Dưa hấu và nỗi buồn chờ giải cứu

Thứ Ba, 29/05/2018, 08:30
Tin tốt lành: Cuối cùng thì sau khoảng 10 ngày kêu gọi, gần 5.000 tấn dưa hấu của nông dân 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã được "giải cứu" thành công. Cái kết rất hậu. Nghĩa cử rất đẹp. Nhưng vẫn còn đau đáu câu hỏi: Bao giờ thì thôi giải cứu dưa hấu?


1. Trong trí nhớ của mình, tôi cho rằng cuộc "giải cứu' dưa hấu đúng nghĩa là vào tháng 4-2015. Đầu tháng 4 năm ấy, cơn lũ trái mùa đã khiến hàng trăm hộ dân trồng dưa ở 2 huyện Đại Lộc và Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) không kịp… trở tay với khoảng hàng trăm tấn dưa hấu đang sắp sửa thu hoạch.

Dưa hấu có đặc điểm, nhất là khi gần chín, nếu gặp mưa sẽ nứt toác ra. Nếu nông dân không hái vội, không bán vội, chắc chắn chỉ còn đường trút cho bò ăn! Cánh thương lái biết thế, nên hè nhau "đì" giá mua dưa của nông dân tại rẫy từ 4.000 đồng/kg xuống còn 1.000 đồng/kg. Với cái giá ấy, tất nhiên là nông dân mếu!

Những ngày mưa lũ hoành hành, tôi không trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường bởi cấn công việc khác. Nhưng đọc những dòng tin, nhìn những tấm ảnh mà anh em đồng nghiệp đăng tải, thấy mà thương. Mãi cho đến chiều ngày 12-4 năm đó, khi tham dự buổi lễ tổng kết việc bán dưa và trao tiền cho nông dân ở huyện Đại Lộc, tôi mới biết rằng nếu không có cuộc "giải cứu" dưa hấu của những người trẻ, thì không ít nông dân rơi vào cảnh trắng tay.

Dưa hấu rớt giá từ 6.500 đồng/kg xuống còn 1.200 đồng/kg khiến cho nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi dở khóc dở cười. Ảnh: Xuân Thọ.

Có người thậm chí phải lên phương án đi vay tiền để hoàn lại cho thương lái vì đã nhận tiền đặt cọc trước đó. Trước khi cơn lũ trái mùa kéo về, trên đôi môi họ là những nụ cười, trên khuôn mặt họ là những nét rạng rỡ, vì đó là một trong những năm hiếm hoi dưa hấu vừa được mùa, lại vừa được giá.

Nào ngờ, khi miếng ăn đã kề đến miệng thì… ông trời đã tước đi bằng những cơn mưa nặng hạt. Hệ quả tất yếu là những nông dân không lường trước được, đành đứt ruột nhìn dưa hấu bị nước cuốn đi, nổi lềnh bềnh trong tuyệt vọng.

Từ TP Hồ Chí Minh, những người con xa quê đọc tin tức thấy cái khổ của nông dân quê nhà, nên lên facebook rủ nhau "giải cứu" dưa hấu. Hôm ấy, "chủ xị" của nhóm "giải cứu" nói rằng chỉ có ý định bán 30 tấn dưa hấu giúp dân, nhưng không ngờ nghĩa cử ấy tạo hiệu ứng và lan tỏa rất mạnh nên chỉ sau 2 tuần, họ đã bán được 282 tấn dưa cho nông dân huyện Đại Lộc và Điện Bàn. Cộng thêm con số 147 tấn dưa của đợt tổng kết chiều 12-4, là có đến 429 tấn dưa được "giải cứu" với giá từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/ kg.

2. Nhớ không nhầm, đợt lũ ấy cũng khiến hàng trăm hộ dân trồng dưa Quảng Ngãi cũng rơi vào cảnh tương tự và cũng được "giải cứu" bằng cách thức như vậy. Trong bối cảnh ấy, đó là nghĩa cử cao đẹp, là hành động đầy nhân văn của xã hội mà phần lớn là người trẻ. Và rồi, qua mỗi năm, qua mỗi vụ dưa hấu (hay ớt, thanh long, hành tím) là thêm đợt "giải cứu" như vậy.

Và năm nay, kịch bản ấy được lặp lại khi mà theo tính toán của các cơ quan chức năng, có ít nhất gần 5.000 tấn dưa của nông dân 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đang cần được "giải cứu". Riêng huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), đã chiếm khoảng 3.000 tấn dưa.

Phía sau những thương lái gây nên cơn hoang mang cho nông dân trong những ngày qua, là cái tên rất quen thuộc: thị trường Trung Quốc. 

Trước lễ 30-4 và 1-5, cái giá mỗi kg dưa hấu mà thương lái thu mua là 6.500 đồng. Rồi thị trường Trung Quốc… dở chứng, thương lái gần như ngừng mua, khiến giá dưa hấu rớt thê thảm xuống còn 1.200 đồng/ kg.

Nông dân nói rằng, với giá đó, họ lỗ hàng chục triệu đồng mỗi sào đất trồng dưa. Họ cần giá dưa bán được là không dưới 4.000 đồng/ kg để chắc chắn là không bị lỗ và có được chút lãi. Nhưng cái nông dân cần chỉ có và kéo dài được vài ngày.

