Robot đại chiến

Thứ Hai, 11/08/2014, 11:00
Trong tương lai robot sẽ cứu rỗi hay hủy diệt nhân loại? Chủ đề này đã ám ảnh không chỉ một thế hệ các nhà văn khoa học viễn tưởng, các nhà dự báo tương lai và các nhà kinh tế học từ giữa thế kỷ trước, làm xuất hiện không chỉ những xu thế thời thượng mà còn cả một thể loại văn học và điện ảnh riêng. Theo trang web pravda.ru, hiện nay, câu hỏi trên lại tái xuất giang hồ bởi lẽ, những mô hình người máy mới đang khiến chúng ta phải kinh ngạc bởi những kỹ năng thực sự siêu việt...

“Nhân công rẻ nhất - người máy Rossum!”, “Robot nhiệt đới mới! 150 USD một con”, “Ai cũng nên mua cho mình một người máy!”, “Muốn làm giảm giá thành? Hãy sử dụng robot Rossum!” - những yêu cầu này hiện mới chỉ tồn tại trong tác phẩm của nhà văn Czech, Karel Capek (1890-1938). Tuy nhiên, trong tương lai không xa, có thể chúng sẽ xuất hiện trên màn ảnh nhỏ ở nhiều quốc gia...

Thực tế là danh từ robot xuất hiện đầu tiên là ở kịch bản “R.U.R” (Rossumovi uneverzalni roboti) mà Karel Capek hoàn thành vào mùa xuân năm 1920. Robot trong tiếng Czech là công nhân. Có vẻ như Capek chẳng nghĩ ra được thuật ngữ gì mới nhưng rồi sau khi kịch bản này được chuyển thể thành phim và công chiếu tại nhiều quốc gia, từ robot đã trở thành quen thuộc để chỉ những loại máy có thể thực hiện một công việc nào đó một cách tự động. Trong cách nhìn hiện đại, robot được định nghĩa như một tác nhân cơ khí, nhân tạo, ảo, thường là một hệ thống cơ khí - điện tử. Từ điển mở Wikipedia cho rằng, với sự xuất hiện và chuyển động của mình, robot cho người ta cảm giác rằng nó có giác quan giống con người. Từ robot thường được hiểu với hai nghĩa: robot cơ khí và phần mềm tự hoạt động. Hiện nay trong lĩnh vực người máy, Nhật Bản đang là quốc gia đi đầu trên thế giới...

Trước Capek, đã từng có không chỉ một tác giả viết về người máy nhưng chúng được mô tả chủ yếu như những hệ thống kim loại khổng lồ vụng về. Còn qua cách nhìn của Capek, robot gần như không khác mấy so với người thực. Trong bộ phim khoa học viễn tưởng Xôviết Hành tinh giông tố được quay năm 1961 theo cốt truyện tiểu thuyết của nhà văn Aleksandr Kazantsev, người máy John được tạo nên đúng theo cách hình dung trên để rồi những  nhà sáng chế trẻ tuổi ở Liên Xô đã lắp ghép nên những robot với hình dạng y như thế. Những người máy sơ khai này chỉ có khả năng cử động tối thiểu và nói chung, cùng lắm cũng chỉ được sử dụng vào việc hù dọa người nhát gan thôi...

