Dự án du hành vũ trụ “Breakthrough Starshot”: Siêu nhỏ, siêu nhanh

Chủ Nhật, 01/05/2016, 10:01
Dự án "Breakthrough Starshot" đang trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi được châm ngòi bởi bộ ba những con người hết sức ấn tượng: nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking, tỷ phú công nghệ thông tin Mark Zuckerberg và doanh nhân thành đạt kiêm nhà vật lý người Nga Yuri Milner.


Được tài trợ ban đầu 100 triệu USD, dự án này hướng tới khám phá vì sao Alpha Centauri, cách Trái đất 4,37 năm ánh sáng (khoảng 25.000 tỉ dặm). Lý do chính để khám phá hệ mặt trời mới là Alpha Centauri nằm gần Trái đất nhất, có khả năng duy trì sự sống và tạo tiền đề cho những cuộc phiêu lưu vũ trụ trong tương lai. 

Theo đó, dự án khám phá không gian tham vọng nhất trong lịch sử này sẽ phóng những tên lửa có kích thước cực nhỏ, chỉ bằng một chiếc điện thoại iPhone vào không gian để nghiên cứu vũ trụ và những vùng xa xôi nhất mà con người chưa bao giờ biết đến. 

Các nhà khoa học hy vọng, "Breakthrough Starshot" có thể sớm bắt đầu trong vòng 20 năm nữa, và sẽ tiết lộ những bí ẩn của vũ trụ, cũng như cho phép ghi lại hình ảnh những "miền đất hứa" đảm bảo cho sự tồn tại của loài người.

Một tham vọng "điên rồ"

Từ xưa đến nay, con người vẫn chưa bao giờ từ bỏ mơ ước về việc tìm ra những nền văn minh trong vũ trụ, ẩn mình dưới những đụn cát của sao Hỏa, hay chí ít là những sinh vật đơn giản lấp ló dưới đám mây dày đặc của sao Kim. 

Con người đã có bước tiến rất lớn khi đặt chân lên bề mặt của Mặt trăng, cùng với việc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nuôi dưỡng ý tưởng xây dựng các trạm trung tâm ở đó nhằm phục vụ việc sản xuất và lắp ráp robot, tiến gần hơn đến mục tiêu: chứng minh con người không hề cô độc trong vũ trụ. Tuy nhiên, mọi cố gắng hiện tại vẫn chưa đem lại kết quả, và sự sống ngoài Trái đất vẫn còn là bí ẩn chưa thể giải đáp.

Trong bối cảnh này, Stephen Hawking - một trong những thiên tài lớn nhất của thời đại, đồng thời cũng là một tín đồ trung thành về sự tồn tại của những nền văn minh ngoài Trái đất - vẫn tin rằng, bước tiến hợp lý hơn cả sau những khám phá gây thất vọng về các hành tinh trong hệ mặt trời là việc tiếp tục hành trình khám phá sự sống ngoài vũ trụ tại những hệ mặt trời mới. 

Mô phỏng máy laser tăng tốc độ và cánh buồm năng lượng trong dự án “Breakthrough Starshot”.

Và Alpha Centauri chính là lựa chọn "hoàn hảo" khi có vị trí gần với Trái đất nhất, bao gồm ba ngôi sao. Đặc biệt vì tính chất quỹ đạo của Alpha Centauri, giới khoa học tin rằng hệ mặt trời này có khả năng ẩn chứa trong mình một hành tinh có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển sự sống.

Giới nghiên cứu cho rằng, Alpha Centauri vô cùng bí ẩn, trở thành một chướng ngại vật mới thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển thêm một bước nữa để giúp con người vượt qua những biên giới tưởng chừng không thể chinh phục, và thay đổi vị thế cũng như ý nghĩa của nhân loại trong hành trình chinh phục vũ trụ bao la. 

Một lý do có lẽ thực dụng hơn nhằm phát triển công nghệ du hành vũ trụ là nhằm tạo ra một cơ sở vững vàng hơn cho sự tồn tại của loài người, khi mà hiện nay, nếu giả sử một thiên thạch đủ lớn "viếng thăm" Trái đất, loài người chắc chắn sẽ bị diệt vong. Vì vậy, dự án "Breakthrough Starshot" thực chất giống như "mua bảo hiểm" cho Trái đất trước những tình huống không thể dự đoán.

Dự án "Breakthrough Starshot" hy vọng sẽ đưa những robot tí hon đến hệ Alpha Centauri, cách Trái đất 25.000 tỉ dặm. Nếu đến những vì sao này bằng phương tiện bình thường sẽ mất 30.000 năm thì dự án sẽ rút ngắn thời gian xuống chỉ còn... 20 năm.

Những con tàu vũ trụ "nano" này bao gồm camera, động cơ đẩy, nguồn pin và thiết bị định vị, liên lạc tí hon, tất cả được gắn trên một tấm nhỏ tạo thành con tàu vũ trụ với đầy đủ chức năng. Các tàu vũ trụ nhỏ bé với kích thước chỉ bằng chiếc iPhone sẽ đi vào vũ trụ bằng cách sử dụng "cánh buồm năng lượng mặt trời" được tiếp sức bởi một chùm ánh sáng laser cực mạnh. 

Với khả năng khám phá vũ trụ của các con tàu siêu nhỏ, những hành tinh có khả năng duy trì sự sống của con người sẽ dần được hé mở.

