Trẻ em cũng bị trầm cảm!

Thứ Bảy, 27/06/2015, 08:20
Trầm cảm là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. Mỗi năm nó ảnh hưởng đến 17 triệu người ở mọi lứa tuổi, chủng tộc và mức sống. Với tỷ lệ 1/33 trẻ em có thể bị trầm cảm và ở tuổi thiếu niên, con số này là 1/8.

Những nhà khoa học và các bác sỹ của Hiệp hội sức khỏe tâm thần Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu về những nguy cơ có thể gặp ở trẻ em khi bị trầm cảm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trầm cảm ở thời thơ ấu thường tái phát và tiếp diễn ở tuổi trưởng thành, đặc biệt là nếu không được điều trị. Nếu thuở nhỏ đã từng bị trầm cảm thì khi trưởng thành, bệnh này lặp lại thì rất có thể xu hướng sẽ nặng hơn.

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần tìm hiểu về trầm cảm và cách giúp đỡ nếu đứa trẻ có dấu hiệu của chứng bệnh này.

Bị bắt nạt và trầm cảm

Trầm cảm thông thường không bị gây ra bởi một sự việc hay sự vật nào đó. Đó là kết quả của một trong nhiều yếu tố khác nhau và nó khác nhau giữa trẻ này với trẻ khác. Trầm cảm cũng có thể bị gây ra khi lượng neurotransmitters thấp hơn bình thường (đây là hóa chất điều tiết các dấu hiệu thông qua hệ thống thần kinh) trong não, nó sẽ hạn chế khả năng cảm giác của con người. Trầm cảm cũng có thể mang tính lây truyền trong gia đình, nếu trẻ có người thân mang bệnh trầm cảm thì trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. 

Những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời như: cái chết của người thân, ly dị, chuyển tới một nơi ở mới hay thậm chí chia tay với bạn trai, (bạn gái) đều có thể làm trẻ mắc bệnh trầm cảm. Stress cũng là một yếu tố vì trong thời kỳ dậy thì, những cảm xúc, tâm lý xã hội… rất khó kiểm soát và rất dễ ảnh hưởng xấu đến trẻ. Trẻ mắc bệnh mãn tính cũng rất dễ dẫn đến trầm cảm, đó là mặt trái của thuốc chữa bệnh.

Theo một nghiên cứu mới đây, trẻ bị bắt nạt ở tuổi vị thành niên có thể là nguyên nhân của gần một phần ba số trường hợp mắc chứng trầm cảm ở tuổi trưởng thành. Gần 15% những đứa trẻ bị bắt nạt hàng ngày có dấu hiệu của bệnh tâm thần khi đến tuổi 18. Trong khi con số này là 5,5% ở nhóm trẻ không bị bắt nạt.

Lucy Bowes, nhà tâm lý học tại Đại học Oxford đưa ra các yếu tố khác có thể giải thích về chứng trầm cảm, bao gồm trầm cảm cơ bản và các yếu tố tình cảm có thể tạo nên các dấu hiệu lâm sàng trên những người dễ bị bắt nạt thuở nhỏ. Mặc dù nghiên cứu chưa thể chứng minh nguyên nhân và hậu quả cụ thể, song kết quả cho thấy việc bị bắt nạt là yếu tố quan trọng dẫn đến chứng trầm cảm. Và những người là nạn nhân của xâm hại trong thời thơ ấu có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần lâu dài.

Bowes và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu từ Avon Longitudinal Study, Vương quốc Anh khảo sát trẻ em mắc chứng trầm cảm. Khi các nhà nghiên cứu kiểm soát các yếu tố khác có thể ảnh hưởng trầm cảm ở tuổi vị thành niên, như giới tính của một thiếu niên và các vấn đề tình cảm, sự liên kết giữa bắt nạt và trầm cảm giảm đi, nhưng vẫn đáng chú ý. Điều đáng nói ở đây hầu như các nạn nhân đã không báo lại các hành vi này với giáo viên và cha mẹ. 

Nhà nghiên cứu tâm lý tội phạm Maria Ttofi, Đại học Cambridge: “Các bậc cha mẹ và giáo viên cần phải nhận thức được điều này và chủ động yêu cầu trẻ những vấn đề ngoài học tập. Sự tham gia của cha mẹ là quan trọng và cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và cuộc sống”.

Nhiều nghiên cứu trước đây còn cho thấy, những đứa trẻ bị bắt nạt có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì, đột quỵ và đau tim sau này. Nếu chấm dứt nạn bắt nạt ở tuổi vị thành niên thì số lượng người thừa cân sẽ giảm khoảng 12%. Những người ở độ tuổi 40 bị bắt nạt lúc dưới 12 tuổi thường béo hơn và trong máu có nồng độ hóa chất liên quan đến bệnh tim cao hơn. Tình trạng bị bắt nạt trong quá khứ cũng gắn liền với các vấn đề về thần kinh như trầm cảm và nghiện rượu về sau. 

Thống kê cũng ghi nhận trong số 1.446 em 13 tuổi bị bắt nạt từ một đến 3 lần trong 6 tháng thì hơn 7% bị trầm cảm ở tuổi 18. Con số này ở nhóm không bị bắt nạt chưa đến 5,5%. Theo các nhà khoa học, ngoài yếu tố bị bắt nạt còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến trầm cảm như các vấn đề về thần kinh và hành vi ứng xử, sự áp đặt của gia đình và các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống.

