Tài... gia truyền

Thứ Năm, 24/07/2014, 11:00

“Thông minh vốn sẵn tính trời...” - câu thơ này trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du tưởng chỉ là cảm tính nhưng hóa ra lại mang tính khoa học sâu sắc. Năm 1869, Frensis Galton, nhà sinh học - bách khoa nổi tiếng của thế kỷ XIX, đã cho xuất bản cuốn sách Thiên tài được thừa kế: quy luật và hậu quả. Lần đầu tiên có một công trình khoa học chỉ rõ, tài năng cũng được di truyền như các đặc điểm thân thể khác. Charles Darwyn, người anh em họ của Galton, đã viết thư khen ngợi: “Tôi không nghĩ rằng trong cuộc đời mình tôi lại có thể được đọc một cuốn sách nào hay như thế nữa”. Các nhà khoa học hiện nay còn tìm ra rằng, không chỉ tài năng mà ngay cả các tật xấu cũng có thể giải thích được bằng lý do gien di truyền.

Gien “thất tình”

Thi hào Italia, Dante Alighieri, trong cuốn Thần khúc bất hủ, tưởng tượng ra chuyện mình xuống địa ngục, đã kể về “thất tình” (7 tật xấu, căn nguyên của mọi tội lỗi nhân gian). Mỗi một loại tội đồ được xếp vào ở chung một tầng địa ngục. Còn trong cuốn sách mới đây, nhà khoa học John Medina, đã trình bày những suy nghĩ của mình về bí ẩn gien đã gây nên “thất tình” đó. Không muốn thanh minh cho các thói xấu của con người, Medina vẫn cố gắng lý giải những nguyên nhân khoa học có thể tạo ra tật xấu cho con người. Tùy theo sự kết hợp giữa các tật xấu di truyền này mà con người có thể trở thành thiên tài hoặc tướng cướp.

1. Háo sắc: Theo Media, lý do dẫn tới xuất hiện nhu cầu tình dục vô độ nằm ở “4 hệ thống sinh học của 11 bộ phận trong não, liên quan tới hoạt động của gần 30 cơ cấu sinh hoá và hơn 100 gien đặc biệt chịu trách nhiệm về quá trình này”. Medina cũng chứng minh rằng, tính háo sắc hoàn toàn có thể được di truyền, cha sao, con vậy.

2. Háu ăn: Đói là một cảm giác xuất hiện khi cơ thể chúng ta thiếu năng lượng. Còn căn bệnh háu ăn  nảy sinh do sự tồn tại của các bộ phận định vị dưới mũi, lưỡi và hoóc môn leptin. Chính leptin chịu trách nhiệm về khẩu vị của con người và liên tục được tiếp nối với vùng dưới gò não (hipotalamus). Khu vực não bộ này hoạt động theo cơ chế còi báo động và sẵn sàng tạo ra cảm giác thèm ăn một khi cơ thể thiếu năng lượng.

3. Tham lam: Cho tới nay vẫn chưa ai tìm ra khu vực cụ thể trên não bộ chịu trách nhiệm về tính tham lam của con người. Nhưng những gien đã làm nảy sinh ra hai nguyên nhân căn bản dẫn tới thói tham lam - sự sợ hãi và lo lắng - đã được tìm thấy. Medina đã chỉ ra “5 bộ phận chính trong não bộ chịu trách nhiệm về việc phát sinh những  nguyên nhân này - đồ thị (talamus), amigdala, hippokamp, vỏ não và thể amiđan.

4. Lười biếng: Nhìn từ góc độ sinh học, có thể lý giải thế nào về thói đại lãn? Các giai đoạn ngủ và thức của con người nối tiếp nhau ra sao? Theo Medina, “ở mỗi một con người đều có bộ phận ý thức giống như đồng hồ báo thức và chuyển cho chúng ta những tín hiệu từ não bộ”. Thời gian biểu mà cơ thể chúng ta cần phải hoạt động theo đã được ghi sẵn trong gien và chỉ có bộ gien này mới phải chịu trách nhiệm về thói đại lãn hay tính chăm chỉ của chúng ta.

