Xóa bỏ ký ức: Lợi bất cập hại

Thứ Ba, 24/09/2013, 11:28
Theo tạp chí Nga Itogi, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) vừa thực hiện được những khám phá bất ngờ. Họ đã xóa được những ký ức xấu ở con chuột thí nghiệm.
Các nhà khoa học đã hành động một cách tuần tự theo từng giai đoạn. Thoạt tiên, họ đã dùng các tín hiệu ánh sáng kích hoạt ở chuột những ký ức về một  giai đoạn nào đó sáng sủa trong cuộc sống chúng rồi sau đó sử dụng một cú sốc điện. Kết quả là các chú động vật gặm nhấm này bắt đầu sợ hãi cái môi trường mà trước đó chúng đã cảm thấy rất là thoải mái.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã cấy ghép bộ nhớ nhân tạo vào bộ não của chuột và rốt cuộc đã đạt kết quả thực tế là, ở các động vật gặm nhấm biến mất những ký ức tiêu cực. Quá trình này giống như việc các nhà khoa học đã cấy vào não chuột một trí nhớ giả. Và các con chuột lại cảm nhận  đó mới là thật. Như vậy là hoàn toàn có thể điều khiển quá trình này theo ý muốn về bất cứ hướng nào, hoặc là xóa đi những ký ức tiêu cực, hoặc là tô đậm chúng thêm.

Các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachusetts nói rằng họ theo đuổi những mục tiêu hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, họ đang vấp phải khá nhiều sự phản đối, bởi lẽ vẫn đang bỏ ngỏ là câu hỏi chính yếu: xóa bỏ ký ức có phải là việc làm lợi bất cập hại hay không? Và rốt cuộc, ai sẽ là người phán xét những ký ức là tốt hay không tốt?

Xóa ngay lập tức

Những thí nghiệm tương tự đã được tiến hành không chỉ một lần trong những năm gần đây. Không chỉ với chuột mà cả với người. Có thể kể tới việc các nhà khoa học từ Đại học Montreal đã tìm  ra cách xóa bỏ những ký ức xấu nhờ làm giảm tỉ lệ hormone cortisol trong  cơ thể con người. Họ cho rằng chính hormone này chịu trách nhiệm về tình trạng căng thẳng của con người, và vì thế liên quan trực tiếp đến những ký ức tiêu cực.

Do đó, nếu tỉ lệ của hormone này trong cơ thể càng thấp thì càng ít ký ức tiêu cực được lưu giữ trong não bộ. Đã có tới 33 người được mời tham gia một thí nghiệm đặc biệt. Họ được giao nhiệm vụ ghi nhớ một câu chuyện bao gồm cả các sự kiện trung tính lẫn các sự kiện tiêu cực. Sau ba ngày, những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu nhớ lại câu chuyện đó. Những ai được tiêm cortisol vào người có thể dễ dàng nhớ các sự kiện tiêu cực của câu chuyện và không nhớ những sự kiện trung tính.

Một số các nhà khoa học khác lại cho rằng, không cần phải phát minh ra những công thức hóa học phức tạp và các loại thuốc mới, khi trong chính tự nhiên đã    sẵn các cơ chế để xóa  đi những ký ức tiêu cực. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Florida đã chứng minh được rằng, muốn loại bỏ khỏi bộ nhớ những ký ức tiêu cực thì chỉ cần sự giúp đỡ của... những loại nấm gây ảo giác.

Chúng có chứa trong mình các thành phần hoạt chất psilocybin, giúp xóa bỏ những ký ức về sự đau đớn và  nỗi sợ hãi. Chỉ bằng những liều lượng nhỏ các chất kích thích tế bào thần kinh là đã có thể bắt đầu quá trình hình thành các tế bào não mới. Cũng chính vì thế mà nhiều nước đã cấm psilocybin vì tính chất kích thần kinh mạnh mẽ của chúng. Ngay cả việc sử dụng psilocybin  vào các mục đích y tế cũng bị các nhà khoa học đặt ra câu hỏi.

