Thị trường CNTT: Đại gia đã có lại động lực

Thứ Tư, 02/03/2011, 14:38
Một hoạt động thường niên của CLB các nhà báo CNTT , một trong những nỗi lo là lĩnh vực CNTT đã bị tụt hậu khá xa so với lĩnh vực viễn thông. Trong khi các doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ viễn thông có tốc độ tăng trưởng cao, phủ kín thị trường đầy cạnh tranh thì những sự kiện, sản phẩm và cả các doanh nghiệp liên quan đến CNTT hầu như vắng bóng và thưa thớt.

Nguyên nhân nào mà CNTT lại rớt lại so với ngành Viễn thông như vậy? Bài viết này thử tìm câu giải đáp từ một doanh nghiệp lớn nhất của CNTT, đó là FPT.

Khi tăng trưởng dẫn dắt lối chơi

Nếu chỉ nhìn từ một vài DN lớn, có lẽ sẽ chưa có câu trả lời trọn vẹn và hoàn hảo, nhưng trong diễn biến thị trường hiện nay, thì động thái từ các doanh nghiệp "đại gia" sẽ vẫn là góc quy chiếu tốt nhất cho thị trường. Và FPT chiếm giữ ngôi vị đầu trong góc quy chiếu đó.

Tại cuộc đối thoại với các nhà báo CNTT, trước nhận định "FPT chưa có một sản phẩm mang thương hiệu như kỳ vọng", TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam đáp lại với một câu hỏi: "Vậy thị trường kỳ vọng gì ở FPT?".

Quan điểm của ông Nam là, một doanh nghiệp quan trọng nhất là phải tồn tại. FPT vẫn đang có mức tăng trưởng xấp xỉ 20% về lợi nhuận, doanh thu và nguồn nhân lực vẫn duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như các "gã khổng lồ" CNTT trên thế giới như HP, IBM, Intel, Lenovo, Apple… đều có những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu gắn liền với tên tuổi mình thì một sản phẩm tương tự đang "quay lưng" với FPT, cho dù đầu năm 2010 FPT đã mời một CEO chuyên về thương hiệu về giữ vị trí phó TGĐ. Tuy nhiên, sau hơn một năm, dù "điện thoại FPT" bán khá chạy và đem lại lợi nhuận khá lớn cho FPT thì nó vẫn chỉ là một kiểu sản phẩm "vầy vậy" kết quả của công đoạn nhập khẩu, lắp ráp và phân phối.

Đáng buồn cho FPT là khi họ vẫn cứ loay hoay với những sản phẩm máy tính, điện thoại "thương hiệu Việt/FPT" nhưng hàm lượng chất xám cho cái thương hiệu đó chả đáng là bao so với cách để đánh bóng nó thì một doanh nghiệp khác - đã từng là đối thủ cạnh tranh sát sườn và đang quay trở lại là CMC, đã thực sự có những sản phẩm mang thương hiệu của mình, trong đó nổi bật là phần mềm diệt virus.

Theo ông Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc Công ty CMC InfoSec, tại thị trường phần mềm diệt virus, trước sự ra đời của sản phẩm CMC, Kaspersky chiếm 80% thị phần, tuy nhiên nay tỷ lệ đó đã bị thu hẹp lại với chỉ khoảng hơn 60%. Thị phần còn lại CMC đã chiếm hơn 15,5%, BKAV cỡ 14,5 %, còn lại là Symatec và các sản phẩm khác.

Theo công bố của PTGĐ FPT Nguyễn Thế Phương, năm 2011 kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt là 20,4% và 24,7% so với năm 2010. Ở đây có thể thấy rằng, mục đích doanh thu lợi nhuận đã "dẫn dắt lối chơi" của FPT. Họ hoan hỷ vì đã "xuyên qua vùng tối" của thời kỳ suy thoái của nền kinh tế chung của thế giới.

Họ vừa lòng với điện thoại FPT 3G, giá 2 triệu đồng/chiếc mà như TGĐ Thành Nam nói là "ông xe ôm cũng có thể sử dụng được các ứng dụng và đủ tiền mua," họ "không thèm" ganh đua với Iphone vì suy cho cùng, ở Việt Nam chỉ có khoảng vài chục nghìn người/gần 90 triệu dân xài do giá của nó quá đắt cũng như tự hào rằng "Ovi của Nokia là thứ vớ vẩn, chợ ứng dụng của họ sẽ hay hơn và ở Việt Nam thì 'thương hiệu FPT còn nổi hơn Nokia"(?!).

Rõ ràng, câu chuyện thương hiệu với FPT không phải là nỗi ám ảnh, không có sản phẩm đặc trưng, danh họ vẫn nổi. Giữ vị trí hàng đầu và là nỗi trăn trở của lãnh đạo FPT vẫn chỉ là "mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận". Họ là công ty cổ phần và phải làm các ông bà chủ (cổ đông) hài lòng vì mức đầu tư của họ với công ty.

