Sông có khúc, tiền có lúc

Thứ Sáu, 18/04/2008, 16:45
Thế giới trong tháng 3 tiếp tục phải chứng kiến đồng USD không ngừng suy yếu, bất chấp không ít những nỗ lực cứu vãn tình thế của Washington. Một khi nền kinh tế Mỹ còn phải ngấp nghé nguy cơ suy thoái như hiện nay thì số phận của đồng dollar rất khó có thể trở nên khả quan.

 Tên gọi bí ẩn

Từ "dollar" xuất hiện từ trước khi trở thành danh từ chỉ đơn vị tiền tệ Hoa Kỳ từ rất lâu. Cho đến nay cũng không ai biết đích xác xuất xứ của từ này ở đâu cũng như xuất xứ của ký hiệu $. Giả thuyết quen thuộc về xuất xứ của đồng dollar được kể như sau: Cơ sở để đặt ra thuật ngữ mới là joachimsthaler (đồng xu bạc) được làm ở thành phố Joachim của xứ Bohemia (nay thuộc CH Czech).

Trong tiếng Anh, từ "thaler" được dùng để chỉ không chỉ đồng xu bạc đó mà cả đồng peso của Tây Ban Nha và đồng real của Bồ Đào Nha, cũng như để chỉ những đồng xu bạc lớn tương đương với đồng joachimsthaler về trọng lượng và kích cỡ.

Những đồng tiền này từng được lưu hành tự do tại các vùng thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ, về sau tụ lại thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Giả thuyết này thực ra vẫn còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Nếu tin vào giả thuyết đó thì làm sao giải thích được việc từ dollar đã có mặt trong vở kịch "Macbeth" của đại văn hào Anh William Shakespeare. Vở kịch "Macbeth" được dựng lần đầu vào năm 1611, tức là 9 năm trước khi con tàu Mayflower chở các nhà thực dân Anh đầu tiên đi sang châu Mỹ.

Tồn tại một giả thuyết khác cho rằng, người Mỹ đã lấy tên gọi cho đồng tiền của mình không phải từ tiếng Anh hay tiếng Đức mà từ vùng Scadinavia. Có giả thuyết nói rằng từ dollar xuất xứ từ tên gọi của đồng tiền Hà Lan…

Trong bất luận trường hợp nào thì cũng phải công nhận một điều: chỉ riêng ở Mỹ mới sử dụng từ dollar để chỉ đơn vị tiền tệ chính thức. Tờ USD giấy đầu tiên được in vào năm 1785. Xuất xứ của ký hiệu $ để chỉ đồng dollar cũng đầy bí ẩn. Theo giả thuyết chính thức, cơ sở của ký hiệu $ là đồng peso của Tây Ban Nha…

Hình hài đa dạng

Mỗi ngày tại Mỹ phát hành gần 35 triệu tờ bạc có mệnh giá khác nhau với tổng số tiền là 635 triệu USD. 95% số giấy bạc được in hàng năm được sử dụng để thay thế những tờ bạc cũ đã hư hỏng. Năm 2005, giá thành của một tờ bạc dollar khoảng 5,7 cent.

Tờ bạc có mệnh giá lớn nhất (100 nghìn USD) được phát hành năm 1934. Những tờ bạc lớn như thế không bao giờ được trao cho người tiêu dùng bình thường mà được sử dụng để thanh toán giữa các cơ quan tài chính nhà nước.

Tờ bạc 100 nghìn USD vẫn là tờ bạc có mệnh giá cao nhất hiện nay. Những tờ bạc 500 USD, 1 nghìn USD, 5 nghìn USD và 10 nghìn USD được phát hành trước năm 1946, còn từ năm 1967 trở đi, đã bị loại khỏi lưu thông. Tuy thế, tất cả những tờ USD đã được nước Mỹ phát hành từ trước tới nay danh chính ngôn thuận vẫn là phương tiện thanh toán hợp pháp.

Mô hình cơ sở của các đồng USD được chính thức thông qua năm 1928. Trên các tờ USD thường có hình các nhà lãnh đạo quốc gia của Mỹ: vị Tổng thống đầu tiên George Washington trên tờ 1 USD; vị Tổng thống thứ ba Thomas Jefferson - trên tờ 2 USD; vị Tổng thống thứ 16, giành chiến thắng trong nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam nước Mỹ, Abraham Lincoln trên tờ 5 USD; một trong những vị khai quốc công thần của Hoa Kỳ, vị Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Mỹ, Alexander Hamilton - trên tờ 10 USD; vị Tổng thống thứ bảy và một trong những tác giả của đồng dollar hiện đại Andrew Jackson - trên tờ 20 USD; vị Tổng thống thứ 18, anh hùng nội chiến Ulysses Grant - trên tờ 50 USD; nhà bác học, nhà ngoại giao Benjamin Franklin - trên tờ 100 USD.

