Nỗi buồn ba sinh

Thứ Hai, 05/06/2017, 06:34
Tôi đọc cổ văn thấy có luận, phải có nợ nần ba kiếp trước thì kiếp này mới đặng thành chồng thành vợ. Thêm nữa là trong các loại duyên, thì duyên vợ chồng vẫn là duyên mỹ mãn nhất, vẹn toàn nhất.

Nhưng đằng đẵng tháng trước rồi tháng này, có hai câu chuyện hiện hữu trên truyền thông liên quan đến mâu thuẫn vợ chồng đều để lại những dư chấn buồn rười rượi.

Nói gì thì nói, làm gì thì làm, chứ người vốn quen hơi, ngực quen lưng ấm, người vì mình mà cho mình những đứa con, cho mình niềm hạnh phúc làm bố, cho mình biết thế nào là trách nhiệm thì làm sao mình nỡ oán ghét cho đành.

1. Lâu rồi, tôi không viết chuyên mục này, chỉ tổ chức làm trang theo phân công của lãnh đạo Ban Biên tập, nhiều năm viết ký sự pháp đình rồi câu chuyện pháp luật, tôi vẫn không thoát được nỗi hiu hắt mỗi lúc kể dứt một câu chuyện hay một tình huống nào đấy, tính tôi vốn dĩ rất dễ buồn. Nhưng rồi cũng phải viết thôi, vì có những điều tôi tin rằng cần được chia sẻ để lòng nhẹ hơn.

Tháng trước, tôi đọc trên báo về vụ trọng án ở tỉnh Quảng Ngãi. Người đàn ông có tên Trần Thái Phúc, 43 tuổi ngụ Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đến Công an huyện Sơn Tịnh để đầu thú về hành vi giết người; nạn nhân của Phúc chính là vợ của Phúc, chị 34 tuổi.

Phúc khai tại cơ quan điều tra, vợ chồng Phúc cùng hai con rời quê mưu sinh ở Sài Gòn. Dịp Tết rồi gia đình về quê đón Tết, ngày lẽ ra ấm êm thì phát sinh mâu thuẫn, Phúc dùng thanh sắt tấn công rồi bóp cổ vợ. Phát hiện vợ tử vong, Phúc bỏ thi thể vợ vào bồn nước xây bằng xi măng mà người dân địa phương hay gọi là "bi nước", dùng cát và xi-măng trám bịt kín lại. Sau vài tháng dằn vặt, Phúc đến cơ cơ quan công an đầu thú.

Những ngày đầu tháng Năm, Nguyễn Trung Hoàng (38 tuổi) đến cơ quan công an huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu thú cũng về hành vi giết người. Và cũng không khác Trần Thái Phúc, nạn nhân của Hoàng là vợ của Hoàng.

Vụ án đã diễn ra từ mấy năm trước, vào tháng 8-2012. Hoàng với vợ cãi vã, cao trào của cuộc chiến ngôn từ là vợ Hoàng dùng thanh củi tấn công Hoàng. Hoàng giật được thanh củi đánh lại, vợ Hoàng tử vong. Sau khi vợ tử vong, người đàn ông này phi tang thi thể vợ bằng cách bỏ xuống hầm cầu nhà vệ sinh.

Chuyện tưởng chừng như chỉ diễn ra trong các bộ phim kinh dị lại có thể xảy ra trong đời sống thực.

Một người tự dưng biến mất bặt vô âm tín chưa bao giờ là một chuyện nhỏ, nên gia đình bên vợ chất vấn Hoàng liên tục, hàng xóm cũng hỏi Hoàng về sự mất tích của vợ Hoàng liên tục, thậm chí gia đình vợ Hoàng còn báo sự việc vợ Hoàng mất tích đến cơ quan công an. Mặc, Hoàng vẫn một mực loan tin, vợ Hoàng bỏ nhà theo nhân tình. Khổ thân  người phụ nữ ấy, thi thể vốn không lành lặn, lại còn chịu tiếng oan khiên.

Nguyễn Trung Hoàng tại cơ quan Công an.

Hoàng khai tại cơ quan điều tra khi đầu thú, mâu thuẫn của vợ chồng Hoàng xảy ra là do Hoàng nghi ngờ vợ Hoàng có người đàn ông khác. Chẳng có chứng cứ gì đâu, thấy nghi ngờ thì ghen thôi. Mỗi lần ghen là một lần cãi vã, mỗi lần cãi vã là một lần động tay động chân. Cứ như vậy kéo dài cho đến lúc bi kịch đánh mùi thấy cơ hội để ập vào.

