Bạo lực khi nào mới dừng lại?

Thứ Hai, 16/10/2017, 08:49
Vấn đề bạo lực, bạo hành không chỉ để bàn tới những người mặc trên mình những chiếc áo công vụ, những lớp vỏ ngoài trí thức, mà ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội cũng đều phải bị lên án... 

Anh Võ Trần Kiên (Hậu Giang), và một số bạn đọc: Thưa nhà báo, theo quan sát của chúng tôi thời gian qua, dường như xã hội ngày càng gia tăng cách đối xử với nhau bằng bạo lực. 

Mới cách đây ít ngày, một cô gái trẻ ở Nghệ An bị em gái của bạn trai và chính anh này uy hiếp, đánh đến chảy máu đầu, sau đó kẻ này còn tiếp tục đe dọa cô. Cô đã đưa hình ảnh và kêu cứu trên mạng xã hội. Trước đó là trường hợp ở Hải Dương một thanh niên đánh chấn thương sọ não bạn gái và cũng nhắn tin đe dọa không để yên như trường hợp cô gái ở Nghệ An vừa nêu.

Còn bao nhiêu cảnh bạn trai đánh đập người yêu, chồng đánh đập vợ, trẻ em bị bạo hành trong trường học, trong gia đình hay ngoài xã hội,… 

Rồi những cảnh đánh đập man rợ tràn lan khắp nơi: đánh những tên trộm chó đến chí mạng, đánh nhau giữa những người va chạm giao thông, y bác sỹ bị hành hung ngay trong bệnh viện, hoặc những cảnh đánh nhau của các cháu học sinh, hay xô xát giữa những người trong gia đình… Thưa nhà báo, chúng tôi thực sự hoảng hốt. Bạo lực khi nào mới dừng lại?

Nhà báo Tôn Minh: Thưa anh Võ Trần Kiên cùng các độc giả.

Quả thực câu hỏi của anh cũng như của đa số độc giả thực chất không phải là câu hỏi mà đó là một tiếng kêu đầy lo ngại. Tiếng kêu đau đớn và dường như bất lực trước những hành xử man rợ của người với người, ở mọi tầng lớp và mọi mặt trong xã hội chúng ta.

Tôi cũng rất sốc mỗi khi nghe những tin thế này. Tôi cũng tự vấn, rằng con người ta ở thế kỷ 21 rồi mà còn đối xử với nhau độc ác, tàn bạo và thậm chí là man rợ đến như vậy? Và nếu tất cả chúng ta đều coi những chuyện hay những con người hành xử như thế là bình thường thì đất nước chúng ta sẽ đi về đâu với xu hướng này? 

Những con người đầy bạo lực đó, với vai trò là một quốc dân, là những gương mặt của quốc gia, thậm chí nhiều kẻ còn có cơ hội để đứng vào hàng ngũ lãnh đạo, quản lý, vậy thì thử hỏi những kẻ ấy sẽ phá nát xã hội và sẽ dùng bạo lực để đối đãi với con người trong đất nước này như thế nào?

Tuy nhiên, vấn đề bạo lực, bạo hành không chỉ để bàn tới những người mặc trên mình những chiếc áo công vụ, những lớp vỏ ngoài trí thức, mà ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội cũng đều phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc. Điều đó mới chứng tỏ thân phận con người được đảm bảo và nhận thức (từ đó dẫn đến hành vi) mới thoát khỏi sự man rợ.

Những hình ảnh bạo lực tràn lan trên mạng.

Thưa anh Võ Trần Kiên cùng độc giả.

Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều vấn đề bạo lực (bạo hành) trong cuộc sống và rất nhiều lớp người phải chịu đựng nó.

Thứ nhất là phụ nữ.

Trong gia đình cũng như lề thói xã hội, rất nhiều người phụ nữ (cả ở nông thôn hay thành thị) đang hằng ngày bị chà đạp và đối xử bất công bằng muôn vàn những trói buộc và định kiến. Họ có thể bị đánh đập bởi người chồng hoặc bị bức ép bởi mẹ chồng, thậm chí cả bởi những người họ hàng bên chồng. 