Có vẻ như “an toàn” hơn là sáng kiến của các chuyên gia ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS, Pháp. Họ đề nghị xóa bỏ những ký ức tiêu cực bằng cách… nhịn đói. Một thí nghiệm đặc biệt đã được tiến hành với loài ruồi giấm. Sau một thời gian bị bỏ đói rất lâu, những con ruồi giấm tham gia thí nghiệm đã đình trệ kết nối tổng hợp protein, “chịu trách nhiệm” cho bộ nhớ.

Quá trình này mang tính cục bộ: các con ruồi giấm vẫn tiếp tục nhớ được những sự kiện thú vị trong cuộc sống của chúng, thí dụ như về thức ăn ngon, nhưng lại hoàn toàn quên đi những điều khó chịu, thí dụ như liên tưởng giữa một mùi nhất định với việc bị điện giật. Hóa ra là, để quên đi những ký ức đau đớn thì đành phải nhịn đói…

Theo các nhà nghiên cứu, tất cả những thí nghiệm trên đều có cùng một mục tiêu - để điều trị những người muốn thoát khỏi những thói quen xấu hoặc đã phải trải qua chấn thương tâm lý nghiêm trọng.

Bác sĩ người Nga, chuyên về thần kinh học, Eugene Tikhomirov nhận xét: “Hiển nhiên là những phương pháp tiến bộ để điều chỉnh bộ nhớ có thể giúp trong việc điều trị bệnh nhân. Câu “mọi bệnh tật đều bắt nguồn từ thần kinh” có thể dễ dàng giải thích từ góc độ y học. Những trải nghiệm của chúng ta có thể kích hoạt hàng loạt các chứng bệnh. Thực tế là, hệ thống thần kinh có liên quan đến hoạt động của tất cả các cơ quan nội tạng. Nó được chia thành hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống; và hệ thống thần kinh ngoại vi bao gồm các dây thần kinh kéo dài từ não và tủy sống. Vì thế, nếu một người nào đó trong một thời gian dài bị ám ảnh bởi  những ký ức tiêu cực, thì chúng ta đã được quyền nói tới chứng căng thẳng mãn tính, có thể gây ra bệnh tim mạch và các vấn đề tiêu hóa, và thậm chí cả bệnh  ung thư…”.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Tikhomirov, việc xóa khỏi bộ nhớ tác nhân khó chịu có thể tạo ra những phản ứng phụ: mọi sự kiện trong cuộc sống con người đều được kết nối, đan xen chặt chẽ với nhau. Đôi khi, để hoàn toàn loại bỏ dấu vết của một sự kiện nào đó, bạn cần  phải xóa ký ức về một giai đoạn dài của đời mình. Và biến mất cùng ký ức tiêu cực là cả những kỷ niệm khác. Nảy sinh câu hỏi cực kỳ quan trọng: ta cần phải xóa bỏ loại ký ức nào?

Kho tàng của quá khứ

Nhà nghiên cứu Aleksandr Shepovalnikov, chuyên viên  chính ở Viện Sinh lý học Tiến hóa và Sinh hóa mang tên I.M. Sechenov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lý giải: “Trí nhớ của con người rất đa tầng: có tầng động cơ, có tầng hình ảnh, rồi tầng cảm xúc, tầng trí tưởng tượng… Thường thì một sự kiện được lưu giữ tại các điểm khác nhau của bộ nhớ.

Cơ chế hoạt động tương hỗ giữa  các “kho tàng” này vẫn chưa được tìm hiểu đủ về mặt khoa học. Các nhà khoa học đã quan sát thấy nhiều hiện tượng lạ thú vị. Ví dụ, tôi đã từng được tiếp xúc với một cô học thông minh, học vấn cao, biết nhiều thứ tiếng, nhưng lại hoàn toàn không nhớ được mặt người. Cô ấy có thể vừa nói chuyện với một người, rồi người đó rời khỏi phòng. Khi người đó trở lại, cô ấy hoàn toàn không nhận ra đấy là ai.