Tổ chức khai quật, khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Công an thu giữ đủ hung khí tang vật của vụ án, chỉ là thi thể của vợ Hoàng sau chừng ấy năm bị vùi dưới hầm vệ sinh đã không còn nguyên vẹn. Chi tiết này, hình ảnh này thật sự vô cùng ám ảnh.

2. Từ tán tỉnh đến yêu thương nhau là một quãng đường dài, từ yêu thương nhau đến thành vợ thành chồng là còn dài hơn nữa, dài đến mức mà đường xa thăm thẳm, như mấy ông nhạc sĩ thi sĩ hay nỉ non về duyên phận không thành vậy. Có yêu thương nhau đủ đầy, có duyên phận đủ đầy thì mới ngày lành tháng tốt chiếu hồng áo hoa nên giai ngẫu.

Vợ chồng nào không có mâu thuẫn, đến bạn bè lâu lắc mới gặp còn phát sinh chuyện này chuyện kia, huống gì người ở cùng một nhà sớm tối gặp mặt. Rồi thành vợ thành chồng còn giữ ý tứ gì nữa đâu, mình có sao sống vậy, nhất là vợ chồng kiểu Á Đông như nước mình.

Xưa còn yêu đương thì xuất hiện trước mặt nhau bao giờ cũng bặt thiệp, không nói được lời hoa mỹ thì cũng nói lời ưa nghe, không hào hoa phong nhã thì cũng rất mực đàng hoàng. Rồi chiều chuộng, rồi đón đưa, rồi thề non hẹn biển. Về chung một nhà hệt như ngày vui qua mau, cả ngày xoay mòng với bài toán cơm áo gạo tiền, rồi nợ đòi con bệnh, rồi va chạm từ chuyện bé đến chuyện lớn, không giải tỏa được thì cứ tích tụ lâu dần như đốm lửa luôn ngún tàn âm ỉ, chỉ chờ bùng phát mà thiêu rụi tất cả.

Trần Thái Phúc chỉ nơi phi tang thi thể của vợ.

Câu chuyện của tháng Tư, câu chuyện của tháng Năm mà tôi vừa kể, chắc không nằm ngoài cái chuỗi quẩn quanh ấy.

Bi kịch trong một gia đình không chỉ là bi kịch của riêng cá nhân chồng hay vợ, hoặc không chỉ gói gọn với người thân hai bên nội ngoại, mà cá nhân chịu đớn đau nhiều nhất chính là những người con.

Mấy năm trước, tôi có theo tìm hiểu viết bài về một vụ việc ở một huyện tại TP HCM. Cái vụ việc này có thể gọi là tận cùng của bi kịch gia đình.

Anh chồng làm nghề tài xế, trước hiền lành lắm. Về sau không hiểu sao cứ chén chú chén anh suốt ngày, rồi nợ nần quán xá. Vợ làm công việc lặt vặt, tiền bạc bữa có bữa không. Chồng lên cơn thèm rượu gọi quanh bạn bè không có ai mời lại về nhà moi tiền vợ. Vợ có tiền thì đưa, không có tiền thì bị đánh.

Cậu con trai đang là sinh viên một trường cao đẳng, vốn là niềm hy vọng lớn nhất của hai đàng nội ngoại chứng kiến cảnh mẹ mình bị bố đánh suốt ngày đâm ra phẫn uất. Một hôm, chồng đòi tiền vợ không được lại đánh, lần ấy đánh rất nhiều. Cậu con trai không kìm chế được nữa bèn đợi bố ngủ say, nối một đầu dây điện vào người bố còn đầu kia cắm vào ổ điện. Bố tử vong, mẹ đưa con đến cơ quan công an đầu thú.

Bà nội lớn tuổi rồi, chạy ăn từng bữa, thương cháu khóc quá muốn lòa. Tháng nào cũng lặn lội đến trại giam thăm cháu, thằng cháu gia bảo, thằng cháu đích tôn chống gậy mà nội thương hết mực. Còn mẹ thì phút chốc lâm vào cảnh mất trắng, mất từ chồng đến con.

