Thuốc hẹn...giờ

Thứ Ba, 25/05/2010, 11:00

Theo tạp chí Nga Itogi số 17, ra cuối tháng 4/2010, loại thuốc của tương lai đã được sáng chế thành công - tác động của loại thuốc này tới cơ thể con người có thể được điều chỉnh từ xa.

Đó đã là mơ ước cháy bỏng của y học thế giới từ nhiều thế kỷ nay: pha chế được loại thuốc lý tưởng, không ngay lập tức tác động tới cơ thể bệnh nhân  mà chỉ bắt đầu có công dụng khi nó chạm được tới bộ phận đau ốm của con người hay sau một thời gian nhất định mà bác sĩ đã lập trình (một tuần, một tháng hay thậm chí một năm…). Có vẻ như các nhà khoa học đã biến được ước mơ này thành hiện thực. Trong thời gian sắp tới rất gần thôi, các thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành  với các viên thuốc polimer sinh học, có tính năng tác động định hướng đối với cơ thể bệnh nhân. Những viên thuốc này đã được gọi là loại thuốc của  tương lai. Tác giả của loại thuốc này, nhà khoa học người Nga Gleb Sukhorukov, lãnh đạo nhóm nghiên cứu của khoa polimer sinh học tại trường nghiên cứu vật liệu Queen Mary  thuộc Đại học London (Anh) đã có một cuộc trao đổi với phóng viên tạp chí Itogi về loại thuốc mới này.

- PV: Thưa ông, loại thuốc của tương lai này đã phải có một quá khứ vất vả lắm, phải không?

- Gleb Sukhorukov: Mọi sự bắt đầu từ gần hai thập niên trước, khi tôi còn trong thời gian làm luận án tốt nghiệp ở Khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU). Lúc đó tôi đã tới làm việc với các nhà hóa học, chuyên về các hệ thống tấm điện để tìm hiểu về ý tưởng chế tạo những miếng polimer siêu mỏng, giống như các lớp bột xếp  chồng lên nhau - độ dày của chúng có thể được điều chỉnh bằng số lượng các lớp theo điện tích dương hoặc âm nhờ lượng polimer đã được cô đặc vào thành một phân tử. Giờ thì chúng tôi đã biết được rằng, tính chất của các lớp như thế có thể được lập trình: nếu tấm điện đó càng dày thì độ thấm của nó càng nhỏ và ngược lại. Có thể điều chỉnh được những thay đổi của các tấm này.

Nếu chúng ta đưa vào thành phần của nó chất polimer có khả năng mở rộng ra khi thay đổi độ axít hay nhiệt độ, hoặc dưới tác động của ánh sáng hay từ trường, thì tấm điện đó hoặc viên thuốc làm từ tấm điện đó có thể sau một khoảng thời gian nhất định sẽ mở rộng ra hay co hẹp lại một cách tương ứng, cho phép tiết ra hoặc nhập vào mình một chất gì đó, hoặc thậm chí là tự phá hủy mình đi. Nếu ta đưa vào viên thuốc đó những chất tự nhiên (thí dụ như các chất anbumin, các chất men…) thì có thể tạo ra những phản ứng tương đồng. Thậm chí là ta có thể tạo ra cả một tế bào nhân tạo. Tức là ta có thể tạo ra một dụng cụ cực nhỏ với những công năng khác nhau.

- Đó có phải là cái vỏ thông minh cho các viên thuốc không?

- Trước đây thì tôi chưa nghĩ tới chuyện này. Hơn nữa, lúc đầu cũng có những hoài nghi về việc liệu có thể tạo nên những tấm điện như thế hay không. Các nhà hóa học đã giải thích với tôi rằng, nhìn từ góc độ khoa học cơ bản, không thể tạo nên những lớp polimer siêu mỏng như thế, về mặt nguyên tắc mà nói thì không thể có chúng được. Ý kiến này theo lý thuyết mà nói thì tới giờ vẫn đúng. Trong các hệ thống cân đối thì quả thực là không có chỗ cho sự tồn tại của những lớp như thế. Nhưng vấn đề là ở chỗ, trong thực tế, chúng ta luôn luôn phải làm việc với những hệ thống không cân đối trong một thời gian dài. Từ quan điểm của khoa học cơ bản, những gì mà chúng tôi đang làm có vẻ như không đúng đắn, nhưng dù thế nào thì vẫn có thể chế tạo ra được những tấm điện nhiều lớp như thế.

