Tết của người Mỹ: Lễ tạ ơn

Thứ Bảy, 08/12/2012, 16:10
Ngày thứ năm 22/11 vừa qua, người dân Mỹ đã tưng bừng tiến hành Lễ Tạ ơn lần thứ 86, một ngày lễ rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đất nước này. Đây cũng là Lễ Tạ ơn được truyền tin ở mức kỷ lục trên các mạng xã hội.

Uống nước nhớ nguồn

Lễ Tạ ơn thoạt tiên được tổ chức ở Mỹ (và sau này ở cả Canada) như một nghi lễ để tạ ơn đấng tối cao đã cho sống no đủ và an lành. Những nguồn tư liệu khác nhau ghi chép lại những Lễ Tạ ơn đầu tiên khác nhau. Ngày lễ này đã được gắn liền với các lễ hội ngày mùa vốn được tổ chức ở châu Âu từ thời xa xưa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Lễ Tạ ơn đầu tiên  diễn ra tại Bắc Mỹ từng được tổ chức tại Newfoundland bởi Martin Frobisher và nhóm Thám hiểm Frobisher năm 1578, để mừng tạ ơn Chúa đã cho sống sót, qua cuộc hành trình dài và nhiều bão tố từ Anh.

Một lễ hội khác được tổ chức vào ngày 4/12/1619 khi 38 người khai hoang từ giáo khu Berkeley xuống thuyền tại Virginia và tạ ơn Thượng đế. Trước đó, cũng có một buổi tiệc Tạ ơn tổ chức bởi Francisco Vasquez de Colorado (cùng với nhóm người da đỏ Teya) ngày 23/5/1541 tại Texas, để ăn mừng việc họ tìm ra lương thực. Một số người cho rằng, đây là cuộc tổ chức Tạ ơn thật sự đầu tiên tại Bắc Mỹ. Một sự kiện tương tự xảy ra một phần tư thế kỷ sau vào ngày 8-9-1565 tại St. Augustine, Florida khi  nhà thám hiểm Pedro Menendez de Aviles gặp đất liền và ông cùng những người trên thuyền đã tổ chức một buổi tiệc với người bản xứ...

Nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng, Lễ Tạ ơn như hiện nay đang được tổ chức ở Mỹ đã bắt đầu từ cộng đồng những người Pilgrims (Những người hành hương) di cư sang Mỹ ở đầu thế kỷ XVII. Nhóm người này vốn là thần dân Anh quốc, đã bị vị vua trị vì “hòn đảo sương mù” o ép để bắt cải đạo theo tôn giáo của ông ta. Tuy nhiên, họ đã cương quyết không chịu không chấp nhận nên đã bị tống giam vào tù.

Sau một thời gian, vị vua kia lại lôi họ ra hỏi lại nhưng họ vẫn lắc đầu để gìn giữ tín ngưỡng cũ. Rốt cuộc thì đất không chịu trời thì trời cũng đành xuống nước và vị vua kia đã trả lại tự do cho họ nhưng buộc phải rời khỏi Anh. Và nhóm người “thà đui mà giữ đạo nhà” này đã tới Hà Lan sinh sống, rồi lại rời khỏi đó khi hiểu mình không thể hòa nhập vào vùng đất ven biển ở châu Âu này. Lo sợ con cháu sẽ quên đạo gốc, họ đã bỏ Hà Lan để đến Tân Thế giới sinh sống. Và họ được gọi bằng cái tên mới là Pilgrims.

Theo một số nguồn sử liệu, ngày 6/9/1620, khoảng hơn 100 người Pilgrims đã đi trên một con thuyền tên là Mayflower nhằm thẳng hướng châu Mỹ. Họ đặt chân đến Massachusetts khi đang là một mùa đông cực kỳ khắc nghiệt. Thực phẩm lại vô cùng thiếu thốn. Tới tháng 12 năm ấy đã có 6 người qua đời. Sang tháng Giêng năm sau lại thêm 8 người nữa chết. Một tháng sau, lại thêm 17 qua đời rồi 13 người nữa cũng chết trong tháng 3/1621. Những người còn sống đã phải lặng lẽ âm thầm chôn cất những thi hài trong đêm tối vì sợ thổ dân da đỏ Wampanoag biết được có thể gây hấn. Thế nhưng, thổ dân da đỏ ở đó lại là những người rất tốt bụng và hữu nghị nên đã không xảy ra bất cứ một cuộc đụng độ nào. Không những thế, người da đỏ còn tìm mọi cách để giúp đỡ những người Pilgrims thích nghi với điều kiện sống mới và dạy cách trồng tỉa, săn bắn, nấu nướng các thứ hoa quả lạ…

Tới tháng 4/1620, những người Pilgrims đã biết cách trồng ngô dưới sự chỉ dẫn của một người da đỏ tên là Squanto. Vụ thu hoạch thắng lợi đã giúp họ có đủ dự trữ lương thực cho mùa đông mới. Bắt đầu một giai đoạn tốt lành trong cuộc sống của họ trên vùng đất lạ mà sau này họ đã coi là chính quê hương của mình.

Trong tâm trạng hân hoan, sau khi thu hoạch vụ mùa, những người Pilgrims quyết định tổ chức một lễ hội ngày mùa để tạ ơn Thượng đế cho họ sống sót qua mùa đông đầu tiên. Đồ ăn chính trong Lễ Tạ ơn đầu tiên có ngô, bí đỏ, chim, vịt, ngỗng và gà tây.  Họ đã mời những người da đỏ Wampanoag tới cùng chung vui. Và các vị khách địa phương đã mang tới góp vui bằng những con gà tây.