Tôi nhớ là tòa ban đầu tuyên án tử hình vì không chấp nhận được chuyện thương luân bại lý, thập đại bất hiếu là con sát hại cha. Bà nội với mẹ suốt ngày gửi đơn hết chỗ này đến chỗ kia để trình bày, để mong giảm án cho con cho cháu. Mãi ở phiên phúc thẩm, xét nhiều yếu tố tăng nặng giảm nhẹ, tòa tuyên còn chung thân.

Ngày con nhận án chung thân, mẹ mừng nước mắt đẫm mặt. Còn nội ngồi nước mắt đỏ hoe, nội cũng không cần gì nhiều chỉ cần mỗi tháng còn được gặp mặt cháu là mãn nguyện rồi. Còn ông con trai, nội thôi không nghĩ đến nữa, nội thương con dâu mấy lần nói không ở được thì ly dị đi, con dâu vẫn quyến luyến chồng cứ châm chế mãi thành ra cơ sự nát tan thế này.

Đa phần những bi kịch vợ chồng mà tôi từng biết đều có mâu thuẫn từ những cơn ghen, vợ ghen chồng cũng là một loại bi kịch mà chồng ghen vợ lại càng là một loại bi kịch của bi kịch.

Phụ nữ mà ghen thì lấy nước mắt giải tỏa, đàn ông ghen toàn lấy tay chân ra nói chuyện. Một kiểu ích kỷ chỉ nhằm giải tỏa cảm xúc cá nhân, còn lại mọi chuyện đến đâu thì mặc kệ.

Như hồi năm ngoái, ở huyện Bình Chánh (TP HCM), cậu thanh niên 25 tuổi có tên Nguyễn Đình Đăng ngụ tại Nghệ An ghen vợ lằng nhằng với người khác. Vợ trẻ măng, 22 tuổi. Đầu tiên vợ còn nhẫn nhịn giải thích, càng giải thích chồng càng lớn tiếng. Chịu trời không thấu, vợ cãi lại. Dường như chỉ chờ có vậy, chồng dùng dao tấn công vợ. Khi vợ gục xuống cũng là lúc chồng bị bắt.

3. Thật ra thì mỗi người đàn ông trong cõi đời này đều nợ hơn một người phụ nữ, đầu tiên là nợ cơn đau của mẹ, kế đến may mắn thì nợ vết rạn da bụng của vợ, nợ cả năm tháng thanh xuân của nữ nhân này đã vì mình mà cùng nhau gầy dựng một ấm êm.

Như trong một đoản văn của mình tôi từng viết, " Đàn ông khi khí vận đương tốt, thích nghe tán tụng và chuộng sự kiêu hãnh. Ra đường luôn chứng tỏ là người quan trọng, về nhà luôn xác tín là người oai hùng. Thế nhưng, đàn ông vận khí suy kiệt, cứ như trẻ con lạc mẹ chốn chợ đông. Ba câu là khóc, năm câu là nước mắt chảy tràn mặt. Thật đáng thương vô cùng.

Trong khoảng chừng run rủi của phần số ấy, đàn ông khao khát được nhìn thấy nụ cười của người đàn bà mà người đàn ông đã chọn làm người phối ngẫu đến dường nào. Đáng tiếc, đàn ông khi vui thường quên mất lúc sẽ thôi, đàn ông khi hào sảng sẽ quên mất lúc đơn côi. Vô tình hay hữu ý, mà đàn ông đã có lúc quên đi người đàn bà vẫn đang ngóng chờ đàn ông sau cánh cửa, người đàn bà gọi người đàn ông là chồng, đàn ông đáp từ bằng danh xưng vợ. 

Đàn bà mà đàn ông gọi là vợ, tôi vẫn nghĩ, như là bếp lửa duy nhất trong đời. Bếp lửa có lúc đượm, có lúc âm ỉ chờ hun thổi, nhưng đó là bếp lửa không thể thay thế. Chỉ là trong lúc vội vã, lại thoắt chốc quên đi. Chứ tỉnh ra, thì đó vẫn là bếp lửa quan trọng nhất, bếp lửa của đời người.

Thế nên, đời lắm lúc tưởng đã tận khổ nhưng vẫn chưa tận khổ. Vì may mắn vẫn còn giữ được bếp lửa của đời mình, là đã xem như được may mắn ủi an kiếp này rồi".

Vợ mình thì mình thương thôi, hơn thua thì ngoài ngõ, chứ ai lại nỡ đành đoạn nhẫn tâm với người phụ nữ của đời mình bao giờ.

Kinh Hữu
.
.