- Khi nào thì ông nảy ra ý tưởng tạo ra từ các tấm như thế những viên thuốc?

- Việc này xảy đến từ 12 năm trước. Khi đó tôi đã bảo vệ xong luận án khoa học và làm việc ở Đức trong hệ thống các viện nghiên cứu Max - Planck (đây là hệ thống các viện nghiên cứu khoa học với cơ quan đại diện chính ở Berlin và trụ sở điều hành ở Munich, chuyên về nghiên cứu các môn khoa học cơ bản - NT). Chúng tôi  cùng các đồng nghiệp lúc đó đã biết cách chế tạo ra những tấm như thế trên bề mặt phẳng, nhưng còn chưa nghĩ tới ứng dụng thực tế của chúng. Và một bận, chúng tôi đã thử biến chúng thành những quả cầu nhỏ để thử nghiên cứu chúng theo một cách nào đó khác. Và bất ngờ chúng tôi phát hiện ra rằng, tính chất của các tấm điện này trong không gian ba chiều cho phép chúng tự nới rộng ra, thẩm thấu những thứ gì đó vào trong mình, hoặc có thể tiết ra những gì bên trong rồi lại tự co hẹp lại. Thế là lần đầu tiên đã nảy sinh ra ý tưởng về một cơ chế điều chỉnh viên thuốc một cách chuẩn mực. Tất nhiên, mọi việc đều không dễ dàng và đơn giản. Chỉ mới từ 5 năm trước, chúng tôi mới học được cách chế biến thành hình viên thuốc các chất khác nhau.

- Các ông đã thử nghiệm chúng trong thực tế chưa?

- Chúng tôi đã quyết định đưa các viên thuốc như thế vào các tế bào bị ung thư. Thoạt tiên thì đó chỉ đơn giản là mối quan tâm nghiệp vụ của các nhà nghiên cứu. Và chúng tôi đã "hạ" được các tế bào bị ung thư chỉ nhờ một lý do đơn giản: chúng rất "háu ăn". Chúng phát triển rất nhanh và mau chóng nuốt chửng tất cả những gì ở bên cạnh chúng và tất cả những gì ở trên bề mặt tồn tại của chúng sẽ ngay lập tức bị nuốt vào trong chúng. Cũng những hiện tượng tương tự xảy ra với các viên thuốc của chúng tôi. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng, chúng có thể chui vào trong các tế bào.

Sau này, với những mục tiêu nhất định, chúng tôi đã lợi dụng sự "háu ăn" như thế của các tế bào miễn dịch, các đại thực bào. Hiện giờ, với sự giúp đỡ của các viên thuốc của chúng tôi, một hãng dược của Mỹ đang tiến hành các nghiên cứu trong lĩnh vực miễn dịch học. Vấn đề là ở chỗ, những anbumin kháng nguyên không thể tạo nên phản ứng miễn dịch nếu không lọt được vào trong tế bào trong cơ thể. Chúng tôi đã tìm ra cách giải quyết: Phương án "con ngựa thành Tơroa". Viên thuốc như thế sẽ được đưa vào tế bào miễn dịch rồi dưới tác động của chất men trong tế bào hoặc một tác động bên ngoài nào đó, vỏ polimer sẽ tự tiêu hủy (quá trình này có thể được lập trình trước) và những anbumin kháng nguyên sẽ được thoát  ra và tạo nên những tác dụng cần thiết.

Viên thuốc của tương lai đã được đưa vào tế bào bị ung thư như thế.

- Làm cách nào mà ta có thể tác động tới viên thuốc đã nằm trong cơ thể?