Trên các tờ ngân phiếu trị giá 500 USD có in hình Tổng thống William McKinley; trên các tờ ngân phiếu trị giá 1.000 USD - Tổng thống Grover Cleveland; trên các tờ ngân phiếu trị giá 5.000 USD - Tổng thống James Madison; trên các tờ ngân phiếu mệnh giá  10.000 USD - người lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Lincoln, về sau trở thành Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, ông Salmon Chase.

Chính ông Chase là người đầu tiên đã chỉ đạo in lên trên đồng tiền Mỹ câu "In God We Trust" (chúng ta trông cậy ở Chúa) - câu này bắt đầu được khắc lên tiền xu 2 cent năm 1864. Trên giấy bạc Hoa Kỳ câu đó xuất hiện từ năm 1957, còn từ năm 1963 đã thường xuyên được sử dụng.

Một chi tiết thú vị là trên đồng 1 USD phát hành năm 1863 không in hình Tổng thống Washington mà là chân dung của ông Chase. Trên mặt sau của tờ giấy bạc này có những hình ảnh minh họa lịch sử nước Mỹ.

Trên tờ giấy bạc 2 USD (khá hiếm gặp) có in hình ký Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ; còn trên tờ giấy bạc 5 USD có hình khu tưởng niệm Tổng thống Lincoln ở thủ đô Washington.

Trên giấy bạc 10 USD có hình trụ sở Bộ Tài chính Hoa Kỳ; trên tờ 20 USD là hình Nhà Trắng, còn trên tờ 50 USD là hình Trụ sở Quốc hội trên đồi Capitol. Trên tờ 100 USD là hình tòa nhà Independence Hall ở Philadelphia, nơi diễn ra lễ ký Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ…

Kỹ nghệ in để chống làm giả

Những người có trách nhiệm với đồng USD ngay từ đầu đã rất chú trọng tới kỹ nghệ chống làm giả tiền Mỹ. Chỉ có một công ty được quyền làm ra loại giấy để in USD và công ty này bị cấm bán loại giấy đó cho bất cứ một ai khác ngoài chính quyền liên bang. Mực in USD là tối mật của Ủy ban Chạm khắc và In ấn Hoa Kỳ.

Từ năm 1990 ở Mỹ đã bắt đầu phát hành những tờ USD được gia tăng bảo vệ nhờ cách in tinh vi và những sợi chỉ chìm. Năm 1996, đồng USD còn được gia tăng bảo vệ.

Năm 2003 xuất hiện mẫu tờ 20 USD mới; năm 2004, xuất hiện mẫu tờ 50 USD mới, còn năm 2005 - mẫu tờ 100 USD mới; năm 2006, mẫu tờ 10 USD mới. Đầu năm 2008 đã xuất hiện mẫu tờ 5 USD mới.

Để chống lại những kẻ làm tiền giả một cách có hiệu quả, người Mỹ đề ra kế hoạch 7-10 năm một lần thay đổi mẫu giấy bạc. Đồng dollar được sản xuất tại hai nhà máy nằm ở bang Texas (Fort Wort, việc in tiền ở đây được bắt đầu từ năm 1991) và ở thủ đô Washington.

Tại các nhà máy này có gần 2.800 công nhân làm việc. Mỗi ngày họ sử dụng khoảng 18 tấn mực để in USD.--PageBreak--

Khối lượng chuẩn của từng tờ bạc, không phụ thuộc vào mệnh giá của nó, khoảng 12 gr. Loại giấy dùng để in dollar có thành phần là sợi lanh (25%) và sợi bông (75%). Loại giấy này được tăng cường độ dai bằng các sợi tổng hợp (trước chiến tranh thế giới thứ nhất vai trò này thuộc về sợi lụa). Để giấy bạc USD hỏng và không sử dụng được nữa, phải gấp đi gấp lại nó khoảng 4 nghìn lần.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, hiện nay có khoảng 99% số lượng USD (tiền giấy và tiền xu) đã được phát hành đang nằm ngoài thị trường tự do. Trong giai đoạn từ năm 1995 tới năm 2005, tổng số tiền dollar đang lưu hành tăng thêm 89% và đạt tới con số 758.8 tỉ USD.

