Tại sao, quả táo nhiệm màu

Thứ Ba, 02/10/2018, 16:58
Không phải cam, chanh, bưởi hay bất cứ thứ quả nào khác, dường như chỉ có quả táo mới hiện hữu một cách màu nhiệm và với một tần suất lớn trong đời sống văn hoá nhân loại, từ tôn giáo đến nghệ thuật, và cả khoa học nữa. Quả táo ẩn chứa trong nó một bí mật nào chăng?

Từ một quả táo đến một cuộc chiến

Mọi chuyện bắt đầu từ bữa tiệc cưới của Pêlêux với Thêtix trong thần thoại Hy Lạp, nơi mà tất cả các vị thần đều được mời đến, trừ thần Bất Hoà Erix. 

Quá tức giận, thần Erix liền đến một vườn táo, hái một quả táo vàng, viết ngoài vỏ táo: "Tặng người đàn bà đẹp nhất" rồi ném trái táo vào bữa tiệc. Tiệc đang vui bỗng nháo nhào. 

Ba vị thần có vẻ đẹp rạng rỡ là Hêra, Athêna và Aphrôđitê ai cũng muốn có được quả táo, để chứng tỏ mình là người đẹp nhất. Không ai chịu ai, cuối cùng ba vị thần phải nhờ đến sự phán xử của vị hoàng tử thất thế Parix.

Thần Hêra cam kết, nếu chọn lựa mình, Parix sẽ được tặng cả vương quốc Á châu. Thần Athêna thì hứa, nếu chọn lựa mình, Parix sẽ có sức mạnh để chiến thắng mọi cuộc giao tranh. Thần Aphrôđitê có vẻ thực tế nhất: "Nếu chọn ta, ngươi sẽ lấy được Helêna - người đàn bà đẹp nhất thế gian này". 

Thế là chẳng nói chẳng rằng, Parix đưa ngay trái táo vàng cho Aphrôđitê, và từ đó Aphrôđitê được gọi là nữ thần sắc đẹp. Hêra và Athêna thì căm ghét Parix cùng với cả thành Troira - quê hương Parix, và từ đó bắt đầu nghĩ cách huỷ diệt cả toà thành. 

Với sự giúp đỡ của Aphrôđitê, chàng Parix dễ dàng cướp được Helêna - người khi đó đang là vợ của vua Mênêlaôx, khiến Mênêlaôx nổi giận, cất quân đánh thành Troira, tạo ra một cuộc chiến đẫm máu kéo dài gần 10 năm với không biết bao nhiêu thương vong kinh hoàng.

Như thế có nghĩa, trong thế giới thần thoại, từ một quả táo đến một cuộc chiến là một khoảng cách rất gần. Vậy thì tại sao lại là quả táo, mà không phải bất cứ một thứ quả nào khác?  

Táo ăn vào miệng - Táo rơi trúng đầu

Ba tín hiệu "táo - ăn  - vào miệng" chắc chắn sẽ khiến nhiều người chúng ta nhớ ngay đến câu chuyện Adam và Eva trong Kinh thánh. Nếu hỏi 10 người, chắc có đến 7,8 người có thể kể vach vách chi tiết hai nhân vật này ăn vụng táo trong vườn địa đàng. 

Eva ăn xong nhả hột, còn Adam thì nuốt cả hột, để rồi cái hột nghẹn lại ở cổ, để rồi từ đó bất cứ người đàn ông nào cũng có một cái hầu trên cổ. Trong hàng trăm năm lịch sử, cái hầu  (mà ngôn ngữ y học gọi là sụn tuyến giáp) ấy thậm chí còn được gọi rất hình ảnh và rất văn chương bằng cái tên "quả táo Adam".

Giờ nói đến chuyện "táo rơi vào đầu", đấy là cũng là câu chuyện quá nổi tiếng được cho là đã diễn ra trong vườn nhà khoa học Newton (Anh) ở thế kỷ thứ 18. Nhiều cuốn sách, kể cả sách cho người lớn lẫn thiếu nhi đều viết về câu chuyện này một cách rất lãng mạn. 

Đại loại hôm ấy mùa thu, Newton đang ngồi lim dim dưới một cây táo thì bất ngờ thay, một quả táo rơi trúng đầu. Quả táo ấy gõ vào một bộ óc. Và bộ óc ấy ngay lập tức nảy ra một phát kiến thiên tài: định luật vạn vật hấp dẫn.