Đặc biệt là chuyện đối nhân xử thế và ăn ở, họ bắt phải theo tập tục (thường là cổ hủ và nặng nề) phía nhà chồng. Nên đủ thứ nghĩa vụ đè lên đầu người đàn bà. Nếu không làm tròn những "bổn phận" đó thì họ đặt điều, phán xét đủ kiểu cho người phụ nữ. Họ chịu vô vàn những thứ lề thói và cả những bạo lực không chỉ về mặt tâm lý, ngôn từ mà còn là những tra áp trên thân thể bởi những người xung quanh. 

Và họ nhẫn nhục chịu đựng cho qua để yên ấm cửa nhà. Và sự nhẫn nhục nào cũng sẽ dung dưỡng cho thói côn đồ và hành động ngày càng tệ hơn của đám vũ phu.

Thứ hai là những đứa trẻ.

Chúng bị bạo lực và áp đặt ngay cả những ước mơ, định hướng nghề nghiệp, chuyện tình cảm và việc học hành. Ở nhà thì chịu sự áp đặt và đòi hỏi của cha mẹ. Và những người lớn không chịu trò chuyện hay tôn trọng những suy nghĩ của con cái, nói ra thì thường "mày biết gì mà nói" hay "lo học cho tốt đi" hoặc tệ hơn là chửi bới, thậm chí đánh đập bọn trẻ. 

Đến trường thì bọn trẻ phải trả bài, phải lo học thêm, phải lo nhận xét từ nhóm, hội, đội, đoàn, từ thầy cô, trường lớp… phải răm rắp nghe lời người dạy học, tuân theo đủ thứ quy tắc của hệ thống đào tạo.

Rõ ràng chúng ta đều đồng ý việc đi học phải tuân thủ những qui tắc nội quy và kỷ luật (nhất định hoặc tối thiểu) của nhà trường, nhưng nếu phương pháp giáo dục luôn ép bọn trẻ phải nghe theo những lời dạy (tự coi là luôn đúng) của thầy cô mà không cho chúng lên tiếng bày tỏ ý kiến độc lập, sẵn sàng đem ra kỷ luật nếu đưa ra quan điểm trái chiều, thì sẽ gây lo lắng và sợ hãi cho các em. Không đứa trẻ nào có thể khai phóng được mình để trở nên hữu ích trong một hệ thống đầy áp đặt và kìm hãm như thế.

Thứ ba là công chức viên chức và cán bộ.

Họ không có sự độc lập trong vị trí chức vụ nên răm rắp nghe theo mệnh lệnh cấp trên của hệ thống, cứ khi có chỉ thị hoặc lệnh của cấp trên là họ tìm mọi cách để hoàn thành, mà không cần tư duy hay có một cái nhìn độc lập phản biện tích cực. Họ có sẵn tâm lý né tránh nêu ý kiến và chọn cách phục tùng bởi nếu không sẽ chịu vô số trách nhiệm hoặc cả sự trù dập. 

Nếu trái ý tập thể hoặc có thái độ phản ứng với lãnh đạo cấp trên thì sẽ nhiều khả năng bị cô lập và sớm hay muộn cũng bị thay thế. Đây là một loại bạo lực quyền lực mà người ta cam chịu để có thể an thân hoặc tìm cách cơ hội để leo cao hơn nữa.

Thứ tư là những công dân đời thường.

Trong các mối quan hệ đời thường, khi có những xung đột hay mâu thuẫn cá nhân, gia đình, làng xóm, hoặc trong những hành xử trước những cái sai của người khác thì người ta lại thường dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc hoặc để trấn áp đối phương. Đây là những hành xử chúng ta thường thấy như trong các mối quan hệ của những người yêu nhau, giữa những người va chạm giao thông ngoài đường hay những người đánh đập những kẻ trộm cắp trước khi giao nộp cho chính quyền xét xử theo pháp luật. 

