Cuộc đua tàu ngầm ở châu Á

Thứ Hai, 17/04/2017, 10:00
Ở vào thời điểm diễn ra những tranh cãi chủ quyền quyết liệt ở biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như nỗi lo Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, các nước châu Á đang dần có những động thái cạnh tranh mua sắm tàu ngầm.

Theo báo cáo gần đây của tổ chức Tình báo Phòng vệ Chiến lược (DSI), châu Á dẫn đầu thế giới về mức tăng chi tiêu quốc phòng, trong đó đứng đầu là khoản chi để mua tàu ngầm. Các nhà phân tích của DSI cho biết, thị trường tàu ngầm châu Á hiện có giá trị khoảng 7 tỉ USD nhưng sẽ tăng lên 11 tỉ USD trước năm 2025.

Điều này có nghĩa châu Á sẽ vượt mặt châu Âu để trở thành thị trường tàu ngầm lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Không thể phủ nhận rằng, đang có một cuộc chạy đua tàu ngầm trong khu vực và các nước nhỏ sẽ tiếp tục cải thiện khả năng tàu ngầm của mình để đối phó với sự trỗi dậy của các nước khác đầy tham vọng thống trị. 

Tuy nhiên, hải quân các nước cần vượt qua một số thách thức như tài chính, kỹ thuật hay nhân lực liên quan đến vấn đề mua sắm và vận hành tàu ngầm, bởi lẽ không phải cứ sở hữu tàu ngầm là nắm vững nghệ thuật chiến tranh dưới nước.

Đề phòng Trung Quốc

Từng là loại vũ khí bị lãng quên sau Chiến tranh Lạnh, tàu ngầm đang trỗi dậy trở thành vũ khí chiến lược đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Lướt lặng lẽ dưới đáy đại dương, những tàu ngầm tấn công thầm lặng theo dõi các mục tiêu, sẵn sàng tấn công bằng ngư lôi hoặc tên lửa. Giờ đây, cơn sốt tàu ngầm đang lan tỏa ở nhiều quốc gia châu Á khi quân đội đang nỗ lực phát triển công nghệ tàu ngầm, tìm mua và triển khai chúng hoạt động dưới nước.

Lý giải về cuộc chạy đua này, giới quan sát cho rằng bất kì một quốc gia nào cũng nhận ra ngay cả tàu mặt nước tối tân nhất cũng không hoàn toàn tránh được những tên lửa chống hạm.

Một trong những công nghệ chống tàu ngầm nổi bật liên quan đến các thiết bị sonar sử dụng sóng âm để dò tìm tàu ngầm.

Do vậy, họ đua nhau phát triển năng lực tấn công từ dưới nước, song song đó là những hoạt động phòng thủ. Ngoài năng lực tấn công, các tàu ngầm cũng là những căn cứ để thu thập tình báo, xây dựng dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí quan sát những diễn biến trên mặt đất.

Cuộc chạy đua mua sắm tàu ngầm tỏ ra quyết liệt hơn ở châu Á xuất phát từ lo ngại Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự nhanh chóng. Trung Quốc đã thiết lập chuỗi năng lực phòng thủ trên biển và hệ thống phòng không tinh vi, đồng thời nỗ lực xây dựng hạm đội tàu ngầm tấn công.

Hiện nay, Trung Quốc sở hữu 69 tàu ngầm với nhiều chủng loại, từ loại thông thường đến loại chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài 12 tàu ngầm lớp Kilo được mua từ Nga, các lớp tàu ngầm còn lại đều được Trung Quốc tự phát triển trên cơ sở sao chép công nghệ nước ngoài. Các tàu ngầm này có thể áp dụng chiến thuật bầy sói, tức là nhiều tàu tấn công cùng lúc một mục tiêu.

Trước yêu sách chủ quyền vô lý và các động thái hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, nhiều quốc gia đã tăng cường năng lực quân sự bằng các hợp đồng mua sắm tàu ngầm mới. Indonesia đã lên kế hoạch nâng số lượng tàu ngầm trong hạm đội lên 7 chiếc. Jakarta tuyên bố sẽ triển khai một số tàu ngầm cùng chiến đấu cơ đến căn cứ ở quần đảo Natuna, nơi lực lượng chấp pháp Indonesia thường xuyên va chạm với tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản đang tìm kiếm vũ khí của nước ngoài để trang bị cho các tàu ngầm lớp Soryu, đồng thời dự định tăng hạm đội từ 18 lên 22 tàu ngầm chạy diesel vào năm 2018.

Bất chấp sự phát triển ngày càng tinh vi, hiện đại của các loại vũ khí và phương tiện chống ngầm, tàu ngầm vẫn nằm trong sự lựa chọn của nhiều quốc gia ven biển trong chiến lược quốc phòng. Lo ngại Trung Quốc có thể mở rộng hoạt động ra Ấn Độ Dương, chính phủ Ấn Độ mới đây công bố kế hoạch đầy tham vọng chế tạo 24 tàu ngầm trong vòng 30 năm tiếp theo, nhằm cạnh tranh sức mạnh trên biển với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Australia cũng ký hợp đồng trị giá 38 tỷ USD với nhà thầu DCNS để chế tạo tàu ngầm hiện đại Shortfin Carracuda cho hải quân nước này. Dựa trên thiết kế mẫu tàu ngầm hạt nhân mới lớp Scorpene của Pháp, tàu ngầm này được thay thế lò phản ứng hạt nhân bằng động cơ diesel - điện, trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu của Mỹ, giúp Australia có thể phát huy sức mạnh ra xa trên vùng biển phía bắc.

Kilo là một trong những loại tàu ngầm êm nhất thế giới, được mệnh danh là "hố đen đại dương", có thể hoạt động gần như tàng hình.

Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các trạm radar mạnh trên các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông và dọc bờ biển của mình, theo dõi các tàu chiến Mỹ, Nhật Bản và các nước khác tuần tra Tây Thái Bình Dương. Các vệ tinh hiện đại của Trung Quốc cũng có khả năng xác định vị trí tàu chiến các nước hoạt động trên biển, có thể dễ dàng chỉ thị mục tiêu cho các khẩu đội tên lửa diệt hạm bố trí cách đó hàng trăm km.

Các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương khó có thể làm được gì với những trạm radar và khẩu đội tên lửa Trung Quốc bố trí trên biển Đông, cũng như những hạm đội tàu chiến, máy bay ngày càng lớn của Bắc Kinh, nhưng họ có thể sử dụng tàu ngầm để luồn sâu qua các hàng rào phòng thủ đó.

Lý do là dù Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp các vũ khí hiện đại như chiến đấu cơ hay tàu tên lửa, khả năng tác chiến chống ngầm của nước này vẫn còn tụt hậu khá xa. Chính điều đó đã mở ra một hướng đi chiến thuật cho các đối thủ nếu xung đột nổ ra.

Cải tiến công nghệ

Những phản ứng quyết liệt cho thấy tàu ngầm đóng một vai trò trung tâm trong cuộc chạy đua hiện đại hóa lực lượng vũ trang của các nước châu Á - Thái Bình Dương. Chi tiêu quân sự của các nước châu Á đã tăng 5,4% trong giai đoạn 2014-2015, gấp 5 lần mức trung bình của thế giới, và các hợp đồng mua sắm tàu ngầm lớn đã góp phần không nhỏ cho con số này.

Tàu ngầm là một trong số ít loại vũ khí mà các nước này có thể dùng để phát đi một thông điệp tới Trung Quốc, rằng họ sẽ không chịu khoanh tay ngồi yên nếu Bắc Kinh áp đặt lợi ích bằng biện pháp đe dọa và các hành động đơn phương trong khu vực, đặc biệt là trên biển Đông.

Việc các nước tăng cường các biện pháp chống tàu ngầm cũng dễ hiểu khi châu Á đang chứng kiến một cuộc đua tàu ngầm. Không chỉ chạy đua về lượng, các nước đang hướng đến những chủng loại tàu ngầm hoạt động cực êm. Những lớp tàu ngầm như Kilo của Nga, Archer của Thụy Điển hay Scorpene do Pháp sản xuất đều nằm trong đơn đặt hàng của các nước.

Trung Quốc đang trỗi lên với nhiều tham vọng gia tăng sức mạnh hải quân, mở rộng căn cứ quân sự và bổ sung thêm tàu ngầm.

Kilo là một trong những loại tàu ngầm êm nhất thế giới, được mệnh danh là "hố đen đại dương", có thể hoạt động gần như tàng hình và được trang bị ngư lôi tầm ngắn cùng tên lửa diệt hạm có tầm bắn hơn 300 km. Nó có thể buộc Trung Quốc phải cân nhắc rất kỹ trước khi có những hành động ngang ngược hơn trên biển, theo các chuyên gia quân sự.

Trung Quốc đang trỗi lên với nhiều tham vọng gia tăng sức mạnh hải quân. Thời gian qua, nhiều nguồn tin cho hay Bắc Kinh có kế hoạch bổ sung thêm 30 tàu ngầm để đạt tổng số 86 chiếc vào năm 2020. Nhiều chuyên gia nhận định, các tàu ngầm lớp Kilo này có thể lợi dụng đặc tính gần như tàng hình của mình để trở thành một lực lượng du kích đáy biển mà Trung Quốc không có cách nào có thể phát hiện và lường trước được.

Kinh nghiệm lịch sử ở các chiến trường châu Á - Thái Bình Dương cho thấy chiến tranh du kích luôn là biện pháp hiệu quả để các nước nhỏ có thể chống lại những kẻ thù lớn mạnh hơn. Bên cạnh đó, tàu ngầm còn được cải tiến nhờ các công nghệ gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và cung cấp oxy, cho phép hoạt động nhiều giờ liền mà không cần nổi lên mặt nước, do đó có thể nằm im phục kích lâu hơn.

Các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ tăng cường những loại tàu ngầm di chuyển cực êm mà còn phát triển công nghệ dò tìm tàu ngầm nhạy bén hơn để đối phó các nguy cơ về an ninh. Một trong những công nghệ chống tàu ngầm nổi bật liên quan đến các thiết bị sonar sử dụng sóng âm để dò tìm tàu ngầm. Công nghệ này tích hợp nhiều phao âm, có thể được thả xuống biển từ máy bay và tàu chiến, cho phép nhận diện đối tượng vô cơ lẫn hữu cơ.

Ngoài ra, các thiết bị sonar hiện đại còn có thể phát hiện sự thay đổi về nhiệt độ và độ mặn của nước biển để nhận diện những tàu ngầm đang nằm im phục kích đồng thời hoạt động tốt tại những vùng nước bị ô nhiễm. Do công nghệ sonar mới được xem là "sát thủ" của các loại tàu ngầm di chuyển êm nên nhiều nước không tiếc tiền để nghiên cứu và sở hữu.

Ngay cả khi nhiều quốc gia đang cắt giảm ngân sách quốc phòng thì thị trường sonar vẫn được mở rộng. Điển hình phải nhắc đến Australia, Philippines, Singapore hay Malaysia - bốn quốc gia đã tiến hành những bước đi mạnh mẽ đầu tư vào cuộc chiến chống tàu ngầm với công nghệ này nhằm khẳng định sức mạnh quân sự của mình…

Nguyễn Tuyết
.
.