Từ hồi còn rất nhỏ, đọc và cuốn theo câu chuyện này, cá nhân tôi đã tự hỏi: giả dụ không phải một quả táo mà là một quả cam, một quả trứng gà hay một quả thị (giả dụ thôi mà) rơi xuống đầu Newton thì nhà khoa học lỗi lạc của chúng ta có nghĩ ra định luật vạn vật hấp dẫn không? Vấn đề chỉ là một quả nào đó từ trên cao rơi xuống, hay nhất định phải là quả táo?

Những ngộ nhận của lịch sử

Tại sao lại có chuyện "trái táo bất hoà", mà không phải "trái ôliu bất hoà" chẳng hạn? Thật tiếc, chúng ta ngày hôm nay đã sống trong một hệ tư duy khác xa tư duy thần thoại của người Hy Lạp cổ đại, nên không thể trả lời chính xác. Có chăng, chỉ có thể suy diễn rằng quả táo là một trong những loại quả xuất hiện sớm nhất trong nền nông nghiệp trồng trọt trên khắp thế giới này. 

Và rằng, vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, trên đường đi chinh phạt Ba Tư, Alexander Đại đế đi qua vùng đất của người Kazakhstan và đã tình cờ phát hiện ra trái táo. 

Từ đó trái táo được chuyển về Hy Lạp, cái nôi của văn minh phương Tây cổ đại, và từ đó chăng (?), hình tượng trái táo bắt đầu xuất hiện trong nền văn hoá phương Tây.

Riêng về chuyện "Adam - Eva ăn vụng táo" thì những tín đồ của Thiên chúa giáo đã hơn một lần đính chính, thực ra phần lớn chúng ta đã hiểu lầm.

Bởi đúng là Kinh thánh có nói đến vườn địa đàng, nói luôn cả chuyện "ăn vụng" nhưng chẳng có một từ nào nói về trái táo. Cái thứ mà Adam - Eva ăn vụng thực chất là "trái cấm", chứ không phải "trái táo", còn "trái cấm" rốt cuộc là gì thì có lẽ ngoài Thượng đế, không ai biết.

Vậy tại sao một hành vi ăn vụng "xấu xa" gắn liền với "trái cấm" cứ bị hiểu nhầm thành "trái táo"? Có thể một phần vì trong tiếng Latin, "xấu xa" - tính từ được cho là phản ánh rất trúng hành vi ăn vụng của Adam và Eva được viết là "mălum", còn trái táo được viết là "mala", và vì nó được viết giống nhau quá nên người ta dễ nhầm. 

Một phần khác, rất nhiều những bức tranh vẽ Adam - Eva trong vườn địa đàng đều xuất hiện một thứ quả mà nhìn bề ngoài giống y như quả táo, nên người ta cũng rất dễ nhầm, vậy thôi!

Thế còn chuyện "trái táo Newton"? Nhà văn William Stukeley - người đầu tiên viết tiểu sử Newton từng khẳng định rằng, chẳng có quả táo nào rơi trúng đầu Newton cả. 

Đơn giản là một lần, William đi dạo với Newton, và Newton bất ngờ chỉ vào một quả táo còn đang ở trên cây rồi hỏi: khi rơi khỏi cành cây, tại sao quả táo lại rơi xuống đất, mà không bay ngang hay bay ngược lên trời? 

Đấy, William bảo mọi chuyện chỉ có thế rồi chấm hết. Nhưng cũng theo William thì chính Newton sau đó cũng rất khoái câu chuyện "trái táo rơi vào đầu" mang nặng tính thêu dệt.

Vì Newton cũng là người thích vẽ vời chăng? Không phải! Vì những tình tiết trong câu chuyện táo rơi trúng đầu đã mô tả một cách đúng đắn nhất, sinh động nhất và dễ hiểu nhất những lý thuyết về lực hấp dẫn và trọng lực mà Newton là tác giả.

Một quả táo, một đế chế

Nếu tất cả những câu chuyện về trái táo trên đây đều có phần cũ kĩ, xa xưa quá thì câu chuyện về "trái táo cắn dở" của Hãng công nghệ Apple chắc chắn vẫn đang nóng hổi. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh huyền thoại Apple, rằng tại sao logo của hãng này lại là một trái táo? Và tại sao nó không phải trái táo nguyên vẹn, mà lại là trái táo cắn dở?