Thiết kế này sẽ cho phép chúng bay với tốc độ bằng 25% tốc độ ánh sáng (khoảng 134 triệu dặm một giờ), và mất khoảng 4,22 năm để truyền tín hiệu về Trái đất.

Trước khi những thiết bị này ra đời, các nhà khoa học phải tạo ra tất cả bộ phận quan trọng trên mặt đất, bao gồm xây dựng máy chiếu ánh sáng cung cấp năng lượng cho tên lửa và một "tàu mẹ" có thể mang tất cả thiết bị này vào không gian. 

Theo giáo sư Hawking, hạn chế lớn nhất hiện nay là khoảng cách quá lớn giữa Trái đất và các hành tinh. Nhưng giờ con người có thể khắc phục được với các chùm ánh sáng và những con tàu vũ trụ nhẹ nhất. 

Tỷ phú Yuri Milner cũng tin rằng, về mặt kỹ thuật, hoàn toàn khả thi để phát triển những tàu vũ trụ siêu nhỏ và chạm tới những hệ sao khác chỉ trong vòng vài chục năm. Theo đó, con người sắp hiện thực hóa được khả năng di chuyển hàng nghìn tỉ dặm trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, và đi xa hơn bất cứ tàu vũ trụ nào trước đó.

Thách thức không nhỏ

Giới khoa học đang vô cùng tò mò về một dự án phóng tàu vũ trụ siêu nhỏ được trang bị những công nghệ siêu khủng của tương lai, bằng cách gia tăng tốc độ sử dụng một máy laser và một cánh buồm chưa từng được biết tới. 

Để từ đó, nhằm thẳng đến một hệ mặt trời xa đến mức kính thiên văn không nhìn thấy rõ, và rồi truyền tín hiệu về Trái đất bằng một phương pháp hiện vẫn đang trong giai đoạn "chuẩn bị". Và tất cả những việc này chỉ diễn ra trong vòng vài năm. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều vấn đề cần phải vượt qua trước khi những tàu vũ trụ đầu tiên có khả năng du hành liên sao được dựng lên. 

Các nhóm chuyên gia liên tục đặt câu hỏi nhằm đánh giá xem liệu việc phát triển một tàu vũ trụ tí hon có thể du hành tới những hệ sao khác chỉ trong vài chục năm và gửi lại thông tin là khả thi hay không.

Du hành liên sao từ lâu đã là một giấc mơ của rất nhiều người, nhưng vẫn còn đó những rào cản công nghệ rõ rệt. Dự án rõ ràng gặp phải những thử thách công nghệ, kỹ thuật thuộc dạng "khó xơi" nhất trong lịch sử khoa học loài người.

Sẽ có những khó khăn để giải quyết các vấn đề như bức xạ vũ trụ và bụi từ môi trường, độ nhạy của thiết bị, tương tác của laser công suất cao với khí quyển Trái đất, độ ổn định của tàu và cung cấp năng lượng. Chưa hết, dự án mới chỉ được khởi động với số tiền đầu tư ban đầu vỏn vẹn 100 triệu USD.

Theo tính toán, "Breakthrough Starshot" cần ít nhất 5 đến 10 tỷ USD. Chỉ như vậy dự án mới có thể nghiên cứu và phát triển thành công những con tàu vũ trụ siêu nhỏ đạt được tốc độ từ 15 đến 20% tốc độ của ánh sáng.

Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking cho rằng, nếu muốn tồn tại thì con người phải luôn tìm mọi cách để vươn tới những vì sao xa xôi.

Giáo sư Hawking đồng ý rằng dự án này sẽ có những thử thách, nhưng không hề bất khả thi. Ông cho rằng, sự phát triển công nghệ trong nhiều thập kỷ qua và tương lai sẽ khiến "Breakthrough Starshot" thành hiện thực chỉ trong "vòng đời của loài người". 

Theo đó, bản chất của con người là chinh phục tự nhiên, và nếu muốn tồn tại thì phải luôn tìm mọi cách để vươn tới những vì sao xa xôi nhằm kiếm tìm một nơi ở mới trong bối cảnh sự sống trên Trái đất sẽ đối mặt với hiểm nguy từ những sự kiện thiên văn như tiểu hành tinh hay sao băng. 

Một tin an lành hơn sau những khó khăn là phí sản xuất các thiết bị sẽ tương đối thấp. Vì vậy, một đoàn những phi thuyền "nano" sẽ được phóng đi liên tiếp, tăng khả năng thành công của dự án. Với nền kinh tế quy mô và sự giảm giá các thành phần máy tính, nhóm nghiên cứu hi vọng có thể phóng các tên lửa chỉ với vài trăm nghìn USD.

Theo dự đoán, "Breakthrough Starshot" có thể đi vào hoạt động trong khoảng 20 đến 30 năm tới. Sự ra đời của dự án này cùng những công nghệ hiện đại đi kèm sẽ thúc đẩy tốc độ khám phá vũ trụ vốn đang chững lại. 

Nhiều giả thiết cho rằng, sự sống trên Trái đất bắt nguồn từ ngoài hành tinh, cụ thể là những phân tử hữu cơ đã tình cờ viếng thăm "hành tinh xanh" nhờ chuyến du hành vũ trụ bên trên các vân thạch bay tự do. 

Với khả năng khám phá vũ trụ của các con tàu siêu nhỏ, những câu hỏi về nguồn gốc sự sống con người có lẽ cũng sẽ được giải đáp sớm. Và cùng với đó, những hành tinh có khả năng duy trì sự sống của con người sẽ dần được hé mở...

Hoàng Anh
.
.