Chú robot Alfa mà giáo sư vật lý Harry May sáng chế năm 1968 ở London nặng tới hai tấn, đầu hình chóp và đôi mắt bị che bởi cặp kính kỳ dị là hai miếng kim loại tròn có vô số những lỗ nhỏ. Alfa có cái mũi to và thẳng của dân thành Rome, với cặp môi mím. Ở hai bên đầu robot này có hai cái tai to với microfon gắn chặt. Tay chân nghều ngào. Bên trong cái lỗ lớn ở ngực lấp ló “hạt nhân” - các dây dẫn và động cơ servo. Robot Alfa có thể ngồi xuống, đứng lên, giơ tay lên cao, hạ tay xuống và cử động các ngón tay... Thêm vào đó, nó còn có thể bắn súng ngắn và bắn trúng đích từ khoảng cách 20 m. Hơn thế nữa, Alfa còn có cả năng khiếu âm nhạc: nó biết huýt sáo và hát! Tuy nhiên, loại robot này chỉ hữu dụng khi được đem đi trưng bày trong các cuộc triển lãm. Nó tiêu thụ năng lượng từ bên ngoài, tức là phải cắm vào ổ điện. Và nó cũng chỉ có thể chuyển động ở trên nền bằng phẳng. Nó bị tê liệt trước bất cứ một sự mấp mô nhỏ nào. Và nếu bị ngã thì nó sẽ không thể tự đứng dậy được nữa...

Phải nói rằng công nghệ chế tạo người máy trong những thập niên qua đã đạt được những sự tiến bộ to lớn. Hiện nay, không ai ngạc nhiên nữa trước các nhà máy không có cửa sổ, nơi làm việc của những người máy thực sự trong không gian tối đen như mực, chỉ thỉnh thoảng lấp lánh ánh lửa hàn. Đó chính là những robot cơ khí có thể thay thế con người hoàn toàn dù trông không hề giống người thật. Tức là các kỹ sư sáng chế đã đi theo con đường chuyên môn hóa các bộ phận tự động và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, không hề có ai từ chối những nỗ lực chế tạo robot giống hệt như người, dù những mô hình kỳ dị như người máy John và Alfa đã từ lâu trở thành tàn dư của quá khứ...

Và cách đây không lâu đã có tin mừng từ hãng DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency) quen thuộc. DARPA là một công ty của Bộ Quốc phòng Mỹ, chuyên về nghiên cứu và chế tạo vũ khí mới, công nghệ mới. Theo tin từ DARPA, ngày 5 và 6-6-2015 sẽ tập hợp các đội tuyển quốc tế ở Pomona (thành phố lớn thứ bảy của Los Angeles, bang California) để tham gia các cuộc thi chung kết  DARPA Robotics Challenge (DRC). Giải thưởng trị giá 2 triệu USD sẽ được trao cho đội nào có mô hình robot hoàn hảo nhất. Đó không được là “con la cơ khí” hay cánh tay tự động để hàn xe hơi. Mẫu robot thắng cuộc phải là loại trông y như người, có thể giúp chúng ta làm việc một cách hiệu quả tại các khu vực gặp thiên tai hay thảm họa kỹ nghệ...

Mục tiêu của DRC là phát triển quá trình cạnh tranh giữa con người với robot. Tức là trong lĩnh vực chế tạo những “con người cơ khí” hoàn hảo đến mức có thể cùng chung vai sát cánh làm việc với người mà không gây ra thêm một sự phiền nhiễu nào nữa. Hiện nay những đội dự tính tham gia tranh tài vào mùa hè tới ở Mỹ chuẩn bị lực lượng để có thể chiếm những vị trí cao nhất. Các đội này đều nằm trong biên chế của những hãng chế tạo máy móc tự động tiên tiến nhất thế giới... Họ đang cố gắng đẩy nhanh các thử nghiệm trang thiết bị và lập trình cho hoạt động của những robot siêu hiện đại, sẽ tham gia trải nghiệm các bài thi của DARPA trong điều kiện hợp đồng tác chiến với con người thực. TS Gill Pratt, lãnh đạo chương trình của DRC, tiết lộ: “Chúng tôi đã hiểu ra rằng, một nhiệm vụ như thế hiện nay mang tính thời sự rất cao. Chúng tôi đã từng thử nghiệm các loại robot khác nhau và những chỉ số ấn tượng đạt được cho phép chúng tôi tin rằng, đã tới thời điểm nâng cao mức thử thách. Sau một năm, ở vòng chung kết DRC, chúng tôi sẽ đẩy công nghệ tiến còn xa hơn nữa...”.

