Viễn cảnh nhân bản người đầy rủi ro và phi đạo đức

Thứ Năm, 21/04/2016, 06:35
Tập đoàn Boyalife ở Trung Quốc gây sốc dư luận khi tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng cho việc tạo ra con người nhân bản vô tính. Xét về mặt sinh học, vẫn có thể tạo ra một phiên bản người y chang thật mà không cần “mang nặng đẻ đau”.

Những đứa trẻ được ra đời thỏa mãn nguyện vọng sinh sôi tự nhiên của loài người một cách dễ dàng hơn nhờ nhân bản vô tính, xét về phương diện nào đó, là nhân đạo. Nhưng phía sau đó lại là mối âu lo muôn thuở về một cuộc khủng hoảng nhân tính và cả những xáo trộn về văn hóa, chính trị cho xã hội loài người trong tương lai. Và ngay cả khi vấn đề đạo đức tạm gác sang một bên, nguồn lực dùng để tạo ra một con người thực thụ vẫn là một rào cản khó vượt qua.

Ảo tưởng hay thực tế

Tập đoàn Boyalife và các đối tác đang xây dựng một nhà máy có tầm cỡ lớn ở cảng Thiên Tân, phía Bắc của Trung Quốc. 

Nhà máy dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong 7 tháng tới, với mục đích nhân bản ra một triệu con bò trong năm 2020. Tập đoàn này đang tìm cách trở thành nhà cung cấp “bò nhân bản” đầu tiên trên thế giới, giống hệt nhau về mặt di truyền với lời hứa hẹn thịt bò sẽ có vị ngon như bò Kobe và giúp hàng bán thịt “tàn sát ít hơn và sản xuất nhiều hơn”, nhằm đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang bùng nổ tại Trung Quốc.

Nhưng bò là chỉ là khởi đầu cho chuỗi nhân bản vô tính. Trong các dây chuyền của nhà máy cũng có những con ngựa đua thuần chủng, cũng như vật nuôi và chó cảnh sát, chuyên tìm kiếm và đánh hơi. 

Ngoài ra, Boyalife đã làm việc với Sooam - một đối tác Hàn Quốc, và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc để nâng cao năng lực nhân bản động vật linh trưởng, tạo ra động vật thử nghiệm tốt hơn cho nghiên cứu dịch bệnh. Tuy nhiên trước mắt, Boyalife không tiến hành các hoạt động nhân bản con người, vì lo ngại các phản ứng tiêu cực từ cộng động có thể xảy ra.

Sự kiện Boyalife tuyên bố sẽ nhân bản người thực chất là một bước đi có thể dự đoán sau những thành công trong công nghệ nhân bản. Kể từ thập niên 1950, khi các nhà nghiên cứu nhân bản thành công một con ếch, và từ đó đến nay giới chuyên gia đã “sản xuất” hàng chục loài động vật, trong đó có chuột, mèo, lợn, và đặc biệt phải nhắc đến cừu Dolly - động vật có vú đầu tiên được con người tạo ra từ nhân bản vô tính. Nếu như trước khi có chú cừu Dolly, người ta nói tới nhân bản vô tính như một thứ khoa học viễn tưởng thì bây giờ, hiện thực đang xảy ra trước mắt.

Nhìn chung, nhân bản con người không khả thi do các khó khăn về mặt kỹ thuật và gây tranh cãi quyết liệt trong xã hội do liên quan đến vấn đề đạo đức.

Việc tạo ra Dolly chứng tỏ rằng một tế bào được lấy từ những bộ phận cơ thể đặc biệt có thể tái tạo được cả một cơ thể hoàn chỉnh. Từ đó, liên tiếp nhiều con vật được thử nghiệm nhân giống vô tính và các nhà khoa học đạt được những thành công nhất định. 

Vào năm 2008, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố các sản phẩm lấy từ những gia súc nhân bản như bò, lợn và dê rất an toàn cho người sử dụng. Ngoài việc giúp nông dân sản xuất được những sản phẩm có chất lượng ổn định, nhân bản vô tính còn có các lợi ích khác như bảo tồn giống, phục vụ các nghiên cứu hóa sinh, sản xuất thuốc và nội tạng thay thế.

Tuy nhiên, ngày 14/2/2003, Dolly đã qua đời bằng một mũi thuốc trợ tử, kết thúc bảy năm sống trong Viện Roslin (Scotland) như một biểu tượng kiêu hãnh của tiến bộ khoa học nhân bản vô tính. Cú sốc không nhỏ cho nhiều người đặt niềm tin tuyệt đối vào tiến bộ sinh học, đó là con cừu nổi tiếng nhờ được tạo ra từ phương pháp chuyển nhân tế bào này chỉ có tuổi thọ bằng một nửa tuổi thọ của đồng loại đang sống ngoài thiên nhiên. Chưa hết, Dolly cũng mắc những chứng bệnh như mọi chú cừu khác: viêm khớp khi lão hóa và ung thư phổi trước khi qua đời.

Năm 2009, các chuyên gia đã tiến hành nhân bản một con sơn dương Pyrenea, với trứng lấy từ một con dê thuần chủng. Sau khi sinh, sơn dương Pyrenea con đã thở hổn hển và chết sau đó 7 phút. Thực tế, trong số tất cả các dự án nhân bản động vật, số lượng thành công chiếm chưa đầy 3%. 