Tính tới ngày 30/9/2006, trên thế giới đã tồn tại số lượng tiền dollar lên tới 971 tỉ 922 triệu 146 nghìn 480 USD, trong đó có 790 tỉ 556 triệu 011 nghìn 806 USD lưu hành ngoài thị trường tự do. Loại dollar phổ biến nhất là loại có mệnh giá 100, 20 và 10 USD.

Sông có khúc, tiền có lúc

Không có một nền kinh tế nào và không có một đồng tiền quốc gia nào có thể ổn định luôn luôn. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, bao giờ cũng có thể suy thoái. Hiện nay đồng dollar đang trong giai đoạn không ngừng suy giảm.

Trước đó, đồng dollar đã có một giai đoạn gia tăng mạnh mẽ: trong những  năm 1990, đồng dollar đã tăng giá trị so với 34 đồng tiền chính trên thế giới tới 28%. Trong giai đoạn từ tháng 5/1995 tới tháng 2/2002, sức mua của đồng dollar tăng tới 50%.

Trước đó, từ tháng 3/1985 tới tháng 12/1987, tỉ giá của đồng dollar đã giảm mạnh tới mức sinh ra những tin đồn về việc kết thúc: "kỷ nguyên USD" trên thị trường tài chính quốc tế.

Năm 1985 chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan đã lập ra đồng dollar yếu. Để đạt được mục tiêu này, Washington đã nhận được sự ủng hộ của các nước công nghiệp phát triển (nhóm G-5, nay là G-8) và bắt đầu quá trình giảm giá trị của đồng dollar so với các đồng tiền chính trên thế  giới.

Thế là chỉ trong vòng hai năm, đồng dollar đã tụt xuống tới 50% so với đồng mark Đức và đồng yên Nhật Bản. Kết quả là xuất khẩu của Mỹ trong thời gian đó đã tăng thêm 22,2%.

Thực tế cho thấy, đôi khi sự dao động của tỉ giá đồng dollar so với các đồng tiền chủ  đạo trên thế giới xuất hiện còn do việc ký kết các thỏa thuận nhiều bên giữa các cường quốc kinh tế.

Thí dụ như năm 1978 tại Tokyo đã ký thỏa thuận giảm thuế quốc tế. Trước khi có thỏa thuận này, xuất khẩu của Mỹ không ngừng tăng, còn tỉ giá đồng dollar giảm. Sau khi thỏa thuận trên được ký, bắt đầu một quá trình ngược lại: đồng dollar tăng, nhưng xuất khẩu của Mỹ lại giảm tương ứng. Chính sách đồng dollar yếu của ông Reagan đã ngăn chặn xu thế này  nhưng chỉ trong một thời gian không dài.

Năm 1987, các nước công nghiệp phát triển (lúc đó là G-6) đã thống nhất làm chậm quá trình giảm tỉ giá đồng dollar. Việc đồng dollar trở nên mạnh hơn đã giúp thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, xu thế giảm tỉ giá đồng dollar lại bắt đầu từ cuối năm 2000.

Một số chuyên gia cho rằng, việc đồng dollar đang bị giảm tỉ giá hiện nay có hai lý do tại Mỹ: thâm hụt ngân sách lớn và nhập siêu cao. Tất nhiên, cũng có quan điểm khác. Thí dụ, theo ông Alan Reynolds, chuyên viên cao cấp Viện Cato, thâm hụt ngân sách Mỹ hiện vẫn thấp hơn so với Nhật Bản và Đức. Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO), đại đa số các quốc gia châu Âu cũng bị nhập siêu cao…

Theo nhà phân tích tài chính nổi tiếng Robert Amauelson, hiện không có lý luận khoa học nào giúp xác định rõ ràng số phận đồng dollar trong tương lai. Lý do đơn giản: không có đủ dữ liệu để phân tích. Theo đó, trên thế giới không có một trung tâm tài chính nào có thể giúp xác định được số phận  các đồng tiền và nền kinh tế các quốc gia.

Thực tế cho thấy, chỉ có một lý do duy nhất chắc chắn có thể ảnh hưởng được tới sự phổ biến của đồng dollar trên thế giới: đó là tỉ lệ lạm phát cao ở Mỹ

Như Thủy
.
.