Dễ hiểu vì sao trên sàn chứng khoán, FPT được xếp vào nhóm bán buôn bán lẻ phụ tùng (HOST xếp FPT vào phân ngành cấp một G -nhóm bán buôn, bán lẻ, mã ngành cấp 2, 3 tương ứng của công ty này là 46 (bán buôn) và 465 (bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy).

Động lực làm giàu đã trở lại

Cuối năm 2010, tờ báo mạng VnExpress lại thống kê top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Ở lần bình chọn thứ 5 này, FPT có 7 người lọt vào top 100 với tổng tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng, người nhiều nhất đứng thứ 15, với khoảng hơn 1.000 tỷ đồng và người ít nhất đứng thứ 91, với khoảng trên 150 tỷ đồng.

Nếu so với lần đầu tiên top 100 được công bố thì danh sách này đã hụt đi 10 người và tổng giá trị chứng khoán bay hơi hơn 10.000 tỷ đồng. Năm 2006, FPT chiếm 17 người trong top 100, ngoài việc chiếm lĩnh 3 vị trí đầu tiên bảng xếp hạng, FPT còn chiếm 9/top 20 và tổng tài sản chứng khoán của họ lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.

Nhưng nếu tính tỷ lệ, thì hiện tại 7 đại gia của FPT chỉ còn chiếm giữ 2.000 tỷ đồng/ 86.000 tỷ đồng của top 100, nghĩa là chỉ chiếm 2,3%, con số này năm 2006 là 35% (12.000 tỷ đồng/34.000 tỷ đồng). Nhìn các con số này sẽ thấy, sau 5 năm, phú quý đã thụt lùi với "đại gia CNTT" hàng đầu này.

Cuối năm 2008, sang đầu năm 2009, đã có nhiều câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo FPT về động lực lao động, sáng tạo không khi nhân viên họ giàu có như thế? Một câu hỏi khá khó trả lời, khi mà một nhân viên hạng bét của FPT cũng có tiền tỷ, một lái xe của FPT cũng là "đại gia" không chỉ của giới lái xe!

Nhưng, sau khi đột ngột giàu có và tự cho phép "xả hơi," "hưởng thụ" với lượng cổ phiếu nhanh chóng chuyển thành nhà, xe, hàng hiệu và với độ "bốc hơi" nhanh chả kém khi số cổ phiếu đó lên giá thì các "đại gia" đang dần trở lại mặt đất. Họ chợt nhận thấy rằng, khối "tài sản giấy" mà họ từng có vài trăm tỷ, vài chục tỷ giờ chỉ còn 1/10, chưa kể họ đã tiêu đi rất nhiều và thiên hạ thì lại giàu lên cũng rất nhiều.

Các "đại gia" đã lại cảm thấy phải đắn đo suy tính cho từng chi tiêu, con trót cho học trường Tây thì phải làm sao theo nốt quãng học còn lại, xe đẹp thì gánh xăng, nhà đẹp thì tính phí. Nhất là khi người ta bảo "đại gia mà tính toán làm gì," thì họ mới thấy, cái danh đại gia thật quá nặng nề.

Chưa hết, CMC, kẻ chưa từng bao giờ thôi lăm le mưu đồ "soán ngôi" CNTT hàng đầu, đã từng bị tụt lại rất xa sau "cơn lốc thăng hoa" của cổ phiếu FPT, thì nay đã chả kém cạnh. Dù lên sàn vào lúc bĩ cực của chứng khoán nhưng CMC nay cũng có những gương mặt "anh hào" trong top 100 và độ tăng trưởng của họ khá ổn định và bền vững.

Cần thiết một cuộc cải tổ thực sự

Trong cơn bĩ cực của nền kinh tế chung, không như hoàng tử Hamlet băn khoăn với câu nói nổi tiếng "tồn tại hay không tồn tại", FPT đặt ra mục đích tồn tại bằng mọi giá. Nhưng tồn tại như thế có bền vững không? Khi mà tham vọng của FPT đã được Chủ tịch HĐQT của công ty này công khai tuyên bố là 15 năm tới sẽ lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới do Forbes bình chọn, và năm 2011 là năm đầu tiên để FPT thực hiện kế hoạch dài hơi này.

Nhìn lại bước phát triển của FPT trong thời gian 3 năm qua, có vẻ chính FPT đang lúng túng về đường hướng. Lớn nhanh quá, giờ để nuôi thân hình đồ sộ đó, bắt buộc FPT phải cải tổ, nhưng cải tổ thế nào? Để tồn tại, họ đã loay hoay xoay xở sao cho không bị cái bóng quá đồ sộ của tên tuổi của chính mình đè lấp.

Không thể nhặt nhạnh những dự án loại "tầm tầm" như thời trước đó, những dự án mới xem chừng lại quá viển vông, hoặc kém khả thi khiến bản thân những người kiến sáng cũng hoài nghi, chưa kể là những bất đồng từ toàn ban lãnh đạo.