Giáo sư Bowes nói: “Mặc dù đây là một nghiên cứu quan sát và chưa thể kết luận được nguyên nhân và hậu quả cụ thể, song những biện pháp can thiệp để giảm bớt nạn bắt nạt học đường có thể giúp giảm tỷ lệ bệnh trầm cảm trong tương lai”. 

Tiến sĩ Maria Ttofi, Đại học Cambridge đã viết bài bình luận về nghiên cứu này, bà cho rằng cần phải gửi thông điệp đến các bậc cha mẹ và nhà trường nhằm xóa bỏ nạn bắt nạt trẻ vị thành niên. Bà cũng kêu gọi cần có thêm nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn nữa để xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bắt nạt và bệnh trầm cảm, đồng thời có những giải pháp can thiệp cụ thể để giảm thiểu số nạn nhân của vấn nạn bắt nạt.

Tình trạng bị bắt nạt trong quá khứ cũng gắn liền với các vấn đề về thần kinh như trầm cảm và nghiện rượu về sau.

Hướng tới cuộc sống lành mạnh

Trầm cảm có thể để lại hậu quả lâu dài và nặng nề cho trẻ em về mặt phát triển xã hội, phát triển cảm xúc và học tập. Nếu không được điều trị, một đợt trầm cảm có thể kéo dài nhiều, điều này sẽ khiến cho việc học tập của trẻ khó theo kịp các bạn. Trẻ trầm cảm cũng dễ nghiện rượu, thuốc lá, ma túy. Đừng trì hoãn việc điều trị cho trẻ. Phát hiện sớm và chẩn đoán là chìa khóa trong việc điều trị chứng trầm cảm, một liệu trình điều trị có thể bao gồm tư vấn, thuốc men, hoặc cả hai.

Theo các nhà phân tích tâm lý thì các bậc cha mẹ cần quan tâm chú ý đến trẻ càng sớm càng tốt, đặc biệt là đối với trẻ từ 6 tháng đến 3 năm tuổi. Ở giai đoạn này, vai trò người mẹ là quan trọng nhất, không nên quá lo ngại đến sự an toàn vệ sinh mà bắt trẻ phải gò bó nhiều giờ trong nôi cũi hay một góc phòng. Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, chơi với trẻ sẽ giúp chúng phát triển được ngôn ngữ, từ từ thay đổi tính nết và những hành vi tiêu cực. Không nên ấn đồ chơi vào tay con rồi bỏ đi để chúng loay hoay chơi một mình.

Đối với lứa tuổi từ 6 - 13 tuổi, cảm xúc của trẻ rất cao và dễ mất tự chủ trước những sự kiện bất ngờ xảy đến. Trẻ thường phản ứng bằng cách thu mình lại để tìm sự an toàn và trở nên ngỗ ngược, quậy phá để giải tỏa sự ấm ức, giận dữ. Khi phát hiện trẻ mắc chứng trầm cảm, cần có thái độ cư xử khéo léo, nhẹ nhàng, chịu khó lắng nghe, chịu khó đối thoại với trẻ, giúp chúng lấy lại sự cân bằng. Hơn ai hết, cha mẹ cần là chỗ dựa vững chắc để trẻ tin cậy, vượt qua sự trầm cảm. Không nên áp đặt suy nghĩ của mình mà chỉ khơi gợi, giúp trẻ bộc lộ hết sự thông minh, năng động và sáng tạo của trẻ.

Khi trẻ có biểu hiện nghiêm trọng của bệnh trầm cảm như: dễ kích động, kích thích, nổi giận, hay có hành vi liều lĩnh... bạn hãy nói với bác sĩ khoa nhi, bác sĩ tâm lý hay các chuyên gia về tâm thần học. 

Hoạt động thể chất đã được chứng minh là giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Để tránh cho con mình rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con trẻ, đặc biệt là về đời sống tinh thần, mối quan hệ bạn bè, chia sẻ với trẻ những khó khăn trong cuộc sống của chúng. Đặc biệt không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi hoặc có kết quả học tập kém bạn bè. Để giúp trẻ đối phó trước những thách thức của cuộc sống và rèn luyện bản lĩnh khi đối mặt với nghịch cảnh, điều quan trọng là để trẻ hiểu được cảm xúc buồn bã là chuyện bình thường.

Hãy cho trẻ thời gian để nguôi ngoai, đồng thời động viên trẻ rằng nỗi buồn sẽ không kéo dài mãi; sau đó, dạy trẻ biết tầm quan trọng của trẻ trong cuộc sống, khuyến khích trẻ nói về nỗi sợ hãi cũng như mối quan tâm của trẻ là gì. Dành thời gian trò chuyện cùng trẻ cũng như biết cách lắng nghe và ghi nhận tất cả cảm xúc của trẻ dù tốt hay xấu. Đừng cố gượng ép hay bắt buộc trẻ khi trẻ chưa muốn nói.

Hoạt động thể chất đã được chứng minh là giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Kết hợp chặt chẽ các hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi xe đạp hoặc đi bộ vào thói quen của gia đình bạn. Tránh uống rượu và sử dụng ma túy. Có vẻ như rượu làm giảm triệu chứng trầm cảm, nhưng về lâu dài thường làm các triệu chứng trầm cảm tồi tệ hơn và khó điều trị.

Rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên có những đặc điểm khác với ở người lớn và cần được quan tâm, phát hiện kịp thời rối loạn này ở trẻ để có biện pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng sống cho trẻ, cải thiện thành tích học tập và định hướng cho trẻ phát triển lành mạnh.

Hoàng Ngọc
.
.