Không chỉ là chính quyền

Thứ Sáu, 30/06/2017, 08:00
Việc tái chiếm vỉa hè không chỉ là lỗi của chính quyền. Nếu lỗi của chính quyền và các lực lượng chức năng 1 thì lỗi của nhân dân phải là 9. 

Ông Vũ Trung Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Kính thưa nhà báo, chiến dịch giải phóng vỉa hè vừa qua là chiến dịch có thể nói thành công nhất từ trước đến nay. Quả thực phải thừa nhận rằng: vỉa hè Hà Nội đã thông thoáng, sạch sẽ và nề nếp rất nhiều. Nó cho thấy những dấu hiệu tốt đẹp trong việc làm cho thủ đô Hà Nội sạch, đẹp và văn minh.

Thế nhưng, cho đến lúc này, việc tái chiếm vỉa hè đã thực sự trở thành nỗi lo ngại. Nhiều người lo lắng với câu hỏi, phải chăng chúng ta không thể làm được một cuộc cách mạng thay đổi những "thói hư tật xấu" của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng. Thưa nhà báo, liệu chúng ta có tiếp tục thực hiện một cách trọn vẹn chiến dịch giải phóng vỉa hè không? Và nếu không thì vì lý do gì?

Vỉa hè Hà Nội.

Nhà báo Minh Đức: Kính thưa ông Vũ Trung Thành, vấn đề ông đưa ra cũng là vấn đề mà lãnh đạo thành phố đã bàn đến và quyết tâm thực hiện thật triệt để chiến dịch giải phóng vỉa hè Hà Nội.

Việc giải phóng vỉa hè là việc lãnh đạo và nhân dân thủ đô phải làm, cùng làm và làm cho bằng được. Đó không chỉ là làm cho thủ đô trở nên sạch đẹp, thông thoáng, văn minh, trả lại phần đường đi bộ cho người dân mà là một thử thách đối với ý thức sống của chúng ta trong sự nghiệp văn minh hóa đất nước.

Có quá nhiều công việc tưởng rất nhỏ mà đất nước chúng ta phải bắt đầu cho một thời đại mới. Nếu chúng ta không bắt đầu từ những việc nhỏ ấy và không thực hiện được những việc nhỏ ấy thì những việc khác để đất nước thực sự trở thành một đất nước công nghiệp và hiện đại sẽ vô cùng khó khăn.

Một vấn đề được cả chính quyền và người dân đặt ra từ khi chiến dịch giải phóng vỉa hè bắt đầu cho tới bây giờ là, giải phóng vỉa hè thì phương tiện ôtô, xe máy của người dân sẽ để đâu? Giải phóng vỉa hè thì những gia đình mưu sinh nhờ vỉa hè sẽ sống bằng cách nào? Đó thực sự là những câu hỏi chính đáng mà lãnh đạo thành phố phải tìm bằng được câu trả lời.

Nhưng không thể là câu trả lời như một số người rằng cứ để vỉa hè Hà Nội như cũ để có chỗ cho người dân đỗ ôtô, xe máy, để cho người dân còn có chỗ mưu sinh vì Hà Nội vốn là thế. Nhưng tôi thấy đó là quan điểm lạc hậu và không có tư tưởng. Nếu chúng ta không làm được việc giải phóng vỉa hè lần này, tôi nghĩ, thì không biết bao giờ chúng ta mới lại làm được lần nữa.

Chiến dịch giải phóng vỉa hè đã đạt được nhiều kết quả...

Đến lúc đó, việc chấp hành của người dân thủ đô có thể giống như một con bệnh nhờn thuốc khi lần điều trị thứ nhất không dứt điểm. Mới đây, chủ trương sẽ bỏ xe máy ở Hà Nội vào năm 2030 đã bị không ít người phản ứng và cho rằng khó có thể thực hiện được. Có người còn nói không bao giờ Hà Nội dẹp được xe máy. Điều đó không có lý.

Hiện thực ở Trung Quốc có không ít thành phố đã bỏ được xe máy trong lộ trình từ 10 đến 20 năm. Nhìn những bức ảnh tư liệu về xe máy của những thành phố khá lớn của Trung Quốc trước kia không ai nghĩ chỉ sau hơn 10 năm họ đã thực hiện được việc bỏ xe máy. Người ta làm được sao mình không làm được? Không có một lý do gì đổ lỗi cho việc chúng ta không làm được những việc như giải phóng vỉa hè.