Các nhà lịch sử sau này cho đó là Lễ Tạ ơn đầu tiên trên đất Mỹ, diễn ra vào đầu tháng 11/1621. Từ đó về sau, hằng năm con cháu của người Pilgrims luôn tổ chức lễ tạ ơn để cám ơn cho những gì tốt đẹp đã đến với cuộc sống.  Nhiều chi tiết của câu chuyện trên về sau đã được xây dựng như một truyền thuyết từ những năm 1890 và đầu thế kỷ XX để tạo một biểu hiện sự đoàn kết quốc gia sau cuộc nội chiến Mỹ cũng như để đồng hóa các người nhập cư.

Tục hay rày giữ

Sau khi lan rộng ra các địa phương khác ở Bắc Mỹ, Lễ Tạ ơn không phải ngay lập tức đã có được cung cách tổ chức như hiện nay. Mỗi cây mỗi hoa, các tiểu bang thuộc địa đầu tiên đã không thống nhất được ý kiến chung về một ngày Lễ Tạ ơn mà mỗi nơi ngẫu hứng theo một cách mà họ cho là thích hợp. Mãi tới khi cuộc cách mạng giành độc lập từ tay người Anh thành công thì các công dân của đất nước non trẻ này mới nghĩ đến một Lễ Tạ ơn chung cho 13 tiểu bang. Vị Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington đã kêu gọi dân chúng giữ ngày thứ năm 26/11/1789 làm ngày Lễ Tạ ơn đầu tiên cho toàn quốc. Nhưng sau đó Lễ Tạ ơn lại không được mọi người công nhận theo một ngày tháng nhất định. Dầu vậy, càng ngày càng có nhiều người đưa ra ý kiến nên có một ngày nhất định, đưa Lễ Tạ ơn thành quốc lễ và đưa quyền quyết định cho chính phủ Liên bang.

Tới năm 1863, vị Tổng thống  thứ 16 Abraham Lincoln sau khi nhận thấy chiến tranh đã đến hồi kết thúc đã chỉ định ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ ơn cho toàn quốc. Khi Lincoln bị ám sát trong một buổi xem kịch năm tháng 4/1865, cấp phó của ông là Andrew Johnson lên kế nhiệm đã tiếp tục truyền thống cũ tổ chức Lễ Tạ ơn, nhưng đổi sang ngày thứ năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11. Rồi trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến 1941, vị Tổng thống thứ 32 Franklin Roosevelt chỉ định ngày thứ năm của tuần lễ thứ ba trong tháng 11 làm Lễ Tạ ơn thay vì thứ năm của tuần lễ thứ 4. Tuy nhiên, quyết định này của ông Roosevelt đã bị các thương gia và các đảng viên Cộng hòa phản đối dữ dội, cho rằng Tổng thống đã đi ngược lại truyền thống. Chính vì thế nên chỉ hai năm sau, Tổng thống Roosevelt đã phải rút lại quyết định trên và đặt ngày thứ năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ ơn cho toàn quốc. Kể từ đó tới nay Lễ Tạ ơn ở Mỹ đã được tổ chức đúng vào ngày thứ năm tuần lễ thứ tư trong tháng 11.

Năm 1947, trong Lễ Tạ ơn, một con gà tây đã được mang tới tặng cho Tổng thống lúc đó là ông Harry Truman. Kể từ đó, gà tây luôn trở thành con vật mang tính nghi lễ, bắt buộc phải có mặt trong thực đơn của bữa tiệc Lễ Tạ ơn.

Tổ chức truyền thống

Trong dịp Lễ Tạ ơn, người Mỹ thường được nghỉ tới 4 ngày (từ thứ năm đến chủ nhật). Đây là dịp để họ trở về cùng với những sinh hoạt gia đình và bạn bè. Chính vì thế nên Lễ Tạ ơn thường được tổ chức tại nhà, khác với ngày Quốc khánh 4-7 hay Lễ Giáng sinh, những ngày lễ mà có nhiều tổ chức công cộng (như đốt pháo hoa hay đi hát dạo)…

Từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước, mùa mua sắm cho Giáng sinh tại Mỹ chính thức bắt đầu khi ngày Lễ Tạ ơn chấm dứt. Tại thành phố  New York, cuộc diễu hành Lễ Tạ ơn của hệ thống siêu thị Macy được tổ chức hằng năm vào ngày này tại Manhattan từ 9 giờ sáng. Diễu hành thường có nhiều khán đài với nhiều chủ đề, có bong bóng lớn hình các nhân vật trên TV và các ban nhạc từ những trường trung học. Cuộc diễu hành này lúc nào cũng kết thúc với một ông già Noel…

Năm nay có khoảng gần 3 triệu người tập trung trên các quảng trường của Manhattan để chiêm ngưỡng những trình diễn mới của Macy.  Năm nay những bong bóng khổng lồ được trình diễn mang hình chú mèo Nhật Bản Hello Kitty, người nhện cùng nhiều nhân vật hoạt hình nổi tiếng khác. Thị trưởng New York, ông Michael Bloomberg đã ra chỉ thị để những chỗ đẹp nhất dành cho các nạn nhân bị ảnh hưởng từ cơn bão Sandy

Phúc Cường
.
.