Rồi, dĩ nhiên, niềm vui ấy nhanh chóng nhường chỗ cho những lo âu. Khi giá bán tại rẫy chỉ 1.200 đồng/ kg, họ đã tự thuê xe để chở đi nơi khác bán với mong muốn có được cái giá tối thiểu 4.000 đồng/ kg. Nhưng rất ít người làm được điều đó.

Vậy là họ trông chờ vào những cuộc "giải cứu", như những cuộc giải cứu trước đây. Và lại một lần nữa, trên các trang mạng xã hội, mà chủ yếu là facebook, tràn ngập những lời kêu gọi "giải cứu" dưa hấu. 

Và trong lúc lúc nông dân chờ đợi, có nơi giá dưa giảm xuống còn 1.000 đồng/ kg! Và dĩ nhiên, nông dân là những người sốt ruột nhất, khi mà dưa của họ đã chín và miền Trung đang trong giai đoạn có mưa giông.

Với dưa đang chín, chỉ sau một cơn mưa giông ngắn ngủi, đủ làm tan biến chút hy vọng mong manh của người nông dân trong lúc chờ đợi được "giải cứu". Với những người tham gia giải cứu dưa hấu, họ cũng thừa hiểu được điều đấy, họ biết mình cần phải làm ngay những gì.

3. Nhưng sau vài năm cứ đến hẹn lại… "giải cứu" như thế, điều chúng ta quan tâm không còn là câu chuyện giải cứu dưa hấu nữa, mà đâu là giải pháp để không phải "giải cứu" dưa hấu mỗi năm như vậy? Sự đổ lỗi ban đầu được quy về… nông dân, điều ấy cũng không hoàn toàn oan uổng gì, vì chính nông dân thấy cái lợi trước mắt, đã ồ ạt mở rộng diện tích trồng dưa hấu.

Ông Võ Thanh Anh - Trưởng Phòng NN - PTNN huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) cho biết huyện này được quy hoạch 400 ha diện tích đất để trồng dưa hấu, nhưng những vụ trước thấy được, người dân đã ồ ạt mở rộng thêm diện tích trồng vượt quy hoạch đến gần 100 ha diện tích.

Nói như vậy, không có nghĩa là ngành nông nghiệp vô can trước thực tế hiện tại. Lẽ ra, những người trong ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ việc mở rộng diện tích trồng dưa. 

Có thể người nông dân không thấy hết cái hại của việc này, nhưng ở góc độ chuyên môn, lãnh đạo ngành nông nghiệp cần phải nhìn thấy và có biện pháp tuyên truyền hợp lý cho nông dân.

Thêm một điều nữa, là phần lớn nông dân không rành về thị trường tiêu thụ dưa của mình. Họ nói chỉ biết là thương lái mua để bán qua Trung Quốc, nhưng không biết rằng vụ dưa hấu này trùng với vụ dưa hấu mà nông dân Trung Quốc đang trồng. Bên đó trồng dưa, có nghĩa là sẽ không nhập dưa từ bên mình sang, dẫn đến ùn ứ và rớt giá thê thảm.

Nghĩa là để ra cơ sự như thế này, thì lỗi phần lớn thuộc về ngành nông nghiệp, họ không những giám sát nông dân về quy mô sản xuất, mà cần phải tư vấn cho nông dân hiểu về thị trường tiêu thụ. Chứ tù mù kiểu này, thì tin chắc một điều rằng, những ngày này năm tới, hay nhiều năm sau nữa sẽ vẫn tràn ngập những lời kêu gọi "giải cứu" dưa hấu như hiện tại.

Và chẳng lẽ ngành nông nghiệp lại gửi thư kêu gọi… "giải cứu" dưa hấu như cách ông Ngô Tấn - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam đã làm như vừa rồi?

Kêu gọi sự chung tay của xã hội, của cộng đồng luôn là điều tốt đẹp. Nhưng tốt đẹp nhất là những giải pháp căn cơ của ngành nông nghiệp, chứ không phải những lá thư kêu gọi giải cứu như của ông Tấn hay bất cứ vị lãnh đạo nào khác thuộc ngành quản lý nông nghiệp. 

Nên nhớ, thời điểm dưa hấu chờ và được “giải cứu”, ở rẫy của nông dân với giá từ 3000 đến 4.000 đồng/kg thì trong siêu thị, mỗi kg dưa hấu được bán từ 13.000 đến 24.000 đồng/kg.

Nên nhớ, không chỉ có dưa hấu, mà hầu nh tất cả các loại nông sản đều rơi vào hoàn cảnh tương tự mỗi kỳ thu hoạch. Như “giải cứu” thanh long ở Bình Thuận, “giải cứu” ớt ở Bình Định, bí đỏ ở Đắk Lắk... Và nên nhớ chúng ta đang có hàng loạt bộ ngành, đoàn thể, hiệp hội... để thúc đẩy, lưu thông hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng.

Thậm chí giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác giữa hai Bộ để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016-2020, nhưng đến nay, lời kêu gọi “giải cứu” vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng được kích hoạt mỗi khi đến mùa thu hoạch nông sản. Nên mới có lời vui rằng, chúng ta nên có ngành... giải cứu nông sản.

Vì cứ cứ giải cứu hoài như thế, thì buồn và lo nhiều hơn là sự hoan hỉ trên đôi môi những người tham gia giải cứu dưa hấu!

Lê Xuân Thọ
.
.