5. Dữ tính: Minh chứng rõ ràng nhất để lý giải bằng gien về thói xấu này chính là thí nghiệm mà các nhà sinh học đã tiến hành với một cặp sinh đôi. Theo lời Medina, “nếu một trong hai người sinh đôi này là tội phạm thì khả năng người kia cũng sẽ vi phạm pháp luật là rất cao. Như người ta vẫn nói, có một số gương mặt thoáng trông cũng đã ngầu rồi, “ngầu từ trong máu”. Cái gọi là “truyền thống bất lương” là điều hoàn toàn có thể di truyền theo gien được. “Có một đường dây thần kinh nối amigdala với hipotalamus và chịu trách nhiệm về phương hướng dịch chuyển những xung lực tới các phần khác của não bộ để chuyển thông tin về hành vi hung hăng của con người” - Medina giải thích như vậy.

6. Đố kỵ: Thói đố kỵ và những tật xấu tương tự là “hậu quả của trục trặc trong thứ tự sinh học. Và có thể tìm căn nguyên của thói xấu này trong não bộ”. Trả lời cho câu hỏi này là trách nhiệm của một loại gien đặc biệt. Loại gien này cũng có thể được di truyền.

7. Hợm hĩnh: Thói hợm hĩnh hiểu theo Kinh Thánh chính là minh chứng cho sự thiếu hoàn thiện của con người. Theo Medina, “điểm yếu này phụ thuộc vào năng lực của chúng ta trong học tập, khả năng ghi nhớ và sự mất cảm hứng tình dục”. Một loại gien riêng (được ký hiệu là CaM-kII) cùng với những nguyên tử canxi kích thích thói kiêu căng, hợm hĩnh ở con người.

Vẫn biết rằng, tính lành dữ ở đời “phần nhiều do giáo dục mà nên” (thơ Hồ Chí Minh) nhưng những sự kết hợp nào đấy của các bộ gien xấu hoàn toàn có thể khiến cho người này hay người kia có xu hướng phát triển không tích cực. Với những người như thế, xã hội sẽ phải tốn nhiều công sức để “đào tạo” lại.

Minh họa: Lê Phương.

Tài năng cũng có gien và... tuổi

Nếu những tật xấu được lý giải bằng gien di truyền thì liệu những phẩm hạnh tốt đẹp có phải là nhờ gien không? Tất nhiên là có. Điều này đã được chứng minh trên cơ sở các dữ liệu thống kê trong công trình của Galton ở thế kỷ XIX. Sang thế kỷ XX đã có thêm nhiều công trình khác đi sâu vào nghiên cứu theo hướng này. Các nhà khoa học đã tìm ra một số gien có khả năng kích thích sự phát triển của tài năng, đặc biệt là tìm ra mối liên hệ giữa sự tăng urê huyết và gien kích thích sinh học.

 Đồng thời, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, không phải ở lứa tuổi nào người ta cũng có thể hoàn thành những phát minh vĩ đại.  Mới đây nhất, một nhóm các nhà bác học thuộc trường đại học Kenteberi ở New Zealand trên cơ sở nghiên cứu tiểu sử của 280 nhà khoa học vĩ đại đã đưa ra một kết luận chắc nịch là, không phải càng có tuổi thì càng có tài. Theo họ, gien tài năng có thể suy thoái theo dòng thời gian. Đặc biệt, các nhà toán học thường tìm ra những định lý lừng danh nhất khi còn rất trẻ. Chẳng hạn như Evarist Galoa, sống trong thời Cách mạng tư sản Pháp, đã cho in công trình đầu tiên của mình khi chưa đầy 18 tuổi và chỉ hai năm sau đã bị chết trong một trận đấu súng, để lại những câu ghi bên lề sách làm đau đầu bao trí tuệ đời sau. Isaak Newton cho rằng, giai đoạn phát minh có hiệu quả nhất của đời ông là khi ông ở tuổi 22-23. Năm 26 tuổi, Isaak Newton đã trở thành giáo sư toán của trường đại học Cambridge, một vinh dự mà nhiều nhà toán học bạc đầu vẫn chưa có được. James Watson cùng với Frensis Krik, phát minh ra chuỗi xoắn kép ADN và ghi tên mình vào lịch sử nhân loại vào năm 25 tuổi. Sau đó, ông hầu như chẳng làm được thêm một việc gì phi thường cả. Sadi Karno (người đã phát minh ra chu kỳ “Karno”) cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng của mình Suy nghĩ về sức mạnh chuyển động của lửa năm 28 tuổi. Albert Einstein từng nói, người ta chỉ có thể đóng góp nhiều nhất cho khoa học khi chưa bước tới tuổi 30. Bản thân Albert Einstein lập nên thuyết tương đối vào năm 26 tuổi.