- Hóa ra là, có thể làm được nhiều việc nếu ta đặt vào viên thuốc những phần tử nano. Thí dụ như, vỏ viên thuốc dày khoảng 50 mét nano (tức là bằng một phần tỉ mét). Các phần tử điện từ nano có kích cỡ 10-20 mét nano hoàn toàn có thể nằm gọn trong đó. Nếu ta đưa một viên thuốc như thế với số lượng lớn những phần tử nano như thế vào từ trường, nó sẽ bắt đầu chuyển động và ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được những chuyển động như thế một cách tuyệt đối.  Làm vậy ta có thể loại ra khỏi các mô trong cơ thể những chất thuốc không còn cần thiết nữa.

Một thí dụ khác: Các phần tử kim loại nano của vàng hay bạc dưới tác động của ánh sáng rất dễ dàng được nung nóng. Nếu ta làm vỏ viên thuốc có độ dày khoảng 20-30 mét nano, nó dưới tác động của sự nung nóng đó sẽ vỡ ra và đúng vào thời điểm mà chúng ta muốn điều đó, nó sẽ tiết ra chất thuốc nằm ở bên trong viên thuốc.

- Điều đó có nghĩa là có thể tạo cho vỏ viên thuốc bất cứ một tính chất gì?

- Hoàn toàn đúng. Đó như một  trò chơi  xếp hình của con trẻ. Nếu sử dụng những nguyên tắc căn bản khác nhau để sắp đặt các polimer, chúng ta có thể tạo nên cho nó vô số những tính năng rất khác nhau - độ nhạy đối với từ trường, đối với ánh sáng, đối với độ a xít, đối với nhiệt độ, muốn gì được nấy… Xin nói thêm là, trong các thí nghiệm với các tế bào bị ung thư đã sử dụng tính chất của các phần tử nano từ có thể tự nung nóng lên cụåc bộ dưới tác động của phát xạ điện từ trường. Chúng tôi đã lấy nhưng viên thuốc có mang trong mình các phần tử nano, đưa vào trong các tế bào bị ung thư và chúng đã tự nóng lên để đốt khối u. Nếu trong vỏ viên thuốc có thuốc thì trong thời điểm đó, chất thuốc đã thấm được vào trong cơ thể.

-Trong hướng nghiên cứu khoa học này, các ông có đối thủ không?

- Trên thế giới đang tồn tại nhiều cách khác nhau để thẩm thấu thuốc. Kỹ nghệ mà chúng tôi đang nghiên cứu cũng có điểm yếu: Nó đắt hơn các phương pháp khác. Tuy nhiên, đang có những vấn đề mà hiện thời chỉ chúng tôi mới giải quyết được. Thí dụ, nếu cần đưa vào một tế bào trong cơ thể đồng thời cả ADN và cả một anbumin nhất định hay nếu cần đưa vào một lúc đồng thời vài ADN. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành các dự án nghiên cứu với các nhà sinh vật học - với sự giúp đỡ của các viên thuốc của chúng tôi có thể thử tác động tới sự phân hóa của các tế bào thân. Ai cũng biết hiện đó là trở ngại lớn nhất đối với những người có dự định phát triển môn trị liệu tế bào.  Kiểm soát quá trình phân hóa tế bào là một việc cực kỳ khó khăn. Nhưng chúng tôi đã biết cách đưa vào tế bào viên thuốc với những chất cần thiết để viên thuốc này "ngủ" chờ tới thời điểm thích hợp. Và khi đó, chúng tôi sẽ mở viên thuốc đó từ xa bằng ánh sáng hay từ trường.

- Trong tương lai gần có thể chờ đợi những kết quả cụ thể được không?

- Ngay trong năm 2010 này, tại Trung Quốc lần đầu tiên sẽ tiến hành thử nghiệm việc đưa vào cơ thể các chất thuốc như interfenon, erythropoietin nằm trong các vỏ viên thuốc của chúng tôi. Các thử nghiệm tiền lâm sàng hiện cũng đang được tiến hành theo các hướng khác nhau với động vật…

Ngọc Thuý
.
.