Thế hệ 9X của làng công nghệ thế giới: Tài không đợi tuổi

Thứ Ba, 15/03/2016, 14:30
Họ là những người còn rất trẻ, hầu hết ở độ tuổi 9X, nhưng đã nhanh chóng trở thành những hiện tượng của làng công nghệ thế giới.


Nhờ tư duy nhạy bén, tài năng thiên phú và đam mê với công việc, họ đã sáng tạo nên nhiều chương trình, phần mềm hay công cụ đặc biệt, có tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Dù ít tuổi và còn thiếu kinh nghiệm nhưng họ luôn rất tự tin, không ngần ngại kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm, và tích cực học hỏi nhằm tích lũy tri thức cũng như kinh nghiệm. Họ chính là những đại diện cho một thế hệ trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm, theo đuổi tới cùng ước muốn "cải tạo" thế giới theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

1. Erik Finman được coi là "ngôi sao mới nổi" trong làng công nghệ thế giới khi sáng lập nên Botangle - mạng giáo dục trực tuyến kết nối học sinh với giáo viên trên toàn thế giới. Chàng trai 17 tuổi người Mỹ này còn trở thành một trong những bạn trẻ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn năm 2014. 

Finman rất đặc biệt khi cậu quyết định "học ít" và "thực hành nhiều". Dù kết quả học tập không cao, nhưng cả gia đình đều thừa nhận rằng Finman rất sáng tạo. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã tự học, dạy về rô-bốt và công nghệ cho những đứa trẻ hàng xóm lớn tuổi hơn.

Những trải nghiệm trong môi trường giáo dục đáng thất vọng đã thúc đẩy Finman tạo ra Botangle với mong muốn thay thế hệ thống trường công. Cậu lắng nghe và nhận xét về ý tưởng thành lập trang mạng học trực tuyến, sử dụng tiền đầu tư cá nhân cùng hỗ trợ từ gia đình để tuyển nhà thiết kế và lập trình viên hợp tác cho dự án. Erik Finman thực sự là chàng trai có định hướng rõ ràng, cháy hết mình với công việc và không ngừng học hỏi. Khi muốn quản lý các lập trình viên, Erik cần học viết lệnh, còn lúc làm thuế, cậu lại chăm chỉ tính toán.

Erik Finman.

Botangle ra đời, là công cụ cho tất cả mọi người tiếp cận các phương pháp học tập tuyệt vời, cho dù họ ở vùng nông thôn, thành thị, hay thậm chí là châu Phi xa xôi. Đây là nơi học sinh có thể trao đổi với giáo viên và học bất kỳ thứ gì, từ ngoại ngữ, môn đại số cho tới kỹ thuật hay âm nhạc. 

Thông qua Botangle, Erik Finman mong muốn "cải tạo" hệ thống giáo dục hiện nay. Cậu muốn xây dựng một môi trường học tập linh động cho bất cứ ai có nhu cầu, chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể học tập, nghiên cứu và chia sẻ tri thức.

2. Chỉ sau 6 tháng làm việc với một nhóm lập trình viên tự do, nam sinh 17 tuổi người Ba Lan Mateusz Mach đã sáng tạo nên ứng dụng tin nhắn Five, cho phép người dùng liên lạc bằng cách gửi các ký hiệu cử chỉ, giống như cách các ca sĩ hát nhạc rap vẫn thường làm. 

Ban đầu, ứng dụng chỉ được coi như phương thức kết nối vui giữa những người bạn qua các ký hiệu đơn giản. Nhưng sau khi ra mắt một thời gian ngắn, người khiếm thính đã gửi lời cảm ơn đến Mach vì tạo nên sản phẩm hữu ích, giúp họ giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu quốc tế. Từ những phản hồi tích cực đó, Mach nhìn thấy cơ hội phát triển của Five, nên cậu đã tham gia và giành chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp địa phương.

Mateusz Mach.

Để có được tài trợ, Mach phải lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện các công đoạn bước đầu khá vất vả. Cậu thể hiện mình đang trong tư thế sẵn sàng điều hành một công ty, hợp tác với các nhà thiết kế cùng chuyên gia ngôn ngữ ký hiệu, bất chấp tuổi đời còn rất trẻ và bản thân thiếu kinh nghiệm. 

Mới đây, "đứa con tinh thần" của Mach đã nhận được một khoản đầu tư lên tới 150.000 USD. Nhờ đó, cậu có nâng cấp Five - ứng dụng từng bị coi là ngớ ngẩn - thành "sứ giả" giúp người khiếm thính truyền đạt thông tin dễ dàng hơn qua điện thoại. 

Mach cũng chia sẻ dự định đem sản phẩm này đến thị trường Mỹ vào mùa hè năm nay. Chàng trai còn thuê một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu đến từ New York nhằm đảm bảo Five sẽ được phân phối tại thị trường Mỹ sau khi hoàn thiện.

3. Một nghiên cứu cho thấy, 52% thanh thiếu niên Mỹ bị bắt nạt trên mạng. 7/10 bạn trẻ cho biết từng gặp chuyện không hay qua mạng xã hội, thường xuyên là nạn nhân của những vụ trêu ghẹo trong thế giới ảo. 