Cách đây hơn một năm, FPT đã "thay máu" hàng ngũ lãnh đạo bằng việc tách riêng hội đồng quản trị và ban điều hành. Một tổng giám đốc mới được bổ nhiệm, một ban điều hành mới với các phó tổng giám đốc toàn tuổi trẻ tài cao. Nhưng dấu ấn của ban điều hành này sau một năm là chưa rõ rệt dù họ đã chèo lái con tàu FPT đi đúng quỹ đạo tăng trưởng đề ra.

Một phần là do sự giẫm chân lên nhau của hệ thống nhân sự ban điều hành và HĐQT, một phần là do sự bảo thủ kiểu tình cảm nửa vời khiến FPT không dám "giảm biên chế" những nhân vật dư thừa trong bộ máy cồng kềnh của mình, một phần nữa là do sự ganh đua và kiêu hãnh cá nhân của chính những "công thần" của FPT.

Năm 2011, FPT đang có rất nhiều lợi thế. Về khách quan, nền kinh tế đã qua cơn bĩ cực. Việc Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT đã là một con đường lớn mở ra cho các doanh nghiệp CNTT nói chung và FPT nói riêng.

Bởi khi Nhà nước có những khoản đầu tư lớn cho CNTT thì đó là một cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Như ông Nam nói, "giỏi hay không thì cũng cần phải có đất để diễn," và FPT thì vốn vẫn có nhiều lợi thế về mặt tên tuổi trong các dự án tầm quốc gia!

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được xác định cho việc thực hiện đề án nói trên cần đến khoảng hơn một triệu người trong 10 năm tới sẽ mở ra cho Đại học FPT một nguồn thu "khủng" nếu họ bao thầu được chỉ khoảng 1/5 số nguồn lực nói trên. Năm 2010, FPT cũng đã hoàn tất "thương vụ EVN Telecom" để có thể bước chân vào lĩnh vực cuối cùng mà họ (FPT Telecom-công ty thành viên của FPT) chưa có giấy phép: thông tin di động.

Với tấm thông hành cuối cùng này cộng với hạ tầng cơ sở sẵn có của EVN Telecom, FPT đã tiến vào thị trường thông tin di động đầy quyết liệt nhưng vẫn còn vô số béo bở, hứa hẹn một sự sôi động, phát triển mới cho thị trường này cũng như cho mục đích vươn lên khẳng định tên tuổi và vị thế của FPT.

Về chủ quan, với việc cổ phiếu tụt giá, những nhân viên sớm trở lại mặt đất, người FPT tiếp tục có động lực làm giàu và khẳng định vị thế để phấn đấu. Đúng vào lúc bài báo này lên khuôn, thêm một "yếu tố" mới  đến với FPT, HĐQT FPT cuối cùng đã mạnh dạn quyết định bổ nhiệm Phó TGĐ FPT kiêm TGĐ FPT-Telecom Trương Đình Anh thay ông Nguyễn Thành Nam gánh trọng trách chèo lái con tàu FPT trong thời điểm mới với những cái đích mới.

Sau 2 năm, Nguyễn Thành Nam (50 tuổi)đã làm tròn vai cầu nối 2 thế hệ, 5X và 7X của FPT. Có thể thấy rằng, giữa rất nhiều những người tuổi trẻ tài cao của mình, chọn Trương Đình Anh (41 tuổi) với FPT là chuyện so bó đũa, chọn cột cờ, hy vọng các nhân tài đó sẽ khơi dậy nhiệt huyết cống hiến vì một doanh nghiệp lớn, vì một nền CNTT của đất nước.

Hy vọng với TGĐ mới này, FPT sẽ có một sự "giao cờ" thật sự để "phất." Và nếu FPT làm được cái việc mà họ đã làm cách đây hơn 20 năm là "đưa những người giỏi và đầy cá tính ngồi được một bàn," nếu chàng trai từng có mơ ước thành thủ tướng vào năm 40 tuổi có đủ nghị lực và cương quyết để đổi mới, dẫn dắt FPT cũng như loại bỏ "những nhân vật thừa đang hưởng lương cao, lộc nhiều chỉ để cười và nhớ về những công đã góp thuở trước" thì thời hoàng kim của FPT không có lý gì mà không thể tái hồi.

Và một khi FPT hoàng kim, một sự khởi sắc mới cho CNTT là điều tất yếu. Có thể quãng thời gian để về đích đó sẽ lâu hơn cái thời "cỏ may lên chậu" nhưng là một sự phát triển bền vững, ấy là người FPT hy vọng vậy, và cộng đồng cũng hy vọng vậy. Cộng đồng vẫn muốn có một doanh nghiệp "oách", tên tuổi lẫy lừng, sản phẩm được thừa nhận toàn cầu, những chủ nhân của doanh nghiệp đó là những người tài, người giỏi, người giàu

Hàn Phi
.
.