Việc giải phóng vỉa hè Hà Nội không phải là một chiến dịch vô thời hạn. Không thể cứ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác các lực lượng chức năng cứ sáng sáng lại người xe rầm rộ ra đường. Rồi sau đó đâu lại vào đấy. 

Qua chiến dịch giải phóng vỉa hè lần này phải thừa nhận rằng chính quyền và các lực lượng chức năng đã quyết tâm rất cao. Tôi nghĩ, việc tái chiếm vỉa hè không chỉ là lỗi của chính quyền.

Theo quan sát của tôi, nếu lỗi của chính quyền và các lực lượng chức năng 1 thì lỗi của nhân dân phải là 9. Chủ trương đã rõ, chỉ dẫn đã rõ nhưng số đông người dân vẫn chấp hành các quy định của thành phố một cách không tự giác và đầy tính đối phó. Người dân ở đây là ai? Là tất cả những người sống trong thành phố này. Người bán hàng tái chiếm vỉa hè, người có xe hơi tái chiếm vỉa hè, người sử dụng xe máy tái chiếm vỉa hè...

Điều này cho thấy, chính những cán bộ, công chức của thành phố và các cơ quan trung ương vẫn tham gia vào việc tái chiếm vỉa hè. Như vậy, hỏi cho đến bao giờ chúng ta có thể thực hiện được việc giải phóng vỉa hè một cách triệt để. Cũng như nạn phá rừng, đổ rác thải ra sông, hồ... Chính quyền không thể có đủ lực lượng và ngân sách để "phủ" kín các địa bàn cần bảo vệ.

Một chính sách đúng chỉ có thể đúng trọn vẹn khi chính quyền và người dân cùng thực thi chính sách đó một cách có ý thức và trách nhiệm nhất. Nhưng cho dù xấu hổ tôi vẫn phải nói rằng người dân và đặc biệt người dân thủ đô quả là ý thức và trách nhiệm rất kém và thiếu lòng tự trọng. 

...trong việc mang lại hình ảnh tốt đẹp cho Thủ đô.

Khi người dân có ý thức và trách nhiệm thì chính họ mới là lực lượng quan trọng nhất trong việc giải tỏa vỉa hè nói riêng và gìn giữ những vẻ đẹp và nếp sống văn minh của thủ đô một cách có hiệu lực nhất.

Thế nhưng, nói đi thì phải nói lại, chính quyền thủ đô và các lực lượng chức năng trong việc này cần "ra tay" một cách thật quyết liệt. Chúng ta làm vì sự tiến bộ và vì chính thủ đô, cho người thủ đô nên sự phản ứng của một số ít nào đó không thể cản trở việc thực thi luật pháp của chúng ta được.

Kính thưa ông Vũ Trung Thành, đô thị của chúng ta hầu hết quá lạc hậu và lộn xộn so với đô thị của các nước trên thế giới. Câu hỏi "liệu chúng ta có tiếp tục thực hiện một cách trọn vẹn chiến dịch giải phóng vỉa hè không?" của ông nghe thật đơn giản và rất ngạc nhiên đối với người nước ngoài. 

Thế nhưng đó lại là một câu hỏi rất thực tế và không hề nhỏ, không hề đơn giản đối với ý thức và trách nhiệm cũng như thói quen sống lâu nay của người dân thủ đô.

Bây giờ, có lẽ đến lúc không chỉ chính quyền ra quyết định và kêu gọi người dân thực hiện chiến dịch làm xanh, sạch, đẹp thủ đô mà cụ thể một trong những hành động ấy là làm gọn, đẹp vỉa hè mà chính người dân bắt đầu phải lên tiếng. Trong văn hóa Việt có một điểm rất thú vị là đôi khi người ta không sợ hay xấu hổ về việc họ vi phạm luật pháp mà lại xấu hổ trước "láng giềng hàng xóm" với nhau.

Chính vậy mà mỗi người dân thủ đô hãy cùng nhau lên tiếng về việc chấp hành những qui định của chính quyền thành phố để làm cho Hà Nội thực sự là một thủ đô của văn hóa và văn minh.

M. Đức
.
.