Teotihuacan - bí ẩn thành phố của những vị thần

Thứ Tư, 01/03/2017, 09:19
Nằm về phía đông bắc TP Mexico City ngày nay chừng 50km, vào thời kỳ cực thịnh, Teotihuacan có dân số ước tính tới 200.000 người với hàng trăm đền đài, cung điện và ba kim tự tháp khổng lồ có tên Mặt trời, Mặt trăng và ngôi đền Rắn.

Dọc theo quần thể kiến trúc này là đại lộ Tử thần dẫn vào khu trung tâm, nơi kim tự tháp Mặt trời được xây dựng. Được gọi là thành Rome của Mexico, Teotihuacan với kiến trúc đặc sắc và hơn thế nữa chứa đầy những bí ẩn chưa có lời giải… 

Việc mới đây các nhà nghiên cứu phát hiện một lượng lớn chất thủy ngân lấp đầy trong các đường hầm dưới chân ngôi đền Rắn đã le lói những tia hy vọng cho hành trình tìm kiếm sự thật của Teotihuacan - thành phố của những vị thần.

Kiến trúc độc đáo

Teotihuacan, theo ngôn ngữ Nahuatl được hiểu là "nơi các vị thần được sinh ra" và là nơi các vị thần khai sáng ra vũ trụ theo quan niệm của người Aztecs. Những bằng chứng tìm được qua khảo cổ cho thấy Teotihuacan từng là trung tâm đô thị lớn nhất của Trung Mỹ cổ đại và là nơi cư ngụ đa sắc tộc như người Otomi, Zapotec, Maya, Nahua... 

Kim tự tháp Mặt trời.

Các nhà sử học cho rằng người Totonac, dân di cư từ những vùng chịu ảnh hưởng của nền văn minh Teotihuacano là những người đã xây dựng nên Teotihuacan. Nơi đây đã tập trung nhiều thợ gốm, thợ kim hoàn và thủ công. Toàn bộ bề mặt các công trình ở đây đều được trát vữa, một hỗn hợp từ bùn và sỏi, sau đó tới lớp vữa đá vôi được khai thác từ các thung lũng gần đó

Những di tích đặc sắc nhất còn lại ở Teotihuacan ngày nay là 3 kim tự tháp: Kim tự tháp Mặt trời, kim tự tháp Mặt trăng và ngôi đền Rắn. Con đường mang tên đại lộ Tử thần dài hơn 3,2km chạy dọc theo trục Bắc - Nam của Teotihuacan dẫn vào khu kim tự tháp này. Kim tự tháp Mặt trời được coi là di tích nổi tiếng và trở thành biểu tượng của Teotihuacan và của cả Mexico. 

So với các kim tự tháp được tìm thấy trên thế giới, thì kim tự tháp Mặt trời lớn thứ 3 sau kim tự tháp Giza, Ai Cập và kim tự tháp Chobula. Nó có chiều cao trên 75m, phần nền móng dài hơn 225m mỗi chiều. 

Được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, kim tự tháp Mặt trời nổi bật trong khu di tích Teotihuacan, gần ngọn núi Cerro Gordo. Trải qua thời gian và nhiều biến cố, ngôi đền cùng với phần trên đỉnh của kim tự tháp này đã bị phá hủy và không thể trùng tu hoàn chỉnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng kim tự tháp Mặt trời chỉ có 4 tầng chứ không phải là 5 tầng như ngày nay.

Một bức tranh tường.

Kiến trúc kim tự tháp mang tên Mặt trăng nằm cách kim tự tháp Mặt trời khoảng 1km về phía nam được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Công trình này cao khoảng 46m, phần nền móng dài 149m và chiều ngang khoảng 168m. Những đồ vật hiến tế như các loại đá đen, đá lục (được coi là đồ vật của cõi âm), những bức tranh tường... tìm thấy ở các ngôi mộ cổ quanh đây đã thể hiện rất rõ những nghi lễ hiến tế thần linh được thực hiện trên những bậc thang của kim tự tháp này

Nói đến Teotihuacan cũng không thể bỏ qua công trình thứ ba, không kém phần đặc sắc là ngôi đền Rắn (kim tự tháp Quetzalcoatl) nhỏ hơn so với 2 kim tự tháp còn lại. Công trình này được xây dựng và hoàn thành vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên với 6 bậc thang cùng 2 căn hộ bên cạnh (được coi là nơi ở của những người quan trọng trong thành phố). 

Trên các bức tường của kim tự tháp là những bức tranh tường được trang trí đẹp mắt, đầy màu sắc. Đa phần trong số chúng mô tả chủ đề chim, báo đốm, chó sói, rắn và cả những cuộc gặp gỡ của người Aztec.

Theo quan điểm của người cổ đại Aztec, thì Teotihuacan là nơi để các vị thần tạo ra vũ trụ. Những kim tự tháp ở Teotihuacan được xây dựng trên một đường hầm nhân tạo dẫn đến một hầm ngầm rộng khoảng 6m bên dưới. 

Nhà khảo cổ Hugh Harleston Jr. cho rằng cấu trúc xếp hàng dọc theo đại lộ dẫn vào thành phố chính là một mô hình mô tả chính xác hệ Mặt trời. Kim tự tháp Mặt trời được xây dựng tại vị trí trung tâm và có 9 hành tinh quay quanh Mặt trời và cũng có tới 9 công trình lớn nhỏ xung quanh kim tự tháp chính tại Teotihuacan.

Mặt nạ đá tìm thấy ở Teotihuacan.