Các nhà tổ chức cuộc đua tài DARPA Robotics Challenge cho rằng, dù các nhiệm vụ ở vòng chung kết DRC cũng giống như những nhiệm vụ từng được giao cho robot trước đây nhưng sẽ được bổ sung hàng loạt các chi tiết mới. Vì thế nên những robot vận động viên cũng như các nhà nghiên cứu thiết kế, cải tiến chúng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng được các tiêu chí mới, cao hơn trước rất nhiều. Thí dụ, các robot này sẽ không được nuôi bằng nguồn điện lấy từ bên ngoài nữa mà phải hoàn toàn “tự cung tự cấp” trong quá trình hoạt động. Chúng sẽ chuyển động tự thân mà không cần nhớ bất cứ một đường dây điện nào nối chúng tới ổ cắm...

Các chuyên gia phụ trách các robot tham gia thi sẽ bị cấm can thiệp vào cuộc khi robot bị ngã hay mắc kẹt. Những chú robot không may sảy chân nằm xuống sẽ phải tự mình đứng dậy và tiếp tục hoạt động không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Và nếu chúng không làm được như thế thì đấy sẽ là vấn đề đối với các nhà thiết kế chế tạo ra chúng! Và hiển nhiên là trong trường hợp này, họ cùng con đẻ công nghệ của mình sẽ không thể được nhận giải thưởng 2 triệu USD. Còn nếu robot không may bị ngã rồi tự trở dậy và tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao thì đây sẽ là phần cộng điểm cho chúng!

Một yếu tố quan trọng nữa trong đánh giá chất lượng robot trong cuộc thi DARPA Robotics Challenge là tốc độ hành động của người máy. Tất cả những nhiệm vụ đã được giao cho robot phải được thực hiện hoàn tất trong tổng lượng thời gian chung không quá một giờ (so với đòi hỏi bốn giờ ở các cuộc thử nghiệm trước của DRC).

Để giải quyết các nhiệm vụ trong khoảng thời gian đã định như trên đòi hỏi phải hoàn thiện tất cả các mẫu robot đang tồn tại hiện nay theo nhiều hướng, trong đó có cả lĩnh vực chế tạo các bộ interface (giao diện) mới có thể sử dụng để điều khiển robot. Các nhà tổ chức DARPA Robotics Challenge cho rằng, những hướng nghiên cứu này hiện đang trong giai đoạn phôi thai nhưng hy vọng rằng sau vòng chung kết DRC sẽ có thể thấy những bước tiến bộ rõ rệt...

Hiện nay đã có danh sách hàng loạt đội lọt vào vòng chung kết mùa hè năm 2015 trên cơ sở cộng những điểm mà họ đạt được trong quá trình đua tài từ tháng 12/2013 đến nay. Một số đội trong đó có thể được nhận thêm tiền tài trợ nghiên cứu từ DARPA. Đội giành được vị trí đầu tiên là đội SCHAFT. Tuy nhiên, đội này đã quyết định rời bỏ cuộc chơi để tập trung sức lực vào việc hoàn thiện đứa con thương mại đầu tiên của mình. Một thành viên khác của vòng chung kết là đội THOR, trong quá trình tham gia thi đã kịp “Nhân đôi” thành hai đội: một đội mang tên Nổi trội, nằm lại trong biên chế Đại học Công nghệ Virginia, còn đội khác, vẫn mang tên cũ là THOR, hiện đã đầu quân về Đại học California ở Los Angeles. Tất cả các đội có tên trong vòng chung kết, trừ đội KAIST, đều được nhận tài trợ từ  DARPA...

Theo ban tổ chức, ngoài 11 đội của Mỹ, trong vòng chung kết sẽ có thêm một số đội mới tới từ Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cho tới nay vẫn có thể đăng ký tham gia dự thi trên trang web của  DARPA  mà không phải lo một hạn chế nhân tạo nào... Đó sẽ là một cuộc đại chiến náo nhiệt của các mẫu người máy tân tiến nhất...

Phùng Long
.
.