Người thì bảo khi quyết định lấy hình tượng một trái táo làm logo, Steve Jobs - cha đẻ của Apple nghĩ đến Newton. Người lại bảo, thực chất Steve Jobs nghĩ đến nhà toán học Alan Turing - người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của chiếc máy tính hiện đại, người đã có đóng góp vô cùng to lớn cho phe Đồng Minh trong việc giải mật rất nhiều tài liệu của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nhưng đồng thời cũng là người phải chết vì... một trái táo. 

Vào những năm rực rỡ nhất trong cuộc đời khoa học của mình, Turing bất ngờ bị bắt giữ vì có quan hệ đồng tính luyến ái - điều cấm kỵ tại Vương quốc Anh khi đó. 

Sau đó, ông được cho về ở nhà riêng với một điều kiện: phải tham gia điều trị hoocmon nội tiết tố nữ để khắc phục nhu cầu tình dục khác người. Quá phẫn uất, Turing đã tự sát bằng cách ăn một trái táo đã được tiêm chất độc xyanua vào ngày 07-06-1954 tại nhà riêng.

Đã có một nhà báo hỏi Steve Jobs: "Trái táo cắn dở chính là vòng hoa âm thầm tưởng nhớ Turing?". Câu trả lời của Steve Jobs: "Tôi rất mong muốn biểu tượng của hãng xuất phát từ ý nghĩa này, nhưng sự thực không phải như vậy". Rốt cuộc sự thực có như vậy  không? 

Chỉ có Steve Jobs mới biết, vì trong rất nhiều trường hợp con người ta thường giữ một bí mật nào đó cho riêng mình, và mang luôn bí mật ấy về bên kia thế giới.

Với chúng ta, điều duy nhất có thể xác tín chỉ là khi chọn quả táo làm logo cho hãng mình, Steve Jobs vừa trở về từ một vườn táo, và táo cũng là loại quả mà ông yêu thích - những chi tiết xuất hiện trong cuốn sách về chính cuộc đời của Steve Jobs xuất bản vào năm 2011.

Vậy tại sao lại không phải một quả táo đầy đặn, mà lại là quả táo cắn dở? Vì cuộc đời là dang dở, là không ngừng phải nỗ lực hoàn thiện như ai đó từng cố giải thích chăng? 

Cũng chẳng phải! Rob Janoff - người đã vẽ ra logo nổi tiếng này vào năm 1977 cho biết đấy chỉ là một điểm nhấn về nhận dạng, bởi nếu không có cái vết cắn dở ấy thì khi chiếc logo bị thu nhỏ lại, trái táo rất dễ bị nhận dạng là... trái cherry. Chuyện một quả táo, một vết cắn, một đế chế, suy cho cùng là như vậy.

Lại có một đế chế khác mà tôi chợt nhớ đến: đế chế tâm hồn, nơi mà giám đốc sáng tạo là những nhà thơ. Ở Việt Nam chúng ta, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng viết:

Vậy mà tôi vẫn cứ âm thầm
Yêu đắng đót người đàn ông hư ảo
Rồi sẽ có một ngày như trái táo
Người dịu dàng rụng xuống giữa tay tôi

(Đàn ông)

Tôi từng hỏi nữ sĩ, tại sao lại là trái táo? Câu trả lời: Lúc ấy vô thức bảo thế, nên viết thế. Tôi lại hỏi, giờ nghĩ lại có thể thay trái táo bằng trái gì khác không? Nhà thơ lườm tôi: "Thế mà cũng hỏi! Chẳng có gì thay đổi được. Viết vô thức mà như đóng đinh rồi".

Có mỗi một trái táo, vậy mà từ khoa học, tôn giáo đến thi ca lại đột khởi nhiều câu chuyện với nhiều niềm cảm hứng như vậy đấy! Thành thử, nếu muốn kích thích năng lượng sáng tạo trong những đứa trẻ, cứ cho chúng ăn táo và chơi với táo mỗi ngày?

Riêng cái này thì cá nhân tôi hơi hoảng! Bởi hôm rồi, sau khi dọn tủ lạnh, tôi tình cờ tìm thấy một trái táo hồng hào tươi nguyên mà sau khi vắt tay lên trán nghĩ mới nhớ ra, mình đã mua nó từ... nửa năm về trước.

Lạy Chúa tôi, trường hợp này là trái táo Newton, trái táo cắn dở hay trái táo bất hoà?

Phan Mỹ Chí
.
.