Những bí ẩn chưa có lời giải

Vào khoảng thế kỷ thứ 14 sau Công nguyên, người Aztec cai trị Mexico. Những lời đồn đại về một thành phố huyền thoại đã biến mất lan ra cho tới khi người Aztec hành hương đến vùng đất Teotihuacan. Những tàn tích của ngôi thành cổ này để lại đồ sộ và kỳ vĩ đến mức khiến người Aztec tin rằng đây là chốn linh thiêng của vũ trụ và gọi nó là "mảnh đất của những vị thần". 

Những bằng chứng từ các cuộc khảo cổ chứng minh rằng Teotihuacan đã phát triển rất thịnh vượng cho tới khi bước vào thời kỳ suy thoái và bị phá hủy một phần do vụ cháy lớn. Thành phố Teotihuacan nổi bật ở thời kỳ tiền cổ điển Trung Mỹ như một thành phố hoàn hảo với kiến trúc phát triển đầy đủ, thiên văn học tiên tiến, toán học và lịch. Teotihuacan bị bỏ hoang ước tính từ thế kỷ thứ VII.

Những khối cự thạch lớn thường được sử dụng trong các tác phẩm điêu khắc là vật liệu chính trong việc xây dựng kim tự tháp nơi đây. Một số tảng cự thạch lớn hơn 2m chiều dài và nặng tới 4 tấn được những người xây dựng nên Teotihuacan chế tác với độ chính xác cao.

Loại đá cự thạch này được xác định có nguồn gốc từ vùng lân cận San Miguel cách đó 25km. Dựa trên sự tương tự về phong cách kiến trúc với các tảng đá nguyên khối Teotihuacan, các nhà khảo cổ kết luận rằng tác phẩm được trưng bày trước cửa Bảo tàng quốc gia Mexico chính là tác phẩm chưa hoàn thiện của người Teotihuacan. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc lớn nhất châu Mỹ, có trọng lượng trên 200 tấn, cao 7,1m, dài 3,8m và dày tới 4m.

Những "ngôi đền bằng mica" là tên gọi của những cấu trúc được người Teotihuacan xây dựng được tìm thấy từ năm 1906. Các tấm mica đầu tiên dày đến 30cm được tìm thấy ở giữa hai tầng trên của kim tự tháp Mặt trời. 

Một "ngôi đền mica" khác cũng được tìm thấy dưới tầng đá lát của một ngôi đền rộng tới 8m vuông và được xếp chồng lên nhau. Loại mica được sử dụng ở Teotihuacan có nguồn gốc từ Brazil, cách đó chừng 3.400km. 

Kiến trúc tiêu biểu Teotihuacan với sơn đỏ, trên trang trí bằng vàng, ngọc bích cùng chất liệu cẩm thạch.

Mica là khoáng chất có chứa nhiều kim loại khác nhau với tính cách điện và ổn định về mặt hóa học và rõ ràng, sự hiện diện của mica tại Teotihuacan chứng tỏ nó đóng một vai trò quan trọng đối với những người xây dựng bí ẩn nơi đây. Hiện nay vẫn chưa có lời giải thích nào được coi là thỏa đáng về những tấm mica bí ẩn này và tác dụng của chúng với các công trình kim tự tháp.

Phát triển hưng thịnh và mạnh mẽ như vậy, nhưng cho đến nay câu hỏi về chủ nhân của Teotihuacan và sự suy tàn của thành phố này vẫn là câu hỏi thách thức các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử toàn cầu. Nhà khoa học Linda Manzanilla thuộc trường Đại học Tổng hợp Mexico City đưa ra một giả thiết. 

Theo bà, sự phát triển cực thịnh ở Teotihuacan là do thu hút được người dân ở những vùng xung quanh. Hoạt động mạnh mẽ của núi lửa ở thời kỳ này đã dồn dân chúng về sống ở nơi đây. 

Vào thời kỳ đầu mọi sự đều tốt đẹp nhờ sự phân chia hợp lý và hài hòa, nhưng do sự phát triển của thành phố, và việc vận dụng tri thức mới trong sản xuất đã dần tạo nên sự khác biệt của vai trò và ảnh hưởng giữa các khu dân cư với nhau. Và chính những người dân sinh sống ở đây đã gây nên sự tàn vong cho Teotihuacan chứ không phải các chủng tộc bên ngoài.

Hoạt động khảo cổ ở Teotihuacan đã được tiến hành từ rất sớm, theo nhiều tài liệu, người Tây Ban Nha đã đào xới khu vực này từ thế kỷ XVII. Nhưng do điều kiện thời tiết và địa lý không thuận lợi nên phải đến thế kỷ XX khảo cổ mới thực sự bắt đầu. 

Năm 1971, một đường hầm đã được phát hiện dẫn đến chân kim tự tháp và có lối vào từ đại lộ Tử thần. Đường hầm này dẫn tới một căn phòng có lẽ đã được dùng trong khi thực hiện các nghi lễ đặc biệt. Những đồ vật hiến tặng khi kim tự tháp được xây dựng đã được tìm thấy, điển hình là một chiếc mặt nạ bằng đá xanh có chân dung một người nào đó. 

Năm 1980, các nhà khảo cổ phát hiện một hố chôn những chiến binh có thể đã được dùng để hiến tế. Mới đây các nhà khảo cổ đã phát hiện được 3 căn phòng kín ở cuối đường hầm chứa đầy thủy ngân được niêm phong suốt hàng nghìn năm. 

Theo các nghiên cứu, thủy ngân là chất cực độc và người Trung Mỹ chỉ sử dụng nó trong các nghi lễ cúng tế để phô diễn sự giàu có và hùng mạnh. Trưởng nhóm khảo cổ Sergio Gomez cho rằng phát hiện này có thể mở ra khả năng tìm thấy hầm mộ người trị vì Teotihuacan.

Tổ chức UNESCO đã công nhận các kim tự tháp ở Teotihuacan là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987 vì những vết tích khảo cổ học có giá trị cao.

Hoàng Ngọc
.
.