Một thí dụ khác, bằng phương pháp thôi miên tôi có thể làm cho một người trưởng thành tin rằng anh ta mới chỉ lên ba. Và anh ta lập tức nhớ lại được các sự kiện từ quá khứ của mình mà anh ta đã không thể nhớ lại được ở tuổi trưởng thành: những đồ chơi ở trên tủ đặt tại vườn trẻ mà anh ta đã được tặng hôm sinh nhật. Vì vậy, có thể khẳng định rằng là mọi sự kiện trong cuộc sống chúng ta đều được xếp vào trong bộ nhớ. Có điều, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể lôi ký ức cần thiết từ đó ra. Vì vậy, có thể tạo ra được những loại thuốc để  san lấp mặt bằng ký ức tiêu cực.

Nhưng phải theo hướng chuyển dịch những ký ức tiêu cực từ ý thức sang vô thức. Nói cách khác, phải làm sao để ký ức khó chịu thôi giày vò con người và thôi gây nên thêm những tổn thương. Không có gì bí mật những câu chuyện về các trường hợp người ta vì quá suy nghĩ mà tự biến mình thành  tàn phế…”.

Trong thực tế, nhiệm vụ của các nhà khoa học là chuyển đổi quá trình ký ức của bệnh nhân theo hướng xây dựng. Và có vẻ như đó là một nhiệm vụ mang tính khả thi. Cũng theo lời nhà nghiên cứu Shepovalnikov, “Khoa học từng biết đến trường hợp, có một người sinh ra tại Italia và sau đó chuyển đến Tây Ban Nha, rồi sang Pháp và phần còn lại của cuộc đời thì sống ở Mỹ. Lúc hấp hối bỗng thôi nói bằng tiếng Anh mà lại chuyển sang nói bằng tiếng Pháp, rồi tiếng Tây Ban Nha, và trước khi trút hơi thở cuối cùng đã nói bằng tiếng Italia. Tức là ở thời điểm ấy, trong trí nhớ của ông ta bắt đầu tái hồi những kiến thức và kỹ năng mà tưởng như ông ấy đã quên lãng từ lâu. Cũng phải nói thêm, câu chuyện đó cho thấy, rất khó xóa bỏ hoàn toàn ký ức về bất cứ một kỷ niệm nào trong quá khứ…”.

Xóa bỏ ký ức có phải là việc làm lợi bất cập hại?

Cũng còn một yếu tố mang tính đạo đức rất quan trọng khi can thiệp vào bộ nhớ: làm sao người ta có thể vui với những chuyện hay nếu như hoàn toàn không còn nhớ gì về những việc không hay? Chuyên gia trị liệu tâm lý Olga Mezhenina ở Trung tâm Thế giới của bạn, giải thích, “tất cả mọi thứ chỉ là tương đối: con người không thể cảm thấy hạnh phúc nếu suốt đời chỉ gặp toàn chuyện hên, anh ta sẽ không thể đánh giá đúng được. Những ký ức tiêu cực cần thiết để tạo nên sự so sánh cho nhận thức. Những người từng bị xóa đi một phần trí nhớ không thể sống một cuộc đời viên mãn…”.

Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Shepovalnikov, việc xóa  bỏ ký ức tiêu cực cũng giống như quá trình tẩy não. Nếu lạm dụng nó, thì ta có thể trở nên hoàn toàn bất lực: “Bộ nhớ, đó là cơ sở của trí tuệ. Đó là nơi lưu giữ những tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng. Nếu xóa bỏ mọi thứ ở đó thì con người sẽ trở nên bất lực trước các tác động của thế giới bên ngoài…”.

Thêm vào đó, vẫn đang bị bỏ ngỏ câu hỏi chính yếu: ai là người quyết định cái gì là ký ức tốt đẹp và cái gì là xấu? Cái gì cần phải loại bỏ và cần gì để lại? Các nhà khoa học Mỹ ở Đại học Johns Hopkins từng kết luận rằng, 80% cảm xúc mà con người trải qua là tiêu cực và chỉ có 20% là tích cực. Liệu một người chỉ sống với 20% cảm xúc của mình có thể được coi là hoàn hảo hay không?

Hoàng Oanh
.
.