Phía sau sự biến mất đầy bí ẩn của người cổ đại Neanderthal:

Sự báo thù hậu thế và tham vọng hồi sinh

Thứ Bảy, 22/03/2014, 13:46

Được biết đến là một trong những tổ tiên đầu tiên của loài người, cộng đồng người Neanderthal sống cách đây gần 300.000 năm, bỗng nhiên biến mất một cách bí ẩn. Vậy nguyên nhân là do đâu? Đi tìm câu trả lời, các nhà khoa học cuối cùng đã phát hiện ra những manh mối đầu tiên. Các báo cáo mới đây cho thấy người Neanderthal lâm vào con đường tuyệt chủng không phải chỉ bởi vì bị người hiện đại giết tuyệt, mà còn do sự pha trộn dòng máu với chính người hiện đại.

Một trong những kết luận gây sốc nhất được tuyên bố có liên quan tới chuyện “trả thù hậu thế” của nhóm người cổ đại này. Dù bị đẩy vào con đường tuyệt chủng nhưng người Neanderthal vẫn có cơ hội báo thù bằng cách di truyền bệnh hiểm nghèo cho người hiện đại. Các chuyên gia của Đại học Oxford và Plymouth (Anh) đã công bố các gien được xác định làm tăng nguy cơ ung thư trong chuỗi gien của người Neanderthal. Đến đầu tháng 3/2014, tạp chí Nature đăng tải công trình nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) lại tiết lộ thêm về một gien khác, được di truyền từ người Neanderthal có thể gây ra bệnh tiểu đường.

Báo thù hay bảo vệ hậu thế?

Báo cáo của các chuyên gia thuộc Đại học Harvard cho thấy một biến thể gien được di truyền từ người Neanderthal tuyệt chủng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong cộng đồng Nam Mỹ. Tổ tiên người hiện đại đã giao phối với người Neanderthal ngay sau khi rời châu Phi cách đây 60.000 đến 70.000 năm, và kết quả là hậu duệ ngày nay thừa hưởng một phần gien trong chuỗi ADN với tỷ lệ khoảng 2,5%. Biến thể gien này có khả năng gây tiểu đường, và chỉ hiện diện nhiều trong dân số Mexico cùng các quốc gia Mỹ Latinh khác, trong khi ít xuất hiện trong cộng đồng Đông Á và rất hiếm thấy ở châu Âu hay châu Phi. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do sự hiện diện của biến thể gien trên vào khoảng 25%, có nghĩa là đã xác định được một trong những nguy cơ di truyền cao nhất gây bệnh tiểu đường.

Cuộc trả thù của người Neanderthal vẫn chưa dừng lại khi các phân tích một khối u nằm trên xương sườn của một bộ xương 120.000 năm tuổi cho thấy ít nhất đã có một người Neanderthal từng bị dạng ung thư tưởng chừng như chỉ ám ảnh người hiện đại. Việc phát hiện u xương tạo xơ đã chính thức đẩy lùi thời gian xuất hiện căn bệnh này đến hơn 100.000 năm về quá khứ. Theo báo cáo của Đại học Oxford, trong khi u xương tạo xơ phổ biến trong thời hiện đại hơn các loại u xương khác, chứng cứ về dạng ung thư này hết sức hiếm hoi trong hồ sơ hóa thạch người. Trường hợp này cho thấy người Neanderthal, dù sống trong môi trường trong lành, vẫn có thể đối mặt với dạng ung thư như con người hiện nay.