Các nhà khoa học thừa nhận rằng, gần như lần nhân bản nào, sản phẩm cũng gặp các vấn đề về gen. Động vật được nhân bản thường mắc những chứng bệnh nghiêm trọng như chậm phát triển, suy yếu hệ thống miễn dịch, bệnh về tim và phổi.

Thế nhưng, “cái chết êm ái” của những sinh vật nhân bản vô tính được tạo ra từ phòng thí nghiệm vẫn không làm chùn bước những nhà khoa học. Và sẽ chẳng có gì là trái đạo lý, theo họ, một khi khoa học này hướng đến cứu cánh chính đáng là kiếm tìm những phương pháp mới để xử lý các bệnh nan y thế kỷ. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi về đạo đức vẫn cứ tiếp tục gay gắt bên cánh cửa của phòng thí nghiệm, sau mỗi báo cáo lạc quan và ở ngay trong chính suy nghĩ những người làm khoa học.

Một số nhà khoa học đã “rùng mình” khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra nếu tiến hành nhân bản người bằng các công nghệ như hiện nay. Tiến sĩ Rudolph Jaenisch, Viện Công nghệ Massachusetts, đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ làm gì khi nhân bản vô tính cho ra những con người chỉ có nửa quả thận hay thiếu hẳn hệ miễn dịch?”.

Giấc mơ xa vời

Cần phải nhìn nhận khách quan rằng, quá trình nhân bản có thể đã gây ra nhiều sai sót trong gen, đưa đến những vấn đề nghiêm trọng không thể biết trước. Theo các nhà khoa học, giai đoạn trứng tái lập trình gen quá ngắn có thể chính là nguồn gốc của mọi rủi ro. Trứng phải làm nhiệm vụ này trong một khoảng thời gian tính theo phút hay giờ, trong khi thông thường quá trình đó phải mất nhiều tháng, thậm chí là một năm và phải được thực hiện hoàn hảo. 

ADN của động vật có thể bị hỏng, dẫn đến biến đổi gen, làm động vật chết ngay trong quá trình bào thai, nếu không chết thì cũng mắc các bệnh nguy hiểm về sau này. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra khiếm khuyết ở các con vật nhân bản vô tính vẫn chỉ được các nhà di truyền học phỏng đoán mơ hồ.

Bên cạnh đó, không thể chỉ đơn giản áp dụng những điều học được qua việc nhân bản chuột hoặc bò để chuyển sang con người. Ví dụ, nhân bản động vật yêu cầu các nhà nghiên cứu đầu tiên phải bỏ nhân tế bào trứng, đồng thời loại hết các protein cần thiết để hỗ trợ sự phân chia tế bào. 

Đây không phải là vấn đề ở chuột, do noãn được tạo ra vẫn đủ sức sản sinh những protein này một lần nữa. Tuy nhiên, linh trưởng không thể làm được điều đó, và các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến nỗ lực nhân bản khỉ thất bại. Chưa hết, nhân bản động vật thường dẫn đến đủ dạng bất thường về gen, ngăn chặn việc cấy noãn vào tử cung, hoặc khiến phôi bị đào thải, hoặc đối tượng thí nghiệm chết ngay sau khi sinh.

Những tình trạng bất thường này khá phổ biến khi nhân bản động vật do các phôi được cấy chỉ có một cha/mẹ thay vì cả hai như trong trường hợp thụ thai tự nhiên. Điều này có nghĩa là, quá trình phân tử “in dấu bộ gen” không diễn ra theo trình tự đúng ở phôi nhân bản. Gặp trục trặc ở khâu này có thể dẫn đến việc nhau to hơn bình thường gấp nhiều lần, làm cản trở quá trình tuần hoàn máu cho bào thai. 

Tập đoàn Boyalife ở Trung Quốc gây sốc dư luận khi tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng cho việc tạo ra con người nhân bản vô tính.

Trong một cuộc thí nghiệm, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đã nhân bản một loài gia súc gọi là bò rừng banteng. Và con vật đã sinh ra với kích thước gấp đôi bình thường, buộc các chuyên gia phải thực hiện “cái chết êm ái” cho nó.

Đa số các nhà khoa học phản đối nhân bản vô tính người, coi đây là một việc rất ghê tởm, không tự nhiên và đáng lo ngại. Trên tạp chí The New Atlantis, Hội đồng Witherspoon về các vấn đề đạo đức và sự toàn vẹn của khoa học Mỹ đề cập tới việc tạo ra một em bé nhân bản vô tính và cho rằng đây là một quá trình đầy rủi ro, vô tình cướp mất của em cơ hội có cả cha lẫn mẹ.

Ngoài ra, Hội đồng Witherspoon cũng lên án việc dùng công nghệ nhân bản vô tính người để phục vụ nghiên cứu y sinh học. Khi đó, việc sinh sản của loài người đã bị biến tướng thành một quá trình sản xuất sản phẩm; các bào thai bị đối xử như những vật liệu thô cho quá trình cung ứng vật liệu để phục vụ nghiên cứu y sinh học. 

Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng với công nghệ sẵn có, trong tương lai khó mà tin rằng sẽ không có nhà bác học nào cố gắng thử tạo ra người nhân bản vì mục đích nổi tiếng. Và việc ngăn nhân bản vô tính người từ lý thuyết trở thành thực tiễn cần sự lên tiếng mạnh mẽ của cả cộng đồng, chứ không thể phụ thuộc vào cá nhân hay tổ chức nào…

Việt Dũng
.
.