Có một điều thú vị là chu kỳ hoạt động tích cực của các nhà khoa học vĩ đại lại trùng hợp với chu kỳ làm ăn thành đạt nhất của... các tên tướng cướp lừng danh(!). Những số liệu thống kê cho thấy, các nhà khoa học cũng như các tên cướp lừng danh, thường hoàn thành “sứ mệnh” của mình ở trước tuổi 35, chứ sau đó, thành lập gia đình rồi thì không mấy khi làm ra được một phát minh khoa học to lớn hay gây ra được một vụ cướp nổi đình đám nào. Theo nhận định của ông Satoshi Kazanawa, lãnh đạo nhóm các nhà khoa học New Zealand, ở những người đàn ông cô đơn và trẻ trung, chất testosteron, giúp họ có khả năng sáng tạo và mạo hiểm, thường ở mức cao. Khi họ lấy vợ, nồng độ testosteron suy giảm, kèm theo là độ hăng hái sáng tạo và phạm pháp cũng suy giảm. Và thế là họ chẳng làm được việc gì ra hồn nữa (?).

Thực ra, lý thuyết của Kazanawa nhìn bên ngoài thì hấp dẫn và lý thú nhưng vẫn còn nhiều điều trong thực tế có thể không tuân theo quy luật mà ông muốn xác lập. Đành rằng những tên kẻ cướp cần phải trẻ khoẻ thì xung trận mới chắc ăn, chứ  còn bọn trộm cắp thì đâu quá cần tới sức khoẻ, chúng chỉ cần một đầu óc tinh quái là xong. Và thông lệ là chúng càng già thì càng tinh quái. Các nhà khoa học cũng không nhất thiết là về già thì không làm được việc. Nhà toán học Leonard Ailer chẳng hạn: vị viện sĩ hàn lâm Nga thời Piotr Đệ nhất này vẫn tiếp tục sáng tạo khi đã trở thành một cụ già mù. Nhà khoa học Luis Pasteur bị đột quỵ năm 42 tuổi nhưng mọi phát minh chính yếu của đời mình đều đã được hoàn thành sau đó, khi ông đã gần như bị liệt toàn thân. Alexander Fleming tìm ra chất penisillin năm 47 tuổi...

Lời khẳng định cho rằng các nhà khoa học khi còn trẻ hăng say sáng tạo vì muốn được phụ nữ để mắt tới xem ra cũng không hoàn toàn đúng với thực tế. Hoạt động khoa học tự bản thân nó cũng đã thú vị lắm rồi. Đã từng có ý kiến được bảo vệ khá chắc chắn rằng, hoạt động khoa học có thể được coi như một sự thăng hoa năng lượng tình dục. Không ít nhà khoa học đã sống rất chay tịnh nhưng cũng có nhiều người đắm mình vào thế giới tình ái. Albert Einstein hay Lev Landaw là một vài thí dụ. Hôn nhân cũng không làm ảnh hưởng được nhiều tới khả năng sáng tạo của các nhà khoa học vĩ đại. Alexander Fleming khi tìm ra chất penesillin đã cưới vợ tới...13 lần (!)

Như Thuỷ
.
.