Theo một khía cạnh khác, người Neanderthal lại giúp “bảo vệ” sự sống còn cho chính tổ tiên của người hiện đại. Bằng cách giám định gien thu được từ xương ngón chân của một phụ nữ Neanderthal, các nhà khoa học có thể xây dựng một phiên bản hoàn chỉnh hơn về lịch sử sơ khai của loài người, và tìm hiểu sự phát triển cũng như tiến hóa của người hiện đại. Dựa trên kết quả phân tích ADN, tình trạng giao phối cận huyết đã diễn ra hết sức nghiêm trọng trong các cộng đồng Neanderthal, và họ người này cũng có thói quen “ngủ lang” với các họ người cổ đại khác. Tuy nhiên, song song với ảnh hưởng tiêu cực, quá trình trao đổi huyết thống cũng đã tăng cường hệ miễn dịch của tổ tiên người hiện đại, giúp họ chống chọi trước những căn bệnh thường gặp vào thời đầu của nền văn minh loài người.

Các nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng: những người hiện đại đầu tiên để bảo vệ giống nòi cũng chọn cách giao phối với người Neanderthal để có thể tồn tại và tránh được một số bệnh tật. Sự pha trộn giống nòi giữa hai tổ tiên của loài người đã giúp cho những thế hệ sinh ra sau này có hệ miễn dịch tốt hơn. Kháng thể bạch cầu HLA - C*0702 được tìm thấy có trong các di tích hoá thạch của người Neanderthal và không hề có ở những người được coi là người hiện đại sống tại châu Âu và châu Á. Hệ miễn dịch của người hiện đại đã nhanh chóng được nâng cấp thông qua quá trình kết hợp với người Neanderthal, từ đó giúp người hiện tại tồn tại. Nhờ gien ngoại lai, hệ thống kháng nguyên bạch cầu của tổ tiên người hiện đại hỗ trợ bạch cầu nhận dạng và phá hủy các dị vật xâm nhập cơ thể.

Vậy vì lý do gì, những người hiện đại tồn tại vào thời điểm sau này (khi người Neanderthal đã hoàn toàn biến mất) lại có những kháng thể bạch cầu dạng này? Câu trả lời đã được các nhà di truyền học đưa ra đó chính là sự kết hợp giữa người hiện đại và người Neanderthal đã giúp các thế hệ sau này có mang gien và kháng thể kết hợp. Sự xuất hiện các gien và kháng thể vượt trội ở người Neanderthal được lý giải là bởi họ đã sống ở những vùng đất khắc nghiệt hơn bên ngoài lục địa châu Phi hơn 200.000 năm trước khi tiếp xúc với loài khác, và phải chống chọi trước sự tấn công của nhiều loại bệnh mà người hiện đại khi đó chưa từng đối mặt.

Sự biến mất bí ẩn và tham vọng hồi sinh

Không hề xảy ra thiên tai, thảm họa hay bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, song cộng đồng người Neanderthal lại biến mất một cách đột ngột. Sự biến mất này vẫn được xem là một điều bí ẩn trong hàng nghìn năm qua mà không một ai có thể đưa ra lời lý giải. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge (Anh) về lịch sử quá trình tiến hoá và phát triển của loài người đã phát hiện: Cùng thời điểm sinh sống của người Neaderthal 300.000 năm về trước, những con người hiện đại đầu tiên (Homo Sapien) cũng bắt đầu xuất hiện ở châu Phi - nơi vẫn được xem là cái nôi của loài người trên Trái Đất. Những con người hiện đại đầu tiên bắt đầu di cư tới các vùng đất của châu Âu và phát triển nhanh chóng, với số lượng gấp 10 lần dân số người Neanderthal.

Bi kịch bắt đầu xảy ra khi người Neanderthal không thể tìm kiếm được đủ lượng thức ăn từ việc săn bắn và hái lượm. Trong suốt những mùa đông dài lạnh giá, nguồn thức ăn cạn kiệt và bị chia sẻ khiến cho cộng đồng người phải cạnh tranh nhiều hơn để có thể tồn tại. Người Neanderthal dường như gặp nhiều khó khăn hơn, số lượng người Neanderthal cũng bắt đầu giảm đi một cách đáng kể và biến mất hoàn toàn vào khoảng 40.000 năm trước.

