bà đành chiều lòng. Với lại bà nghĩ, mấy anh chị cậu út yên bề gia thất hết rồi, giờ lo cho cậu út chuyện vợ con xong, bà sẽ được an hưởng tuổi già.

Bà có biết đâu, vận rủi đang rập rình ngoài ngõ.

Cưới nhau được ít lâu, vợ chồng cậu út sinh cho bà đứa cháu trai. Bà cưng như cưng trứng mỏng. Tiếp đến, họ sinh cho bà cô cháu gái. Cậu út bỏ vợ con ở nhà cho bà trông, lại lên Sài Gòn làm xí nghiệp.

Châu Đốc (An Giang) có ngày vía bà Chúa Xứ, đồn rằng linh nghiệm lắm. Cầu gì thành tâm, bà Chúa Xứ cũng sẽ thuận lòng ban phát. Thương con dâu ở nhà nuôi con hoài, bà đồng ý cho vợ cậu út dắt theo nhóc đầu lòng đi cùng chị chồng xuống Châu Đốc xem hội với người ta.

Chuyến đi ấy, những người thân yêu của bà đã không về với bà nữa. Tai nạn đò ngang, trònh trành sóng nước đã cướp đi cô con gái ruột, cô con dâu và đứa cháu nội của bà. Bà như phát điên sau biến cố ấy.

Đã hết đâu, cô con gái của vợ chồng cậu út, phát triển không bình thường như trẻ em cùng tuổi. Cứ khờ khờ khạo khạo, mấy cũng chỉ biết có nội.

Khi mà mồ của vợ cậu út chưa xanh cỏ, cậu út đùng đùng đòi cưới vợ mới. Bà gạt ngang, bà bảo mày làm vậy ai coi được. Vợ mày vừa mất chưa ấm đất mà.

Cậu út trả lời bà: “Thì tui nói vậy, chịu hay không là do má quyết định. Má không cưới con đó cho tui, tui tự tử chết, coi má sống với ai?”.

Bà muối mặt với láng giềng, trầu cau dạm ngõ cho cậu út thêm lần nữa. Cô con dâu ở cũng cạnh nhà bà thôi. Từ đó, bà buồn nhiều.

Mấy sào ruộng ngoài bưng nằm trong khu quy hoạch, bà được đền bù gần cả tỷ đồng. Chia hết cho mấy đứa con, bà để dành lại một ít phòng thân. Cô con gái thứ năm làm ăn khốn khó, tiền bà chia trả nợ hết, nhà cũng bán nốt để giao tiền cho người ta.

Thương con gái, bà gọi cô về, tính cắt cho mảnh đất trước sân, dựng nhà cho con gái ở. Cậu út không chịu, cậu út ngăn cản quyết liệt. Cậu út bảo, một mai bà chết, phần đất đó là của cậu út, cậu không cho phép bà làm điều đó.

Mặc, ý bà đã quyết, bà vẫn cứ làm. Cậu út giận nên lên kế hoạch mưu sát bà bằng cách, lừa bà lên nhà trên, nơi đặt hương án của chồng bà, của cha cậu út để chích điện cho bà chết.

May mắn sao, bà thoát chết. Cậu út bị bắt ngay lập tức. Dứt câu chuyện với tôi, bà bỗng dưng khóc thét, tôi ngồi lặng câm lạnh buốt hết phía sau đầu.

3. Bạn đọc có gọi cho tôi, bảo rằng, bài viết về vụ cha từ con, con phẫn uất đốt cha, tôi viết không tốt bằng những bài khác. Tôi trả lời, lẽ đơn giản nhất, là tôi không biết lý giải căn nguyên của cái ác trong vụ việc ấy như thế nào.

Cũng như, tôi không thể đưa ra lời giải hợp lý cho hành động chích điện mưu sát mẹ của cậu con trai út. Tại sao, nuông chiều nhiều sinh hư hỏng quen thói, hay ích kỷ khiến tâm trí bấn loạn. Tôi vẫn cho rằng, tiền bạc đất đai, công danh bổng lộc... tất tần tật mọi thứ đều không thể quy đổi với tình thân. Huống hồ gì là so sánh với huyết thống.

Con gà, quả trứng, phần đất để dành... có lớn hơn cái nheo mắt cười của bậc sinh thành, khi nhìn ngày qua, chứng kiến những đứa con lớn lên hay không?       

Hay tôi cũng bắt chước như má tôi, khi nói “dạo này, người ta sống với nhau kỳ quá!”

Kinh Hữu
.
.