Và những điều này nếu không được cảnh báo và kể cả là có biện pháp xử lý thích đáng thì sẽ dẫn tới những hành xử bạo lực vô pháp và trở thành những hành xử mang tính được chấp nhận thì xã hội sẽ trở nên nguy hiểm bởi bạo lực tràn lan và ngang nhiên.

Chúng ta hãy nhớ rằng, bất cứ người nào khi sinh ra, họ đều có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự - Hiến pháp và pháp luật bảo hộ nghiêm ngặt những quyền cơ bản này của con người. Nên mọi hành động bạo lực, bạo hành đều là những hành vi phạm pháp, và nó phản ánh cả những nhận thức thấp kém của con người thực hiện nó.

Bởi vậy, vấn đề nhận thức là vấn đề lớn nhất hiện nay. Nếu mỗi người không nhận ra sự bất thường của những điều đang bủa vây chúng ta (ngày càng lan rộng và nghiêm trọng) thì chúng ta sẽ chỉ coi nó là trạng thái bình thường, và chúng ta sẽ sống vui vẻ với cuộc sống đó rồi tiếp tục lại sản sinh ra những thế hệ coi những thứ đó là bình thường. Vậy là đất nước, con người và xã hội ngày càng thụt lùi về nhận thức và sự phát triển đối với nhân loại.

Trở lại câu chuyện nhận thức về thân phận của người phụ nữ. Chúng ta hãy nhìn xung quanh và cùng đặt câu hỏi, có bao nhiêu phụ nữ là người yêu, là vợ của những gã đàn ông nhưng không khác con thú vẫn bị bạo hành hàng ngày mà chưa bị lộ bởi tính nhẫn nhục của phụ nữ Việt như là một niềm tự hào của họ để giữ yên ấm gia đình, làng xóm và lễ nghĩa? 

Bởi vậy, tất cả chúng ta đều cần tỏ thái độ, cần lên tiếng và đấu tranh. Hãy bắt đầu từ chính những nạn nhân. Những người là nạn nhân bạo hành hãy mạnh mẽ và can đảm. Hãy vượt qua những nỗi sợ hãi và mặc cảm tự ti hay sự nhẫn nhịn từ muôn đời để có thể ngẩng đầu, đứng dậy và tự bảo vệ mình một cách kiên cường nhất. 

Hãy mạnh dạn từ bỏ những gã đàn ông đó và làm đơn tố cáo họ ra pháp luật về tội làm nhục người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc kể cả là (đe dọa) giết người để xử lý nghiêm minh hành vi man rợ của họ để họ chừa thói côn đồ và hung hãn đó của mình, từ đó để họ biết cách học hỏi về sự tôn trọng thân thể, nhân phẩm của người khác - sự đòi hỏi tối thiểu của mọi đất nước nếu muốn văn minh.

Và để đạt được sự nghiêm minh đó, bắt buộc luật pháp và các cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm minh và rõ ràng. Muốn đạt được đích đến ấy, thì chẳng có cách nào khác là phải có một bộ máy nhà nước sạch, một chính quyền được tổ chức khoa học để kiểm soát và đối trọng lẫn nhau. Lúc đó thì muốn bạo hành cũng sẽ không còn ai dám nữa. Và con người biết tôn trọng nhau để sống an toàn.

Thưa anh Võ Trần Kiên cùng độc giả.

Điều quan trọng nhất cho sự tồn vong của một xã hội, đó là cái nền của văn hóa quốc gia. Thiếu đi văn hóa thì dân tộc bại hoại và suy vong vì con người sẽ không còn cái chuẩn của nhận thức để sống và làm việc nữa.

Bởi vậy cần phải xóa bỏ thứ văn hóa ám chứa đầy bạo lực lẫn dung tục và hủ lậu ở mọi mặt, ngay cả trong cách dùng ngôn từ, sự giao tiếp và văn chương, để gột rửa thân phận và tầm tư duy của mỗi con người cụ thể, nếu không thì khó thể nào đất nước trỗi mình mà lớn lên và thịnh vượng cho được.

Tôn Minh
.
.