Từ đó, ý tưởng xuất hiện trong đầu cô nữ sinh Trisha Prabhu đến từ bang Illinois khi biết về những tin tức và dòng trạng thái gây tổn thương cho người khác trên mạng xã hội. Cho đến khi chứng kiến một cô bé tự tử do bị dân mạng bắt nạt, Prabhu đã quyết tâm phải thay đổi thực trạng này. Sau nhiều nghiên cứu và thử nghiệm về sự phát triển của bộ não thanh thiếu niên, cô bé 15 tuổi đã cho ra đời Rethink - ứng dụng nhắc nhở cư dân mạng trước khi họ bày tỏ những suy nghĩ hay lời nói làm ảnh hưởng đến người khác.

Trisha Prabhu.

Trisha Prabhu đã làm 1.500 thử nghiệm khoa học và thấy rằng khi thanh niên nhận một thông điệp nhắc nhở suy nghĩ lại việc định làm, có đến 93% trong số này đã thay đổi quyết định. Nhận thấy sức ảnh hưởng của công nghệ và Internet, Prabhu đã tung Rethink cho người dùng miễn phí tải về sử dụng. Cô cũng tổ chức các cuộc hội thảo tại trường học, khuyến khích học sinh - sinh viên tìm hiểu và sử dụng phần mềm chống bắt nạt này. 

Nhờ đó, cô đã được vinh danh tại cuộc thi toàn cầu về khoa học của Google. Trisha Prabhu hi vọng, ý tưởng của cô sẽ tạo nên một hiệu ứng lan tỏa tới hàng triệu thanh thiếu niên trên toàn cầu, góp phần làm suy giảm những hành vi bắt nạt qua mạng Internet.

4. Easton LaChappelle - chàng trai 19 tuổi đến từ Colorado (Mỹ) - nổi tiếng thế giới nhờ chế tạo thành công cánh tay rô-bốt được điều khiển bằng suy nghĩ. Từ khi mới 14 tuổi, cậu đã bắt đầu mầy mò, tìm tòi cách lắp ráp những cánh tay rô-bốt từ các vật dụng đời thường đơn giản như dây câu và một số linh kiện máy in. 

Chính những sản phẩm này đã đem về cho Easton LaChappelle giải ba trong hội chợ khoa học bang Colorado. Tuy nhiên, khi biết thực tế rằng một cánh tay giả với chỉ hai chức năng đóng - mở có giá lên tới gần 100.000 USD, chàng trai trẻ nung nấu ý định sẽ tạo nên một sự khác biệt. Cậu quyết tâm sáng chế một cánh tay rô-bốt dưới 1.000 USD.

Easton LaChappelle 

Easton LaChappelle chọn con đường tiện lợi và nhanh nhất là qua não bộ. Cậu đã học cách vận hành của một số trò chơi sử dụng suy nghĩ để điều khiển. Ý tưởng này nhanh chóng thành công khi cánh tay giả được điều khiển bằng suy nghĩ ra đời với mức giá chỉ khoảng 500 USD. 

Chính sự đột phá này khiến nam sinh nổi tiếng, có cơ hội tham gia triển lãm khoa học do Nhà Trắng tổ chức và gặp Tổng thống Barack Obama khi mới 17 tuổi. Tuy nhiên, phải đến lần nâng cấp thứ ba, sản phẩm mới trở nên hoàn hảo. Những ngón tay có thể gập gọn gàng, chính xác và nhạy bén hơn dựa vào suy nghĩ người sử dụng. 

Easton LaChappelle gây bất ngờ khi quyết định đăng tải phần mềm, thiết kế lên mạng hoàn toàn miễn phí để mọi người có thể tải về. Sáng chế của cậu được đánh giá có thể làm thay đổi thế giới, hỗ trợ đắc lực cho những người khuyết tật.

5. Zach Latta, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Hack Club (câu lạc bộ lập trình), được Forbes lựa chọn là một trong 30 người trẻ nổi bật dưới 30 tuổi năm 2016. Latta cũng là một trong 20 người được nhận học bổng trị giá 100.000 USD năm 2015 để nghiên cứu và thực hiện các ý tưởng kinh doanh.

Zach Latta.

Hack Club tập trung vào những học sinh cấp ba, đồng thời dẫn dắt một số câu lạc bộ những người yêu thích lập trình bằng việc cung cấp chương trình, công cụ phần mềm và tập huấn xây dựng cộng đồng. Chỉ sau một năm thành lập, tổ chức này đã phát triển ở Mỹ, Canada, Australia, Estonia, Zimbabwe và Ấn Độ.

Chàng trai 18 tuổi cho biết lập trình đã thay đổi tư duy của chính bản thân cậu. Latta bắt đầu gõ những dòng lệnh đầu tiên khi còn học cấp 2, và thành lập câu lạc bộ lập trình gồm khoảng 15 học sinh khi lên cấp 3. Năm 16 tuổi, Latta nỗ lực xây dựng chương trình học tại nhà, đồng thời vượt qua kỳ kiểm tra của trường cấp 3 tại Los Angeles, đủ điều kiện rời trường sớm.

Ngay sau đó, Latta trở thành kỹ sư và lập trình viên tại San Francisco. Chính sự đam mê và những thành công bước đầu đã giúp Latta thuyết phục gia đình cho phép cậu theo đuổi đam mê lập trình. Cậu đã lên kế hoạch tập trung phát triển Hack Club trong thời gian tới, mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức này ở nhiều bang của Mỹ và trên toàn thế giới.

Hồng Hạnh
.
.