Một giả thuyết hết sức rùng rợn về sự diệt vong của người Neanderthal được đề xuất: người Homo Sapien đã “chén sạch” họ. Theo đó, khi người Homo Sapien trải khắp khu vực châu Âu và châu Á, địa bàn lúc đó của người Neanderthal, người cổ đại đã liệt anh em ít thông minh hơn vào nhóm một trong những thực phẩm… ăn được, và tất nhiên là đối thủ truyền kiếp. “Những kẻ xâm lược ngoài hành tinh” đã thống trị địa bàn sinh sống, lấn át hoàn toàn số lượng ít ỏi người Neanderthal và cuối cùng khiến họ tuyệt chủng.

Cho tới khi công nghệ gien được đưa vào trong nghiên cứu khảo cổ học, nhờ phân tích gien từ những di tích bộ xương hoá thạch, các nhà khoa học ngày nay mới bắt đầu tìm ra nguyên nhân thực sự. Kết quả nghiên cứu ADN đã cho thấy: có sự pha trộn gien giữa người hiện đại sống ở châu Á và châu Âu với gien của người Neanderthal. Tỷ lệ pha trộn khoảng từ 1/10 đến 4/10 gien của người Neanderthal. Như vậy, bí mật đã được hé mở: chính sự pha trộn dòng máu giữa người Neanderthal và người hiện đại đã dẫn đến sự biến mất của cộng đồng người Neanderthal.

Giải mã thành công bí ẩn về người cổ đại Neanderthal, giới khoa học tiếp tục tham vọng lớn hơn trong những nghiên cứu về chi người này. Cuối tháng 2/2014, giáo sư George Church đến từ Đại học Harvard bất ngờ tuyên bố ông có thể tái dựng ADN của người cổ đại Neanderthal và làm hồi sinh chi người đã tuyệt chủng này. Giáo sư Church cho hay, quá trình phân tích của ông đối với mã gien của người Neanderthal thông qua các mẫu xương hóa thạch đã hoàn tất, đủ để tái dựng ADN của họ. Nhà nghiên cứu này tuyên bố chỉ cần “một phụ nữ ưa mạo hiểm” là đủ.

Dự án của giáo sư Church dự kiến bắt đầu bằng việc tái tạo ADN của người Neanderthal dựa vào mã gien phát hiện trong hóa thạch. Ông sau đó sẽ đưa ADN này vào các tế bào gốc, và cấy ghép chúng vào các tế bào của một phôi thai người ở giai đoạn đầu phát triển. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những tế bào gốc sẽ chỉ đạo sự phát triển của phôi thai lai theo giống người Neanderthal, chứ không phải giống người hiện đại. Sau khi sinh trưởng trong phòng thí nghiệm vài ngày, phôi thai “thiên về Neanderthal” sẽ được cấy ghép vào tử cung của một phụ nữ tình nguyện.

Giáo sư George Church quả quyết rằng người Neanderthal không phải là sinh vật ù lì, mà rất thông minh, thậm chí hơn cả người hiện đại. Bộ não của họ có kích thước tương đương người hiện đại và họ cũng đã chế tạo được các công cụ thô sơ. Ông tin tưởng dự án của mình có thể hữu ích cho nhân loại. Tuy nhiên, nó đã làm bùng nổ một cuộc tranh cãi gay gắt trong giới khoa học. Về lý thuyết, tham vọng của ông là khả thi mặc dù việc nhân bản người là tội ác. Ngoài ra, dự án của giáo sư Church tân tiến đến mức nó có thể nằm ngoài quy phạm của các luật hiện hành. Một số chuyên gia thậm chí lo ngại, người thiên về chi Neanderthal có thể thiếu khả năng miễn dịch với các căn bệnh hiện đại để sống sót. Số khác lại e sợ quá trình hồi sinh chi người đã tuyệt chủng có thể dẫn tới sự dị dạng, và khiến cuộc sống của “chúng ta bây giờ” bị đảo lộn hoàn toàn…

Trần Quân - Anh Doãn
.
.